“Chính sách Hướng Đông” của Ấn Độ trong quan hệ hợp tác với ASEAN (Phần 1)
Dù thế nào đi chăng nữa, chúng ta cũng có thể nói rằng Chính sách Hướng Đông đã đóng một vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy Ấn Độ trở thành một trong những cường quốc ở vùng châu Á – Thái Bình Dương. Ngày nay, không có cuộc thảo luận nào về chính trị, chiến lược hay kinh tế được coi là hoàn tất nếu không đề cập đến Ấn Độ.
“Chính sách Hướng Đông” của Ấn Độ trong quan hệ hợp tác với ASEAN
PGS. TS. Nguyễn Ngọc Hà*
TS. Nguyễn Thị Mai**
Ấn Độ là một nước lớn cả về diện tích và dân số, nhưng đến đầu những năm 90 của thế kỷ XX vẫn bị coi là một nước kém phát triển. Nằm tại tiểu khu vực Nam Á lạc hậu, song Ấn Độ lại gần kề với các quốc gia Đông Á vốn có sự biến chuyển mạnh mẽ về kinh tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Ấn Độ nổi lên khá mạnh mẽ. Kinh tế phát triển, tăng trưởng nhanh, với một quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới, Ấn Độ mong muốn thể hiện vai trò, vị trí của mình rõ hơn trên thế giới và đối với khu vực Đông Nam Á. Đối với Ấn Độ, các quốc gia Đông Nam Á vốn là những nước có quan hệ truyền thống. Trong suốt chiều dài lịch sử, quan hệ giữa Ấn Độ với các quốc gia Đông Nam Á không có xung đột quân sự. Trong thời kỳ hiện đại, Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á có những quan điểm tương đồng về những vấn đề khu vực và quốc tế. Hơn nữa, Đông Nam Á có những quốc gia đang phát triển có hoàn cảnh tương tự như Ấn Độ. Xét ở góc độ chính trị, ASEAN ngày càng đóng vai trò quan trọng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Vùng biển Đông Nam Á nhìn từ Ấn Độ Dương là “sân sau”, nhưng nhìn từ Ấn Độ lại là “tiền sảnh”của Ấn Độ Dương. Ở góc độ kinh tế, ASEAN có sự phát triển mạnh mẽ. Sự thành công của ASEAN trên các lĩnh vực làm cho Đông Nam Á càng thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước lớn. Ấn Độ nhìn thấy ở ASEAN – một đối tác quan trọng về thương mại, đầu tư. Vì vậy, Ấn Độ “Coi trọng quan hệ với ASEAN, tổ chức đóng vai trò là nhân tố trung tâm trong Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ”[1].
Đối với ASEAN, hoạt động đối ngoại là một mảng lớn của Hiệp hội, phản ánh tính chất mở của Hiệp hội và hỗ trợ đắc lực cho mục tiêu an ninh và phát triển của ASEAN. Hiện nay, ASEAN có quan hệ đối thoại và hợp tác với 10 nước (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn độ, Pakistan, Ôt-xtrây-lia, Niu Di lân, Nga, Hoa Kỳ và Canada), 1 tổ chức khu vực là Liên minh Châu Âu (EU) và 1 tổ chức quốc tế là Liên Hợp Quốc. Hiện nay, ASEAN có cơ chế họp Cấp cao hàng năm với Trung Quốc, Nhật bản, Hàn Quốc và Ấn độ (nhân dịp Cấp cao ASEAN thường niên). Về phía các quốc gia Đông Nam Á, Ấn Độ có sức thu hút lớn. Ấn Độ là nước nông nghiệp như nhiều quốc gia ở Đông Nam Á, nhưng ở đó có “Cách mạng Xanh”, “Cách mạng Trắng” thành công. Ấn Độ là một thị trường rộng lớn, mức tăng trưởng kinh tế khá cao, ngành công nghệ thông tin của Ấn Độ phát triển. Vì vậy, các nước ASEAN muốn tăng cường hợp tác với Ấn Độ.
Trên cơ sở gần gũi về địa lý, văn hóa và lịch sử giữa Đông Nam Á và Ấn Độ, cùng với những tác động khách quan của tình hình thế giới, lợi ích chiến lược của đất nước, Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ ra đời, trong đó, Đông Nam Á là một mảng quan trọng. Thuật ngữ "Chính sách Hướng Đông" (Look East Policy) chính thức được sử dụng lần đầu tiên trong Báo cáo thường niên 1995-1996 của Bộ Ngoại giao Ấn Độ. Song phải tới Báo cáo thường niên 2006-2007, Bộ Ngoại giao Ấn Độ mới khẳng định rằng Chính sách Hướng Đông ra đời vào năm 1992 (gắn với sự kiện Ấn Độ trở thành đối tác đối thoại từng phần của ASEAN năm 1992).
Trong bài phát biểu tại Malaixia (năm 2005), Thủ tướng M. Singh đã khẳng định Chính sách Hướng Đông không đơn thuần là một chính sách kinh tế đối ngoại, mà còn là một bước chuyển hướng chiến lược trong nhìn nhận của Ấn Độ về thế giới và vị trí của Ấn Độ trong nền kinh tế toàn cầu đang phát triển: "Trên tất cả là vươn tới các nước láng giềng có chung nền văn minh với chúng tôi ở Đông Nam Á và Đông Á. Tôi luôn coi vận mệnh của Ấn Độ gắn với các nước này và nhất là Đông Nam Á. Tôi nhắc lại cam kết của Ấn Độ trong việc cùng ASEAN và các nước Đông Á biến thế kỷ XXI thực sự là thế kỷ của châu Á"[2].
Việc triển khai Chính sách Hướng Đông được chia làm hai giai đoạn:
Giai đoạn một, Ấn Độ chú trọng khôi phục phát triển quan hệ mọi mặt với các nước ASEAN, trong đó chủ yếu là các mối liên hệ về thương mại và đầu tư, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế và chủ động triển khai chiến lược ngoại giao với khu vực Đông Nam Á, châu Á – Thái Bình Dương, tham gia các tổ chức an ninh, kinh tế và chính trị đa phương tại khu vực này như APEC, WTO, ARF…, lấy chính sách ngoại giao kinh tế làm trụ cột.
Giai đoạn hai, Ấn Độ mở rộng phạm vi quan hệ ra toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bắt đầu từ năm 2002 khi diễn ra Hội nghị cấp cao Ấn Độ - ASEAN tại Phnôm Pênh (Campuchia).
Chính sách Hướng Đông là một nội dung cơ bản trong chiến lược ngoại giao mới của Ấn Độ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á. Với việc xác định ASEAN là một trọng tâm trong Chính sách Hướng Đông của mình, Ấn Độ đã tăng cường hợp tác với ASEAN trên nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, an ninh, khoa học - công nghệ, y tế, văn hóa. Ấn Độ xác định rõ ASEAN là mắt xích trung tâm, là khâu đột phá nhằm tăng cường hợp tác kinh tế, ngoại giao với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngoại trưởng Ấn Độ từng khẳng định: “Ở khu vực này chúng ta có thể tìm được gần như những tồn tại vốn có của các nươc lớn trên thế giới như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật, ASEAN và Ấn Độ”[3]. Như vậy, Ấn Độ đã coi mình là một trong sáu lực lượng lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bộ trưởng Ấn Độ từng nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng chúng tôi có lợi ích kinh tế lớn và ngày càng tăng ở ASEAN. Các thị trường ASEAN tạo thêm hướng đi và giá trị gia tăng cho xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và lao động của chúng tôi. ASEAN là nguồn nguyên liệu thô, ngành trung gian, ngành chế tạo và dịch vụ tiềm tàng mà nền kinh tế đặt mục tiêu tăng trưởng gần 7% mỗi năm của chúng tôi đang cần”[4]. (Xem tiếp phần 2)
* Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
** Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
[1] Manmohan Singh (2005), Statement by Prime Minister Dr. Manmohan Singh on the eve of his departure for Malaysia, 11/12/2005, http://meaindia.nic.in
[2] PM (Manmohan Singh)'s keynote addres at special leaders dialogue of ASEAN Business Advisory Council, Cuala Lumpur, December 12, 2005, http://www.pmindia.nic.in/speeches.htm
[3] Thông tấn xã Việt Nam, Ấn Độ những xu hướng mới trong chính sách đối ngoại, Tài liệu Tham khảo đặc biệt số 5/2007, tr. 63.
[4] I.K. Gulraj, Statement By His Excellency Mr. I.K Gulraj Minister of External Affairs of India at ASEAN Post Ministeral Meeting 1996, http://www.aseansec.org/4308.htm
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục