Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Con đường tơ lụa trên biển do Trung Quốc khởi xướng thảo luận các tác động đa chiều đến chính sách phát triển cơ sở hạ tầng Nam Á của Ấn Độ (Phần 2)

Con đường tơ lụa trên biển do Trung Quốc khởi xướng thảo luận các tác động đa chiều đến chính sách phát triển cơ sở hạ tầng Nam Á của Ấn Độ (Phần 2)

Bài viết bao gồm ba phần chính: Phần thứ nhất là mô tả về các dự án CSHT liên kết quan trọng nhất của Trung Quốc tại ba nước Bangladesh, Pakistan và Sri Lanka; Phần thứ hai sẽ phác họa bức tranh tổng thể về các mục tiêu của Trung Quốc thông qua hệ thống các CSHT này; Phần thứ ba sẽ phân tích phản ứng và chính sách của Ấn Độ.

03:50 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

Con đường tơ lụa trên biển do Trung Quốc khởi xướng thảo luận các tác động đa chiều đến chính sách phát triển cơ sở hạ tầng Nam Á của Ấn Độ

TS Trương Minh Huy Vũ*
Vũ Thành Công**

 

2.3 Pakistan

Là nước nhận được tuyên bố đầu tư lớn nhất kể từ khi chiến lược Một vành đai, một con đường được đưa ra với dự án Hàng lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) trị giá 46 tỷ USD, Pakistan hiện đang là đối tác chiến lược quan trọng nhất của Trung Quốc tại Nam Á. CPEC được hoan nghênh rộng rãi ở Pakistan như là một siêu dự án “game changer” (yếu tố thay đổi cuộc chơi) - đóng vai trò thay đổi cục diện.[1]

Cốt lõi của dự án này là 2500 đường cao tốc và đường sắt liên kết, kết nối với cảng Gwadar (Pakistan) trên biển Ả Rập đến thành phố Tân Cương, Tây Bắc Trung Quốc.

Đi cùng với siêu dự án này là sự tham gia của Trung Quốc vào Gwadar. Cảng Gwadar có độ sâu 12,5m, gồm 3 cầu tàu đa chức năng dài 200m và 1 cầu tàu dịch vụ dài 1100m, có thể tiếp nhận tàu trọng tải tối đa 50 000 tấn.[2] 4/2015 Trung Quốc đã được cấp quyền vận hành cảng Gwadar trong 40 năm.[3] Cuối 2015, Trung Quốc và Pakistan đã ký thỏa thuận cho phép Trung Quốc thuê 8000 m2 để xây dựng vùng kinh tế đặc biệt, bao gồm một sân bay quốc tế, một khu tự do thương mại và một công ty dịch vụ hàng hải mà Trung Quốc có toàn quyền quản lý.[4] Cách eo Hormuz khoảng 400km, nơi 40% các tàu vận chuyển dầu thế giới đi ngang, Gwadar là điểm quan trọng nhất trên hành lang CPEC[5].

Sau CPEC và Gwadar thì Đường ống dẫn dầu Iran - Pakistan - Ấn Độ (IPI), trị giá 7,5 tỷ USD, dài 2775 km là dự án quan trọng thứ ba của Trung Quốc tại Pakistan[6]. Đường ống dẫn sẽ đi từ mỏ khí tự nhiên lớn nhất thế giới South Pars của Iran trong vùng vịnh Ba Tư, qua Khuzdar và Baluchistan (khu vực Cảng Gwadar) Pakistan với một nhánh đi vào Multan và một đi vào Cảng Karachi, một cổng trên biển Ả Rập. Từ Multan, đường ống có thể mở rộng đến Ấn Độ. Đường ống này có khả năng xuất đi 150 triệu mét khối tiêu chuẩn khí đốt mỗi ngày (mmscmd), cho Pakistan (60 mmscmd) và Ấn Độ (90 mmscmd). Tháng 8/2015, Thủ tướng Iran và Pakistan đã có cuộc gặp gỡ nhằm chuẩn bị cho việc tiếp tục dự án đường dẫn khí Iran - Pakistan. Iran đã hoàn thành đường ống dẫn khí dài 1800 km với tổng trị giá 2 tỉ USD. Phần còn lại thuộc Pakistan sẽ do Trung Quốc hoàn thành với mức đầu tư 5 tỉ USD[7].

Là một trong những điểm mút của IPI, Cảng Karachi cũng nhận được các gói đầu tư phát triển CSHT năng lượng từ Trung Quốc. 8/2015, Thủ tướng Pakistan, Nawaz Sharif, đã tiến hành lễ động thổ 2 dự án nhà máy điện hạt nhân do Trung Quốc hỗ trợ tài chính gần thành phố duyên hải Karachi.[8] Dự án có tổng vốn là 9,59 tỉ USD, trong đó 6,5 tỉ là từ Trung Quốc.

2.4 Bức tranh tổng thể về các mục tiêu của Trung Quốc

Mỗi quốc gia đối tác của Trung Quốc đều nhận thấy vai trò rất quan trọng của các dự án do Trung Quốc đầu tư với sự phát triển của đất nước. Còn với Trung Quốc, các dự án riêng lẻ tại các quốc gia khác nhau khi kết nối thành một hệ thống sẽ mang lại những giá trị chiến lược lớn hơn, bao gồm: (i) đảm bảo an ninh năng lượng; (ii) liên kết Con đường tơ lụa trên biển; (iii) siết chặt vòng vây chuỗi ngọc trai.

(i) Đảm bảo an ninh năng lượng

Thông qua Hai hành lang CPEC và BCIM, Trung Quốc sẽ có hai tuyến đường trên bộ để đảm bảo an ninh năng lượng của mình.

Thứ nhất tuyến đường thông qua CPEC với Gwadar là đầu nối để vận chuyển dầu khí từ khu vực Trung Đông tới các tỉnh phía Tây Trung Quốc. Tuyến đường này dự kiến sẽ rút ngắn khoảng cách vận chuyển xuống tổng cộng gần 11,500 km, bao gồm gần như toàn bộ khoảng cách giữa Vịnh Oman và Gwadar. Tuyến đường mới sẽ chỉ dài 2,500 - 3000 từ Gwadar (hoặc Karachi) Pakistan đi thẳng đến Tân Cương, Trung Quốc. Tuyến đường này không chỉ có lợi về mặt kinh tế mà còn bảo đảm an toàn hơn so với con đường trên biển.[9]

Hiện nay, các tàu chở dầu của Trung Quốc mất trung bình 20 ngày để đến được Gwadar, nhưng nếu hoàn thành đường sắt và mạng lưới đường cao tốc trên toàn Pakistan, tàu chở dầu từ miền Đông Trung Quốc sẽ tiếp cập được Gwadar, ngay ở cửa vịnh, trong vòng 48 giờ. Nếu được phát triển và hoạt động tốt, Gwadar sẽ có khả năng tạo nên một mối liên hệ giữa Pakistan, Trung Quốc và các quốc gia Trung Á, hàng tỷ doanh thu sẽ được tạo ra với tuyến đường ngắn hơn này.[10]

Thứ hai là hệ thống BCIM với Chittagong là cầu nối, sau đó dẫn vào Dhaka trên BCIM thông qua Tuyến đường ray Dhaka - Chittagong dài 270km.[11] Tuyến đường ray Dhaka – Chittagong sẽ giúp giảm thời gian di chuyển giữa Dhaka và Chittagong từ 6 giờ xuống còn 2,5 giờ,[12] còn BCIM sẽ giúp giảm thiểu đáng kể khoảng cách vận chuyển từ Bangladesh tới Côn Minh.[13]

Cùng với hệ thống đường ống dẫn dầu xuyên Á mà Trung Quốc đang xây dựng, Gwadar - CPEC - IPI và Chittagong - BCIM sẽ giúp Trung Quốc giải quyết thế “lưỡng nan Malacca” khi 82% dầu mỏ và 30% khí tự nhiên của nước này đi qua eo Malacca, từ đó đảm bảo an ninh năng lượng cho Trung Quốc.[14] (Xem tiếp phần 3)

 

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS), Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Thành phố Hồ Chí Minh.

** Nghiên cứu viên, Trung tâm Nghiên cứu quốc tế, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Thành phố Hồ Chí Minh


[1] Nghiên cứu biển Đông, Quan hệ Trung Quốc-Pakistan bước vào thời kỳ phát triển mới, 12/5/2015, http://nghiencuubiendong.vn/tin-quoc-te-tong-hop/4884-quan-he-trung-quoc-pakistan-buoc-vao-thoi-ky-moi , truy cập vào 4/8/2016.

[2] Gwadar Port Authority, http://www.gwadarport.gov.pk/portprofile.html , truy cập vào 4/8/2016.

[3] The nation, China gets operation rights at Gwadar port for 40 years, 15/4/2015, http://nation.com.pk/national/15-Apr-2015/china-gets-operation-rights-at-gwadar-port-for-40-years , truy cập vào 4/8/2016.

[4] CCTV, Chinese company leases Gwadar port for development, 11/12/2015, http://english.cntv.cn/2015/11/12/VIDE1447281601191274.shtml , truy cập vào 4/8/2016.

[5] The nation, China gets operation rights at Gwadar port for 40 years, 15/4/2015, http://nation.com.pk/national/15-Apr-2015/china-gets-operation-rights-at-gwadar-port-for-40-years , truy cập vào 4/8/2016.

[6] Asia Times, Pipelineistan — the Iran-Pak-China connection: Escobar, 14/8/2015, http://atimes.com/2015/08/pipelineistan-the-iran-pak-china-connection-escobar/ , truy cập vào 5/5/2016.

[7] Asia Times, Pipelineistan — the Iran-Pak-China connection: Escobar, 14/8/2015, http://atimes.com/2015/08/pipelineistan-the-iran-pak-china-connection-escobar/ , truy cập vào 5/5/2016.

[8] Vietnamplus, Pakistan khởi công xây 2 dự án nhà máy điện hạt nhân gây tranh cãi, 20/8/2015, http://www.vietnamplus.vn/pakistan-khoi-cong-xay-2-du-an-nha-may-dien-hat-nhan-gay-tranh-cai/339372.vnp , truy cập vào 5/5/2016.

[9] International Center for Strategic Analysis, 2014, Gwadar Port: Implications for GCC and China, http://www.icsana.com/index.php?option=com_content&view=article&id=433:gwadar-port-implications-for-gcc-and-china-continued&catid=9:uncategorised&Itemid=561&lang=en , truy cập vào 4/8/2016.

[10] Kiyya Baloch, Can China’s Gwadar Port Dream Survive Local Ire?, The Diplomat, 17/12/2014, http://thediplomat.com/2014/12/can-chinas-dream-of-a-pakistan-port-survive-local-ire/ , truy cập vào 4/8/2016.

[11] BDNews, Govt plans to construct Dhaka-Chittagong expressway, run fast trains, 9/10/2015, http://bdnews24.com/bangladesh/2015/10/09/govt-plans-to-construct-dhaka-chittagong-expressway-run-fast-trains , truy cập vào 5/5/2016.

[12] BDNews, Govt plans to construct Dhaka-Chittagong expressway, run fast trains, 9/10/2015, http://bdnews24.com/bangladesh/2015/10/09/govt-plans-to-construct-dhaka-chittagong-expressway-run-fast-trains , truy cập vào 5/5/2016.

[13] Geopolitical Monitor, Is Bangladesh the Newest Addition to China’s ‘String of Pearls’?, 28/7/2014, http://www.geopoliticalmonitor.com/bangladesh-newest-addition-chinas-string-pearls/ , truy cập vào 5/5/2016.

[14] The Diplomat, Chinese State Firm Takes Control of Strategically Vital Gwadar Port, 13/11/2015, http://thediplomat.com/2015/11/chinese-state-firm-takes-control-of-strategically-vital-gwadar-port/

Bình luận của bạn

Nguồn:

Cùng chuyên mục