Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Chuyến thăm ba nước Đông Á của Thủ tướng Modi và “Chính sách Hành động phía Đông” của Ấn Độ* (Phần 1)

Chuyến thăm ba nước Đông Á của Thủ tướng Modi và “Chính sách Hành động phía Đông” của Ấn Độ* (Phần 1)

Từ ngày 14 đến 19 tháng 5 năm 2015, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã tiến hành chuyến thăm cấp nhà nước tới ba nước Trung Quốc, Mông Cổ và Hàn Quốc. Chuyến thăm ba nước Đông Á này của Thủ tướng Modi đều được chú trọng như nhau: Tại Trung Quốc, Thủ tướng nhấn mạnh thế kỷ XXI trở thành thế kỷ của Châu Á quyết định bởi những thành tựu và hợp tác tốt đẹp mà hai nước Trung Quốc và Ấn Độ gặt hái được; tại Mông Cổ, ông nhấn mạnh Ấn Độ là nước láng giềng thứ ba của Mông Cổ và là người bạn tinh thần của Mông Cổ, còn tại Hàn Quốc, ông nhấn mạnh Hàn Quốc là người bạn lớn thứ hai của Ấn Độ trong cơ chế đối thoại “2+2” chỉ đứng sau Nhật Bản. Mặc dù tầm quan trọng của ba nước Đông Á này trên bàn cờ chiến lược của Ấn Độ có sự khác biệt, nhưng Đông Á đã trở thành một thực tế hiện hữu đối với bố cục trọng điểm trong chiến lược đối ngoại của Ấn Độ.

05:28 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Chuyến thăm ba nước Đông Á của Thủ tướng Modi và “Chính sách Hành động phía Đông” của Ấn Độ

Ngô Triệu Lễ*

 Từ ngày 14 đến 19 tháng 5 năm 2015, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã tiến hành chuyến thăm cấp nhà nước tới ba nước Trung Quốc, Mông Cổ và Hàn Quốc. Chuyến thăm ba nước Đông Á này của Thủ tướng Modi đều được chú trọng như nhau: Tại Trung Quốc, Thủ tướng nhấn mạnh thế kỷ XXI trở thành thế kỷ của Châu Á quyết định bởi những thành tựu và hợp tác tốt đẹp mà hai nước Trung Quốc và Ấn Độ gặt hái được; tại Mông Cổ, ông nhấn mạnh Ấn Độ là nước láng giềng thứ ba của Mông Cổ và là người bạn tinh thần của Mông Cổ, còn tại Hàn Quốc, ông nhấn mạnh Hàn Quốc là người bạn lớn thứ hai của Ấn Độ trong cơ chế đối thoại “2+2” chỉ đứng sau Nhật Bản. Mặc dù tầm quan trọng của ba nước Đông Á này trên bàn cờ chiến lược của Ấn Độ có sự khác biệt, nhưng Đông Á đã trở thành một thực tế hiện hữu đối với bố cục trọng điểm trong chiến lược đối ngoại của Ấn Độ.

Nâng “Chính sách Hướng Đông” lên thành “Chính sách Hành động phía Đông”

Việc nâng cấp “Chính sách Hướng Đông” là một động lực thúc đẩy quan trọng trong chiến lược đối ngoại kể từ khi Modi lên nhậm chức Thủ tướng. Trước đó, “Chính sách Hướng Đông” của Ấn Độ đã trải qua quá trình phát triển hơn 20 năm và phạm vi bao phủ của chính sách đã được dần mở rộng ra toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, từ các quốc gia Đông Nam Á sang cả Hàn Quốc, Nhật Bản ở khu vực Đông Bắc Á và các nước khu vực Thái Bình Dương như Australia, New Zealand,…, đồng thời thể hiện rõ tâm thế phát triển mở rộng đa phương diện từ chính sách cho đến chiến lược, từ lục địa cho đến biển đảo, từ kinh tế cho đến văn hóa và an ninh,…. Tuy nhiên, do thiếu sự quan tâm chú ý mang tính thúc đẩy liên tục và các hành động thực hiện còn chưa đủ mạnh nên giới chiến lược Ấn Độ rất không hài lòng với các kết quả của “Chính sách Hướng Đông”.

Trong Hội nghị Thượng đỉnh giữa ASEAN - Ấn Độ lần thứ 12 tổ chức vào tháng 11 năm 2014, Thủ tướng Modi đã tuyên bố rõ phải nâng cấp “Chính sách Hướng Đông” lên thành “Hành động phía Đông”. Cũng trong tháng 12 năm 2014, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj khi trả lời phỏng vấn của Viện Nhân dân của Nghị viện Liên bang cũng chỉ ra, trong mấy tháng gần đây, Ấn Độ đang tích cực thúc đẩy “Chính sách Hành động phía Đông”. Biểu hiện quan trọng đầu tiên là phạm vi khu vực chính sách bao phủ được mở rộng trên cơ sở trước đây. Theo truyền thống, phạm vi Chính sách Hướng Đông là bắt đầu từ Myanma mở rộng theo hình quạt hướng về phía Đông, Đông Bắc và Đông Nam; tháng 6 năm 2014, cửa ngõ của Chính sách Hướng Đông vốn được định vị từ Myanmar đã chuyển sang Bangladesh, điều này chỉ rõ Chính sách Hướng Đông được bắt đầu từ Bangladesh. Lần này, việc Thủ tướng Modi tới thăm Mông Cổ cho thấy Mông Cổ là một bộ phận quan trọng không thể thiếu trong “Chính sách Hướng Đông” của Ấn Độ.

Nhiều xu thế mới của “Chính sách Hành động phía Đông” trên các phương diện: phạm vi vùng biên, lĩnh vực thảo luận và chỉ đạo chiến lược,… đều thể hiện Ấn Độ cần phải dựa vào những hành động tích cực hơn nữa để phát triển quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á và Nam Thái Bình Dương trên mọi phương diện: chính trị, kinh tế và an ninh, để tiến thêm một bước mở rộng không gian chiến lược của Ấn Độ, đồng thời gia nhập toàn diện vào tiến trình hợp tác khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nói một cách cụ thể, về mặt chính sách, sự chuyển biến từ “nhìn về” hướng Đông sang “Hành động” phía Đông đã chứng tỏ, chiến lược của Ấn Độ thật sự cầu thị theo hướng đa nguyên, nội hàm chiến lược bắt đầu vượt qua hai trụ cột thương mại và đầu tư truyền thống được hình thành vào thập niên 90 của thế kỷ XX, bắt đầu chú trọng theo đuổi mục tiêu chiến lược đa phương diện như kinh tế + chính trị + an ninh + quyền lực mềm,…

Mông Cổ: Hợp tác an ninh là trụ cột

Vị trí “láng giềng lân cận” của Ấn Độ và Mông Cổ đã phản ánh nhu cầu của hai bên ngày càng gia tăng, ý nghĩa định hướng trong quan hệ song phương là rõ ràng. Sau khi Ấn Độ thực thi “Chính sách Hướng Đông” năm 1992 và Mông Cổ công bố “Chính sách ngoại giao đa trọng điểm” không liên kết, bình đẳng và toàn diện, thì sự kết hợp về lợi ích chiến lược giữa hai nước không ngừng được gia tăng, quan hệ hai bên dần dần phát triển từ “láng giềng về mặt tinh thần” sang “quan hệ đối tác toàn diện” (năm 2009), đồng thời tiến tới phát triển thành “quan hệ đối tác chiến lược” (năm 2015). Nhưng xét một cách khách quan, các trao đổi thương mại của Mông Cổ vẫn còn hạn chế, còn hợp tác trên lĩnh vực an ninh thì ngày càng trở thành trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương. Quy mô kim ngạch thương mại song phương giữa Ấn Độ và Mông Cổ còn nhỏ, năm 2012 tăng đạt 60 triệu Đô la Mỹ, nhưng liên tiếp mấy năm sau đó bị trượt dốc, cho đến năm 2014 thì chỉ còn hơn 15 triệu Đô la Mỹ. Hơn nữa do kết cấu sản phẩm xuất khẩu của Mông Cổ đơn nhất, cho nên không gian của thương mại song phương từ trước đến nay khá hạn hẹp. Trong bối cảnh này, an ninh và quốc phòng đã trở thành trụ cột quan trọng của hợp tác song phương. Hai nước đã ký kết “Điều ước Hợp tác và quan hệ hữu hảo Mông Cổ - Ấn Độ” năm 1994, vào năm 2001 ký kết “Hiệp định Hợp tác quốc phòng” và ký tiếp vào năm 2011, đồng thời xây dựng Cơ chế gặp gỡ và bàn bạc hàng năm của Tổ Công tác liên kết hợp tác trong vấn đề quốc phòng, hiện nay đã tổ chức được 7 lần Hội nghị. Các hạng mục hợp tác an ninh song phương ngày càng tăng, bao gồm cả các hoạt động đặc biệt, an ninh mạng, vấn đề vũ khí, hành động chiến thuật, phòng thủ hiệu quả và kiểm soát chủ nghĩa khủng bố và các vấn đề như dẫn độ tội phạm, cung cấp và bảo trì trang thiết bị và đào tạo, huấn luyện cán bộ,…. Diễn tập quân sự hai bên cũng đã được quy chuẩn hóa và cơ chế hóa.

Nguồn khoáng sản phong phú của Mông Cổ là một nhân tố để Ấn Độ phát triển quan hệ với Mông Cổ. Ví dụ như Ấn Độ hiểu rất rõ giá trị của nguồn trữ lượng Uranium cao đạt đến gần 70.000 tấn của Mông Cổ đối với nước Ấn Độ rất nghèo Uranium. Năm 2009, hai nước đã ký kết Biên bản ghi nhớ Hợp tác trong lĩnh vực sử dụng năng lượng hạt nhân và khoáng sản mang tính phóng xạ một cách hoà bình. Các tuyên bố hợp tác liên kết mà hai nước đề ra trong khoảng thời gian Thủ tướng Modi tới thăm Mông Cổ lần này một lần nữa nhắc lại hai nước sẽ tăng cường hợp tác trên lĩnh vực hạt nhân dân dụng. (Xem tiếp phần 2)

* Nghiên cứu viên, Viện Nghiên cứu chiến lược khu vực châu Á - Thái Bình Dương và toàn cầu, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc

Người dịch: ThS Phùng Thanh Hà
Hiệu đính: PGS, TS Lê Văn Toan

Nguồn:

Cùng chuyên mục