Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ và tác động của chính sách này đến quan hệ Việt Nam - Ấn Độ (Phần 1)

Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ và tác động của chính sách này đến quan hệ Việt Nam - Ấn Độ (Phần 1)

Bài viết làm rõ Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ từ đầu những năm 1990 đến nay và tác động của chính sách này đến mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ.

02:48 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ và tác động  của chính sách này đến quan hệ Việt Nam - Ấn Độ

Võ Văn Chỉ*

Dẫn nhập

Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), Ấn Độ từ nền kinh tế đứng thứ 16 thế giới đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 10 vào năm 2012[1]. Gần như đồng thời với cải cách kinh tế, Ấn Độ đã có những điều chỉnh về chính sách đối ngoại để thích ứng với tình hình mới. Một trong những sự điều chỉnh đó là sự ra đời của Chính sách Hướng Đông nhằm tăng cường hợp tác với các nước Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó các nước Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.

1. Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ từ đầu những năm 1990 đến nay

1.1. Nguyên nhân và sự điều chỉnh Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ

Bối cảnh thế giới, khu vực và tình hình trong nước những năm cuối thập niên 80 và một vài năm đầu thập niên 90 thế kỷ XX có những biến động lớn buộc Ấn Độ phải đưa ra những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại của mình.

Thứ nhất, sự sụp đổ của Liên Xô và sự tan rã của các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu làm cho Ấn Độ mất đi một chỗ dựa rất quan trọng về kinh tế, chính trị và quốc phòng.

Thứ hai, Chiến tranh Lạnh kết thúc và sự tan rã của trật tự hai cực đã khiến cho Phong trào Không liên kết tạm thời lắng xuống. Vị thế của Ấn Độ với tư cách là một trong những nước lãnh đạo phong trào này, do đó, cũng bị giảm đi phần nào.

Thứ ba, Chiến tranh Vùng Vịnh bùng nổ năm 1991 đã tác động xấu tới tình hình kinh tế thế giới cũng như Ấn Độ.

Thứ tư, sau sự kiện Ấn Độ bị chia tách thành hai quốc gia Ấn Độ và Pakistan vào năm 1947, Ấn Độ và Pakistan luôn coi nhau như thù địch ở khu vực Nam Á với hai cuộc chiến đã nổ ra giữa hai nước vào các năm 1965 và năm 1971.

Thứ năm, trong khi Ấn Độ đang gặp khó khăn trong quan hệ với các đối tác chính trị kinh tế chủ chốt của mình, thì ở khu vực Nam Á tình hình cũng không khá hơn.

Thứ sáu, từ cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90 thế kỷ XX, Trung Quốc công khai ý định mở rộng ảnh hưởng xuống Nam Á với Ấn Độ Dương, những khu vực Ấn Độ coi là phạm vi ảnh hưởng truyền thống của mình.

Thứ bảy, tình hình kinh tế - xã hội và chính trị - an ninh Ấn Độ trong cuối thập niên 80, những năm đầu thập niên 90 thế kỷ XX rơi vào tình trạng bất ổn.

Nếu như về đối nội, đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, Ấn Độ, như lời Thủ tướng Narasimha Rao,“đứng trước bờ vực”, thì về đối ngoại, Thủ tướng Rajiv Gandhi đã phải thốt lên rằng: “Ấn Độ đã bị lu mờ như thể không còn tồn tại. Chúng ta phải đảm bảo làm sao Ấn Độ xuất hiện trở lại như một nước tiền tuyến”[2]. Để vực dậy nền kinh tế bên bờ vực phá sản, Ấn Độ buộc phải thực hiện cải cách toàn diện nền kinh tế và nhiệm vụ ngoại giao của Ấn Độ là tìm kiếm các đối tác kinh tế phục vụ cho cuộc cải cách này. Đồng thời, thông qua các nỗ lực kinh tế, Ấn Độ muốn xây dựng và mở rộng ảnh hưởng chính trị của mình vượt ra khỏi khu vực Nam Á.

Những khó khăn của tình hình quốc tế, khu vực và những bất ổn trong nước đã buộc Ấn Độ phải điều chỉnh chính sách đối ngoại của mình, cụ thể như sau:

Điều chỉnh quan trọng đầu tiên là chuyển từ tư tưởng đồng thuận quốc gia về xây dựng một “xã hội xã hội chủ nghĩa” sang xây dựng một xã hội “tư bản chủ nghĩa hiện đại” hay từ “chủ nghĩa xã hội sang ủng hộ kinh doanh” như tên một cuốn sách nổi tiếng của tác giả Atul Kohli [3].

Điều chỉnh quan trọng thứ hai là từ bỏ tư tưởng chống phương Tây vốn đã thống trị nền chính trị nước này trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Điều chỉnh quan trọng thứ ba, chính sách đối ngoại của Ấn Độ chuyển từ tập trung vào nhân tố chính trị sang chú trọng nhân tố kinh tế.

Điều chỉnh quan trọng thứ tư là sự thay đổi trong suy nghĩ về cách thức trở thành cường quốc thế giới.

Điều chỉnh quan trọng thứ năm là chuyển dịch dần từ chủ nghĩa lý tưởng sang chủ nghĩa hiện thực trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ.

Như vậy, với cuộc cải cách toàn diện nền kinh tế, Ấn Độ “rời bỏ chính sách tự lực cánh sinh về kinh tế và tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế”[4]. Không chỉ trên lĩnh vực thương mại. Ấn Độ cũng đã có thay đổi mạnh mẽ về tư tưởng như từ bỏ chính sách chống phương Tây, từ bỏ chủ nghĩa lý tưởng và theo đuổi chính sách đối ngoại thực dụng hơn - chủ nghĩa hiện thực. Quan trọng không kém, Ấn Độ xác định trở thành một cường quốc trên thế giới nhờ vào sự lớn mạnh về kinh tế và quân sự của mình.

1.2. Nội dung Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ

Đứng trước tình hình khó khăn trong quan hệ với các nước lớn, các nước phía Tây và sự sụt giảm vai trò của mình trong Phong trào Không liên kết, lựa chọn của Ấn Độ là hướng tới châu Á - Thái Bình Dương, khu vực được Thủ tướng Jawaharhal Nehru đánh giá là “có khả năng thay thế Đại Tây Dương với tư cách là đầu não trung tâm của thế giới”[5]. Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ được triển khai, được bổ sung những yếu tố mới do yêu cầu của chính bản thân Ấn Độ trước những thay đổi của bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước. Việc triển khai Chính sách Hướng Đông nhằm thực hiện hai nhóm mục tiêu chủ yếu là nhóm các mục tiêu chính trị - chiến lược và nhóm các mục tiêu kinh tế - xã hội.

Nhóm các mục tiêu chính trị - chiến lược

Triển khai Chính sách Hướng Đông, Ấn Độ hướng tới xây dựng, mở rộng và cạnh tranh ảnh hưởng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, phần nào giúp kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở Nam Á và Ấn Độ Dương, những khu vực Ấn Độ xem là phạm vi ảnh hưởng truyền thống của mình.

Như đã nói ở trên, ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng ở Nam Á và Ấn Độ Dương buộc Ấn Độ một mặt nâng cao tiềm lực về kinh tế và quốc phòng, mặt khác trực tiếp cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc ở các khu vực có lợi ích chiến lược đối với quốc gia Đông Bắc Á này, trong đó có khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong một phát biểu tại New Delhi vào tháng 9/2010, Thủ tướng Manmohan Singh đã cảnh báo: “Trung Quốc đang nỗ lực mở rộng ảnh hưởng ở Nam Á, gây bất lợi cho Ấn Độ” và rằng, “Trung Quốc muốn có chỗ đứng ở Nam Á, chúng ta phải thích ứng với thực tế này và chúng ta cần phải cảnh giác”[6].

Những nỗ lực của Ấn Độ trong việc tham gia vào các cơ chế hợp tác quan trọng ở khu vực như Đối tác Đối thoại đầy đủ của ASEAN, ARF, ASEAN +1, EAS, ASEM, ADMM+ đã chứng minh cho nhóm các mục tiêu chính trị - chiến lược này của Chính sách Hướng Đông. (Còn tiếp) (Xem tiếp phần 2)


* Học viện Chính trị Khu vực IV, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

[1] The World Bank, GDP (current US$), http://data.worldbank.org/indicator/NY.GDP.MKTP.CD?page=4 (cập nhật ngày 20 tháng 8 năm 2013).

[2] Trần Thị Lý (2002), Sự điều chỉnh chính sách của Cộng hòa Ấn Độ từ 1991 đến 2000, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.27.

[3] Xem Atul Kohli (2009), Democracy and Development in India: From Socialism to Pro-Business, Oxford University Press.

[4] Marie Lall (2009), “India’s new foreign policy - the journey from moral non-alignment to the nuclear deal” in The geopolitics of energy in South Asia, ISEAS Series on Energy, ISEAS, Singapore.

[5] Dipankar Banerjee (1995), “India anh South East Asia in the Twenty First Century”, Indo-Australian Dialogue, New Delhi, p.188.

[6] “Manmohan Singh says China wants foothold in South Asian”, Reuters, Sep. 7/2010.

Nguồn:

Cùng chuyên mục