Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ý nghĩa của việc tìm hiểu văn hóa chính trị của các Đảng Cộng Sản ở khu vực Nam Á

Ý nghĩa của việc tìm hiểu văn hóa chính trị của các Đảng Cộng Sản ở khu vực Nam Á

03:56 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Văn hóa là những giá trị vật chất và tinh thần do loài người sáng tạo. Từ khi xã hội có giai cấp, phát sinh áp bức bóc lột thì văn hóa chính trị là công cụ đấu tranh tinh thần nhằm xóa bỏ bất công, giải phóng con người khỏi áp bức bóc lột, mang lại cuộc sống tự do, bình đẳng, bác ái, hạnh phúc. Trong tiến trình hướng tới mô hình chủ nghĩa xã hội khoa học hiện thực thì văn hóa là sự hướng đạo các giá trị phổ quát giàu tính nhân bản, theo dự báo tiên đoán chính trị được chủ nghĩa Mác - Lênin soi rọi. Và trong dòng chảy nghìn năm của văn hóa Việt Nam, văn hóa chính trị hiện đại vượt lên tiên phong, dẫn hướng cho tương lai dân tộc. Ở Việt Nam, văn hóa chính trị thời hiện đại được kế thừa, tiếp biến trên nền tảng truyền thống yêu nước, thương nòi, tự lực, tự cường, cần cù, sáng tạo trong tiến trình dựng nước và giữ nước. Danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh là nhịp cầu nối giữa văn hóa chính trị truyền thống với văn hóa chính trị hiện đại, định hướng và mở ra chân trời tương lai tươi sáng cho dân tộc Việt Nam. Đời sống văn hóa ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy, nhiều chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành. Văn hóa đã góp phần quan trọng nâng cao dân trí, dân chủ hóa đời sống xã hội, nâng cao tính năng động sáng tạo, tự chủ và tính tích cực xã hội của con người, hình thành các nhân tố mới, giá trị mới của con người Việt Nam.

Từ đầu thế kỷ XXI đến nay, trong bối cảnh quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức nổi lên ngày càng gay gắt, các đảng cộng sản, công nhân trên thế giới vẫn đang tiếp tục nỗ lực củng cố tổ chức và lực lượng, ngày càng mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế và nâng cao vai trò, ảnh hưởng trong đời sống chính trị - xã hội các nước. Các đảng cộng sản, công nhân trên thế giới hiện nay đều đã thiết lập và đang duy trì các quan hệ song phương khá chặt chẽ với nhiều đảng khác trong phong trào. Ngoài các đảng cộng sản, công nhân cầm quyền ở Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Cuba, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, nhiều đảng khác cũng có quan hệ rộng rãi với các đảng cộng sản, công nhân trên thế giới. Các hình thức quan hệ chủ yếu giữa các đảng là trao đổi đoàn, trao đổi thông tin, tài liệu, chia sẻ kinh nghiệm, dự đại hội, tham dự các hội thảo, diễn đàn,... Gần đây, một số đảng quan tâm đến việc trao đổi lý luận.

Trên bình diện đa phương, cùng với sự khôi phục dần dần quan hệ giữa các đảng cộng sản, công nhân, cuối những năm 90 của thế kỷ XX, nhiều cơ chế, diễn đàn đa phương của các đảng cộng sản, công nhân quốc tế đã được hình thành với nhiều hình thức đa dạng, trong đó có cả các cơ chế hoạt động định kỳ và các hội nghị, hội thảo chuyên đề. Nhiều diễn đàn thường niên đã trở thành các diễn đàn có quy mô thế giới, quy tụ được sự tham dự của đông đảo các đảng cộng sản, công nhân từ khắp các châu lục trên thế giới. Bên cạnh các cơ chế định kỳ, các đảng cộng sản, công nhân thế giới đã tổ chức được nhiều cuộc gặp, hội nghị, hội thảo khoa học theo các chủ đề chuyên biệt, trao đổi về những vấn đề cấp bách nổi lên trong tình hình thế giới, khu vực và phong trào cộng sản, công nhân quốc tế. Sự đa dạng của các hình thức liên kết, tập hợp giữa các đảng cộng sản, công nhân trên thế giới đã giúp tạo lập các kênh thúc đẩy quan hệ song phương phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thiệp giữa các đảng. Đó là tiền đề cho sự phát triển riêng của mỗi đảng và việc tăng cường phối hợp, hợp tác chung giữa các đảng trong phong trào. Từ các hoạt động đối ngoại giữa các đảng cộng sản, công nhân trên thế giới, có thể thấy sự liên kết, phối hợp giữa các đảng cộng sản, công nhân trên phạm vi quốc tế ngày càng được đẩy mạnh.

Điểm chung của các Đảng Cộng Sản ở khu vực Nam Á là có chính sách đối nội ôn hòa, đối ngoại cân bằng, hợp lý và linh hoạt. Các đảng nhận được sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo quần chúng do đã đấu tranh trực diện với những vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng đặt ra của đất nước, thuyết phục được một bộ phận quan trọng của cử tri. Đặc điểm quan trọng nữa là các đảng này đề có mối thiện cảm đối với Việt Nam, luôn tìm cách ủng hộ Việt Nam trên mọi diễn đàn, tìm cách kết nối, giao lưu, hợp tác với các đối tác của Việt Nam.

Tại Kerala, miền Nam Ấn Độ, nơi được gọi là Thiên đường Cộng sản, có tới 35 triệu dân luôn tin tưởng bầu cho Đảng Cộng Sản trong suốt gần 7 thập kỷ. Nhiều chuyến thăm hỏi, công tác, trao đổi đoàn giữa lãnh đạo cấp cao và đại diện các tổ chức của Việt Nam đã tới bang Kerala để tăng cường đoàn kết, giao lưu, học hỏi, trao đổi đoàn. Trong tương lai, cần thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác giữa các đối tác Việt Nam với bang Kerala, và các bang khác có Đảng Cộng Sản tham gia trong liên minh cầm quyền.

Văn hóa chính trị của những Đảng Cộng Sản này có nhiều điểm tương đồng với văn hóa chính trị Việt Nam, đó là tin tưởng vào chủ nghĩa Mác, Lênin, Ăng-ghen, và tư tưởng Hồ Chí Minh. Một số Đảng Cộng Sản loại trừ tư tưởng của chủ nghĩa Mao ra khỏi các tài liệu lý luận của Đảng. Ngoài ra, các quốc gia này cũng là nơi sản sinh ra Phật giáo (Ấn Độ, Nepal), còn lưu giữ nhiều thắng tích Phật giáo và thu hút nhiều tín đồ Phật giáo, trong đó có tín đồ từ Việt Nam, tới thăm quan, tu học. Với nền tảng chính trị tương đồng, và cùng chung một số tín điều trong tôn giáo, việc xây dựng mối quan hệ hợp tác, tương hỗ chiến lược giữa các Đảng Cộng Sản ở Nam Á với Đảng Cộng Sản Việt Nam là hoàn toàn khả thi và mang lại nhiều triển vọng tốt đẹp.

Chú thích ảnh: Đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ trao thư chúc mừng cho Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Ấn Độ, tháng 12/2020

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn:

Cùng chuyên mục