Con đường diệt khổ của Phật giáo với đạo đức truyền thống trong văn hóa Việt Nam (Phần 3)
Phật giáo là một trong ba trường phái triết học không chính thống, một trào lưu tư tưởng lớn ở Ấn Độ cổ đại xuất hiện vào khoảng thế kỷ VI trước Công nguyên, đã nhanh chóng phổ biến và trở thành một quốc giáo ở Ấn Độ. Phật giáo từ lâu đã vượt ra khỏi biên giới Ấn Độ, lan tỏa khắp mọi nơi trên thế giới cho đến tận ngày nay. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, Phật giáo trở thành một tôn giáo thế giới đã và đang ảnh hưởng mạnh mẽ tới đời sống văn hoá tinh thần của nhiều dân tộc, trong đó có Việt Nam.
Con đường diệt khổ của Phật giáo với đạo đức truyền thống trong văn hóa Việt Nam
PGS, TS Vũ Trọng Dung*
3. Về tu thiền định
Thiền định là ngồi yên lặng để ngẫm nghĩ về giáo lý đạo Phật. Để đạt được tu thiền định phải thực hiện chính tinh tiến (nỗ lực rèn luyện tu tập không mệt mỏi, nỗ lực chính đáng, hướng tới lý tưởng của đạo, siêng làm điều thiện, siêng trừ bỏ ác). Để đạt được tu thiền định phải thực hiện chính niệm (phải luôn luôn tâm niệm, có niềm tin bền vững vào giải thoát; tỉnh táo, cảnh giác dù là trong những việc nhỏ, đừng để phạm lỗi, vì những lỗi nhỏ có thể đem lại hậu quả tai hại lớn.). Để đạt được tu thiền định phải thực hiện chính định (kiên định, tập trung tư tưởng tâm trí cao độ, tập trung tư tưởng không tán loạn, thì mọi việc mới có kết quả như ý) vào con đường đạo lý chân chính, không để bất cứ điều gì làm lay chuyển tâm trí để đạt tới giác ngộ.
Nếu Phật giáo xem sự nỗ lực tập trung tư tưởng, tâm trí cao độ trong tu luyện mới đạt tới giác ngộ, thì người Việt Nam thường nhắc nhủ nhau rằng: “Không có việc gì khó, Chỉ sợ lòng không bền, Đào núi và lấp biển, Quyết chí ắt làm nên”; hoặc đừng có nản chí: “Lòng ta, ta đã chắc rồi, Nào ai giục đứng, giục ngồi mà nao”.
Con đường diệt khổ “Bát chánh đạo” của Phật giáo là những biện pháp giải thoát nổi khổ mang giá trị nhân đạo cao cả, thể hiện khát vọng vươn tới lẽ sống hoàn mỹ của con người. Vì lẽ đó, từ khi du nhập vào Việt Nam, Phật giáo do phù hợp với đạo lý Việt Nam, nên nó cứ lan tỏa, hòa nhập thích ứng với các xóm làng.
Những tư tưởng tích cực của Phật giáo nói chung và Bát chính đạo nói riêng cứ tiếp tục bồi dưỡng thêm lòng thương người, nhân ái trong tâm hồn Việt Nam. Trong đạo đức Phật giáo, người ta thường nói tới “Tứ vô tâm lượng” là Từ, Bi, Hỷ, Xả. Từ (Maitri) có nghĩa là làm cho người khác được hưởng sung sướng, an lành; Bi (Karuna) có nghĩa là làm cho người khác hết đau khổ, phiền não; Hỷ (Mudia) có nghĩa là vui vẻ, không ganh tỵ, hiềm khích trước hạnh phúc, thành tựu của người khác; Xả (Mpekka) nghĩa là thanh thản, không luyến ái, không bực tức, nóng giận, phiền não. Tóm lại: Từ, Bi, Hỷ, Xả là thái độ cùng vui, cùng buồn với tất cả chúng sinh. Tư tưởng Từ, Bi, Hỷ, Xả của Phật giáo góp phần nâng cao thêm những tiêu chuẩn đạo đức cơ bản của đời sống văn hóa chúng ta.
Ở Việt Nam, nhiều thời Phật giáo chiếm lĩnh phần hồn đại đa số nhân dân. Phật giáo có một sự hấp dẫn đối với tất cả mọi người, đối với cả người dân bình thường. Ngay cả những thương nhân cũng bỏ cả việc buôn bán để tìm thầy học đạo. Truyện Lĩnh Nam trích quái có kể rằng: “Trên đường đi buôn, Chử Đồng Tử gặp một nhà sư Ấn Độ trong một túp lều ở núi Quỳnh Viên. Nhà sư giảng đạo cho Chử Đồng Tử. Say đạo, Chử Đồng Tử giao vàng cho bạn đi buôn giùm, còn mình ở lại học đạo. Sau khi về nước, Chử Đồng Tử giảng Phật giáo cho Tiên Dung, từ đó hai người giác ngộ, bỏ việc buôn bán, đi tìm thầy học đạo”.
Phật giáo gắn liền với tín ngưỡng dân gian, được dân gian hóa và phong tục hóa. Nó thể hiện tâm lý, lòng mong ước về đạo làm người. Chính vì vậy, nó có độ bền vững, sống hàng nghìn năm, còn duy trì đến mãi ngày nay và mai sau.
Dĩ nhiên, vì là một hệ thống triết học tôn giáo, nên Phật giáo không thoát khỏi tính chất duy tâm, thần bí, hoang đường, hư ảo, phi hiện thực, phi thực tế. Do đó, ngay cả Bát chính đạo cũng có những điều không được tăng ni phật tử chấp. Chẳng hạn, về chính nghiệp, Phật tổ dạy không được sát sinh, nghĩa là không được ăn thịt động vật, kể từ con côn trùng. Ấy thế mà từ lâu ta đã phát hiện các tu sĩ: “Đi tu Phật bắt ăn chay; Thịt chó ăn được, thịt cày thì không”. Hoặc trong chính niệm và chính định, Phật tổ dạy phải luôn luôn tâm niệm, kiên định, tập trung tư tưởng, tâm trí cao độ vào tu luyện thì mới đạt tới giác ngộ; song, chúng ta lại thấy: “Sư đang tụng niệm Nam mô, Thấy cô cắt giỏi mò cua bên hồ. Lòng sư luống những mơ hồ, Bỏ kinh bỏ kệ tìm cô hỏi chào. Ai ngờ cô đi đằng nào, Tay cầm tràng hạt ra vào băn khoăn? ”, hoặc: “Ba cô đội gạo lên chùa, Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư. Sư về sư ốm tương tư, Ốm lăn ốm lóc nên sư trọc đầu”.
Luận điểm của C.Mác: “Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, cũng giống như nó là tinh thần của những trật tự không có tinh thần”. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”[1] cần được hiểu đúng đắn. Ở đây, cần hiểu thuốc phiện được dùng như một thứ thuốc giảm đau, chứ không bị coi là thứ thuốc độc hại như ma túy sau này. Khi nhân dân còn đau khổ thì hiển nhiên còn cần đến thứ thuốc giảm đau là tôn giáo. Vì mang tính chất hoang đường phi lý, cho dù ra đời trên 2500 năm nay, Phật giáo chống chế độ đẳng cấp khắc nghiệt, tố cáo bất công; song, Phật giáo cũng không làm cho con người bớt khổ đau. Kiếp ăn mày vẫn là ăn mày. Ăn mày vào chùa xin ăn, nhưng sư cụ chỉ cho ăn mày một lá bùa: “Đang trưa ăn mày vào chùa, Sư cụ cho một lá bùa rồi đi. Ăn mày không biết làm gì, Lá bùa nhét túi, lại đi ăn mày”…. Trái lại, chính chùa chiền và những tư tưởng Phật giáo lại là nơi ẩn náu những bế tắc đó.
Khác hẳn với Phật giáo nói riêng và các tôn giáo khác nói chung, chủ nghĩa Mác - Lênin là một học thuyết khoa học và cách mạng về giải phóng con người, giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc; cho nên, chỉ hơn nửa thế kỷ sau khi xuất hiện, chủ nghĩa Mác - Lênin đã thực hiện được sự giải phóng con người ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Liên bang Nga vào năm 1917, ở Liên Xô năm 1922, ở Đông Âu sau Chiến tranh Thế giới II, tiếp đến là ở châu Á và châu Mỹ.
Những giá trị nhân văn của Phật giáo mang tính phổ quát như bình đẳng, từ bi, khoan dung, … đã thẩm thấu vào trong đời sống xã hội. Là một trường phái triết học, một tôn giáo lớn, Phật giáo mang trong mình triết lý nhân sinh cao cả, với phương châm “Đạo pháp bất ly thế gian”, Phật giáo đã khẳng định được vai trò và giá trị tích cực của nó ngay trong xã hội hiện đại, khi góp phần giải quyết phần nào những tiêu cực về đạo đức, lối sống trong cuộc sống bằng những tư tưởng nhân văn của Phật giáo có thể thích hợp với thời hiện đại, trong đó có tư tưởng về bát chính đạo.
Tuy nhiên, là một hệ thống triết học phức tạp mang nhiều màu sắc độc đáo, Phật giáo vừa có những ảnh hưởng tích cực, vừa có những tác động tiêu cực. Do đó, với tinh thần gạn đục, khơi trong, chúng ta cần nghiên cứu tiếp thu những mặt tích cực, như những hạt nhân hợp lý, kế thừa nó trong việc xây dựng và phát triển đời sống văn hóa tinh thần của xã hội ta hiện nay./.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục