Các mối liên kết địa - văn minh và vai trò của quyền lực mềm: hướng tới tăng cường quan hệ văn hóa giữa ASEAN và Ấn Độ (Phần 3)
Các mối liên kết địa - văn minh và vai trò của quyền lực mềm: hướng tới tăng cường quan hệ văn hóa giữa ASEAN và Ấn Độ
GS. Baladas Ghoshal*
Nền dân chủ và Giáo dục
Đồng thời, chúng ta sẽ phải nghiên cứu cùng lúc khía cạnh thứ hai của các liên kết văn hoá của Ấn Độ. Các mục tiêu và tầm nhìn của Ấn Độ trong Chính sách Hướng Đông / Hành động phía Đông ở Đông Nam Á có thể được đẩy mạnh hơn nữa thông qua các lĩnh vực như giáo dục (phát triển nguồn nhân lực), dân chủ và văn hoá, những lĩnh vực Ấn Độ có lợi thế cạnh tranh so với các nước châu Á khác. Ví dụ, các nền văn hoá và giá trị của Ấn Độ và Indonesia có liên quan chặt chẽ với nhau. Nếu được tiếp tục đẩy mạnh, ngoại giao văn hoá có thể củng cố mối liên kết giữa hai bên dựa trên cơ sở các truyền thống đa nguyên và niềm tin vào “sự thống nhất trong đa dạng”. Do đó, một chủ đề tương tác trong tương lai của chúng ta có thể là vấn đề lấy văn hóa làm công cụ để tìm ra những điểm tương đồng trong thời hiện đại và thúc đẩy hợp tác về chính trị, kinh tế và chiến lược. Nền dân chủ của Ấn Độ đã thể hiện rất nhiều sáng tạo trong việc quản lý một xã hội đa sắc tộc, đa văn hóa và hiện đang trong quá trình thúc đẩy việc tăng cường quyền lực cho người dân. Ấn Độ có thể tiếp tục đóng góp cho quá trình dân chủ hóa và xây dựng đất nước trong khu vực bằng cách giúp đỡ các nước trong việc xây dựng năng lực dân chủ. Các nước Đông Nam Á không chỉ đa sắc tộc và đa văn hóa, mà một số nước cũng đang trong quá trình chuyển đổi dân chủ. Mô hình phương Tây không thích hợp lắm với những nước này, vì hoàn cảnh lịch sử và xã hội của họ hoàn toàn khác nhau. Kinh nghiệm của Ấn Độ trong xây dựng quốc gia và dân chủ rất thích hợp với họ. Tổ chức các cuộc bầu cử với sự tham gia của khoảng 670 triệu cử tri là một thành tích đáng kinh ngạc mà Ấn Độ có thể tự hào. Giúp đỡ các nước Đông Nam Á trong các quá trình chuyển đổi tương tự có thể thúc đẩy thêm lợi ích của Ấn Độ. Các quốc gia như Indonesia, Myanma Thái Lan và thậm chí cả Campuchia có thể học hỏi phương cách kiểm phiếu nhanh chóng và minh bạch và dành nhiều quyền hạn lớn cho Ủy ban Bầu cử. Nhiều người Indonesia rất tôn trọng nền dân chủ của Ấn Độ cho dù nền dân chủ này còn tồn tại những khiếm khuyết. Trong khi Chính phủ Indonesia đã thực hiện tiến trình phân quyền với hy vọng việc phân phối công bằng hơn nguồn tài sản quốc gia sẽ làm giảm bớt tâm lý ly khai và tình trạng bạo lực ở địa phương, ở nước này lại thiếu các cơ quan cấp địa phương để thực thi các quyền tự trị. Về vấn đề này, Ấn Độ có thể giúp đỡ thông qua chương trình hợp tác kỹ thuật, huấn luyện chính quyền tự quản ở địa phương và xây dựng chính quyền cấp cơ sở. Với sự đầu tư ít ỏi, Ấn Độ có thể thu được những thành quả lớn trong lĩnh vực tăng cường nền dân chủ ở một quốc gia láng giềng cực kỳ quan trọng và giành được thiện chí của lãnh đạo và nhân dân nước này. Myanmar là một quốc gia khác đang trải qua một quá trình chuyển đổi sang nền dân chủ nhưng nước này thiếu năng lực trong nhiều lĩnh vực mà Ấn Độ có thể giúp đỡ. Đây không phải là ý tưởng Ấn Độ xuất khẩu dân chủ mà là sự chia sẻ kinh nghiệm của Ấn Độ với những nước này để xem những kinh nghiệm đó có thích hợp với những nước này hay không và liệu họ có thể học được gì từ những kinh nghiệm này. Một lĩnh vực hợp tác khác có thể là chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng các xã hội đa sắc tộc, đa văn hóa, đa ngôn ngữ và đa tôn giáo và hòa nhập chúng trong các quyền công dân. Trong bối cảnh tư tưởng Hồi giáo cực đoan đang lan rộng vào khu vực, do sự thúc đẩy của các tổ chức ISIS và al-Qaida, việc đối thoại giữa các nhà lãnh đạo tôn giáo của Ấn Độ và các nước Đông Nam Á có thể mang lại kết quả trong việc xác định rõ những lực lượng và các vấn đề thúc đẩy chủ nghĩa cực đoan và làm thế nào có thể đối mặt với chủ nghĩa cực đoan bằng những ý tưởng và hành động mới. Các mối liên kết Hồi giáo của Indonesia với Ấn Độ khá rộng lớn thông qua phong trào Tablighi Jama'at. Farish Ahmad Noor (nhà sử học và nghiên cứu chính trị) của Malaysia đã nỗ lực làm rất nhiều việc cho vấn đề này. Chúng ta có thể đề nghị ông viết một bài báo về vấn đề này để xem xét xem có thể xây dựng loại tri thức nào để đánh giá đúng đắn hơn về đạo Hồi ở hai nước này.
Giáo dục đại học là một lĩnh vực khác. Indonesia là một đối tượng ưu tiên của chương trình hợp tác kỹ thuật của Ấn Độ đối với các nước đang phát triển. Cho đến nay đã có khoảng 1.000 chuyên gia và quan chức Indonesia được đào tạo tại Ấn Độ trong số hơn 1.100 suất học bổng được dành cho cho sinh viên Indonesia học tập tại các trường đại học của Ấn Độ. Ấn Độ đã mở 2 trung tâm dạy nghề ở Jakarta và 1 trung tâm ở Aceh. Ngoài ra, thế hệ trẻ khắp nơi ở châu Á đều có nhu cầu học tiếng Anh. Không nghi ngờ gì rằng, cho dù Myanmar, Campuchia hay Lào, các giáo viên tiếng Anh của Ấn Độ đều đang giúp đỡ trong lĩnh vực này, mà họ còn có thể giúp đỡ nhiều hơn với chi phí ít hơn nhiều so với các giáo viên từ Anh hoặc Úc. Trung Quốc hiện thực thi chính sách ngoại giao quyền lực mềm với quy mô lớn ở Đông Nam Á bằng cách mời sinh viên đến từ những nước này không những chỉ bằng cách cấp học bổng và các chương trình khuyến khích khác mà còn bằng cách quảng cáo cho các trường đại học nổi tiếng nhất của Trung Quốc để thu hút sinh viên từ khu vực này tới học tập, thậm chí cả bằng phương thức tự chi trả. Ấn Độ có lợi thế lớn hơn trong giáo dục đại học, đặc biệt là kỹ năng tiếng Anh, và có tiềm năng lớn hơn để tận dụng điều này, tuy nhiên, Ấn Độ vẫn chưa tận dụng hết những cơ hội đó. Có thể các trường đại học công của Ấn Độ bị hạn chế bởi những nhu cầu trong nước, đôi khi làm cho các trường này không có khả năng dành cơ hội cho người nước ngoài, nhưng New Delhi có thể tranh thủ sự hỗ trợ của các trường đại học tư nhân như Symbiosis, Amity và Shiv Nadar và nhiều trường kỹ thuật khác và các trường quản trị kinh doanh để thu hút sinh viên từ Đông Nam Á đến học tập tại Ấn Độ. Ấn Độ là nước dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Nhiều người Đông Nam Á không chỉ quan tâm đến việc nghiên cứu trong các IITs (các trường đại học công nghệ) và IIMs (các trường quản trị kinh doanh) ở Ấn Độ mà còn muốn học tập tại các trường mở của các trường này ở những nước như Indonesia. Các doanh nhân gốc Ấn Độ sẽ rất vui khi góp tiền để thành lập các trường mở này và hỗ trợ các giảng viên. Những gì họ muốn là tên thương hiệu và sự hỗ trợ của một số giảng viên có kinh nghiệm từ Ấn Độ. Ở đây lại có thêm một cơ hội phát triển mối quan hệ gần gũi giữa Ấn Độ và các nước ASEAN thông qua việc chia sẻ năng lực cho nhau và xây dựng các khả năng cho những nước còn thiếu các kỹ năng như vậy. Trong lĩnh vực giáo dục, các trường đại học Indonesia có thể liên kết với các trường đại học Ấn Độ để mở những khóa học về công nghệ thông tin bậc cao và những chương trình nâng cao khác.
Du lịch là phương tiện tăng cường các liên kết văn hoá
Du lịch như một phương tiện liên lạc giữa nhân dân với nhân dân các nước khác nhau có thể là một công cụ ngoại giao văn hoá. Ví dụ, Indonesia là quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới, nhưng di sản văn hoá Hindu - Phật giáo cũng được thể hiện trong kiến trúc các đền thờ Prambanan và Borobudur ở miền Trung đảo Java và vô số Candis (đền thờ đạo Hindu và đạo Phật) nằm rải rác ở khu vực này. Người Indonesia đã góp phần đáng kể vào việc làm phong phú thêm nền văn hoá này. Có thể khuyến khích du khách Ấn Độ đến thăm những địa điểm này với số lượng lớn hơn để khám phá tinh thần vốn có của người dân Indonesia trong việc bảo tồn văn hoá cũng như những liên kết chung giữa hai nước. Cho đến nay, xu hướng du lịch hầu như chỉ được thực hiện theo một chiều: Người Ấn Độ đi du lịch tới Đông Nam Á, không có nhiều người du lịch theo hướng ngược lại. Tương tự, di sản và kiến trúc là những chiều kích quan trọng của các liên kết văn hoá. Di sản và các công trình kiến trúc Hồi giáo là một phần của nền văn hoá tổng hợp của Ấn Độ, cần được giới thiệu với người Hồi giáo ở Indonesia và Malaysia. Những công trình kiến trúc nổi tiếng như Taj Mahal, Fatehpur Sikri, những thành phố như Ajmer, Delhi, Hyderabad, nơi sống của quốc vương Tipu Sultan tại Mysore và vô số di tích Hồi giáo và các đền thờ Hồi giáo Sufi có thể là một món ăn tinh thần đối với họ. Bằng cách đó, họ có thể khám phá sự đa nguyên và đa văn hóa của Ấn Độ. Nếu nói về di sản Phật giáo ở Ấn Độ, tu viện Phật giáo Nalanda là một trong những trường đại học lâu đời nhất thế giới. Ngoài những địa điểm nổi tiếng gắn liền với lịch sử Phật giáo như Bodh Gaya và Sarnath, Nalanda có thể là một nơi hành hương đối với các Phật tử từ khu vực Đông Nam Á. Ấn Độ và Việt Nam có thể cùng nhau suy nghĩ về ý tưởng phát triển Mahabodhi Temple (Bồ Đề Đạo Tràng) ở Bodh Gaya thành một nơi để hàng năm các Phật tử từ khắp nơi trên thế giới hành hương tới vào ngày Budh Purnima, ngày Phật Đản, tương tự như thánh địa Mecca đối với người Hồi giáo. Việc tập trung Phật tử hàng năm không chỉ giúp cho họ trở nên gần gũi với nhau hơn mà còn có thể trở thành một nền tảng để phát triển những liên kết khác. Khi nhắc lại quá khứ vinh quang của đạo Phật, Nalanda có thể trở thành "trung tâm của đối thoại nền văn minh và sự hiểu biết giữa các tôn giáo". Nếu văn hoá là mối liên kết bền vững nhất giữa các quốc gia, Nalanda có thể là cầu nối giữa các dân tộc ở châu Á.
Các lĩnh vực hợp tác khác
Ấn Độ cũng có tiềm năng phát triển thành một trung tâm tài chính của khu vực, bởi New Delhi có hệ thống tài chính vững chắc, thị trường vốn phát triển tốt, có vị trí thuận lợi giữa các trung tâm tài chính ở phía Đông và phía Tây, nguồn nhân lực có tay nghề cao, lực lượng lao động biết nói tiếng Anh, hệ thống pháp luật ổn định... Dịch vụ chăm sóc sức khoẻ của Ấn Độ có kỹ năng đáng kể, có nhiều người giỏi và công nghệ tốt có khả năng làm cho các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ trở nên hấp dẫn. Các bác sĩ và y tá đạt chuẩn của Ấn Độ có thể cung cấp dịch vụ chữa bệnh và một số bệnh nhân từ Indonesia bị bệnh nặng có thể được chuyển tới Ấn Độ để điều trị và việc bảo hiểm được thực hiện đối với những người có thể tìm kiếm việc chữa trị tại các bệnh viện của Ấn Độ. Với việc mở cửa lĩnh vực đầu tư chăm sóc sức khoẻ trong ngành y của Indonesia, tiềm năng của lĩnh vực du lịch chữa bệnh là rất lớn. Ấn Độ có thể giúp phát triển lĩnh vực này. Du lịch là một ngành rất quan trọng đối với Indonesia vì một phần đáng kể GDP của nước này phụ thuộc vào du lịch. Để thúc đẩy phát triển du lịch, cần phải đáp ứng các mối quan tâm và yêu cầu đa dạng của khách du lịch trong nước và quốc tế. Người Ấn Độ cũng có thể đầu tư vào các khu nghỉ dưỡng ở một số thành phố nơi cho phép đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm 100% vốn. Các hệ thống y học truyền thống của Ấn Độ như Ayurveda và Yoga cũng cần được chính thức công nhận ở Indonesia.
Các quốc gia và nhà nước hưng thịnh thông qua hợp tác lành mạnh và thậm chí đôi khi thông qua cạnh tranh, nhưng không phải là cạnh tranh địa -chiến lược hay địa - kinh tế mà kết quả tất yếu sẽ dẫn đến các cuộc xung đột. Tăng cường mối liên kết địa - văn minh là một công cụ quan trọng để tiếp tục tăng cường các mối liên kết tạo ra tình huống các bên cùng thắng có lợi cho tất cả các nước. Sức mạnh mềm của Ấn Độ và Việt Nam có thể phục vụ cho mục đích đó./.
* Tổng thư ký, Hội Nghiên cứu Ấn Độ Dương và Giáo sư thỉnh giảng về Chính sách công, Đại học Amity, Noida; Nguyên Giáo sư và Chủ tịch, Trung tâm Nghiên cứu Nam Á và Đông Nam Á, Đại học Jawaharlal Nehru.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục