Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Hành hương về đất Phật (Phần 2)

Hành hương về đất Phật (Phần 2)

Ấn Độ là một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại. Ấn Độ là quê hương của một trong những nền văn minh lâu đời nhất thế giới. Văn hoá, triết học, nghệ thuật của Ấn Độ đã phát triển rực rỡ và có những cống hiến to lớn cho loài người. Liên tiếp trong nhiều thế kỷ, tư tưởng Phật giáo, nghệ thuật, khoa học của Ấn Độ đã lan khắp thế giới.

02:55 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

HÀNH HƯƠNG VỀ ĐẤT PHẬT

                                                        GS, TS Nguyễn Hùng Hậu*

(Tiếp theo phần 1)

Để tìm hiểu cái cơ bản, bền vững tạo nên sức mạnh của Ấn Độ; cái bề sâu của tâm hồn thanh thản, già dặn và của tấm lòng nhân từ yêu thương mọi sinh vật; cũng như cơ sở của một trí óc bình tĩnh, cơ sở nhân sinh quan chung được nói đến ở trên, chúng ta đi tìm hiểu vũ trụ quan, thế giới quan của đạo Hindu.

Jawaharlal Nehru cho rằng, nền tảng vũ trụ quan, thế giới quan của đạo Hindu là học thuyết về mối quan hệ giữa Brahman và Atman. Brahman là tinh thần của vũ trụ, là linh hồn của thế giới, là cái tuyệt đối, Đại ngã, …Với quan niệm vạn vật đồng nhất thể của người Ấn Độ, thì cái thể này chính là Brahman. Còn Atman là linh hồn cá nhân, cá thể, là cái tôi, cái ta, Tiểu ngã. Về mặt triết học, Brahman được ví là nước, còn Atman là sóng. Sóng từ nước mà ra, rồi sóng lại trở về với nước. Sóng là nước và ở góc độ nào đó, nước cũng là sóng. Hai cái đó tuy hai là một, tuy một nhưng lại là hai. Về mặt tôn giáo Brahman được tượng trưng như không khí ở ngoài trời, còn Atman như không khí ở trong bình. Đều là không khí cả, nhưng một cái ở ngoài trời, còn một cái ở trong bình. Nắp bình tượng trưng cho Tam độc (tham, sân, si). Không khí trong bình ban đầu cũng trong sạch như không khí ngoài trời; nhưng do bị nút chặt, lâu ngày nó trở nên ô uế, bẩn thỉu giống như nước ao tù ứ đọng. Đi trên đường đạo là phải làm bật tung cái nắp bình ra, tức tham, sân, si không còn nữa; khi đó không khí trong bình hòa vào với không khí ngoài trời, và đó cũng chính là lúc Tiểu ngã hòa đồng với Đại ngã, ta với vũ trụ là một, ta là vũ trụ mà vũ trụ cũng là ta, cái gì xảy ra trong vũ trụ cũng tức là xảy ra trong ta. Chả thế mà lưng của đạo sĩ Ramakrishna cũng hằn lên bảy vết roi khi ông nhìn thấy đứa trẻ bị đánh bảy roi. Điều này cũng giống như người mẹ nhìn thấy người khác đánh con mình, mặc dù người mẹ không bị đánh, nhưng cũng bị đau không kém. Đây là cơ sở, nền tảng triết lý sâu xa về lòng nhân từ, thương yêu hết thảy mọi chúng sinh. Tư tưởng về Chân như - Phật tính của nhà Phật cũng bắt nguồn từ tư tưởng này. Tư tưởng về Không - Trần (thế giới hiện tượng) của Trần Thái Tông cũng có gốc gác từ đây.

Jawaharlal Nehru cho rằng, nếu Brahman - Atman là nền tảng thế giới quan, thì Karma (nghiệp) - Samsara (luân hồi) là nền tảng nhân sinh quan của người Ấn Độ. Học thuyết Karma - Samsara dường như muốn đưa tư tưởng bảo toàn năng lượng, vật chất trong tự nhiên sang bảo toàn chuyển hóa tinh thần, luân lý, đạo đức trong xã hội.

Thuyết Samsara, trả lời câu hỏi: anh A, chị B xuất hiện trên cõi đời này để làm gì? Phật giáo cho rằng, họ xuất hiện trên cõi đời này là để trả giá. Giá của cái gì? Giá của tất cả những hành động, cử chỉ, hành vi, suy nghĩ ở những kiếp trước được ghi lại trong sổ nợ - tạng thức. Và khi xuất hiện trở lại để trả giá thì được gọi là luân hồi (Samsara). Tư tưởng này có ý nghĩa nhân văn ở chỗ, nếu cho rằng, chết là hết thì người ta sẽ vô trách nhiệm trước những việc làm của mình, sẽ ra sức vơ vét, tham lam, tàn bạo, thậm chí chém giết (bằng nhiều cách), bởi lẽ không có bất cứ một cái gì ràng buộc sau khi chết. Nhưng với quan niệm chết chưa phải là hết, mà phải quay lại trả giá tất cả những gì mà mình tạo ra thì đứng trước cái ác, bất nhân, tham lam, tàn bạo, ti tiện, con người cũng phải chùn tay. Phật giáo cho rằng, gieo nhân nào thì gặt quả nấy.

                        Ác giả ác báo vần xoay

                Hại nhân, nhân hại xưa nay lẽ thường.

Kinh Phật cho rằng, đời này gắng sức học tập thì đời sau thông minh sáng suốt; đời này lười biếng thì đời sau ngu đần dốt nát; đời này sát sinh thì đời sau chết yểu; đời này phóng sinh thì đời sau sống lâu; đời này làm khổ chúng sinh thì đời sau đau khổ; đời này có tâm vỗ về an ủi người khác thì đời sau hạnh phúc; đời này giận giữ cáu kỉnh thì đời sau tướng mạo xấu xí;… Đức Phật nói rằng, những kẻ tạo nghiệp ác dù có lên trời xuống biển hay vào hang núi cũng không nơi nào có thể trốn thoát. Bởi vậy, nhìn cuộc đời hiện tại, nhà Phật có thể đoán định phần nào đời quá khứ cũng như cuộc sống tương lai sau này của một người nào đó.

Nhưng có một vấn đề xuất hiện: trong cuộc sống, ta thấy có những người hiền lành lương thiện nhưng vẫn khổ; trong khi đó nhiều tay đểu giả, ác độc vẫn sướng, lý giải điều này thế nào? Nếu cắt rời một đoạn nhỏ (trong một thời gian ngắn, nhỏ hẹp) thì thấy điều này vô lý, nhưng nếu xét một đoạn dài từ không biết bao nhiêu kiếp trước thì lại thấy chẳng vô lý chút nào.

Luân hồi gồm hai chữ: luân là bánh xe, hồi là quay trở lại. Luân hồi giống như sự biến hóa từ con trùng nhỏ xíu thành con nhộng, rồi thành con ngài (con bướm) (ở những nhà nuôi tằm thấy rất rõ điều đó). Nhìn bề ngoài, chúng khác nhau, nhưng thực chất là một. Qua đó chúng ta thấy bản chất của chúng sinh là giống nhau, khác nhau là do nghiệp. Còn nghiệp là còn luân hồi, tức còn khổ. Muốn thoát khỏi luân hồi thì phải chặt đứt sợi dây nghiệp.

Thuyết Karma trả lời câu hỏi tại sao anh A, chị B lại xuất hiện trên cõi đời này? Phật giáo cho rằng, anh A, chị B xuất hiện trên cõi đời này là do nghiệp (Karma). Nghiệp trong câu thơ của Nguyễn Du:

                       Đã mang lấy nghiệp vào thân

                Cũng đừng tránh lẫn trời gần trời xa.

Có người cho rằng, câu hỏi này thật ngô nghê, bởi lẽ anh A, chị B xuất hiện là do bố mẹ họ. Thực ra câu hỏi này chẳng ngô nghê chút nào, bởi lẽ, đôi khi bố mẹ họ cũng không muốn họ xuất hiện, và rất có thể trong một đêm mưa gió buồn buồn và thế là chín tháng mười ngày sau họ xuất hiện trên cõi đời này ngoài ý muốn của bố mẹ họ.

Vậy, nghiệp là gì? Trả lời câu này không dễ chút nào. Để dễ hình dung, ta so sánh việc hình thành nghiệp với việc hình thành cái nghiện. Nghiện là do con người mỗi ngày hút, hít, uống, tiêm chính một chút, mỗi ngày một chút, hết ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, dần dần hình thành nên cái nghiện. Khi không nghiện thì không sao, nhưng khi đã nghiện rồi, nó chi phối người đó với một sức mạnh không sao cưỡng nổi. Do đó, người bị nghiện dễ làm những chuyện tầm bậy như báo chí đã nêu hàng ngày. Việc hình thành nghiệp cũng diễn ra tương tự như vậy. Trong cuộc sống, mọi cử chỉ, hành động, hành vi, suy nghĩ của chúng ta, chúng ta cứ tưởng chúng biến mất. Chính vì vậy, đôi khi chúng ta vô trách nhiệm về những cử chỉ, hành động, hành vi, suy nghĩ của mình. Theo Phật giáo, những cái đó không hề biến mất, mà hết ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, dần dần hình thành nên cái gọi là nghiệp. Ở trên thì hình thành nên cái nghiện, ở dưới thì hình thành nên nghiệp, cơ chế là giống nhau. Không ai nhìn thấy nghiệp và cũng không biết nó nằm ở chỗ nào trong cơ thể. Nếu hỏi cái nghiệp nó nằm ở đâu, thì cũng giống như hỏi cái nghiện nó nằm ở chỗ nào. Câu hỏi này không ai có thể trả lời được.

Như vậy, nghiệp là một cái luật vô hình. Chúng ta nhiều khi cứ coi thường cái vô hình, nhưng cái vô hình cực kỳ quan trọng và đôi khi nó lại điều khiển, chi phối cái hữu hình. Tôi lấy ví dụ, những qui luật, qui luật tự nhiên, qui luật xã hội, qui luật sinh học, chúng ta không nhìn thấy, nhưng hàng ngày hàng giờ chúng đang chi phối chúng ta mà chúng ta không hề hay biết.

Có một vấn đề xuất hiện: sau khi người ta chết thì nghiệp đi đâu? Đây là một câu hỏi vô cùng hóc búa. Như trên ta đã nói, nghiệp là một quy luật vô hình, nhờ có nghiệp lực này mà anh A, chị B xuất hiện. Sau khi họ xuất hiện trên đời thì nghiệp lực này có thể được tích luỹ thêm, mạnh lên, có thể yếu đi tuỳ theo cử chỉ, hành động, hành vi, suy nghĩ của họ, bởi vì nghiệp nó đi theo, chi phối suốt cả cuộc đời của họ. Và sau khi từ giã cõi đời, lại hình thành nên nghiệp khác. Như vậy, khác với cái nghiện, sau khi chết, cái nghiện nó cũng theo con người xuống nấm mồ, còn nghiệp, sau khi chết, nó không mất đi, mà nó giống như một mũi tên bắn lên không trung và, theo quán tính, nó vẫn tiếp tục bay, gặp nhân duyên, điều kiện thuận lợi, nó lại nhóm các yếu tố lại (ngũ uẩn ở con người), cái mà Phật giáo gọi là các pháp (dharma) và hình thành một sinh linh mới, sinh linh này phải chịu quả ở kiếp trước và lại tạo nhân cho kiếp sau. Cứ như thế, cuộc đời con người chỉ là một mắt xích trong chuỗi dài dằng dặc, chỉ là một gợn sóng trên mặt biển đại dương bao la mênh mông bát ngát. Như vậy, nghiệp không chỉ là luật vô hình mà nó còn có chức năng kết dính, kết hợp các yếu tố. (Còn tiếp) (Xem tiếp phần 3)

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục