Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ và tác động của chính sách này đến quan hệ Việt Nam - Ấn Độ (Phần 3)

Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ và tác động của chính sách này đến quan hệ Việt Nam - Ấn Độ (Phần 3)

Bài viết làm rõ Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ từ đầu những năm 1990 đến nay và tác động của chính sách này đến mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ.

02:44 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ và tác động  của chính sách này đến quan hệ Việt Nam - Ấn Độ

Võ Văn Chỉ*

(Tiếp theo phần 2)

2.2. Những tác động trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông

Trên thực tế, Ấn Độ đã gặp phải sự phản đối của Trung Quốc vào năm 2000 khi hải quân Ấn Độ di chuyển qua Biển Đông và thông báo tập trận chung trong khu vực[1]. Ấn Độ dường như chỉ thực sự lo ngại các lợi ích của mình ở Biển Đông bị xâm phạm khi Trung Quốc lần đầu tiên công bố bản đồ có hình lưỡi bò trong Công hàm gửi Liên hợp quốc phản đối báo cáo ranh giới ngoài thềm lục địa của Việt Nam và Malaysia[2].

Ấn Độ lần đầu tiên lên tiếng về an ninh hàng hải và phương thức tiếp cận đảm bảo an ninh hàng hải ở các vùng biển châu Á - Thái Bình Dương tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng tại Hà Nội năm 2010. Tại Hội nghị này, Bộ trưởng A. K. Antony đã nhấn mạnh: “An ninh của các tuyến giao thông đường biển đóng vai trò sống còn trong thế giới ngày nay… An ninh của các tuyến đường biển quan trọng đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khu vực hiện nay là một trong những đầu tàu tăng trưởng kinh tế quan trọng toàn cầu…”[3].

Đầu tháng 9/2011, Bộ Ngoại giao Ấn Độ bắt đầu có những tuyên bố thể hiện rõ quan điểm về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Trong thông cáo báo chí 1/9/2011, Bộ Ngoại giao nước này đã nói rõ: “Ấn Độ ủng hộ việc tự do hàng hải trong các vùng biển quốc tế, bao gồm Biển Đông, và quyền lưu thông phù hợp với các nguyên tắc của Luật pháp quốc tế. Các nguyên tắc này cần phải được tôn trọng”[4].

Điều rất quan tâm là Ấn Độ đã rất thẳng thắn khẳng định việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trong vùng kinh tế đặc quyền của Việt Nam ở Biển Đông, đặc biệt, việc Trung Quốc phản đối thăm dò dầu khí của công ty OVL trong khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam là “không có cơ sở pháp lý”[5]. Không dừng lại ở việc khẳng định hành động phi pháp của Trung Quốc, Ấn Độ còn khẳng định sẽ bảo vệ các lợi ích của mình ở Biển Đông khi Quốc vụ khach phụ trách quốc phòng Ấn Độ trong lần trả lời báo chí nước này ngày 19/6/2011 đã nhấn mạnh, Ấn Độ tiếp tục thể hiện quan điểm cứng rắn của mình trong việc bảo vệ các quyền lợi của mình ở Biển Đông, thậm chí, hải quân nước này còn đề cập tới khả năng điều tàu chiến đến vùng biển này để bảo vệ các lợi ích của quốc gia, cụ thể là các lô thăm dò do công ty ONGC Videsh thực hiện. Đô đốc D. K. Joshi, người đứng đầu hải quân Ấn Độ cũng khẳng định lại quan điểm của nước này về phương thức giải quyết tranh chấp Biển Đông: “không chỉ chúng tôi mà tất cả mọi người điều có quan điểm cho rằng, các tranh chấp phải được giải quyết bởi các bên liên quan phù hợp với quy định quốc tế được ghi trong UNCLOS, đó là yêu cầu đầu tiên của chúng tôi”[6].

Quan điểm và động thái của Ấn Độ ở Biển Đông đã tác động không nhỏ đến quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, đặc biệt trên lĩnh vực chính trị. Sự ủng hộ của Ấn Độ với việc giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông một cách hòa bình bằng con đường ngoại giao trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và DOC năm 2002 cho thấy rằng, Ấn Độ là một quốc gia có quan điểm rõ ràng, khách quan và có trách nhiệm trong các vấn đề quốc tế, trong đó có vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Quan điểm này của Ấn Độ phù hợp với chủ trương của Việt Nam trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền ở vùng biển này.

Cùng với các lĩnh vực hợp tác khác, sự kiên định trong quan điểm của Ấn Độ về Biển Đông là một trong những nền tảng quan trọng để có thể nâng cấp quan hệ chiến lược Việt Nam  - Ấn Độ hiện nay lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện không xa.

2.3. Những tác động trên lĩnh vực an ninh - chính trị

Việt Nam, Ấn Độ là hai quốc gia có mối quan hệ tốt đẹp trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Ấn Độ tiếp tục coi Việt Nam là một nhân tố quan trọng trong chính sách đối ngoại của mình. Năm 1994, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, khi hội đàm với Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng N. Rao khẳng định: “Ấn Độ ủng hộ công cuộc đổi mới của Việt Nam, coi Việt Nam là đối tác đặc biệt. Vì vậy, Ấn Độ mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trên tất cả mọi lĩnh vực mà hai bên có tiềm năng”[7].

Về phần mình, Việt Nam vẫn coi Ấn Độ là một người bạn, một đối tác quan trọng trong chính sách đối ngoại của mình thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Tại khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 54 (9/1999), Việt Nam tuyên bố ủng hộ Ấn Độ làm Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an khi cơ quan này mở rộng. Về bản chất, Việt Nam đã coi Ấn Độ là đối tác chiến lược của mình gần như trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh và sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, dường như quan điểm đó vẫn không hề thay đổi. Với những thành công của Việt Nam trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, nhiều nhà phân tích chiến lược hàng đầu Ấn Độ đã nhận định rằng: “Tầm quan trọng của Việt Nam ở Đông Nam Á đã tăng lên mạnh mẽ về chiến lược cũng như kinh tế. Dường như Việt Nam đã chính thức nổi lên thành một trung tâm kinh tế mới của châu Á - Thái Bình Dương, đang quyến rũ Nhật Bản và các nhà đầu tư khác. Ấn Độ  nên khai thác mối quan hệ truyền thống tốt đẹp của mình với Việt Nam để mở rộng các mối quan hệ kinh tế. Một nước Việt Nam mạnh về quân sự cần phải là một quốc gia mạnh về kinh tế. Ấn Độ là nhân tố phù hợp có thể giúp đỡ Việt Nam trên cả hai lĩnh vực”[8].

Kết quả của những nỗ lực tăng cường quan hệ ngoại giao - chính trị giữa hai bên lên tầm chiến lược là sự ra đời của Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác toàn diện giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Ấn Độ bước vào thế kỷ XXI vào năm 2003. Quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước chính thức được thiết lập vào tháng 7/2007 với Tuyên bố chung về quan hệ đối tác Việt Nam - Ấn Độ. Tuyên bố chung nhấn mạnh: “quan hệ đối tác chiến lược mới này sẽ bao gồm các quan hệ song phương trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, văn hóa, khoa học, kỹ thuật và định hướng quan hệ hợp tác giữa hai nước trong các diễn đàn khu vực và đa phương” và tin tưởng rằng, “việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược mới sẽ mở ra một chương mới trong quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam”[9]. Với tuyên bố này, Việt Nam là quốc gia thứ hai ở Đông Nam Á và là quốc gia thứ ba ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ, sau Indonesia và Nhật Bản.

Dưới tác động của Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ và chủ trương tăng cường quan hệ với Ấn Độ của Việt Nam, quan hệ quân sự đã trở thành một trong những lĩnh vực hợp tác thành công của hai nước.

2.4. Những tác động trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực

Có thể nói rằng, văn hóa, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực là những lĩnh vực đạt được những tiến bộ đáng kể trong quan hệ song phương Việt Nam - Ấn Độ.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam là nước hàng đầu nhận được các chương trình đào tạo thuộc chương trình Hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật Ấn Độ (ITEC) cũng như nhiều chương trình học bổng khác. Hàng năm, Ấn Độ cấp cho Việt Nam khoảng 95 suất học bổng theo chương trình ITEC. Theo số liệu đưa ra tại Chương trình Giới thiệu học bổng hợp tác kinh tế kỹ thuật Ấn Độ do Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị thành phố Hồ Chí Minh tổ chức năm 2010, trong vòng 15 năm qua, Ấn Độ đã cấp hơn 750 suất học bổng thuộc chương trình ITEC Việt Nam. Bên cạnh chương trình học bổng ITEC, hàng năm Việt Nam còn nhận được các chương trình học bổng khác với khoảng 10 suất học bổng thuộc Chương trình Học bổng văn hóa chung (GCSS) và khoảng 20 suất thuộc Chương trình Trao đổi văn hóa. Kể từ năm 2006, Việt Nam còn nhận thêm khoảng 10 suất học bổng theo Chương trình Hợp tác Mekong - Sông Hằng (MGC).

Ngoài các chương trình học bổng tại Ấn Độ, ngày nay càng có nhiều học bổng được các trường của Ấn Độ cấp cho việc đào tạo nguồn nhân lực ở Việt Nam. Điển hình cho loại hình đào tạo này là Học viện NIIT, chỉ tính riêng trong năm 2002, NIIT đã cấp cho Việt Nam 600 học bổng đào tạo lập trình viên ứng dụng.

Bên cạnh học bổng theo chương trình trao đổi văn hóa, các chương trình giao lưu văn hóa song phương cũng làm tăng thêm sự hiểu biết của hai nước. Chương trình trao đổi văn hóa bao gồm các tuần lễ phim cũng như các buổi biểu diễn nghệ thuật của Việt Nam ở Ấn Độ và của Ấn Độ với Việt Nam. Một sự kiện nổi bật trong quan hệ văn hóa - chính trị giữa hai nước là sự kiện ba viên xá lị Phật và sáu viên xá lị Thánh tăng đã được rước từ Ấn Độ về Việt Nam vào tháng 3/2010.

Với việc triển khai Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ và Chính sách Ngoại giao mở rộng của Việt Nam, quan hệ giữa hai nước đã có bước phát triển mạnh mẽ trên hầu hết các lĩnh vực. Về chính trị, bước phát triển lớn nhất của quan hệ hai nước là thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ năm 2007. Về quân sự, Ấn Độ thể hiện sự quan tâm thực sự đối với vị trí địa chính trị - chiến lược của Việt Nam ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng “lấn sân” sang khu vực này, sự ủng hộ đối với Việt Nam trong việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. Về thương mại, đầu tư; văn hóa, giáo dục hai nước cũng có bước phát triển mới.

Đối với quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, Chính sách Hướng Đông đã góp phần nâng cao cấp quan hệ giữa hai nước từ mối quan hệ truyền thống tốt đẹp lên mối quan hệ đối tác chiến lược, đặc biệt là trên lĩnh vực an ninh - chính trị. Quan hệ thương mại, đầu tư, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực giữa hai nước ngày càng được tăng cường dù nhân tố thúc đẩy chính vẫn là phía Ấn Độ. Mặc dù quan hệ kinh tế hai nước vẫn chưa được như mong muốn của cả hai bên, nhưng, rõ ràng, chính sách hướng Đông của Ấn Độ cùng nỗ lực tăng cường quan hệ với Ấn Độ của Việt Nam đã làm cho mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trở nên sâu sắc và ngày càng thực chất hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tiếng Việt

  1. Ngô Xuân Bình (2013): Việt Nam - Ấn Độ và Tây Nam Á những mối liên hệ trong lịch sử và hiện tại (kỷ yếu hội thảo quốc tế), Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội.
  2. Ngô Xuân Bình (2012): Thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh hiện nay (kỷ yếu hội thảo quốc tế), Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội.
  3. Trần Thị Lý (2002), Sự điều chỉnh chính sách của Cộng hòa Ấn Độ từ 1991 đến 2000, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  4. Trần Trường Thủy (2012), “Yêu sách và cơ sở pháp lý đòi chủ quyền của các bên ở Biển Đông”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 2.
  5. Võ Xuân Vinh (2013): ASEAN trong Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

Tiếng Anh

  1. Banerjee Dipankar (1995): “India anh South East Asia in the Twenty First Century”, Indo-Australian Dialogue, New Delhi, p. 188.
  2. Chaulia Sreeram (2002), BJP: “India’s Foreign Policy and the “Realist Alternative” to the Nehruvian Tradition”, International Politics, 39, June, p.223.
  3. Lall Marie (2009): “India’s new forenign policy - the journey from moral non-alignment to the nuclear deal, in the geopolitics of energy in South Asia”, ISEAS Series on Energy, ISEAS, Singapore.
  4. Kohli Atul (2009), “Democracy and Development in India: From Socialism to Pro-Business”, Oxford University Press.
  5. Kapila Subhash (2001), “India - Vietnam Strategic Parnership: The Convengence of Internet”, South Asia Analysis Croup Papers, Paper no.177.

* Học viện Chính trị Khu vực IV, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục