Con đường tơ lụa trên biển do Trung Quốc khởi xướng thảo luận các tác động đa chiều đến chính sách phát triển cơ sở hạ tầng Nam Á của Ấn Độ (Phần 3)
Bài viết bao gồm ba phần chính: Phần thứ nhất là mô tả về các dự án CSHT liên kết quan trọng nhất của Trung Quốc tại ba nước Bangladesh, Pakistan và Sri Lanka; Phần thứ hai sẽ phác họa bức tranh tổng thể về các mục tiêu của Trung Quốc thông qua hệ thống các CSHT này; Phần thứ ba sẽ phân tích phản ứng và chính sách của Ấn Độ.
Con đường tơ lụa trên biển do Trung Quốc khởi xướng thảo luận các tác động đa chiều đến chính sách phát triển cơ sở hạ tầng Nam Á của Ấn Độ
TS Trương Minh Huy Vũ*,
Vũ Thành Công**
(ii) Liên kết Con đường tơ lụa
Không chỉ đảm bảo an ninh năng lượng, CPEC và Gwadar còn biến Pakistan trở thành trung tâm kết nối Vành đai kinh tế trên bộ và Con đường tơ lụa trên biển. Hành lang từ Gwadar tới Tân Cương cũng sẽ chạy song song với hành lang công nghiệp mới New Dehi - Mumbai của Ấn Độ do Nhật Bản tài trợ và cả hai đều sẽ nối vào hai con đường tơ lụa mới.[1]
Khác với Gwadar và CPEC với vai trò chủ đạo là đảm bảo nguồn cung năng lượng, giá trị chiến lược của Sri Lanka chủ yếu được nhìn nhận dưới góc độ năng lực liên kết. Nằm trên một trong những tuyến hàng hải tấp nập nhất thế giới, hai cảng biển Hambantota và Colombo của Sri Lanka đóng vai trò vô cùng chiến lược trên Con đường Tơ lụa của Trung Quốc qua Nam Á.
Một mặt, hai cảng này sẽ giúp đảm bảo kết nối Đông - Tây của Con đường Tơ lụa trên biển tại Nam Á, tạo ra một hành lang biển xuyên suốt từ Trung Quốc qua Đông Nam Á tới hệ thống các cảng do Trung Quốc đầu tư tại châu Phi, trước khi qua Trung Đông và châu Âu. Mặt khác, các tàu siêu lớn đi qua Nam Á sẽ bắt buộc phải neo đậu tại Cảng container phía Nam của Cảng Colombo do Trung Quốc quản lý. Việc sở hữu một điểm chiến lược như vậy trên hành trình Đông - Tây sẽ giúp thúc đẩy vị thế và củng cố Con đường Tơ lụa của Trung Quốc như một tuyến hàng hải quan trọng. Cùng với các cảng khác do Trung Quốc đầu tư như Maday, Kuantan (Malaysia); Chittagong, Mongla (Bangladesh); Karachi, Gwadar (Pakistan); Saychelles và các cảng ở Đông Phi, Con đường tơ lụa đã có một kết nối tương đối liền mạch qua Nam Bán Cầu.
Tương tự CPEC, hệ thống BCIM cũng sẽ giúp giảm thiểu “lưỡng nan Malacca” và đảm bảo nguồn cung năng lượng cho Trung Quốc, nhưng quan trọng hơn, BCIM đi qua 4 nước sẽ mở ra cơ hội để Trung Quốc trực tiếp tiếp cận Vịnh Bengal cùng các nền kinh tế tại Nam Á. Như đã đề cập ở trên, dự án này sẽ giúp giảm thiểu đáng kể khoảng cách vận chuyển từ Bangladesh tới Côn Minh xuống còn 1000 km.[2] Bên cạnh đó, tuyến đường nối Bắc Ấn Độ với Vân Nam thông qua Myanmar cũng sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển giữa Ấn Độ và Trung Quốc 30%, và thúc đẩy ngoại thương giữa hai nước thông qua Hành lang BCIM.[3]
(iii) Chuỗi ngọc trai
Không chỉ mang giá trị rất lớn về kinh tế, cùng với các cảng của Trung Quốc tại Đông Nam Á, hệ thống các cảng ở trên cũng sẽ kết thành một vành đai giả định, khép chặt lên toàn bộ bán đảo Đông Dương, Vịnh Bengal và tiểu lục địa Ấn Độ với tên gọi “Chuỗi ngọc trai”.[4] Không gian bao vây chiến lược này được khởi đầu từ đảo Hải Nam của Trung Quốc, tiến ra đảo Phú Lâm (Hoàng Sa) và một số đảo tại quần đảo Trường Sa, xuống eo Malacca, ghé vào cảng Sittwe (Myanmar), kéo lên cảng Chittagong (Bangladesh), Nam tiến đến Hambantota (Sri Lanca) và vòng qua Ấn Độ Dương rồi bắc tiến và dừng tại cảng Karachi của Pakistan.[5]
Chuỗi ngọc trai sẽ giống như một vành đai bao quanh một phần rộng lớn của châu Á, đặt Trung Quốc vào vị trí kiểm tra và giám sát tất cả những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất ở châu Á (cũng như thế giới); từ đó giúp thực hiện bốn mục tiêu của Trung Quốc, bao gồm: kết nối liên tục các tuyến hàng hải của Trung Quốc từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương; đảm bảo an ninh năng lượng và giao thương của Trung Quốc trong khu vực; giúp khuếch trương ảnh hưởng kinh tế - chính trị của Trung Quốc tại Đông và Nam Á và cạnh tranh với Ấn Độ, kiềm chế Nhật Bản và Hàn Quốc, từ chối quyền tiếp cận của Mỹ đối với khu vực Đông Nam và Nam Á. Vì vậy, việc Trung Quốc tham gia đầu tư, xây dựng và quản lý hàng loạt các cảng này đang làm gia tăng lo ngại cho Ấn Độ (và cả Mỹ). Các bước đi gần đây của Trung Quốc càng làm cho mối lo ngại này tăng thêm.
Từ 2014, Trung Quốc đã tăng cường các động thái hiện diện thường xuyên hơn tại cảng Karachi, như thông qua các gói đầu tư năng lượng.[6] Cảng Karachi hiện là một địa điểm mang giá trị chiến lược đối với Trung Quốc và các quốc gia khác. Trong 25 năm gửi tàu quân sự ra nước ngoài diễn tập, Karachi là nơi Trung Quốc cập cảng nhiều nhất (7 lần).[7] Với sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại đây, Karachi được nhận định là một “hạt ngọc” trên “chuỗi ngọc trai”.[8]
Còn tại Sri Lanka, sự hiện diện của tàu ngầm Trung Quốc cũng đã khiến giới chức Ấn Độ lo ngại rằng, cảng Colombo có thể là hạt ngọc tiếp theo trên “chuỗi ngọc trai”. Vào tháng 10/2014, một tàu ngầm điện - diesel lớp Tống và một tàu chiến hỗ trợ tàu ngầm Type 925 đã neo đậu tại Cảng Container phía Nam thuộc cảng Colombo (do CMHI Trung Quốc quản lý). Sau đó vài tuần, một tàu ngầm lớp Tống khác tiếp tục đậu tại đây.[9]
Một mối lo ngại khác nổi lên gần đây là việc Trung Quốc thành lập liên minh chống khủng bố với 3 nước Trung Nam Á gồm Pakistan, Afghanistan và Tajikistan vào 4/ 8/2016. Mục tiêu của liên minh này là nhằm ngăn chặn mối đe dọa khủng bố đang gia tăng từ bên trong các nước. Tạm công nhận mối lo ngại khủng bố của Trung Quốc là chính đáng thì vẫn có hai điều sau cần lưu ý: Thứ nhất, vào tháng 5/2016, Trung Quốc đã triển khai thêm binh lính dọc theo biên giới với Ấn Độ. Vào tháng 7/2016, binh lính Trung Quốc đã xâm nhập lãnh thổ Ấn Độ tại bang Uttarakhand và đụng độ với các lực lượng Ấn Độ. Dù cuộc đụng độ chỉ diễn trong vòng một giờ, nhưng nó đã làm căng thẳng giữa hai nước tăng thêm.[10] Vào tháng 9/2015, hai nước đã diễn ra đụng độ quân sự trong năm ngày tại Bắc Ladakh.[11] Thứ hai, các cảng của Trung Quốc tại Bangladesh, Sri Lanka và Pakistan đang bị nghi ngờ là một phần của “chuỗi ngọc trai”. Phía Ấn Độ lo ngại các cảng tại ba nước này sẽ là bàn đạp để hải quân Trung Quốc kiềm tỏa Ấn Độ từ phía biển. Trong khi đó, liên minh chống khủng bố kể trên sẽ tạo điều kiện cho lực lượng bộ binh và không quân Trung Quốc hiện diện sát biên giới Ấn Độ. Trong trường hợp xung đột, hai hướng tiếp cận này sẽ tạo ra một thế gọng kềm tỏa ra từ Pakistan để siết chặt Ấn Độ. Kết hợp với lực lượng bộ binh ở biên giới Trung Quốc, gần như Ấn Độ sẽ bị bao vây hoàn toàn ở cả trên biển và đất liền.
Việc sử dụng liên minh chống khủng bố nhằm thực hiện các mục tiêu chính trị - quân sự không phải là chiêu bài mới. Liên minh 4 nước của Trung Quốc có thể chỉ là chống khủng bố, cũng như các cảng của Trung Quốc chỉ để phục vụ các mục tiêu thương mại. Tuy nhiên, với một cường quốc đầy tham vọng như Trung Quốc, các mục tiêu không rõ ràng cũng tiềm ẩn các hiểm họa về an ninh. (Xem tiếp phần 4)
* Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS), Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Thành phố Hồ Chí Minh.
** Nghiên cứu viên, Trung tâm Nghiên cứu quốc tế, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Thành phố Hồ Chí Minh
[1] Brahma Chellaney, China’s Indian Ocean strategy, Japan Times, 23/6/2016, http://www.japantimes.co.jp/opinion/2015/06/23/commentary/world-commentary/chinas-indian-ocean-strategy/#.V6XEWhV96hf , truy cập vào 4/8/2016.
[2] Geopolitical Monitor, Is Bangladesh the Newest Addition to China’s ‘String of Pearls’?, 28/7/2014, http://www.geopoliticalmonitor.com/bangladesh-newest-addition-chinas-string-pearls/ , truy cập vào 5/5/2016.
[3] East Asia Forum, BCIM Corridor a game changer for South Asian trade, 18/5/2014, http://www.eastasiaforum.org/2014/07/18/bcim-corridor-a-game-changer-for-south-asian-trade/ , truy cập vào 5/5/2016.
[4] The Washington Times, China builds up strategic sea lanes, 17/1/2015, http://www.washingtontimes.com/news/2005/jan/17/20050117-115550-1929r/ , truy cập vào 5/8/2016.
[5] TS. Lê Vĩnh Trương, Sức mạnh hải quân Ấn Độ - Bài 1: Các tương tác chiến lược biển, Pháp Luật TP.HCM, 6/9/2011, http://plo.vn/plo/suc-manh-hai-quan-an-do-bai-1-cac-tuong-tac-chien-luoc-bien-352748.html , truy cập vào 5/8/2016.
[6] Vietnamplus, Pakistan khởi công xây 2 dự án nhà máy điện hạt nhân gây tranh cãi, 20/8/2015, http://www.vietnamplus.vn/pakistan-khoi-cong-xay-2-du-an-nha-may-dien-hat-nhan-gay-tranh-cai/339372.vnp , truy cập vào 5/5/2016.
[7] Daniel Kostecka, The Chinese Navt’s Emerging Support Network in the Indian Ocean, The Jamestown Foundation, 22/7/2010, http://www.jamestown.org/programs/chinabrief/single/?tx_ttnews%5Btt_news%5D=36659&cHash=010590e601#.V6X8wbh942z, truy cập vào ngày 5/8/2016.
[8] ICSANA, Gwadar Port: Implications for GCC and China (continued), http://www.icsana.com/index.php?option=com_content&view=article&id=433:gwadar-port-implications-for-gcc-and-china-continued&catid=9&Itemid=561&lang=en, truy cập vào ngày 5/8/2016.
[9] Vijay Sakhuja, Chinese Submarines in Sri Lanka Unnerve India: Next Stop Pakistan?, The Jamestown Foundation, 29/5/2015, http://www.jamestown.org/programs/chinabrief/single/?tx_ttnews%5Btt_news%5D=43960&cHash=a78005ce4ef4d128216bf3c97b8b9fbe#.V6X83Lh942y, truy cập vào ngày 5/8/2016.
[10] Vasudevan Sridharan, Chinese troops entered Indian territory triggering face-off, International Business Times, 27/7/2016, http://www.ibtimes.co.uk/chinese-troops-entered-indian-territory-triggering-face-off-1572806, truy cập vào ngày 5/8/2016.
[11] PTI, China has deployed more troops near Indian border: Pentagon, The Indian Express, 14/5/2016,
Bình luận của bạn
Tin bài liên quan
Con đường tơ lụa trên biển do Trung Quốc khởi xướng thảo luận các tác động đa chiều đến chính sách phát triển cơ sở hạ tầng Nam Á của Ấn Độ (Phần 1)
Đối ngoại công chúng – công cụ quan trọng phát huy sức mạnh mềm của Ấn Độ (Phần 2)
Đối ngoại công chúng – công cụ quan trọng phát huy sức mạnh mềm của Ấn Độ (Phần 1)
Cơ hội hợp tác Việt Nam - Ấn Độ về nghiên cứu, giáo dục quyền con người trong bối cảnh đa dạng văn hóa và hội nhập quốc tế hiện nay (Phần 2)
Cơ hội hợp tác Việt Nam - Ấn Độ về nghiên cứu, giáo dục quyền con người trong bối cảnh đa dạng văn hóa và hội nhập quốc tế hiện nay (Phần 1)
Những nhân tố xã hội chủ nghĩa ở Ấn Độ (Phần 2)
Những nhân tố xã hội chủ nghĩa ở Ấn Độ (Phần 1)
Hợp tác giữa Việt Nam, ASEAN - Ấn Độ trong lĩnh vực ngoại giao, an ninh, quốc phòng (Phần 3)
Hợp tác giữa Việt Nam, ASEAN - Ấn Độ trong lĩnh vực ngoại giao, an ninh, quốc phòng (Phần 2)
Tin bài khác
Thời khắc Đài Loan của Ấn Độ
Hệ thống nội các ở Ấn Độ
Những nốt trầm trong chính trị Sri Lanka
Giao lưu nghệ thuật Việt Nam - Ấn Độ: Ban nhạc Parinday biểu diễn tại Việt Nam
ASEAN - Ấn Độ đề cao chủ nghĩa đa phương và hợp tác khu vực trước “những cơn gió ngược địa chính trị”
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ chúc mừng 75 năm Ngày Độc Lập của Cộng hòa Ấn Độ
Bất bình đẳng kỹ thuật số của Ấn Độ
Bất bình đẳng kỹ thuật số của Ấn Độ
Thị trường linh kiện chip Ấn Độ sẽ tăng lên 300 tỷ USD từ năm 2021 đến năm 2026
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục