Quan hệ Ấn Độ - Liên minh châu Âu: Cơ hội mới, thách thức cũ

Trong bối cảnh các liên minh toàn cầu đang dịch chuyển, châu Âu và Ấn Độ đang tái khám phá lẫn nhau – không chỉ là đối tác thương mại, mà còn là những chủ thể trung tâm trong việc định hình trật tự thế giới đa cực.
Chuyến thăm Ấn Độ mới đây của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, cùng gần như toàn bộ các Ủy viên, đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ song phương. Dù có ý kiến cho rằng chuyến thăm thiếu chuẩn bị, nó vẫn mang ý nghĩa chiến lược trong bối cảnh toàn cầu đang biến động, mở ra cơ hội tăng cường hợp tác toàn diện.
Quan hệ Ấn Độ – EU bắt đầu từ đầu thập niên 1960 với việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng đồng Kinh tế châu Âu. Từ đó đến nay, hai bên đã xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược (2004), khởi động đàm phán FTA (2007), và thông qua “Lộ trình đến năm 2025” tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 15 (2020). Lộ trình này bao gồm các mục tiêu hợp tác rộng lớn từ thương mại, nghiên cứu, đô thị hóa, tới nhân quyền và phát triển bền vững. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện còn chậm, nhiều mục tiêu vẫn chưa được hiện thực hóa.
Chuyến thăm tháng 2/2025 của bà von der Leyen nhằm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực then chốt như thương mại, công nghệ, an ninh và biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh EU tìm cách giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ và Trung Quốc, Ấn Độ nổi lên như đối tác thay thế tiềm năng. Ngược lại, New Delhi cũng xem EU là đối tác chiến lược trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Mối quan hệ này có thể góp phần xây dựng một trật tự đa cực dựa trên hòa bình và tăng trưởng bền vững.
Kết quả nổi bật là cam kết hoàn tất FTA toàn diện vào cuối năm 2025 – một bước tiến có ý nghĩa cả về kinh tế lẫn chiến lược. Cuộc họp cấp bộ trưởng lần thứ hai của Hội đồng Thương mại và Công nghệ (TTC) cũng diễn ra, thảo luận về công nghệ xanh, chuỗi cung ứng và hợp tác quốc phòng – trong đó có khả năng Ấn Độ tham gia vào khuôn khổ PESCO của EU.
Tuy nhiên, việc ký kết FTA sẽ gặp không ít thách thức. Các bất đồng tồn tại lâu nay như vấn đề sở hữu trí tuệ (ảnh hưởng tới dược phẩm Ấn Độ), tiêu chuẩn lao động và môi trường, cùng các rào cản về thuế quan vẫn chưa được giải quyết. EU muốn cắt giảm sâu thuế nhập khẩu, trong khi Ấn Độ còn dè dặt với các mặt hàng nhạy cảm như sữa và rượu vang.
Về biến đổi khí hậu, cơ chế CBAM của EU bị Ấn Độ xem là đơn phương và không hiệu quả. Thay vào đó, New Delhi đề xuất các hình thức hỗ trợ tài chính và hợp tác công – tư. Cả hai bên cần cân bằng lợi ích chiến lược với các đối tác toàn cầu khác, đồng thời duy trì cam kết thực thi các thỏa thuận.
Một thách thức ít được nhắc đến là sự khác biệt trong thế giới quan chính trị. EU thường xuyên bày tỏ lo ngại về các vấn đề nội bộ của Ấn Độ mà không đặt trong bối cảnh lịch sử và xã hội cụ thể. Các nghị quyết về Manipur hay Đạo luật Sửa đổi Quốc tịch là những ví dụ cho thấy EU còn thiếu sự hiểu biết thực tế.
Ngoài ra, cách tiếp cận của EU đối với các nhóm Hồi giáo cực đoan – cả ở Trung Đông và trong nội bộ châu Âu – gây ra mối lo ngại riêng. Ảnh hưởng ngày càng lớn của các nhóm như Anh em Hồi giáo trong thể chế EU có thể dẫn tới những chính sách không nhất quán trong cuộc chiến chống khủng bố – điều New Delhi cần theo dõi chặt chẽ. Thêm vào đó, lập trường thiếu mềm dẻo của EU về thái độ của Ấn Độ đối với cuộc chiến Nga – Ukraine cho thấy một khoảng cách đáng kể về nhận thức chiến lược.
Dù những khác biệt này có thể bị lu mờ bởi các nhu cầu chiến lược hiện tại, chúng vẫn cần được lưu ý trong dài hạn. Mối quan hệ đối tác Ấn Độ – EU có tiềm năng đóng vai trò trung tâm trong việc định hình trật tự thế giới mới, nhưng để đạt được điều đó, hai bên cần xây dựng một nền tảng hợp tác dựa trên sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Như lời bà von der Leyen, EU nên tiếp tục tìm thêm “những cái cớ” để hiểu và gắn bó sâu hơn với Ấn Độ.
Source:
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục

Thách thức tầm nhìn Viksit Bharat
Tư liệu Nghiên cứu Ấn Độ 07:00 30-04-2025


Phụ nữ Ấn Độ trong nền kinh tế Gig
Tư liệu Nghiên cứu Ấn Độ 12:00 30-04-2025