Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Cục diện chính trị và kinh tế châu Á hiện nay (Phần 2)

Cục diện chính trị và kinh tế châu Á hiện nay (Phần 2)

Trong khuôn khổ Chương trình nói chuyện của những nhân vật kiệt xuất Ấn Độ - ASEAN (ASEAN-India Eminent Person’s Lecture Series), theo lời mời của Tổ chức Thông tin và Nghiên cứu về các nước đang phát triển (Research and Information System for Developing Coutries), ngày 13/08/2014, tại Trung tâm Rabindranath Tagore thuộc Hội đồng Quan hệ văn hóa Ấn Độ, thành phố Kolkata, bang Tây Bengal, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng đã có buổi nói chuyện với các học giả, các nhà hoạt động xã hội và cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ với chủ đề “Cục diện chính trị và kinh tế mới ở châu Á”. Bài nói chuyện đã được dư luận Ấn Độ và quốc tế đánh giá cao.

02:51 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

Cục diện chính trị và kinh tế châu Á hiện nay*

GS, TS Nguyễn Xuân Thắng**

Việc sử dụng sức mạnh mềm cũng đang trở thành chiến lược của các nước lớn. Hiện tại, nhiều sản phẩm văn hóa của các nước Đông Á tràn ngập thị trường khu vực trong khi văn hóa Ấn Độ rất khó tiếp cận khu vực này. Đây không phải là vấn đề chất lượng, mức độ hấp dẫn của phim hay các sản phẩm nghe nhìn, mà người ta đã sử dụng các sản phẩm văn hóa, các sự kiện và dịch vụ văn hóa như là hình thức xâm lăng văn hóa. Sẽ không thể lý giải được những vấn đề này nếu chúng ta chỉ thâm nhập thị trường dựa trên những quan điểm tiếp cận về quan hệ quốc tế như trước.

Trong bối cảnh đó, các nước trong khu vực cần thấy được tương quan về sức mạnh giữa các quốc gia đang có sự hoán chuyển.

Sau khủng hoảng năm 2008 – 2009, Tổng thống B. Obama đã đặt ra rất nhiều việc trong đó có hai việc liên quan đến vấn đề đối ngoại. Thứ nhất, là chủ trương “xoay trục” trở lại Châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nhiều học giả Hoa Kỳ đều nói rằng, không phải là Mỹ “trở lại” Châu Á vì thực ra Mỹ chưa bao giờ rút khỏi Châu Á. Song trong thời gian qua, sự quan tâm của Mỹ đối với châu Á có phần sao lãng. Thứ hai, về mặt kinh tế, Chính quyền của Tổng thống B. Obama đưa ra mục tiêu trong 5 năm, từ 2010 đến 2015, tăng xuất khẩu gấp đôi, đồng thời khởi động tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Như vậy, có thể thấy rằng, nước Mỹ đã cố gắng điều chỉnh, tạo ra sự cân bằng mới trong phát triển, không chỉ dựa vào thị trường trong nước mà còn dựa cả vào thị trường nước ngoài. Trong một thời gian dài, khoảng ¾ tăng trưởng kinh tế của Mỹ dựa vào tiêu dùng trong nước. Đây là điều kiện thuận lợi cho các nền kinh tế, đặc biệt là các nền kinh tế Đông Á, thúc đẩy xuất khẩu. Hiện nay, hàng năm Việt Nam xuất khẩu gần 15 tỷ USD vào thị trường Mỹ và tiềm năng xuất khẩu còn rất lớn; còn giá trị nhập khẩu từ Mỹ chỉ trên 1 tỷ USD. Dĩ nhiên, xuất khẩu của Việt Nam không chỉ dựa vào thị trường Mỹ.

Một đặc điểm nổi bật mà các nước trong khu vực rất quan tâm là sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo của Trung Quốc luôn cho rằng Trung Quốc trỗi dậy hòa bình và không có cái gọi là “mối đe dọa” từ Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn trong thực tiễn, sự trỗi dậy đó là như thế nào?

Thứ nhất, hiện nay Trung Quốc trở thành “công xưởng của thế giới”. Cách Trung Quốc phát triển là chú trọng dựa trên đầu tư, lấy thị trường của thế giới làm định hướng cho việc triển khai trở thành công xưởng thế giới. Giai đoạn đầu, Trung Quốc chỉ quan tâm đến việc làm sao thu hút được nhiều nhất các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài mà chưa chú trọng nhiều tới chất lượng. Về sau, Trung Quốc chuyển dần sang chú trọng vào chất lượng của các dự án. Cho đến nay, có đến gần 80% trong số 500 tập đoàn lớn nhất của thế giới đã có mặt tại Trung Quốc. Trung Quốc đã tiếp nhận và phát triển lý thuyết “Đàn nhạn bay” ở Đông Á theo cách của mình. Đầu tiên là mô phỏng công nghệ, thậm chí là sao chép, vi phạm cả nguyên tắc quyền sở hữu trí tuệ. Khi có đủ tiềm năng thì Trung Quốc chuyển sang sáng tạo công nghệ, nâng cao chất lượng và hiệu quả cạnh tranh, phát triển.

Thứ hai là thực hiện chính sách giá rẻ, thậm chí có bảo trợ của chính phủ cho các nhà đầu tư nên hàng hóa của Trung Quốc có mặt ở khắp mọi nơi. Năm 2010, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới. Đến tháng 7/2014, GDP của Trung Quốc là khoảng 10.200 tỷ USD. Trong khi đó cách đây 10 năm, GDP của nước Mỹ là 11.500 tỷ USD nhưng hiện tại vẫn chưa vượt con số 14.000 tỷ USD. Như vậy, cho dù Mỹ có sức mạnh hàng đầu nhưng đã giảm tương đối trong quan hệ so sánh với các quốc gia khác, đặc biệt là với Trung Quốc. Ngoài Trung Quốc còn có Ấn Độ. Ấn Độ là quốc gia có truyền thống văn hóa lâu đời. Sự phát triển gần đây của Ấn Độ đã được thế giới nể trọng. Cạnh tranh toàn cầu bây giờ phải dựa trên công nghệ, tri thức, nguồn nhân lực chất lượng cao chứ không phải là phát triển dàn trải tất cả các lĩnh vực. Nhiều dự đoán đến giữa thế kỷ này, Ấn Độ sẽ là nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới. Ngoài ra còn phải kể đến một số quốc gia khác như Nga và Braxin. Hiện tại, Braxin đã vượt qua Anh để trở thành nền kinh tế thứ 6 thế giới.

Sự phát triển của một nước, ngày nay, là cơ hội cho sự phát triển của các nước khác. Thị trường rộng lớn của Trung Quốc, Ấn Độ chính là điều kiện cho sự phát triển của các quốc gia. Tính đa dạng của các thị trường này chính là cơ hội cho rất nhiều nước xuất khẩu sản phẩm. Tuy  nhiên, từ sau Đại hội XVIII của Đảng Cộng Sản Trung Quốc năm 2012, Trung Quốc đã có chủ trương thay đổi phương thức phát triển. Họ cho rằng, không thể phát triển những ngành dựa nhiều vào tài nguyên, vốn và lao động mà phải phát triển nhiều hơn những ngành dựa trên công nghệ và trí thức. Điều đó đặt ra câu hỏi, vậy những ngành truyền thống và những ngành sử dụng nhiều lao động đã góp phần làm cho Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới sẽ di chuyển đi đâu?

Khi trao đổi với Ủy ban Cải cách và Phát triển của tỉnh Quảng Tây chúng tôi được biết, các tỉnh của Trung Quốc không tiếp nhận những ngành nghề lạc hậu; dòng dịch chuyển đó đã và sẽ ra các nước láng giềng xung quanh. Do nhu cầu về vốn, yêu cầu lấp đầy các khu công nghiệp, một số nước đã tiếp nhận một cách không có chọn lọc, không quan tâm đến các tiêu chuẩn về công nghệ, tiêu chuẩn về môi trường và tiêu chuẩn về lao động kỹ năng. Điều này có nghĩa là, sự phát triển của Trung Quốc vừa đem lại các cơ hội rất lớn, vừa đem lại nhiều hệ lụy không nhỏ cho các nước láng giềng.  

Văn bản chính thức chưa cho thấy Trung Quốc đưa ra một chiến lược toàn cầu, nhưng sau 2012, thì người ta thấy Trung Quốc bàn nhiều về “Giấc mộng Trung Hoa” với tham vọng phục hưng dân tộc Trung Hoa. Trung Quốc đã coi kỷ nguyên của thế kỷ XXI là kỷ nguyên của đại dương, đưa vấn đề biển và đại dương trở thành ưu tiên trong chiến lược phát triển của mình theo một lộ trình chuẩn bị rất bài bản.

Ngay từ sau chính sách cải cách và “Khai phóng” những năm 1980, Trung Quốc chủ trương phát triển 14 thành phố ven biển nhằm phát triển phía Đông để chấn hưng phía Tây. Với đất nước rộng lớn như vậy, Trung Quốc tập trung phát triển theo lộ trình, đầu tiên là xây dựng cực tăng trưởng Thiên Tân - Bắc Kinh; đến Thượng Hải - lưu vực sông Trường Giang; Thâm Quyến - Quảng Đông - lưu vực sông Châu Giang; và gần đây nhất là khai phát Vịnh Bắc Bộ - Quảng Tây để chấn hưng Đại Tây Nam (vùng Vân Nam, Thiểm Tây, Tây Tạng), tiếp tục khai phát Vịnh Bột Hải, chấn hưng Đông Bắc gồm Tân Cương, Cáp Nhĩ Tân...

Vịnh Bắc Bộ - Quảng Tây là tuyến chủ yếu nằm trong chiến lược “Một trục, hai cánh” của Trung Quốc. Với cánh trên bộ, Trung Quốc quan tâm phát triển Tiểu vùng Mêkông, với cơ chế là hợp tác của một tỉnh Trung Quốc với các quốc gia thuộc Tiểu vùng Mêkông mở rộng (GMS), tức là lấy một tỉnh của Trung Quốc làm đầu mối hợp tác với các quốc gia xung quanh. Vân Nam được chọn để hợp tác với các nước tiểu vùng; thông qua tiểu vùng Mêkông để mở cửa cho Tây Nam của Trung Quốc (nơi không có biển) ra thế giới. Hiện nay, Trung Quốc đang xây dựng đường ống dẫn dầu từ cảng biển Mianmar vào Vân Nam.

Ngày 18/1/2006, Trung Quốc chính thức tuyên bố khai phát Vịnh Bắc Bộ mở rộng, lấy Vịnh Bắc Bộ - Quảng Tây làm đại bản doanh gắn với tỉnh Quảng Đông cũng như đảo Hải Nam của Trung Quốc để mở rộng quan hệ hợp tác với các nước ASEAN. Trung Quốc cho rằng, Nam Ninh có thể trở thành phố trung tâm của Đông Á. Nếu nhìn lên bản đồ, có thể thấy một bố cục phát triển mở ra phía biển theo hình nan quạt, với Nam Ninh là hạt nhân kết hợp với ba thành phố cảng biển  là Bắc Hải, Khâm Châu và Phòng Thành.

Nếu như ở Nam Ninh phát triển mạnh các ngành công nghệ thông tin, các ngành công nghệ mới thì Thành phố Khâm Châu phát triển nhiệt điện và hóa dầu (nhiệt điện là 1000 MW/năm, hóa dầu là 20 triệu tấn/năm). Phòng Thành là thành phố cảng biển, có chiều dài cầu cảng 21km. Đây là cảng container rời, tàu 200 ngàn đến 300 ngàn tấn có thể cập cảng. Đến năm 2010, tổng lượng hàng hóa được vận chuyển qua Phòng Thành là hơn 100 triệu tấn. Bắc Hải là thành phố du lịch ven biển, đồng thời là nơi sản xuất các sản phẩm công nghệ cao. Mục tiêu của Trung Quốc là biến Khu kinh tế Vịnh Bắc Bộ - Quảng Tây để nối với các quốc gia liền kề trên biển thành trung tâm của sản xuất, cung ứng dịch vụ vận tải biển của khu vực... (Xem tiếp phần 3)

*Nguồn: Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

* Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục