Hành hương về đất Phật (Phần 3)
Ấn Độ là một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại. Ấn Độ là quê hương của một trong những nền văn minh lâu đời nhất thế giới. Văn hoá, triết học, nghệ thuật của Ấn Độ đã phát triển rực rỡ và có những cống hiến to lớn cho loài người. Liên tiếp trong nhiều thế kỷ, tư tưởng Phật giáo, nghệ thuật, khoa học của Ấn Độ đã lan khắp thế giới.
HÀNH HƯƠNG VỀ ĐẤT PHẬT
GS, TS Nguyễn Hùng Hậu*
Nhưng đến đây lại xuất hiện một câu hỏi: phải chăng các yếu tố tồn tại lửng lơ ở đâu đó, để chờ nghiệp đến kết hợp, kết dính chúng lại và hình thành một sinh linh mới? Không phải như vậy. Như chúng ta đã biết, do luật vô thường cho nên trong từng khoảnh khắc (trong từng satna), các yếu tố trong người mỗi chúng ta đều biến đổi, bởi vậy, nghiệp không chỉ kết dính, kết hợp, mà còn sắp xếp các yếu tố mới lại hình thành một sinh linh mới trong khoảnh khắc đó, thay thế cho các yếu tố cũ đã bị giải thể. Bởi vậy, trong mỗi lúc ta vừa là ta, ta lại vừa không phải là ta. Như vậy, trong mỗi khoảnh khắc, nghiệp có khả năng vừa đồng thời làm biến đổi ngũ uẩn cũ và hình thành nên ngũ uẩn mới; vừa có khả năng kết hợp, sắp xếp ngũ uẩn mới để hình thành nên một con người mới, thay thế cho con người cũ với cấu trúc ngũ uẩn cũ đã bị giải thể. Ngay trong cuộc đời này, đôi khi một khoảnh khắc ý nghĩ lúc này cũng qui định khoảnh khắc của cuộc sống tiếp theo. Do đó, khoảnh khắc cuối cùng của ý nghĩ trong cuộc đời rất có thể sẽ qui định khoảnh khắc đầu tiên trong cái gọi là cuộc đời tái sinh kế tiếp. Không phải ngẫu nhiên mà trước khi mất, người ta hay mời các nhà sư đến tụng kinh. Tái sinh, suy cho cùng, là sự kế thừa ngũ uẩn luôn vận động của tiền kiếp, lấy tinh cha huyết mẹ của người có nhân duyên với mình làm nơi nương tựa để hiện thực hóa sinh mệnh trong không thời gian, nếu tái sinh vẫn là kiếp người. Từ đó ta thấy, Phật giáo không thừa nhận có một linh hồn bất tử đi đầu thai từ loài này sang loài khác. Sở dĩ kiếp sau anh là loài thú bởi lẽ kiếp này anh đã tích luỹ những đặc điểm, tính cách, nói theo Phật giáo, là anh đã huân tập những chủng tử của loài thú; những yếu tố người của anh càng gần cuối đời thì càng biến dần sang những yếu tố của loài thú, đặc biệt là giờ phút cuối cùng trước lúc lâm chung.
Khi chết, ngũ uẩn (năm yếu tố cấu tạo nên con người) tan rã ra, nhưng nghiệp, như trên đã nói, theo quán tính, vẫn tiếp tục quay, tiếp tục hoạt động nhằm hoàn tất quá trình hình thành ngũ uẩn mới và kết hợp, sắp xếp chúng lại theo một trình tự nhất định trong trạng thái trung gian (thân trung ấm) để hình thành nên một sinh linh mới. Sinh linh này lại chịu quả ở kiếp trước và tạo nhân cho kiếp sau. Cứ như thế, vòng luân hồi cứ tiếp tục quay chừng nào nghiệp còn tồn tại. Như vậy, chủ thể của luân hồi là nghiệp. Nghiệp không phải là ý thức, mà chỉ là sự tích tụ kinh nghiệm một cách vô thức nhưng là cơ sở của của tính cách con người hiện tại, và đến lượt mình, những tính cách này lại qui định những hành vi trong tương lai. Sinh mệnh không phải là nghiệp, nhưng cũng không rời nghiệp trong quá trình sống. Phương hướng của sinh mệnh là do nghiệp quy định, đồng thời, nghiệp lại y vào nội dung hoạt động của sinh mệnh để tạo nghiệp mới.
Như trên chúng ta đã nói, tất cả mọi cử chỉ, hành động, hành vi, suy nghĩ (tập trung ở thân, khẩu, ý) chúng ta tưởng chúng biến mất, nhưng không phải, mà chúng để lại những dấu vết được ghi lại trong tạng thức (alayavijnana), thức thứ tám trong bát thức, thức chứa đựng các chủng tử kể cả tốt lẫn xấu, thiện lẫn ác. Ví dụ, khi chúng ta đọc bài thơ một lần, hai lần, nhiều lần, rồi chúng ta thuộc lòng. Cái thuộc lòng ấy là do mỗi lần chúng ta đọc, hạt giống ấy rơi vào tạng thức, đọc nhiều lần, hạt giống ấy càng tăng trưởng mạnh mẽ và hình thành nên cái gọi là thuộc lòng. Mặc dù chúng ta không đọc nữa, nhưng thỉnh thoảng trong tạng thức lại trỗi dậy, và mỗi lần như vậy, chúng ta lại ôn lại vài lần và lại càng thuộc. Cái thuộc lòng này cũng giống như nghiệp, chúng ta không thể nhìn thấy, nghe thấy, sờ thấy nhưng nó vẫn hiện hữu trong mỗi chúng ta.
Từ miệng chúng ta, hạt giống thơ rơi vào tạng thức, Phật giáo gọi là huân tập chủng tử; còn từ tạng thức, thơ trỗi dậy gọi là chủng tử khởi. Nếu cuộc đời chúng ta, chủng tử nào được huân tập nhiều nhất, nghiệp sẽ nghiêng về chủng tử đó, đời sau hạt giống ấy sẽ sống dậy sớm hơn; bởi thế mới lý giải được sự xuất hiện của các thần đồng. Mặt khác, người có nhiều chủng tử (mầm) trộm cắp, không có điều kiện trộm cắp thì đừng có tưởng mình là lương thiện.
Đến đây lại xuất hiện một vấn đề: cuộc đời hiện tại là do nghiệp trước kia quy định, vậy phải chăng mọi thứ đã được an bài, mọi thứ đã được quyết định, chúng ta không thể thay đổi được, chúng ta chẳng thể làm gì được nữa và như vậy thì cần gì phải tu dưỡng, cần gì phải tích đức? Phải chăng Phật giáo là quyết định luận một cách máy móc? Không phải như vậy. Mỗi khi con người xuất hiện, mỗi cuộc đời hiện tại bi chi phối bởi hai lực chủ yếu: một là nghiệp ở quá khứ, hai là cử chỉ, hành động, hành vi, suy nghĩ ở đời hiện tại. Nếu trong cuộc sống hiện tại, mọi cử chỉ, hành động, hành vi, suy nghĩ của anh đều hướng về điều thiện thì, như trên chúng ta đã phân tích, trong mỗi khoảnh khắc, nghiệp có khả năng vừa đồng thời làm biến đổi ngũ uẩn cũ và hình thành nên ngũ uẩn mới; vừa có khả năng kết hợp, sắp xếp ngũ uẩn mới để hình thành nên một con người mới, thay thế cho con người cũ với cấu trúc ngũ uẩn cũ đã bị giải thể, do đó, nghiệp có thể làm thay đổi và xoay chuyển cấu trúc của các yếu tố theo hướng tốt, hướng thiện. Người ta ví điều đó cũng gần giống như một mũi tên đang bay (nghiệp quá khứ) và bị một ngọn gió (cuộc sống thiện) làm giảm bớt tốc độ bay của mũi tên. Và chỉ cần dịch chuyển một chút, đôi lúc cuộc đời con người cũng thoát khỏi những cơn nguy kịch, hiểm nghèo, và, khi đó, rất có thể cuộc đời con người rẽ sang một hướng khác. Chính cái đó giúp cho con người tinh tấn cố gắng làm thiện, sống tốt mặc dù mình đã có một quá khứ không được hay cho lắm. Qua đó ta thấy nghiệp - luân hồi là một tư tưởng nhân văn, nó khuyến thiện trừ ác, khiến thú tính con người giảm đi; con người bớt chém giết lẫn nhau, bớt ăn cắp, lười biếng, keo kiệt, bủn xỉn; làm cho con người đỡ coi thường loài vật, không cho mình là chúa tể; khiến cho chủ nghĩa nhân văn của Phật giáo đã cao lại càng cao hơn. Theo Kimura Taiken, nghiệp luân hồi khó chứng minh về mặt khoa học, nhưng nó có nhiều yếu tố hợp lý.
Sau cùng, chúng ta muốn xem Ấn Độ muốn gửi bức thông điệp gì cho nhân loại ngoài việc trả lời hai câu hỏi trên. Những nhà minh triết Ấn Độ cổ cho rằng, loài người đã để lãng phí lớn trong tư duy suy nghĩ của mình, bởi lẽ suy nghĩ của con người phần lớn đều không tập trung, chẳng khác gì những vật liệu vứt bừa bãi ở bên ngoài; đang nghĩ việc này nhảy sang việc khác, đang ý này nhảy sang ý nọ, giống như con khỉ truyền từ cành này sang cành nọ, để đến nỗi cả cuộc đời không làm nên trò trống gì. Tư duy suy nghĩ của con người cũng giống như ngọn đèn, nếu biết tập trung ánh sáng vào một điểm, ánh sáng đó sẽ rất mạnh; nhưng nếu để nó lan tỏa ra mọi phía, ánh sáng đó sẽ rất yếu ớt. Các nhà bác học sở dĩ là bác học bởi vì cả cuộc đời họ chỉ suy nghĩ vào một hai vấn đề với sự say mê cháy bỏng tột bậc. Hơn nữa, tư duy suy nghĩ, nói rộng ra là cái tâm, luôn động để phản ánh, chạy theo cảnh (thế giới bên ngoài) luôn động. Cái động này chạy theo cái động kia, làm sao mà phản ánh đúng đắn, chính xác, đi đến chân lý được? Phật giáo đưa ra một phương án lấy tĩnh chế động, lấy tâm tĩnh, sáng suốt, tỉnh táo để phản ánh động, lúc này thế giới động hiện nguyên hình. Điều này cũng giống như mặt nước hồ phẳng lặng, những viên cuội dưới đáy hồ hiển lộ.
Mặt khác, người Ấn Độ tự hỏi: Liệu có cái tôi, cái ta thật không? Nếu có thật thì trên cơ sở đó mới phán xét những cái ngoài tôi, ngoài ta; còn nếu không thật thì việc phán xét những cái ngoài tôi, ngoài ta thật vô nghĩa, không đúng, sai lầm; bởi vì ta có hiểu thực sự đúng đắn thì mới có thể hiểu cái ngoài ta đúng được; còn trong lúc ta lơ mơ về cái ta thì không thể nói ta hiểu đúng đắn, chính xác cái khác ta, ngoài ta được.
Yoga cung cấp cho chúng ta một bức thông điệp: tâm con người còn chứa biết bao điều bí ẩn; bao khả năng, năng lượng tiềm tàng mà chúng ta chưa hề sử dụng. Bởi vậy, giải phóng những tiềm năng to lớn này là nhiệm vụ quan trọng của tư tưởng Ấn Độ./
* Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục