Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ: Thời đại Narendra Modi (Phần 1)

Ấn Độ: Thời đại Narendra Modi (Phần 1)

Ông Narendra Modi - Thủ hiến bang Gujard, ngọn cờ kinh tế của Ấn Độ; Chủ tịch Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP), hạt nhân của Liên minh Dân chủ quốc gia (NDA) - đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Quốc hội Ấn Độ tháng 5-2014 với tỷ lệ cao nhất kể từ khi Ấn Độ giành độc lập năm 1947. Từ thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử đầu tháng 5-2014 đến lễ nhậm chức có một không hai vào cuối tháng 5-2014, dư luận ở Ấn Độ và quốc tế bắt đầu nghĩ tới Thời đại Narendra Modi.

02:23 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ: Thời đại Narendra Modi

Thiếu tướng, PGS, TS Lê Văn Cương[1]

Ông Narendra Modi - Thủ hiến bang Gujard, ngọn cờ kinh tế của Ấn Độ; Chủ tịch Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP), hạt nhân của Liên minh Dân chủ quốc gia (NDA) - đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Quốc hội Ấn Độ tháng 5-2014 với tỷ lệ cao nhất kể từ khi Ấn Độ giành độc lập năm 1947. Từ thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử đầu tháng 5-2014 đến lễ nhậm chức có một không hai vào cuối tháng 5-2014, dư luận ở Ấn Độ và quốc tế bắt đầu nghĩ tới Thời đại Narendra Modi.

Ngày 26-5-2014, tại New Delhi diễn ra buổi lễ ông Narendra Modi nhậm chức Thủ tướng Ấn Độ với sự có mặt của 4000 quan khách, trong đó có 8 vị nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các nước (chủ yếu thuộc Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á (SAARC), đặc biệt, với sự có mặt của Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif. Đây là lễ nhậm chức Thủ tướng lớn nhất và hoành tráng nhất kể từ năm 1947.

1. Di sản của người tiền nhiệm để lại

Mười năm (2004 - 2014), dưới thời Liên minh Tiến bộ thống nhất với hạt nhân là Đảng Quốc đại (UPA), đứng đầu là Thủ tướng Manmohan Singh, Ấn Độ đã đạt được thành tựu khá ấn tượng cả trong lĩnh vực đối nội lẫn đối ngoại.

Về kinh tế, từ năm 2000 kinh tế Ấn Độ luôn tăng trên 6%/năm, gần một chục năm (2004 - 2012) kinh tế Ấn Độ tăng trưởng cao liên tục, ở mức 7% - 7,6%/năm. Từ sau năm 2010, nhiều người dự báo, Ấn Độ sẽ sớm đuổi kịp Nhật Bản và trở thành một trong ba, bốn nền kinh tế lớn nhất thế giới vào khoảng năm 2020 - 2025.

Nhờ kinh tế tăng trưởng nhanh liên tục trong hơn một thập niên, hệ thống phúc lợi xã hội Ấn Độ có những tiến bộ và xã hội tương đối ổn định.

Bên cạnh những thành tựu nói trên, nửa sau nhiệm kỳ 2 của Thủ tướng M. Singh (2012 - 2014),  kinh tế Ấn Độ bắt đầu trì trệ với nhiều vấn đề bất cập, bức xúc.

Từ năm 2012, kinh tế Ấn Độ giảm tốc, nền tài chính công gặp khó khăn, nguồn vốn đầu tư sụt giảm lớn. Bộ máy hành chính nhà nước cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, nạn quan liêu, tham nhũng phổ biến làm nản lòng các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Năm 2014, Tập đoàn Tài chính quốc tế và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố vị trí của Ấn Độ trong 189 quốc gia như sau:

Ấn Độ đứng thứ 134/189 về tính phức tạp trong các thủ tục kinh doanh, thứ 182/189 về khó khăn trong việc xin giấy phép xây dựng, 179/189 về việc xin giấy phép thành lập doanh nghiệp, 186/189 về thực hiện các hợp đồng[2].

Từ năm 2013, nhất là từ năm 2014, dư luận thế giới bắt đầu nghi ngờ về sự cất cánh của Ấn Độ.

Về đối ngoại, Thủ tướng M. Singh giữ được khá cân bằng và ổn định trong quan hệ với các nước, nhất là các cường quốc Nga, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và với các nước láng giềng ở Nam Á. Trong khi vẫn giữ quan hệ truyền thống với Nga, xu hướng chủ đạo (mặc dù không tuyên bố công khai) trong đối ngoại là ngả “về phía Mỹ của Ấn Độ trong suốt thập kỷ qua dưới thời lãnh đạo của Thủ tướng Manmohan Singh, người được đánh giá là lãnh đạo Ấn Độ thân Mỹ nhất kể từ khi Ấn Độ dành được độc lập cách đây 67 năm”[3].

Dù sao, thân Mỹ cũng chỉ là “xu hướng”, Thủ tướng M. Singh luôn rụt rè, lưỡng lự và chưa có đột phá trong quan hệ với Hoa Kỳ. Đối với Trung Quốc, dưới thời Thủ tướng M. Singh nói riêng, trong suốt hơn nửa thế kỷ cầm quyền của Đảng Quốc Đại nói chung, Ấn Độ luôn ở thế phòng thủ, bị động đối phó các hành động hung hăng, gây hấn của Bắc Kinh.

10 năm làm Thủ tướng Ấn Độ, ông M. Singh chưa một lần qua biên giới đến thăm các quốc gia láng giềng Bangladesh, Sri Lanka, Bhutan, Maldives, đặc biệt, ông chưa hề đến thăm Pakistan - một nước lớn có vũ khí hạt nhân, nặng “ân oán” với Ấn Độ trong lịch sử, và hiện nay và luôn “gây sự”, “chơi xấu” với New Delhi.

Cõ lẽ, ông M. K Bhadrakumar, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp từng giữ chức Đại sứ Ấn Độ tại nhiều nước, đã có nhận xét đúng khi nói “chính quyền Manmohan Singh “nhút nhát” và thiếu sáng tạo”[4] trong đối ngoại. Vì thế, dưới thời Thủ tướng M. Singh, vai trò, vị trí của Ấn Độ bị suy giảm ở khu vực và trên trường quốc tế.

Kinh tế, xã hội trì trệ và lúng túng, bị động, thiếu quyết đoán trong chính sách đối ngoại trở thành nút thắt trên con đường phát triển của Ấn Độ.

2. Phong cách Narendra Modi

Cái gì tạo nên phong cách sống của một người? Đây là vấn đề khoa học nghiêm túc và đã có hàng trăm công trình luận chứng vấn đề này. Suy cho cùng, có hai nhân tố cơ bản tạo nên phong cách sống của một người: (1) Bẩm sinh (trời cho) và (2) Điều kiện sống.

Từ khi Ấn Độ dành được độc lập đến trước ngày 26-5-2014, tất cả các Thủ tướng Ấn Độ đều xuất thân trong gia đình quyền quý, danh gia vọng tộc. Ông N. Modi xuất thân trong một gia đình bình dân. Cuộc mưu sinh đã đưa ông trải qua mọi cung bậc của xã hội Ấn Độ. Là một người từng trải và hơn hẳn những người tiền nhiệm về sự hiểu biết, chiêm nghiệm nỗi thống khổ của những người nghèo và yếu thế trong xã hội, ông Modi hiểu sâu sắc rằng, nghèo đói và ngu dốt là sự nhục nhã nhất đối với một người, một cộng đồng và nhục nhã đối với cả dân tộc. Chính điều đó đã thôi thúc ông hành động và tìm mọi cách đưa dân tộc Ấn Độ thoát khỏi nghèo đói và ngu dốt, giành lại vinh quang cho dân tộc Ấn Độ - một trung tâm văn minh của nhân loại.

Tháng 5-2014, khi trả lời phỏng vấn, ông Modi đã nói: “Tôi có ước vọng để sống vì dân tộc... Tôi đã học cách sống vì người khác, không phải cho bản thân mình”. Phải chăng đó là lý tưởng sống của ông Modi? Một chính khách từng trải và lịch lãm không thể nói suông và đùa bỡn với sinh mệnh chính trị của mình.

Nhiều người cho rằng, Thủ tướng Modi thực hiện chính sách dân túy. Điều này còn phải xem xét và tranh luận, chưa thể vội vàng khảng định. Có điều chắc chắn là Thủ tướng N. Modi rất quan tâm đến hàng chục triệu người sống dưới mức nghèo khổ và tầng lớp thanh niên Ấn Độ.

Ấn Độ là quốc gia trẻ nhất thế giới. Trong 1 tỷ 270 triệu dân Ấn Độ, có hơn 50% ở độ tuổi dưới 25 và 65% ở độ tuổi dưới 35.

10 năm cầm quyền, Thủ tướng M. Singh chưa quan tâm đúng mức đến tầng lớp thanh niên và hàng chục triệu người dưới mức nghèo khổ.

Nhanh chóng khôi phục tăng trưởng kinh tế, giảm lạm phát, tạo ra nhiều việc làm, giảm thất nghiệp, nhất là lao động trẻ và đảm bảo an sinh xã hội sẽ là hướng ưu tiên trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Thủ tướng Modi.

Thật ra, người tiền nhiệm cũng đã nhận thức được những bất cập trong phát triển kinh tế và những vấn đề bức xúc trong xã hội. Do thiếu bản lĩnh chính trị và thiếu quyết đoán, các biện pháp giải quyết thường nửa vời nên khó khăn, thách thức tích dồn ngày càng lớn.

Khi đã nhận rõ việc phải giải quyết, Thủ tướng Modi sẽ đưa ra các giải pháp dứt khoát.

Có thể tóm tắt phong cách Narendra Modi như sau: Tận tâm với sự phục hưng của Ấn Độ, với bàn tay sạch và quyết đoán, dứt khoát đưa ra các quyết định để tạo ra bước phát triển mang tính đột phá. (Còn tiếp) (Xem tiếp phần 2)


[1] Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học, Bộ Công an.

[2] Thông tấn xã Việt Nam, Tin tham khảo thế giới, 19-5-2014.

[3] Thông tấn xã Việt Nam, Tài liệu tham khảo đặc biệt, 26-9-2014 dẫn “Thời báo châu Á trực tuyến” cuối tháng 4-2014.

[4] Tài liệu đã dẫn.

 

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục