Ấn Độ phát huy sức mạnh mềm trong trật tự thế giới mới (Phần 1)
TS Hồ Văn Chiểu*
Ấn Độ là một quốc gia có nền kinh tế đứng thứ bảy thế giới, có sức mạnh quân sự tính theo số lượng quân và ngân sách quốc phòng lớn thứ ba thế giới. Nhưng Ấn Độ không phải là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và không có chân trong nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7). Ấn Độ lâu nay bị đóng đinh vào một thực tế: Thế giới không xem Ấn Độ là một cường quốc, bất chấp nước này có quy mô và một nền dân chủ phát triển, có triết lý hài hòa và yêu chuộng hòa bình. Căn cứ vào sức mạnh kinh tế lớn dần cùng với tiềm lực quân sự được nâng cao, các nhà lãnh đạo Ấn Độ đang thúc đẩy bước đi nhằm tạo lập “một vị thế xứng đáng” trong trật tự, thiết chế toàn cầu như cựu Thủ tướng Manmohan Singh từng tuyên bố. Dưới thời Thủ tướng đương nhiệm Narendra Modi, Ấn Độ đã bắt đầu chuyển sang tạo lập vị thế của một “cường quốc hàng đầu”, một vị trí mới, trung tâm hơn trên thế giới. Một Ấn Độ tự tin hơn đã bắt đầu tham gia định hình nghị trình toàn cầu về biến đổi khí hậu, năng lượng sạch, dịch chuyển việc làm. Trên thực tế, Ấn Độ đang nỗ lực phát huy sức mạnh mềm để tạo dựng hình ảnh của một cường quốc toàn cầu.
Chính sách ngoại giao đạo đức
Trong hơn 60 năm qua, New Delhi đã nỗ lực xây dựng một hình ảnh Ấn Độ bất bạo động. Điều này thể hiện rõ trong lĩnh vực hạt nhân. Mặc dù đã thử nghiệm vũ khí hạt nhân vào năm 1974, 1998 và là một quốc gia không ký kết Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) cũng như Hiệp ước Cấm thử vũ khí toàn diện, Ấn Độ là một trong những quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất cho việc giải trừ quân bị toàn cầu. New Delhi trở thành nhà vận động chống hạt nhân tích cực nhất, với lời kêu gọi đáng chú ý nhất cho việc giải trừ quân bị toàn cầu của Thủ tướng Rajiv Gandhi tại Liên hợp quốc vào năm 1988.
Ấn Độ tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận này trong thập kỷ tiếp theo, ngay cả sau khi các cuộc thử nghiệm hạt nhân Pokhran II diễn ra. Thủ tướng Vajpayee tuyên bố rằng, các cuộc thử nghiệm không đi ngược lại mục tiêu giải trừ quân bị. Trong Báo cáo dự thảo Học thuyết Hạt nhân của Ấn Độ, ngay câu đầu tiên của đoạn văn đầu tiên đã mô tả việc sử dụng vũ khí hạt nhân là "mối đe dọa lớn đối với nhân loại, với hòa bình và ổn định". New Delhi đã tìm cách tránh bị mang tiếng là “hữu danh vô thực” bằng cách tự coi mình là quốc gia với "sức mạnh hạt nhân bất đắc dĩ". Ấn Độ cho rằng, bom hạt nhân chỉ là phương sách cuối cùng trong một thế giới mà các quốc gia có vũ khí hạt nhân đang bị đe dọa, mà các nước này không có cam kết kiềm chế các cuộc tấn công đầu tiên và sử dụng các vũ khí hạt nhân chống lại các quốc gia phi hạt nhân.
Ở mức độ nào đó, về mặt pháp lý, các nhà lãnh đạo Ấn Độ khẳng định rằng, vũ khí hạt nhân của nước này có thể đóng vai trò như là công cụ thỏa hiệp để hỗ trợ chương trình giải trừ quân bị toàn cầu. Ấn Độ được cho là có độ tin cậy cao hơn khi là một quốc gia có vũ khí hạt nhân và sẵn sàng đánh đổi để mở đầu cho việc giải trừ quân bị toàn cầu. Ấn Độ tuyên bố rằng, an ninh sẽ được tăng cường và không hề giảm đi trong một thế giới phi hạt nhân.
Bên cạnh đó, New Delhi cũng tìm cách xây dựng hình ảnh đất nước bất bạo động trong nhiều lĩnh vực khác trong chính sách đối ngoại của mình. Liên quan đến quy tắc "Trách nhiệm bảo vệ" (R2P), Ấn Độ lên tiếng ủng hộ cho những quy định trong quy tắc này nhằm khuyến khích và hỗ trợ các quốc gia bảo vệ người dân của mình, và thể hiện hết sức thận trọng với quy định cưỡng chế của R2P. Khi các cuộc tranh luận quốc tế nảy lửa trở nên quá gay gắt tại Liên hợp quốc, Đại sứ Ấn Độ đã nhấn mạnh trong bài phát biểu của mình với các ngôn từ phi bạo lực.
Hình ảnh quốc gia được bảo vệ một cách cẩn thận nêu trên không chỉ đơn giản là một biện pháp chiến lược để tăng cường sức mạnh mềm của Ấn Độ. Các nhà hoạch định chính sách muốn Ấn Độ được biết đến như biểu tượng của bất bạo động và khoan dung, bởi Ấn Độ thực sự nắm giữ những giá trị này. Trong lĩnh vực hạt nhân, xu hướng bất bạo động được thể hiện thông qua sự trì hoãn trong việc tích hợp vũ khí hạt nhân vào các chiến lược quân sự cũng như việc sản xuất vũ khí hàng loạt. Một dấu hiệu nữa của xu hướng này là các cuộc tranh luận công khai kéo dài diễn ra trước khi quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân - một điều hiếm xảy ra đối với các cường quốc hạt nhân.
Với khả năng ngoại giao khéo léo, New Delhi có thể chuyển đổi lợi thế quyền lực mềm dựa trên những giá trị tinh túy thành lợi ích chiến lược và kinh tế.
Chúng ta đã được chứng kiến nhiều lần các nhà lãnh đạo Ấn Độ cho rằng, việc biến vũ khí hạt nhân thành công cụ chiến tranh hữu hiệu là vô đạo đức và không thể tưởng tượng được. Lời kêu gọi giải trừ quân bị của New Delhi không chỉ đơn thuần là hình thức đánh bóng: họ đã sử dụng các nguồn lực ngoại giao có giá trị bao gồm cả thời gian diễn thuyết quý báu trong các diễn đàn quốc tế. Nói rộng hơn, xu hướng bất bạo lực đã ảnh hưởng và khiến Ấn Độ có các hành động tương đối hạn chế trong một số cuộc xung đột với Pakistan.
Uy tín của Ấn Độ cũng vượt ra ngoài vấn đề hạt nhân. Từ khi độc lập, quốc gia Nam Á này được xem là cường quốc trung lập và “vô hại” với các quốc gia khác, đặc biệt là ở châu Phi, Trung Đông, Nam Mỹ và Nam Á. Điều này có được một phần là do vai trò nổi bật của New Delhi trong Phong trào Không liên kết. Các quốc gia Nam Á không nhận thấy Ấn Độ là mối đe dọa theo cách mà các nước này nhìn vào Trung Quốc.
Khi nói đến vấn đề can thiệp nhân đạo, trong vòng 25 năm qua, sự phản đối hay ủng hộ của Ấn Độ đều liên quan trực tiếp đến cấp độ bạo lực được lồng ghép trong hoạt động này. Điều này thể hiện sự tôn trọng thực sự của một quốc gia khi tiến hành can thiệp vào quốc gia khác, với mục đích gì, và liệu có lợi ích chiến lược nào đối với New Delhi không. Điều này được thể hiện thông qua các cuộc can thiệp ở Iraq, Libya và Syria. Việc Ấn Độ phản đối hành động can thiệp được hình thành từ quan điểm thế giới đa cực của mình, với sự chấp thuận của tất cả các bên.
Có thể thấy, uy tín quốc tế của Ấn Độ còn được phát huy hơn nữa khi các lợi ích chiến lược của họ mở rộng khắp Ấn Độ - Thái Bình Dương và xa hơn nữa. Với khả năng ngoại giao khéo léo, New Delhi có thể chuyển đổi lợi thế quyền lực mềm dựa trên những giá trị tinh túy thành lợi ích chiến lược và kinh tế. Chính phủ của ông Modi dường như đã nhận ra điều này và đang triển khai những sáng kiến của Quốc hội để nâng cao các công cụ ngoại giao công chúng của Ấn Độ.
Quyền lực mềm của Ấn Độ có những đặc điểm rất hiếm thấy so với các cường quốc khác trong thế giới đa cực đang hình thành như: Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và châu Âu (như là một thực thể thống nhất). Hình ảnh tương đối trung lập, không gây đe dọa khiến Ấn Độ trở thành cường quốc hấp dẫn nhất đối với các quốc gia đang tìm kiếm phương thức để có thể tự chủ, tránh khỏi các tác động của cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc trong tương lai, và không muốn phải đối đầu với một trong hai siêu cường này. Australia đã chọn một thời điểm khôn ngoan để tăng cường mối quan hệ với một trong những cường quốc đang trỗi dậy năng động nhất trên thế giới.
Ý tưởng về phát triển ngành truyền thông thành một "quyền lực mềm" mới
Là một nước đang muốn tham gia vào công cuộc định hình thế giới trong thế kỷ XXI, Ấn Độ đang nung nấu một kỳ vọng đột phá trong ngành truyền thông. Với 104 vệ tinh được phóng bằng tên lửa đẩy tại Ấn Độ và 400 kênh tin tức truyền hình được phát sóng với nhiều ngôn ngữ, một sáng kiến mới mang tên "Cộng hòa Truyền hình" đang bắt đầu được triển khai mạnh mẽ. Sáng kiến này nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt từ các chính trị gia và các phương tiện truyền thông nước này. Đây được xem là cơ hội tốt nhất để phá vỡ sự trì trệ của truyền thông Ấn Độ và đưa ngành công nghiệp truyền thông của nước này gia nhập "đấu trường" kinh doanh tin tức thế giới.
Được dẫn dắt bởi Arnab Goswami, nhà báo Ấn Độ nổi tiếng sử dụng thành thạo tiếng Anh, Cộng hòa Truyền hình đang tìm cách trở thành một thực thể truyền thông toàn cầu song song với BBC và CNN. Nhiệm vụ của ông Goswami là tạo ra một tiếng nói độc lập của Ấn Độ về tất cả mọi lĩnh vực quốc tế.
Từ trước đến nay, truyền thông Ấn Độ chủ yếu tập trung vào các sự kiện lớn hoặc sát sườn với nước này như bầu cử Mỹ, chuyến thăm của một quan chức nước ngoài đến Ấn Độ hoặc các chuyến đi nước ngoài của Thủ tướng Ấn Độ, chứ không có cái nhìn tổng thể về các vấn đề đang hiện hữu trên toàn cầu.
Sự thiếu sót này này xuất phát từ sự ưu ái các tin tức trong nước, đặc biệt khi những tin tức này mang hơi hướng chính trị, trong khi những tin tức nước ngoài chỉ có một thị trường hạn chế và không thể tạo ra doanh thu. Nhiều biên tập viên Ấn Độ viện dẫn lý do rằng, người dân nếu muốn xem tin tức thế giới có thể chuyển sang các kênh quốc tế để theo dõi.
Năm 2016, truyền hình Ấn Độ đã bắt đầu phát sóng thêm 37 kênh nước ngoài. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đệm cho kỳ vọng khám phá câu chuyện quốc tế từ góc nhìn của một quốc gia Nam Á.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế và quân sự trong những năm gần đây, truyền thông Ấn Độ đang nỗ lực để đạt được một vị trí tương xứng và có tầm ảnh hưởng trong giới truyền thông toàn cầu. Ông Goswami bày tỏ tự tin khi nắm trong tay một đội ngũ các nhà báo tài năng để có thể bao quát tin tức trên toàn thế giới.
Với những cam kết ấn tượng và mạnh mẽ, ông Goswami được kỳ vọng có thể thành công, nhưng thách thức thực sự của ông là thu hút lượng người xem trong nước và quốc tế.
Nhìn chung, thành công của bất kỳ kênh truyền hình nào đều phụ thuộc nhiều vào tầm hiểu biết, độ lưu loát và nhạy bén với tất cả những gì đang xảy trên thế giới từ châu Á, châu Phi, châu Âu, cho đến châu Mỹ và Australia.
Hiện nay, không khó để tìm kiếm một kênh tin tức thế giới của châu Á, như Al Jazeera của Qatar, CCTV của Trung Quốc hay Channel NewsAsia của Singapore... Những kênh truyền hình này đã mở rộng phạm vi địa lý, tư tưởng và kiến thức vượt ra khỏi cái bóng quá lớn của các hãng tin phương Tây như BBC, CNN hay France24.
Vì vậy, nếu Ấn Độ muốn có chỗ đứng trong ngành công nghiệp truyền thông thì cần nhanh chóng thiết lập một bản sắc riêng biệt và nổi bật. Tuy nhiên, nếu Cộng hòa Truyền hình đề cao quá mức chủ nghĩa dân tộc của mình thì có thể không phù hợp với tính trung lập của khán giả nước ngoài. Trong môi trường chính trị ổn định và vị thế quốc tế còn khá mờ nhạt, sáng kiến Cộng hòa Truyền hình có thể là nhân tố thay đổi cuộc chơi của Ấn Độ trên trường quốc tế.
Mặt khác, đây cũng có thể là một phương thức hữu hiệu để quốc gia này đối phó với các nhóm Hồi giáo có tư tưởng cực đoan. Thông qua các kênh truyền hình tin tức quốc tế, Ấn Độ sẽ góp thêm một tiếng nói mạnh mẽ vào công cuộc chống khủng bố trong bối cảnh các nhóm khủng bố ngày nay thường xuyên lợi dụng truyền thông để phát tán tư tưởng cực đoan.
Nếu thành công, phiên bản Ấn Độ của CNN hay Fox News International sẽ là một thứ quyền lực mềm, giúp cộng đồng quốc tế nhìn nhận Ấn Độ là một xã hội cởi mở, tự do và có khả năng đề xuất những giải pháp hữu hiệu cho nhiều vấn đề tồn tại trên thế giới hiện nay. (Xem tiếp phần 2)
* Nguyên Vụ trưởng vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Tư liệu Nghiên cứu Ấn Độ 04:00 12-12-2024
G20 và Cơ hội Mở Rộng Quan Hệ Ấn Độ - Mỹ Latinh
Tư liệu Nghiên cứu Ấn Độ 03:00 12-12-2024