Động lực và tương lai phát triển của quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ - EU: Phân tích từ góc nhìn Ấn Độ (Phần 4)
Mối quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ - EU được bắt đầu xây dựng từ năm 2004 sau khi trải qua hơn 10 năm phát triển đã bước vào trạng thái “đóng băng”. Thông qua việc phân tích địa vị của EU trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ, bài viết lý giải động lực phát triển nội tại và tương lai của mối quan hệ chiến lược Ấn Độ - EU. Do trụ cột của mối quan hệ đối tác chiến lược này nằm ở phương diện hợp tác kinh tế thương mại, nhưng cùng với sự giảm thiểu về tầm quan trọng của thương mại Ấn Độ - EU, đặc biệt là công việc đàm phán Hiệp định tự do thương mại (FTA) song phương bị cản trở, nên khiến hai bên đều đánh mất ngọn lửa nhiệt tình phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược này. Sau khi Chính phủ Modi lên cầm quyền và chào đón vị Chủ tịch mới của Ủy ban Châu Âu đã một lần nữa tái khởi động khả năng phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ - EU.
Lin Minwang*
Hai là, những năm gần đây, nhận thức của EU đối với Ấn Độ đã có sự thay đổi, điều này cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của mối quan hệ đối tác chiến lược. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã khiến cho thế giới phương Tây suy thoái một cách tương đối, còn các nền kinh tế mới nổi lại trở nên nổi bật, Ấn Độ cũng như thế. Vì thế, trong bối cảnh này, Ấn Độ ngày càng trở nên tự tin, còn EU lại ngày càng hướng nội, tập trung sức lực giải quyết khủng hoảng tài chính nội bộ. Châu Âu hy vọng các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ phải gánh vác trách nhiệm quốc tế lớn hơn[1], đồng thời phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ - EU một cách cân bằng hơn. Nhưng sau khi FTA giữa hai bên gặp phải trở ngại, về phương diện nhận thức, EU cho rằng, Ấn Độ không còn cần đến sự viện trợ phát triển to lớn từ EU như trước đây, quan hệ kinh tế thương mại Ấn Độ - EU cần phải xây dựng trên nền tảng bình đẳng hơn. Còn ấn tượng Ấn Độ mang lại cho Brussel dường như là thái độ thờ ơ về việc phát triển mối quan hệ chiến lược sâu sắc hơn với EU, và cũng có thể do nước này không còn cảm thấy hứng thú với một EU “hướng nội” hơn.
Người dân các nước châu Âu, đặc biệt là ở khu vực Tây Âu, có nhận thức tương đối tiêu cực về Ấn Độ, nên đã làm suy yếu một cách nghiêm trọng nền tảng tâm lý của mối quan hệ đối tác này. Căn cứ theo điều tra dân ý được BBC tiến hành năm 2014, 45% người Anh được hỏi có nhận thức tích cực , 46% có nhận thức tiêu cực về Ấn Độ. Đối với người Pháp thì con số này lần lượt là 40% và 49%. Còn ở nước Đức lại càng nghiêm trọng hơn, có 68% người được hỏi giữ thái độ tiêu cực đối với Ấn Độ. Ở Tây Ban Nha con số này lần lượt là 20% và 50%[2]. Hiển nhiên, về tổng thể, tuyệt đại đa số người dân Tây Âu có nhận thức tiêu cực về Ấn Độ. Vì thế, khi sự kiện 50 thanh niên Đức đánh đập 8 người Ấn Độ ở thành phố Mügeln, bang Sachsen diễn biến trở thành một cuộc bạo loạn nhỏ đã khiến người dân Ấn Độ vô cùng kinh ngạc.
Ba là, tuy Ấn Độ và EU cùng chia sẻ một số giá trị quan chung, nhưng giữa hai bên vẫn tồn tại sự khác biệt rất lớn. Ví dụ, tuy Ấn Độ cho rằng, sự nhất thể hóa về kinh tế và chính trị của EU là mô hình thành công. Nhưng Ấn Độ phản đối mạnh mẽ chủ nghĩa can thiệp của châu Âu, kiên trì lập trường chủ quyền cao hơn nhân quyền, phản đối trách nhiệm bảo hộ do Âu Mỹ làm chủ đạo. Vì thế, trong xã hội Ấn Độ vẫn mang đậm tâm lý sợ hãi sâu sắc về việc các thế lực nước ngoài nhúng tay vào chính trị nội bộ Ấn Độ. Họ cho rằng, các nước lớn như Mỹ và Trung Quốc đều mưu tính một số biện pháp để làm suy yếu thực lực của Ấn Độ, đồng thời ủng hộ các nước nhỏ xung quanh Ấn Độ về mặt quân sự, từ đó đạt được mục đích khắc chế Ấn Độ. Tương tự, dựa trên nhận thức Ấn Độ đóng vai trò “lãnh đạo tự nhiên” ở khu vực Nam Á và Ấn Độ Dương, Ấn Độ cũng phản đối EU can thiệp vào hợp tác trên biển ở Ấn Độ Dương. Giữa Ấn Độ và EU có quan niệm tương đồng về nhân quền, dân chủ và đa nguyên văn hóa, nhưng về các vấn đề cụ thể và đường hướng thì hai bên vẫn còn sự khác biệt rất lớn. Các nước EU cũng đôi khi chỉ trích vấn đề nhân quyền của Ấn Độ. Ví dụ, tháng 3 năm 2015, một vị giáo sư người Đức khi từ chối thực tập sinh Ấn Độ đã cho rằng, do các vụ án cưỡng hiếp ở Ấn Độ, nên không thể tiếp nhận bất kỳ thực tập sinh nam giới nào từ Ấn Độ. Sự kiện này sau khi bị báo giới phát hiện đã gây nên làn sóng phản đối từ Ấn Độ.
Nói một cách đơn giản, EU “hậu hiện đại” và Ấn Độ với tư duy “tiền hiện đại” đậm nét thường xuyên tồn tại sự chia rẽ trên rất nhiều vấn đề cụ thể, cộng thêm tính tự chủ chiến lược của EU không đủ mạnh, cũng như sự trở ngại trong việc phát triển kinh tế thương mại song phương đều ngăn cản mối quan hệ tổng thể, đây cũng là nguyên nhân sâu xa của việc gián đoạn Hội nghị Thượng đỉnh Ấn Độ - EU.
- Tương lai phát triển của quan hệ chiến lược Ấn Độ - EU
Cùng với việc Chính phủ Modi lên nắm quyền vào tháng 5 năm 2014, tháng 7 năm 2014 Jean Claude Juncker được bầu giữ chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu, liệu họ có thể mang lại sức sống mới cho mối quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ - EU hay không, đây là điều cần quan tâm chú ý. Ông Javier Solana cho rằng, do Thủ tướng Modi chú trọng đến sự phát triển kinh tế hơn, và hứa “sáng tạo nên một Ấn Độ mới, một Ấn Độ không một ai trên trường quốc tế có thể phớt lờ”, vì thế, cho rằng Modi là một nhân vật lãnh đạo có ý muốn thoát khỏi chủ nghĩa bảo hộ kinh tế, mở cửa thị trường trong nước cho các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này sẽ mang đến cơ hội cho việc phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ - EU.
Tuy nhiên, cách nhìn này phần nhiều thể hiện một thứ nguyện vọng chứ không phải là hiện thực. Chính phủ Liên minh Đoàn kết tiến bộ (UPA) vào thời kỳ Thủ tướng Sighn kỳ thực cũng không áp dụng chủ nghĩa bảo hộ kinh tế, nó không chỉ chịu sự hạn chế của chính phủ liên minh yếu đuối, mà cũng chịu sự hạn chế bởi khó khăn trong việc đàm phán FTA đã chạm đến giới hạn đáy của cả hai bên. Cho dù Chính phủ Modi có mong muốn tiến thủ tích cực về mặt chính sách kinh tế, nhưng tỉ suất thúc đẩy FTA thành công vẫn rất thấp. Bởi vì bản thân mục tiêu của FTA tương đối vĩ mô, không chỉ liên quan đến tự do hóa về sản phẩm và dịch vụ, mà còn liên quan đến tự do hóa đầu tư và xóa bỏ hàng rào thuế quan, cũng như các vấn đề về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, hoàn thiện các quy định về cạnh tranh, v.v… Việc đạt được thỏa thuận hiển nhiên sẽ mang lại lợi ích cho cả hai, nhưng áp lực đối với Ấn Độ lại lớn hơn. Hơn nữa, tính tích cực của EU đối với việc đạt được FTA cũng đã giảm sút nhiều. Điều này hiển nhiên bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng nợ ở trong lòng EU, nó không chỉ khiến EU tối tăm mặt mũi, mà cũng làm giảm động lực thúc đẩy thương mại tự do song phương.
Đối với Chính phủ Modi mà nói, động lực tái khởi động quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ - EU cũng vẫn tương đối yếu. Trọng tâm ngoại giao của Chính phủ Modi dường như không phải châu Âu, mà ở các nước láng giềng. Nhìn từ trình tự các chuyến viếng thăm từ sau khi Modi nhận chức có thể thấy được trọng điểm ngoại giao của nước này. Đầu tiên, Thủ tướng Modi đến thăm các quốc gia láng giềng ở Nam Á, sau đó đến các quốc gia láng giếng kéo dài có ảnh hưởng đến Ấn Độ, bao gồm: Nhật Bản , Mỹ và Trung Quốc. Ông đã đưa ra chính sách “ưu tiên láng giềng”, chú trọng cải thiện quan hệ với các nước láng giềng Nam Á, xây dựng một “Mini SAARC” trong lòng SAARC, với ý muốn thoát khỏi nhân tố Pakistan, thúc đẩy nhất thể hóa khu vực Nam Á; đồng thời, Modi còn đưa ra “Kế hoạch Mausam” nhằm phát triển quan hệ với các quốc gia ven bờ Ấn Độ Dương; đối với các nước Đông Á láng giếng mở rộng, Modi đã điều chỉnh “Chính sách Hướng Đông” thành “Chính sách Hành động hướng Đông”, nhằm nâng cao hợp tác kinh tế thương mại với các nước Đông Nam Á. Còn quan hệ đối tác với EU, Chính phủ Modi không hề đưa ra chính sách tương đối rõ ràng.
Mặt khác, không khí phát triển của mối quan hệ Ấn Độ - EU vẫn chưa đủ. Ngoại trừ việc EU cấm nhập khẩu sản phẩm xoài Ấn Độ vào năm 2014, đặc biệt là sự kiện lính hải quân Italia vẫn khiến bầu không khí quan hệ song phương vẫn không được tốt đẹp. Nguyên nhân của sự kiện này là, tháng 2 năm 2012, hai lính hải quân Italia khi tiếp cận vùng lãnh hải Ấn Độ để thực thi nhiệm vụ chống hải tặc đã giết nhầm hai ngư dân Ấn Độ. Mặc dù, họ phủ nhận việc cố ý giết người và bắn trực tiếp vào tàu cá, nhưng sự kiện này đã làm dấy lên sự phản ứng dữ dội ở Ấn Độ. Tiêu điểm tranh chấp hiện nay tập trung ở chỗ phía Italia cho rằng, vị trí hai binh sĩ Italia nổ súng thuộc phạm vi lãnh hải quốc tế, theo luật pháp quốc tế sẽ bác bỏ yêu cầu khởi tố của Ấn Độ, mọi trình tự pháp luật phải được tiến hành ở tòa án Roma. Phía Ấn Độ vẫn kiên trì cho rằng, vị trí xảy ra sự kiện thuộc lãnh hải Ấn Độ, nên phải xét xử ở Ấn Độ, đồng thời phải được phán quyết theo pháp luật Ấn Độ. Hai bên vẫn bị kẹt ở việc có thích hợp sử dụng án tử hình và căn cứ vào luật pháp nào để phán quyết. Thậm chí khi phía Italia tuyên bố sẽ không giao nộp hai binh sĩ này cho phía Ấn Độ thì Ấn Độ đã áp dụng cách thức cản trở đại sứ Italia tại Ấn Độ xuất cảnh.
EU tìm cách nỗ lực hóa giải mâu thuẫn giữa Ấn Độ và Italia nhằm tránh phá vỡ đại cục của mối quan hệ Ấn Độ - EU, nhưng tình hình lại không được lý tưởng. Tháng 1 năm 2015, Nghị viện Châu Âu thông qua một nghị quyết khiển trách Ấn Độ “vi phạm nghiêm trọng nhân quyền”, và yêu cầu Ấn Độ thả hai binh sĩ Italia về châu Âu. Nhưng nghị quyết này của châu Âu đã bị Ấn Độ cự tuyệt. Sự kiện này được báo giới Ấn Độ theo sát, họ cho rằng, chính vì sự kiện này mới dẫn đến việc Thủ tướng Modi hủy bỏ Hội nghị Thượng đỉnh. Nói tóm lại, Chính phủ Modi có thể tái khởi động mối quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ - EU hay không thì vẫn còn tồn tại tính không xác định rất lớn.
- Kết luận
Quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ - EU được bắt đầu thiết lập từ năm 2004, sau quá trình phát triển hơn 10 năm, mối quan hệ này đã rơi vào trạng thái “đóng băng” như hiện tại, đặc biệt là khi Chính phủ Modi bất ngờ hủy bỏ chuyến thăm đến Tổng bộ EU vào tháng 4 năm 2015. Bài viết đã phân tích địa vị của EU trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ, từ đó lý giải động lực phát triển của mối quan hệ đối tác chiến lược này. Trong bàn cơ “ngoại giao ba vòng” của Ấn Độ, châu Âu không thuộc về phạm trù các nước láng giềng, cho nên tầm quan trọng chiến lược tương đối thấp. Nhưng do châu Âu là đối tác thương mại lớn nhất, nguồn đầu tư lớn nhất và nguồn nhập khẩu kỹ thuật tiên tiến của Ấn Độ, vì thế EU vẫn có địa vị quan trọng trong ngoại giao Ấn Độ. Tuy nhiên, trải qua quá trình phát triển hơn 10 năm, cùng với sự trỗi dậy của Ấn Độ, tầm quan trọng của hợp tác kinh tế thương mại Ấn Độ - EU không ngừng giảm sút. Đặc biệt là cùng với việc đàm phán FTA song phương bị đình trệ, cả hai đều mất đi lòng nhiệt tình phát triển đối tác chiến lược. Cùng với việc Chính phủ Modi lên nắm quyền và sự xuất hiện của tân Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, đã tái khởi động tính khả thi của đối tác chiến lược Ấn Độ - EU. Nhưng do khó khăn về FTA quá lớn và cuộc khủng hoảng nợ trong lòng EU, hạn chế về trọng tâm ngoại giao của Chính phủ Modi, đặc biệt là ảnh hưởng tiêu cực từ sự kiện lính hải quân Italia gần đây là làm cho tương lai của mối quan hệ đối tác chiến lược này trở nên u ám.
Đối với EU mà nói, sự “đình trệ” của quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ - EU cũng việc đẩy ra bên ngoài các vấn đề bên trong khối này. Trải qua nhiều lần mở rộng về phía Đông, EU đang đối mặt với ngày càng nhiều các vấn đề về hòa hợp và phát triển. Đặc biệt từ sau cuộc khủng hoảng nợ châu Âu đến nay, nền tảng dân ý về sự nhất thể hóa châu Âu đang không ngừng suy giảm, tầng lớp tinh anh cũng dường như đánh mất đi lòng nhiệt tình. Trong bối cảnh đó, đối với Ấn Độ mà nói, cách thức trao đổi với châu Âu càng tập trung vào các mối quan hệ song phương như Ấn Đức, Ấn Pháp và Ấn Anh hơn, từ đó càng đẩy vai trò và địa vị của EU trên chính trường quốc tế trở nên mờ nhạt.
Đối với Trung Quốc mà nói, sự “trở ngại” của mối quan hệ đối tác Ấn Độ - EU là một tin tức tốt lành cho việc phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc – EU. Do kết cấu thương mại Ấn Độ - EU và Trung Quốc – EU khá tương đồng, nên thỏa thuận FTA Ấn Độ - EU hiển nhiên sẽ là cú đánh vào thương mại Trung Quốc – EU. Nhưng mặt khác, cũng có thể thấy rằng, sự trở ngại trong quan hệ Ấn Độ - EU đã khiến cho địa vị của quan hệ Ấn – Mỹ và Ấn – Nhật trong bán kính ngoại giao của Ấn Độ được tăng lên. Về mặt ý nghĩa địa chính trị chiến lược mà nói, điều này hiển nhiên tăng thêm áp lực chiến lược đối với Trung Quốc. Đây cũng là mục đích của việc Trung Quốc quan tâm đến mối quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ - EU.
[1] The EU Institute for Security Studies, “The EU-India Partnership: Time to go Strategic?”, p.11. http://www.iss.europa.eu/uploads/media/The_EU-India_partnership.pdf
[2] 2014 BBC World Service Country Rating Poll, p.25. http://downloads.bbc.co.uk/mediacentre/country-rating-poll.pdf
* PGS Viện Nghiên cứu Quan hệ quốc tế, Học viện Ngoại giao, Nghiên cứu viên Thỉnh giảng Viện Nghiên cứu tài chính Trùng Dương, Đại học Nhân dân Trung Quốc.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục