Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ hạn chế thông tin sai về vắc-xin

Ấn Độ hạn chế thông tin sai về vắc-xin

Với những đột phá về vắc-xin, nhiều quốc gia trong đó có Ấn Độ đang chuẩn bị cho các đợt tiêm chủng ngừa COVID-19. Vấn đề hậu cần và chuỗi cung ứng vẫn là những thách thức lớn nhất đối với việc tiêm chủng hàng loạt ở quy mô lớn chưa từng có trên thế giới. Bên cạnh đó, một thách thức khác ít được tranh luận nhưng có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đối với quá trình tiêm chủng, đó là nạn thông tin sai.

03:10 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Trước khi quá trình tiêm chủng bắt đầu ở Mỹ và Anh, các nền tảng truyền thông xã hội ở những quốc gia này đã bận rộn trong việc đối phó với nhiều thông tin sai liên quan đến các tác dụng phụ có thể xảy ra, và khả năng vắc-xin không hiệu quả trong việc phòng bệnh. Thúc đẩy xu hướng này là những người theo chủ nghĩa hoài nghi về corona, các nhóm phản đối việc phong tỏa và đeo khẩu trang, và các chính trị gia hàng đầu tiếp tục đánh lừa công chúng về hiệu quả của vắc-xin. Nhân vật mới tham gia trong cuộc xung đột là tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, người có những bình luận chủ quan và thiếu cẩn trọng về vắc xin Pfizer, ví dụ: “nó sẽ khiến mọi người trở thành cá sấu”. Điều này đã thu hút sự chú ý chưa từng có trên các kênh truyền thông xã hội vốn đã luôn bận rộn. Do dự về vắc-xin là một thách thức lớn, thông tin sai về hiệu quả và tác dụng phụ có thể làm chệch hướng các mục tiêu tiêm chủng đại trà đầy tham vọng. Một lượng lớn thông tin sai về COVID-19 đã tạo ra nhiều rào cản trong việc ngăn ngừa đại dịch lây lan nhanh.

Tin giả về nguồn gốc, bản chất và mức độ lan truyền của dịch cũng như những mối đe dọa mà nó gây ra đã ảnh hưởng tới hầu hết mọi quốc gia, dù lớn hay nhỏ. Ví dụ, một nghiên cứu lớn được thực hiện bởi Dự án Niềm tin Vắc-xin (VCP) đã phát hiện ra 240 triệu tin nhắn về COVID-19 vào tháng 3/2020 và hầu hết những tin nhắn này là tin giả và những tin nhắn có động cơ rõ ràng nhằm đánh lừa công chúng. Điều này đã khiến các quốc gia cảnh báo và yêu cầu họ đưa ra những lời giải thích và cảnh báo ngay lập tức tới các kênh truyền thông xã hội.

Tuy nhiên, không có quốc gia nào chịu nhiều thiệt hại vì những thông tin sai liên quan đến đại dịch nhiều hơn Ấn Độ. Ngay sau khi vụ lây nhiễm đầu tiên được ghi nhận vào tháng 1/2020, một loạt tin tức giả từ về nguồn gốc của vi-rút tới phương pháp chữa trị đã tràn ngập mọi phương tiện truyền thông chính, đặt ra thêm thách thức cho các chính phủ vốn đã khó kiềm chế đại dịch toàn cầu. So với nhiều quốc gia bị bủa vây bởi những thông tin sai liên quan đến đại dịch, cuộc khủng hoảng tại Ấn Độ nghiêm trọng hơn nhiều. Điều này phần lớn là do sự phân cực về tôn giáo và chính trị ngày càng tăng của đất nước này và không có các quy định pháp lý để xử lý những kênh truyền thông xã hội phổ biến tin tức giả. Đáng chú ý là với hơn 400 triệu người dùng tích cực các kênh truyền thông xã hội, đặc biệt là Facebook và Twitter, và một số lượng gấp đôi con số này những người có thể truy cập vào Internet và phương tiện kỹ thuật số, Ấn Độ nằm trong tầm ngắm của hầu hết các công ty truyền thông xã hội và công nghệ lớn. Tuy nhiên, so với nhiều quốc gia, người Ấn Độ dễ trở thành con mồi của tin tức giả và thông tin sai hơn.

Để dẫn chứng cho việc thông tin sai đã tạo ra nhiều rào cản đối với cuộc chiến khó khăn của Ấn Độ chống lại đại dịch, hãy xem qua một số sự cố lớn trong 10 tháng đầu năm 2020. Khi Ấn Độ ghi nhận trường hợp COVID-19 đầu tiên vào tháng 1/2020, mạng xã hội của quốc gia này đã chứng kiến sự gia tăng kỷ lục về các loại tin tức giả: Video bị chế, các cuộc phỏng vấn giả và phim tài liệu đáng ngờ bao gồm nhiều khía cạnh về một đại dịch đang bùng phát. Một thông điệp giả mạo nổi bật thu hút nhiều sự chú ý là dùng Vitamin C có thể hạn chế lây nhiễm. Để làm cho video có vẻ đáng tin cậy hơn, một số video giả đã dùng hình ảnh liên quan đến bác sĩ nổi tiếng Devi Shetty.

Tương tự, một loạt tin tức giả mạo, đặc biệt là các video giật gân ủng hộ phương pháp chữa bệnh thần kỳ bằng Gaumutra (nước tiểu bò), bắt đầu xuất hiện trên gần như tất cả các kênh trung gian xã hội nổi bật. Thông tin sai lệch nguy hiểm như vậy đã khiến cơ quan y tế hàng đầu của quốc gia ICMR (Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ) đưa ra lời kêu gọi mọi người không tự ý dùng thuốc. Không chỉ vậy, các nhà chức trách đã phải đưa ra một loạt khiếu nại và thông báo đến các nền tảng báo chí và mạng xã hội để hạn chế những trò đùa giả mạo ngày cá tháng Tư (1/4) về COVID-19. Những cảnh báo này không có bất kỳ tác dụng tích cực nào vì vào tháng 4, một số video có nội dung ám chỉ rằng, Chính phủ Ấn Độ có thể áp dụng luật khẩn cấp và quân đội sẽ tiếp quản.

Tệ hơn nữa là thông tin sai lệch về thực phẩm không chay, đặc biệt là về việc ăn thịt gà và trứng làm lây nhiễm bệnh. Tin tức giả có động cơ nguy hiểm này dễ bị nhiều người tin theo, gây tác hại lớn cho ngành chăn nuôi gia cầm. Tình tiết này đã khiến những người chăn nuôi gia cầm phải tiêu hủy hàng triệu con gia cầm hoặc thả chúng tự do. Theo một ước tính, người chăn nuôi gia cầm đã phải chịu khoản lỗ 20 tỉ rupi Ấn Độ (tương đương 275 triệu USD)

Tuy nhiên, thông tin sai nhất về COVID-19 là sự cố Tablighi Jamaat vào tháng 3/2020. Lễ hội Hồi giáo Tablighi Jamaat gây tranh cãi được tổ chức ở Delhi, dẫn đến sự gia tăng lớn về số ca lây nhiễm COVID-19 ở nước này, khiến nhiều cá nhân và nhóm phổ biến trên mạng xã hội, đặc biệt là các nhóm WhatsApp, lan truyền các video có nội dung và tin nhắn giả mạo mô tả nhóm tham gia lễ hội Hồi giáo trên như một nhóm siêu lây nhiễm. Tương tự, nhiều video và tin nhắn giả trên các kênh truyền thông xã hội, đã cho thấy những người theo nhóm Tablighi trong các trung tâm cách ly đã nhổ nước bọt vào các bác sĩ và y tá với ý đồ làm lây lan dịch bệnh. Điều này dẫn đến nhiều nền tảng truyền thông xã hội và thậm chí cả các chính trị gia và các blogger nổi tiếng đăng lên những thông điệp hashtag trên Twitter “CoronaJihad”, “CoronaVillains” để phỉ báng toàn bộ cộng đồng Hồi giáo vì lỗi của một số ít. Tệ hơn nữa, một số video giả bắt đầu lan truyền trong cộng đồng Hồi giáo, cho thấy rằng Chính phủ Ấn Độ đang âm mưu làm lây nhiễm vi-rút cho thanh niên Hồi giáo trong các trung tâm cách ly. Những tin đồn và các cuộc tấn công nhằm vào nhóm thiểu số đã dẫn đến một loạt các cuộc tấn công bạo lực nhằm vào các nhân viên y tế tuyến đầu ở các thành phố như Indore. Nói tóm lại, Ấn Độ đang ở giai đoạn bị ảnh hưởng nặng nề bởi những tin tức giả và thông tin sai lệch có động cơ đáng ngờ liên quan đến COVID-19.

Cuộc chiến chống lại thông tin sai về vắc-xin

Khi Ấn Độ tiến gần hơn đến các đột phá về vắc-xin và cuối cùng là triển khai tiêm vắc-xin trên toàn quốc, nước này phải tham gia vào cuộc chiến giải quyết các thông tin sai về vắc-xin. Với những khó khăn mà Ấn Độ từng gặp trong quá trình tiêm chủng trước đây, một số lượng lớn dân số khá ngại tiêm chủng, một số người đặc biệt có khả năng sử dụng những lời nói dối, thuyết âm mưu và những lời đồn đại hoang đường về hiệu quả và tác dụng phụ của vắc-xin COVID-19. Xu hướng này đã rõ ràng ở Mỹ, nơi đã đi tiêm chủng cách đây hai tuần. Ngay cả trước khi các nước chế tạo thành công vắc-xin, một cuộc khảo sát của LocalCricles cho thấy con số đáng kinh ngạc là 59% dân số được khảo sát còn do dự hoặc sẽ không vội vàng tiêm vắc-xin ở Ấn Độ.

Trong quá khứ, các đợt tiêm chủng lớn trên toàn quốc, ví dụ chủng ngừa bệnh bại liệt, đã phải gánh chịu hậu quả của thông tin sai và thuyết âm mưu. Ví dụ, những người Hồi giáo ở Uttar Pradesh đã phản đối việc uống vắc-xin phòng bệnh bại liệt vào đầu những năm 2000 vì họ cho rằng nó có thể dẫn đến vô sinh. Tại bang Kerala, việc tiêm phòng bệnh bạch hầu trong cộng đồng người Hồi giáo đã thất bại nặng nề do những tin đồn tương tự vào năm 2016. Cụ thể, chương trình tiêm phòng sởi và rubella (MR) đã bị ảnh hưởng ở Karnataka và Tamil Nadu do thông tin sai rằng, một số chất trong vắc-xin có nguồn gốc từ động vật bị cấm bởi Luật Hồi giáo. Nói tóm lại, cả kinh nghiệm trong quá khứ và hiện tại trong việc chống lại thông tin sai liên quan đến đại dịch là hồi chuông cảnh báo các chính quyền liên bang và các bang thực hiện các bước khẩn cấp để ngăn chặn tin tức giả và sai sự thật về tiêm chủng.

Cách tốt nhất để Chính phủ Ấn Độ và các cơ quan hữu quan xử lý COVID-19 là xem xét các dấu hiệu từ cách thức và phương thức mà tin tức giả và thông tin sai phổ biến trên các nền tảng truyền thông xã hội trong các giai đoạn khác nhau của đại dịch. Về vấn đề này, Chính phủ Ấn Độ cần chủ động tham gia với các nền tảng công nghệ lớn, các công ty truyền thông xã hội và các nền tảng xã hội khác để ngăn chặn thông tin sai trước khi chúng lan truyền. Mặc dù đây là một dấu hiệu đáng hoan nghênh khi các nền tảng công nghệ quan trọng như Facebook và Twitter đã công bố kế hoạch loại bỏ tin giả liên quan đến tiêm chủng, thách thức thực sự của Ấn Độ là phải chiếm ưu thế trên các phương tiện có thể lan truyền tin giả khác, đặc biệt là WhatsApp, những phương tiện này cho đến nay vẫn là nguồn thông tin sai lớn nhất trong nước. Thách thức lớn nhất của Ấn Độ đối với việc tiêm chủng hàng loạt ngừa COVID-19 không phải là hậu cần hoặc chuỗi cung ứng, mà là tin giả, thông tin sai và những người phản đối vắc-xin.

Tác giả: Tiến sĩ Niranjan Sahoo, Nghiên cứu viên cao cấp Chương trình Quản trị và Sáng kiến chính trị, quỹ Nghiên cứu ORF, Ấn Độ.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn: India’s biggest challenge: How to curb Vaccine Misinformation | ORF (orfonline.org)

Bấm vào đây để đọc bản tiếng Anh của bài viết này/Click here to read the English version of this article

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục