Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ trong quan hệ với các nước ASEAN và Việt Nam (Phần 2)

Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ trong quan hệ với các nước ASEAN và Việt Nam (Phần 2)

Từ những năm 1990 đến nay, cùng với Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ ngày càng trỗi dậy, ảnh hưởng lớn đến nhiều quốc gia, khu vực trong đó có ASEAN và Việt Nam. Một chính sách đối ngoại của Ấn Độ đã được thực thi là “Chính sách Hướng Đông”. Triển vọng của quan hệ Việt Nam – Ấn Độ là to lớn, tốt đẹp, bắt nguồn từ quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam mà Ấn Độ luôn luôn ủng hộ, giúp đỡ. Khi Ấn Độ chủ trương Chính sách Hướng Đông thì triển vọng này càng có cơ hội phát triển tốt đẹp và bền vững.

02:42 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ trong quan hvới các nước ASEAN và Việt Nam

PGS, TS Nguyễn Quốc Phẩm*

 

3. Ảnh hưởng, tác động của Chính sách Hướng Đông đối với Việt Nam

Cùng với chính sách mở rộng quan hệ đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ, Việt Nam sẵn sàng là bạn là đối tác tin cậy của các nước mà Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương, Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ đã ảnh hưởng tích cực trong quan hệ Việt - Ấn.

Từ năm 1972, Ấn Độ và Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao ở mức đại sứ. Từ đó đến nay nhất là từ khi đổi mới ở Việt Nam (1986) và Ấn Độ thực hiện Chính sách Hướng Đông (1992), quan hệ đối tác đã phát triển trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt từ ngày 6/7/2007, lãnh đạo hai nước đã quyết định nâng tầm quan hệ từ hữu nghị truyền thống lên hợp tác chiến lược.

Các chuyến thăm dày đặc của lãnh đạo hai nước những năm gần đây cho thấy bước phát triển mạnh mẽ, vững chắc của mối quan hệ đối tác chiến lược đó: Tháng 4/1991, Thủ tướng Ấn Độ R. Venkataraman thăm chính thức Việt Nam; Tháng 9/1992, Tổng bí thư Đỗ Mười thăm chính thức Ấn Độ; Tháng 9/1994, Thủ tướng Ấn Độ Narashimha đến Việt Nam; Tháng 12/1999, Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đức Lương đã dẫn đầu một đoàn, gồm có Thủ tướng, các Bộ trưởng và Thứ trưởng thăm chính thức Ấn Độ. Năm 2000, với Tuyên bố Viêng Chăn, Việt - Ấn đi vào khuôn khổ hợp tác Sông Hằng và Sông Mê Công, kết hợp giữa hợp tác song phương giữa 2 nước và hợp tác khu vực, nhằm mang lại nhiều lợi ích hơn cho cả 2 quốc gia. Năm 2009, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thăm Ấn Độ. Năm 2010, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Ấn Độ. Năm 2011, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Ấn Độ…

Những năm gần đây, Ấn Độ cũng đã tăng cường quan hệ ngoại giao với Việt Nam, Chủ tịch Hạ viện Somnath Chatterjee thăm chính thức Việt Nam (tháng 3/2007); Tổng thống Pratibha Patil thăm Việt Nam (tháng 11/2008); Thủ tướng Manmohan Singh đến Hà Nội tháng 10/2010 và Chủ tịch Hạ viện, bà Meira Kumar thăm Việt Nam tháng 5 năm 2011; Tổng thống Pranab Mukherjee thăm Việt Nam tháng 9/2014.

Một số thành quả tiêu biểu đã đạt được trong quan hệ song phương:

Về hợp tác thương mại: Từ năm 2006 – 2007 thương mại song phương Ấn – Việt đã vượt con số 1 tỷ USD. Năm 2008, Ấn Độ trở thành một trong mười nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do Ấn Độ - ASEAN năm 2009 đã tạo thêm cơ hội mới cho sự hợp tác giữa Ấn Độ - ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Từ đó đến nay, thương mại 2 chiều Việt - Ấn liên tục gia tăng một cách ấn tượng. Năm 2010, thương mại hai chiều đạt 2,75 tỷ USD, tăng 34,3% so với năm trước đó. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2011, kim ngạch thương mại song phương đã đạt 1.262 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước. Cả Việt Nam và Ấn Độ đang đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 7 tỷ USD vào năm 2015(7).

Về lĩnh vực đầu tư: Ấn Độ là nước sớm đầu tư vào Việt Nam. Ngay từ năm 1980, Ấn Độ đã có dự án đầu tư thăm dò dầu khí cho Việt Nam. Năm 2007 đánh dấu bước phát triển mới trong lĩnh vực đầu tư. Các dự án của các tập đoàn ESSar và Tata trong lĩnh vực sản xuất thép đã đưa Ấn Độ vào nhóm 10 nước đầu tư lớn vào Việt Nam. Tính đến tháng 9/2011, đầu tư của Ấn Độ tại Việt Nam đạt hơn 500 triệu USD(8). Đến thời điểm 2011, Ấn Độ đã có tới 52 dự án với tổng số vốn đăng ký tới hơn 220 triệu USD(9).

Về lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học – kỹ thuật: Ấn Độ là một quốc gia được tiếp thu khá nhiều các giá trị của văn hóa, khoa học – kỹ thuật của nước Anh, đã xây dựng một hệ thống đào tạo, phát triển với hàng trăm trường đại học, học viện, nhiều cơ sở đào tạo được xếp thứ hạng cao của châu Á như Viện công nghệ Ấn Độ (IIT), Viện nghiên cứu lúa (PUSA). Nhiều lĩnh vực khoa học – kỹ thuật đã hợp tác với Việt Nam. Hàng năm, Việt Nam được hưởng nhiều học bổng nhất trong số các nước đang phát triển trong Chương trình hợp tác kỹ thuật của Ấn Độ (ITEC) với nước ngoài. Phía Việt Nam cũng có nhiều việc làm thúc đẩy quan hệ về giáo dục – đào tạo với Ấn Độ. Bộ môn Ấn Độ học được lập đầu tiên ở Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh năm 2000. Năm 2001, bộ môn này cũng được thành lập ở Đại học khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, đào tạo nhiều khóa sinh viên. Ngày 5/7/2011, Chính phủ Việt Nam quyết định thành lập Viện Ấn Độ và Tây Nam Á thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Năm 2014, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cũng đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ trực thuộc Ban Giám đốc Học viện.

Về hợp tác An ninh – quốc phòng: Đây là lĩnh vực mới mẻ, song 2 nước đã thúc đẩy quan hệ hợp tác. Từ năm 1994, “Nghị định thư hợp tác về quốc phòng” được ký kết, hàng loạt các chuyến thăm thông qua các đoàn cấp cao của Bộ Quốc phòng 2 nước đã thông qua các chương trình hợp tác các lĩnh vực về quân sự, về việc Ấn Độ giúp Việt Nam đào tạo sĩ quan quân đội…

Triển vọng của quan hệ Việt Nam – Ấn Độ là to lớn, tốt đẹp, bắt nguồn từ quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam mà Ấn Độ luôn luôn ủng hộ, giúp đỡ. Khi Ấn Độ chủ trương Chính sách Hướng Đông thì triển vọng này càng có cơ hội phát triển tốt đẹp và bền vững.

Chú thích

(1) Bộ ngoại giao Ấn Độ, Báo cáo hàng năm… Dẫn theo; Ấn Độ trong thế giới đương đại: chính trị, kinh tế và quan hệ quốc tế, Nxb Lý luận chính trị, H. 2015, tr. 282.

(2), (3) Ngô Xuân Bình (chủ biên), Thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Ấn Độ trong bối cảnh mới, Nxb Từ điển Bách khoa, H. 2012, tr. 194 – 195; 198.

(4), (5), (6) Ấn Độ trong thế giới đương đại, Sđd, tr. 321; 335; 337.

(7) Truyền thống Việt Nam – Ấn Độ, 2011, Theo TTXVN.

(8) http://news.go.vn

(9) http://www.vietnamplus.vn.

* Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Nguồn:

Cùng chuyên mục