Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Câu hỏi hóc búa về Iran của Ấn Độ đã quay trở lại

Câu hỏi hóc búa về Iran của Ấn Độ đã quay trở lại

05:29 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

GS, TS Harsh V. Pant*

Trong nỗ lực thắt chặt trừng phạt hơn nữa đối với Iran, Chính quyền Trump tuyên bố sẽ không gia hạn miễn trừ cho tám quốc gia, bao gồm Ấn Độ, tiếp tục mua dầu của Iran mà không phải đối mặt với lệnh trừng phạt của Mỹ. Các lệnh trừng phạt đối với các giao dịch mua dầu của Iran đã được áp dụng lại vào tháng 11/2018 như là một phần trong quyết định của ông Trump rút khỏi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). Để cân bằng quyết định cấp tiến đối với Iran, Chính quyền Trump cũng đã ban hành miễn trừ trừng phạt đối với 8 quốc gia - Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý, Hy Lạp, Hàn Quốc và Đài Loan - trong thời gian 180 ngày. Ý, Hy Lạp và Đài Loan đã ngừng nhập khẩu dầu Iran, và do đó, 5 nước còn lại sẽ cảm nhận được tác động của quyết định mới nhất này, nếu các nước này tiếp tục nhập khẩu dầu Iran sau ngày 2/5/2019 thì không rõ liệu họ có bị xử phạt ngay lập tức hay không.

Quyết định này được đưa ra vài tuần sau khi Chính quyền Trump tuyên bố chính thức chỉ định Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) là một tổ chức khủng bố nước ngoài. Đây là lần đầu tiên toàn bộ thực thể một chính phủ được coi là một tổ chức khủng bố nước ngoài, điều này báo hiệu sự cứng rắn mới của Mỹ trong việc gia tăng áp lực trực tiếp lên Tehran. Việc chỉ định IRGC, một trung tâm quyền lực thực sự trong chính thể Iran, dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ayatollah Ali Khamenei, sẽ dẫn đến việc đóng băng tài sản ở Mỹ và cấm người Mỹ làm kinh doanh với IRGC.

Nhưng quyết định liên quan đến thương mại dầu sẽ gây ảnh hưởng toàn cầu. Chính quyền Trump đang hạ thấp các hậu quả khi cho rằng, Mỹ, Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), ba trong số các nhà sản xuất năng lượng lớn của thế giới, cùng với các quốc gia bạn bè và đồng minh, cam kết đảm bảo thị trường dầu mỏ toàn cầu vẫn được cung cấp đầy đủ. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lập luận rằng, Ả Rập Xê Út và UAE đã đảm bảo nguồn cung phù hợp cho thị trường, mặc dù ông không cung cấp bất kỳ thông tin cụ thể nào. Vì vậy, Mỹ đang dựa vào Ả Rập Xê Út và các nhà sản xuất dầu lớn khác để giúp bù đắp sự thiếu hụt từ dầu Iran bị đẩy ra khỏi thị trường.

Phản ứng toàn cầu đối với quyết định của Mỹ đã diễn ra theo dự đoán. EU cảm thấy đáng tiếc về quyết định của Mỹ dù Liên hợp quốc đặt nghi ngờ về cách giải thích của Mỹ về việc Iran tuân thủ các hạn chế đối với chương trình hạt nhân của nước này. Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản đều có quan hệ chặt chẽ với Mỹ và sẽ gặp khó khăn trong việc điều hướng vấn đề của Iran trong ngắn hạn. Trung Quốc, tất nhiên, là một đối tác dầu lớn của Iran. Không có gì đáng ngạc nhiên khi Trung Quốc đã phản ứng mạnh mẽ với quyết định của Mỹ, phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương và “thẩm quyền nối dài” của phía Mỹ. Bắc Kinh đã lập luận rằng, họ vẫn cam kết duy trì các quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc và sẽ đóng một vai trò tích cực và mang tính xây dựng trong việc duy trì sự ổn định của thị trường năng lượng toàn cầu.

Đối với Ấn Độ, nhập khẩu dầu là chìa khóa để duy trì quỹ đạo tăng trưởng kinh tế, vì chúng đáp ứng 80% nhu cầu năng lượng của Ấn Độ. Iran là nguồn cung dầu lớn thứ ba cho Ấn Độ sau Ả Rập Xê Út và Iraq. Quản trị mối quan hệ với Iran là một vấn đề lâu năm trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ và các chính phủ trong những năm qua đã phải giảm nhập khẩu dầu từ Iran để cân bằng nhu cầu từ Washington. Tuy nhiên, dự án cảng Chabahar sẽ không bị ảnh hưởng bởi quyết định gần đây của Mỹ vì đây là một điều khoản miễn trừ riêng biệt.

Ấn Độ sẽ phải tìm các nguồn nhập khẩu dầu khác, nhưng các quốc gia đó không thể đưa ra các lợi ích tương tự của Iran như cung cấp như thời hạn tín dụng 60 ngày, bảo hiểm miễn phí và chi phí vận chuyển rẻ hơn. Đã có những gợi ý rằng Mỹ có thể đưa ra những nhượng bộ về việc nhập khẩu dầu của Ấn Độ tương tự như những đề xuất của Iran, nhưng những cuộc đàm phán này mới chỉ bắt đầu. Với nhu cầu của Ấn Độ, rất khó để Ấn Độ ngừng nhập khẩu dầu từ Iran mặc dù có khả năng họ sẽ cắt giảm lượng tiêu thụ và thực hiện thanh toán bằng đồng rupee thông qua tài khoản ký quỹ.

New Delhi không thể bỏ qua việc Washington củng cố lập trường cứng rắn đối với Tehran tại thời điểm mà chủ nghĩa xuyên quốc gia (transnationalism) là chuẩn mực trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Tuy quan hệ với Iran rất quan trọng, nhưng Ấn Độ sẽ phải thực dụng khi tìm kiếm sự cân bằng mới giữa Mỹ và Iran. Giống như trong quá khứ, câu hỏi về Iran sẽ tiếp tục đặt dày vò mối quan hệ Ấn Độ - Mỹ, nhưng không giống như trong quá khứ, Ấn Độ đang ở vị thế mạnh mẽ hơn nhiều để bảo vệ quyền lợi của mình trong cuộc đấu tay ba này.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

https://www.orfonline.org/research/indias-iran-conundrum-is-back-50337/


* Giám đốc Nghiên cứu Quỹ Các nhà quan sát Ấn Độ (ORF)

Nguồn:

Cùng chuyên mục