Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Giới thiệu bộ sách mới về Ấn Độ và quan hệ Việt Nam - Ấn Độ

Giới thiệu bộ sách mới về Ấn Độ và quan hệ Việt Nam - Ấn Độ

03:52 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Để góp phần vào chuỗi các hoạt động kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao, 10 năm đối tác chiến lược và 1 năm đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã biên soạn, biên dịch và phối hợp với Nhà xuất bản Thông tin và truyền thông, Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ tổ chức xuất bản bộ sách về Đất nước – con người Ấn Độ, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Đây là bộ sách quý có ý nghĩa về chính trị, ngoại giao, ý nghĩa khoa học sâu sắc, góp phần cung cấp thông tin khoa học về đất nước, con người, tình đoàn kết hữu nghị keo sơn giữa hai quốc gia, dân tộc Việt Nam và Ấn Độ.

Bộ sách đã được TS Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ viết lời giới thiệu.

Bộ sách sẽ được đoàn tháp tùng cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mang theo trong chuyến thăm Ấn Độ vào ngày 24/1/2018 này để tặng cho các nguyên thủ Ấn Độ và các Bộ ban ngành chức năng trong Chính phủ Ấn Độ.

Bộ sách sẽ được gửi đến các vị lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành chức năng, các Trường đại học, thư viện trong 63 tỉnh thành trong cả nước.

8 cuốn trong bộ sách này có 3 cuốn sách của các học giả Ấn Độ do Ngài Pranap Mukherjee, nguyên Tổng thống Ấn Độ tặng Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ trong chuyến thăm Việt Nam năm 2014 và cùng Ngài Trương Tấn Sang, Nguyên Chủ tịch nước Việt Nam khai trương Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ.

- Cuốn “Văn hóa chiến lược của Ấn Độ - xây dựng chính sách an ninh quốc gia” của tác giả Shrikant Paranjpe, Giáo sư Khoa Nghiên cứu quốc phòng và chiến lược Đại học Pune.

Cuốn sách có căn nguyên từ một tư tưởng duy nhất và nổi bật: Phải chăng văn hóa chiến lược được đúc rút trực tiếp từ khái niệm văn hóa chính trị, vì nó là văn hóa chính trị của một quốc gia, xác định những phương pháp tiếp cận an ninh và hòa bình mà quốc gia đó hướng tới? Trả lời câu hỏi này không phải bằng một vài bài nghiên cứu khoa học chuyên ngành, mà cần rất nhiều kiến thức đủ tầm rộng và chuyên sâu từ lý luận đến thực tiễn để luận giải vấn đề.

Tác giả đã lựa chọn 6 vấn đề để minh giải nhằm khẳng định sự đúng đắn trong quan điểm nghiên cứu của mình. Cuốn sách đưa người đọc đi từ văn hóa chiến lược nói chung đến văn hóa chiến lược của Ấn Độ trong xây dựng chính sách an ninh quốc gia qua các thời kỳ lịch sử: Trước thời kỳ độc lập, trong thời kỳ độc lập, (các giai đoạn từ 1947-1991 và từ 1991 đến nay). Tác giả cũng dành hai chương để phân tích về an ninh nội bộ và vai trò của Nhà nước và văn hóa chiến lược đối với chính sách an ninh quốc gia của Ấn Độ.

Người đọc sẽ suy ngẫm nhiều điều khi tiếp cận với nội dung cuốn sách, chẳng hạn như: Nguồn gốc tư duy Ấn Độ, tư duy chiến lược Ấn Độ giúp gì cho việc xây dựng chính sách an ninh quốc gia, giúp gì cho việc xác định vai trò Ấn Độ trong trật tự thế giới cận đại và đương đại, và rất nhiều vấn đề khác.

- Cuốn sách “Người Ấn Độ - Sự thật về lý do tại sao thế kỷ XXI lại là thế kỷ của Ấn Độ?”, tác giả Pavank Varma là thư ký báo chí của Tổng thống Ấn Độ, người phát ngôn chính thức của Bộ Ngoại giao Ấn Độ và là giám đốc Trung tâm Nehru tại London.

Bằng cách tiếp cận liên ngành: Triết học, chính trị học, nhân chủng học, lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo và sự phân tích tiến trình phát triển của lịch sử Ấn Độ, bối cảnh, xu thế thời đại,…. Tác giả cố gắng tìm hiểu một vấn đề lớn: Là một người Ấn Độ có nghĩa gì, đất nước Ấn Độ sẽ ra sao trong thế kỷ XXI? Tác giả đã phân tích sâu nhiều bình diện: chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, văn hóa xã hội và các lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo,… để dự kiến một mong muốn có tính khoa học rằng: Thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ Ấn Độ.

 - Cuốn sách “Người Ấn Độ thích tranh luận”, tác giả Amartya Sen là Giáo sư Đại học Lamant tại Đại học Harvard. Ông đoạt giải Nobel Kinh tế năm 1998, nhưng ông lại là tác giả của cuốn sách hấp dẫn viết về những con người sinh sống trên đất nước của mình, một đất nước có nhiều truyền thống tốt khác nhau, nhiều phong tục đa dạng, những niềm tin rất khác nhau, và nó là bữa tiệc phong phú của nhiều loại quan điểm.

Tác giả dựa trên nghiên cứu của cả cuộc đời mình về lịch sử và văn hóa Ấn Độ để đưa ra những thông điệp, những cách thức giúp chúng ta hiểu được về đất nước Ấn Độ ngày nay dưới ánh sáng của truyền thống lý luận lâu đời và phong phú. Càng đọc kỹ cuốn sách, chúng ta càng hiểu sâu hơn điều mà nhiều nhà triết học trên thế giới đã từng thống nhất quan điểm cho rằng: “Ấn Độ là một dân tộc mộ đạo bậc nhất trên thế giới… là một dân tộc trọng triết học bậc nhất trên thế giới”, và chúng ta sẽ hiểu thêm những suy ngẫm của tác giả về chủ nghĩa đa nguyên, về đối thoại và biện chứng trong việc theo đuổi công bằng xã hội và về bản chất của bản sắc Ấn Độ.

- Năm cuốn sách biên soạn trong bộ sách này gồm:

1. Ấn Độ - xã hội, văn hóa – PGS, TS Lê Văn Toan, PGS, TS Nguyễn Mai Liên đồng chủ biên;

 2. Kinh tế Ấn Độ: Tiến trình tự lực tự cường – PGS, TS Lê Văn Toan, PGS.TS Đỗ Đức Định đồng chủ biên;

 3. Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực văn hóa – PGS, TS Lê Văn Toan chủ biên;

4. Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, năng lượng – PGS, TS Lê Văn Toan chủ biên;

5. Việt Nam - Ấn Độ: Bối cảnh mới, tầm nhìn mới – PGS, TS Lê Văn Toan chủ biên;

Bộ sách trên là thành quả lao động miệt mài, say mê, nghiêm túc của Tập thể cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ và các nhà khoa học Việt Nam và Ấn Độ.

Chúng tôi rất cảm ơn Bộ Thông tin và truyền thông, đặc biệt là Nhà xuất bản Thông tin và truyền thông đã phối hợp rất tốt và giành nhiều trí tuệ, công sức biên tập để cho ra đời Bộ sách quý giá này.

 Có thể nói, đây là món quà quý giá dành tặng cho lãnh đạo và nhân dân hai nước Việt Nam - Ấn Độ, nhất là thế hệ trẻ, những người nắm giữ tương lai của hai quốc gia dân tộc Việt Nam và Ấn Độ.

          Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn:

Cùng chuyên mục