Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ - Việt Nam (Tái định hình khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương như một khu vực tự do và rộng mở) (Phần 1)

Ấn Độ - Việt Nam (Tái định hình khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương như một khu vực tự do và rộng mở) (Phần 1)

03:35 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

TS Anirban Ganguly*

Tôi xin cảm ơn Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, một trong những trung tâm nghiên cứu chính trị hàng đầu tại Việt Nam đã mời tôi phát biểu tại hội nghị quốc tế về “Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ trong lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh trong bối cảnh Ấn Độ - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở”.

Đây là một hội nghị rất kịp thời và phản ánh mối quan hệ ngày càng chặt chẽ trong quan hệ Ấn Độ - Việt Nam. Kể từ 45 năm quan hệ ngoại giao của chúng ta, mối quan hệ Ấn Độ và Việt Nam ngày càng mở rộng, với rất nhiều hoạt động đa dạng và được đầu tư nhiều công sức. Đây là những hoạt động cần thiết cho tương lai của hai nền văn minh phong phú mà chúng ta đang tiếp tục với nhiều hoạt động đối thoại, tương tác, trao đổi và được đầu tư ngày càng sâu rộng hơn nữa.

Những nỗ lực của Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam tại Delhi với việc vừa tổ chức thành công một hội thảo quốc tế tại Delhi, là một dấu hiệu cho thấy tiềm năng và sức mạnh trong mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam. Tiềm năng của mỗi quốc gia một lần nữa khẳng định trí tuệ của con người của cả hai quốc gia. Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ trực thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh là trung tâm nghiên cứu đầu tiên dịch cuốn sách của chúng tôi: “Học thuyết Modi: những hình mẫu mới trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ” (2016) là một trong những cuốn sách viết một cách toàn diện về các sáng kiến trong chính sách đối ngoại của Thủ tướng Modi.

Bản thân tôi đến từ một tỉnh và tiểu bang mà Việt Nam có tên trong đó - một tỉnh ở Tây Bengal, với khẩu hiệu "Amaar Naam - Tomar Naam - Việt Nam, Việt Nam" (“Tên của bạn là Việt Nam, tên của tôi là Việt Nam”) đã từng là một trong những khẩu hiệu nổi tiếng nhất tại đây và thậm chí ngày nay vẫn tiếp tục ngân vang trong tim của nhiều người Ấn Độ. Vì vậy, mặc dù tôi không phải là chuyên gia trong mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam, tôi vẫn mong muốn được đến Việt Nam và chia sẻ quan điểm của mình và nêu lên một số ý tưởng và suy nghĩ mới tại quốc gia với nền văn minh giàu có và giàu trí tuệ này.

Thần Siva và Đức Phật đã gắn kết chúng ta và định hình mối quan hệ của chúng ta qua hàng ngàn năm. Khi Thủ tướng Narendra Modi đến thăm Việt Nam vào năm 2016, ông đã nhắc đến mối liên kết đặc biệt này trong bài phát biểu của ông tại chùa Quán Sứ, ông nói: “Sự phát triển của Phật giáo từ Ấn Độ đến Việt Nam và các di tích trong các đền thờ Hồi giáo của người Chăm ở Việt Nam là những nhân chứng cho mối quan hệ của chúng ta... Một số người đến đây với mục tiêu chiến tranh. Chúng tôi đến đây với một thông điệp hòa bình”.

Thủ tướng Modi cũng chỉ ra cho thấy cách thức Phật giáo từ Ấn Độ vượt qua đường biển đến Việt Nam dưới hình thức thuần khiết nhất. Vì vậy, ở Việt Nam, mỗi người chúng ta có thể tự khám phá lại bản thân và xu hướng của chính mình. Thủ tướng Modi cũng từng nhắc lại điều này tại Đối thoại Shangri-La năm 2018 trong bài phát biểu quan trọng của mình rằng Phật giáo liên kết toàn bộ khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, ông nói: “Trí tuệ từ thời cổ xưa của khu vực là di sản chung của chúng ta. Sứ điệp hòa bình và từ bi của Đức Phật đã kết nối tất cả chúng ta”.

Một học giả, sử gia, nghị sĩ và chính trị gia Ấn Độ Kalidas Nag (1892-1966) đã sử dụng thuật ngữ “Khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương (Indo-Pacific Domain)” trong nghiên cứu của ông: Ấn Độ và Thái Bình Dương (1941) đã khẳng định dấu ấn nền văn minh của Ấn Độ trong khu vực và xu hướng độc đáo của Ấn Độ liên quan đến khu vực này và nền văn minh của nó thông qua thương mại, triết học, thơ ca, ngôn ngữ, dệt may và kiến ​​trúc. Nag viết: “Những gì Ấn Độ đã mang lại cho các quốc gia Thái Bình Dương không chỉ là là đội quân chinh phục hay triều đại cầm quyền từ lâu bị lãng quên, mà còn là một ảnh hưởng thực sự trong lĩnh vực sáng tạo, trí tuệ và nghệ thuật”. Đó là lần đầu tiên thuật ngữ “Ấn Độ - Thái Bình Dương” được sử dụng trong phân tích về lịch sử lâu đời của nền văn minh Ấn Độ trong khu vực và tương lai của mình.

Quan hệ Ấn Độ - Việt Nam, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng mô tả là “một bầu trời không một gợn mây”[1]. Hôm nay, đó là một “bầu trời xanh của các cơ hội và khả năng tỏa sáng”. Lòng yêu nước kiên cường của Việt Nam, nguồn gốc văn hóa trong suốt lịch sử của mình là nguồn cảm hứng cho mỗi chúng ta. Người Việt Nam theo chủ nghĩa Mác nhưng chưa bao giờ từ bỏ chủ nghĩa dân tộc. Sự khẳng định lợi ích quốc gia của Việt Nam vẫn rất ấn tượng. “Ý thức sâu sắc của Việt Nam về tính độc đáo của riêng mình và luôn “cứng rắn” về quyền tự chủ của quốc gia” là một ví dụ như vậy. Trong lịch sử, Việt Nam được xem như một “tảng đá cứng”, vẫn đứng vững vàng và mạnh mẽ ngay cả trong những cơn giông bão dữ dội nhất. Chính sách khôn ngoan của Việt Nam như chính sách “trong xưng đế, ngoài xưng vương” cho phép họ đạt được sự cân bằng, tồn tại và phát triển dân sự và chính trị .

Trong thời đại hiện nay, Ấn Độ và Việt Nam đã tiếp tục các quan hệ đối tác nhằm tăng cường sức mạnh của nhau, phát triển một kiến ​​trúc hòa bình, hợp tác và tự do di chuyển trong khu vực. Trong thực tế, mối quan hệ của chúng ta chưa bao giờ vấp phải vấn đề khó khăn, thách thức gì và những nghịch cảnh, khó khăn càng củng cố sự ngưỡng mộ lẫn nhau và quyết tâm làm việc cùng nhau.

Trọng tâm của chúng ta, trong thời đại hiện tại, cũng giống như trong quá khứ, là Ấn Độ - Thái Bình Dương, một khu vực của tương lai với nhiều tiềm năng và tiềm lực lớn. Thủ tướng Modi đã phát biểu trong đối thoại Shangri-La 2018 tại Singapore rằng: “Trong hàng nghìn năm, Ấn Độ đã hướng đến phương Đông. Không chỉ để thấy mặt trời mọc, mà còn cầu nguyện cho ánh sáng của nó lan tỏa khắp thế giới. Bây giờ nhân loại đang hướng về một phương Đông đang trỗi dậy, với hy vọng thế kỷ XXI là thế kỷ của toàn thế giới, bởi vì vận mệnh của thế giới sẽ bị ảnh hưởng sâu sắc bởi quá trình phát triển của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”.

Chúng tôi nhận ra rằng, những lời này là những lời tiên tri truyền cảm hứng và đưa ra định hướng cho quan hệ đối tác của chúng ta. Lợi ích của Ấn Độ trong khu vực, trích lời Thủ tướng Modi, “là rất rộng lớn, và sự tham gia của chúng ta sâu sắc”, trên thực tế, ông đã mô tả khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trải rộng từ “bờ biển châu Phi đến châu Mỹ. Trong đó, ông đã thêm vào “vùng Vịnh và các đảo của Ấn Độ Dương mà các định nghĩa phổ biến không đề cập đến”. Đây là khu vực mà chúng ta phải phát triển chung cho thế kỷ châu Á - thế kỷ XXI.

Thủ tướng Modi thấy khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương là “một khu vực tự nhiên”, nơi có “một loạt các cơ hội và thách thức toàn cầu”. Ông cũng nói rằng, với mỗi ngày trôi qua, ông tin rằng, “vận mệnh của mỗi người sống trong khu vực được liên kết với nhau” và chúng ta phải “vượt lên trên sự chia cách và cạnh tranh để làm việc cùng nhau”. Ông lập luận rằng: “Tính toàn diện, cởi mở, đoàn kết” và trung tâm của ASEAN “nằm ở trung tâm của Ấn Độ - Thái Bình Dương mới”. Ở một mặt nào đó, các quốc gia ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương có thể tăng cường tương tác với nhau, bắt nguồn từ việc ý thức tạo thành nhóm lợi ích, như thủ tướng Modi nói “điều này không chống lại bất kỳ quốc gia nào”. Thủ tướng Modi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác trên cơ sở giá trị và lợi ích chung”.

Ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, Ấn Độ chắc chắn có thể đóng vai trò liên kết. Tầm nhìn của Ấn Độ về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương là một điểm tích cực, theo lời của thủ tướng Modi, “đây là khu vực tự do, mở và toàn diện bao trùm tất cả chúng ta trong việc theo đuổi chung về sự tiến bộ và thịnh vượng” và “nó bao gồm tất cả các quốc gia trong khu vực về mặt địa lý và các quốc gia khác đầu tư vào khu vực này. Trong khu vực này, như Thủ tướng Modi đã nói rõ, tất cả chúng ta nên “có quyền tiếp cận bình đẳng theo luật pháp quốc tế đối với việc sử dụng không gian chung trên biển và trên không. Điều đó đòi hỏi sự tự do chuyển hướng, thương mại không bị cản trở và giải quyết tranh chấp hòa bình theo luật pháp quốc tế”. Nếu chúng ta đồng lòng và đồng ý “sống theo cách thức đó” thì đường biển của chúng ta, như thủ tướng Modi lập luận, “sẽ là con đường dẫn đến sự thịnh vượng và hành lang hòa bình”. (Xem tiếp phần 2)


[1] Trong thực tế, đây là ý của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Thủ tướng nói: “Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ thủy chung, trong sáng như bầu trời không một gợn mây” (Chú thích của Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ).

*Giám đốc Quỹ nghiên cứu Syama Prasad Mookerjee, New Delhi; Ủy viên, Phòng Nghiên cứu Chính sách, Đảng Bharatiya Janata (BJP), Ủy viên, Ban Cố vấn Trung ương (CABE), Bộ Phát triển Nguồn Nhân lực, Chính phủ Ấn Độ​

** Bài tham luận Hội thảo khoa học quốc tế "Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh trong bối cảnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Tự do và rộng mở" tổ chức tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ngày 24/8/2018.

Nguồn:

Cùng chuyên mục