Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Hồ Chí Minh – Người đặt nền móng Xây dựng quan hệ hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ (Phần 1)

Hồ Chí Minh – Người đặt nền móng Xây dựng quan hệ hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ (Phần 1)

Tình cảm của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đối với nhân dân Ấn Độ có từ rất sớm, xuất phát từ sự thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ về số phận của những người dân mất nước; của kiếp người nô lệ. Các bài viết của Hồ Chí Minh về Ấn Độ, nhân dân Ấn Độ thể hiện tư tưởng nhân văn cao cả, tình thương yêu giai cấp, yêu thương con người và lập trường kiên quyết ủng hộ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân thuộc địa, vì tự do hạnh phúc của các tầng lớp nhân dân, vì nền độc lập của mỗi dân tộc. Đó có thể coi là những viên gạch đầu tiên mà Hồ Chí Minh là người đặt nền móng, xây dựng nên mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Ấn Độ.

02:49 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Hồ Chí Minh – người đặt nền móng xây dựng quan hệ hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ

PGS. TS. Trần Minh Trưởng*

Năm 1921, Nguyễn Ái Quốc viết bài đầu tiên về Ấn Độ với nhan đề: Phong trào cách mạng Ấn Độ[1], đăng trên Tạp chí Cộng sản (La Revue Communiste) số 18-19, tháng 8 và tháng 9 năm 1921. Trong bài viết của mình, Nguyễn Ái Quốc đó thể hiện sự am hiểu về đất nước, con người, truyền thống lịch sử, văn hóa của nhân dân Ấn Độ, nơi sinh ra nền văn minh sông Hằng - một trong nền văn minh nổi tiếng của thế giới cổ đại . Người ca ngợi tinh thần đấu tranh yêu nước bất khuất, ngày càng mạnh mẽ, thể hiện tinh thần đoàn kết, quyết tâm giành độc lập dân tộc của nhân dân Ấn Độ. Người khẳng định, với chính sách cai trị tàn bạo của đế quốc Anh ở Ấn Độ, thì sự thất bại của nó có thể dự đoán được đang đến gần, dù chính quyền thực dân có âm mưu liên kết với các thế lực đế quốc nước ngoài để cai trị Ấn Độ. Nguyễn Ái Quốc viết: “Trước làn sóng như vậy..., Đế quốc Anh không biết xoay xở ra sao... Ít ra, chúng có thể tự an ủi khi thời hạn rời khỏi Ấn Độ của chúng đó đến, bằng cách tự nhủ rằng chúng đó tàn nhẫn kéo theo sự sụp đổ của đế quốc Pháp, đang hoạt động ở Đông Dương một cách xấu xa”[2].

Cùng việc nghiên cứu về phong trào cách mạng Ấn Độ và các nước khác, nhằm tìm hiểu về con đường đấu tranh cách mạng của các nước thuộc địa và phụ thuộc, tháng 7 năm 1921, Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Hội liên hiệp thuộc địa ở Pari. Việc Người lựa chọn cái tên Le Paria (Người cùng khổ) đặt cho tờ báo của Hội Liên hiệp thuộc địa, thể hiện sự đồng cảm và thấu hiểu sâu sắc về sự phân biệt đẳng cấp trong xã hội đối với tầng lớp cần lao ở Ấn Độ. Bởi như chúng ta biết, Paria có nghĩa ám chỉ những người có đẳng cấp thấp nhất trong xã hội Ấn Độ (Sudra), đó là thứ hạng tột cùng đau đớn trong 3 loại người khốn khổ và nhục nhã, thân phận của những người nô lệ.

Sau đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc còn có nhiều bài viết về Ấn Độ như: Chính sách thực dân Anh (11-1923); Thư từ Ấn Độ (3-1928); Phong trào công nhân ở Ấn Độ (4-1928); Nông dân Ấn Độ (4-1928); Phong trào công nhân và nông dân mới đây ở Ấn Độ (55-1928) v.v.. Thông qua các sự kiện, bằng các con số thống kê về số lượng phong trào đấu tranh, số lượng công nhân, nông dân Ấn Độ tham gia các cuộc đấu tranh chống lại sự áp bức, bóc lột dã man của chế độ cai trị thực dân Anh, nội dung các bài viết của Nguyễn Ái Quốc thể hiện sự đồng tình, mối quan tâm sâu sắc đối với phong trào đấu tranh yêu nước, đòi độc lập dân tộc của nhân dân Ấn Độ. Nguyễn Ái Quốc nhận định đó là: “Một dấu hiệu của thời đại!”[3], dấu hiệu của thời kỳ các dân tộc thuộc địa đang vùng lên đấu tranh đòi quyền tự quyết, đòi độc lập, tự  do. Hồ Chí Minh thể hiện sự đồng tình và ủng hộ quan điểm của nữ Tiến sĩ Bidan kêu gọi nhân dân Ấn Độ phải đoàn kết đấu tranh để định đoạt số phận của mình, Người viết: “Hỡi những người con của Ấn Độ! Hãy đứng lên và đoàn kết lại! Tổ quốc cần đến tất cả các người!”[4].

Như vậy có thể thấy, tình cảm mà Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đối với nhân dân Ấn Độ có từ rất sớm. Tình cảm đó được xuất phát từ sự thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ về số phận của những người dân mất nước; của kiếp người nô lệ, những người cùng phải chịu nỗi khổ nhục dưới sự cai trị của ngoại bang. Đồng thời, qua các bài viết, thể hiện tư tưởng nhân văn cao cả của Hồ Chí Minh về tình thương yêu giai cấp, yêu thương con người và lập trường kiên quyết ủng hộ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân thuộc địa, vì tự do hạnh phúc của các tầng lớp nhân dân, vì nền độc lập của mỗi dân tộc. Đó có thể coi là những viên gạch đầu tiên mà Hồ Chí Minh là người đặt nền móng, xây dựng nên mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Ấn Độ.

Sự chia sẻ và tình cảm của Hồ Chí Minh với con người và đất nước Ấn Độ cũng được thể hiện bởi sự quan tâm của Người đối với những nhà cách mạng của Ấn Độ, tiêu biểu là Jawaharlal Nehru[5]. Trong những tháng ngày bị lực lượng Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch bắt giam, phải chịu tù đày, Hồ Chí Minh vẫn quan tâm theo dõi cuộc đấu tranh yêu nước của nhân dân Ấn Độ. Khi biết nhà yêu nước J.Nehru cũng bị bắt giam trong nhà tù thực dân Anh, từ trong nhà ngục Quảng Tây, Người làm bài thơ bằng chữ Hán gửi Jawaharlal Nehru. Trong tập Ngục trung nhật ký bài thơ có tựa đề: Ký Nê Lỗ (Gửi Nêru), gồm hai khổ thơ:

Khi tôi phấn đấu, anh hoạt động,

Anh phải vào lao, tôi ở tù;

Muôn dặm xa vời chưa gặp mặt,

Không lời mà vẫn cảm thông nhau.

* *

Đôi ta cảnh ngộ vốn không khác,
Cảnh ngộ giờ đây khác bội phần;
Tôi, chốn lao tù người bạn hữu
Anh, trong gông xích bọn cừu nhân
[6].

Bài thơ bày tỏ nỗi cảm thông, thấu hiểu và sự động viên chia sẻ của những người yêu nước, hoạt động cách mạng vì nước vì dân, giờ đây cùng cảnh ngộ bị tù đày. Chính từ sự đồng cảm, tương thông, cho nên ngay khi hòa bình lập lại ở miền Bắc (tháng 10-1954), Chính phủ ta vừa tiếp quản Thủ đô, theo lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Cộng hòa Ấn Độ J. Nehru là nguyên thủ quốc gia đầu tiên trên thế giới đến thăm chính thức nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Còn tiếp) (Xem tiếp phần 2)

* Vụ trưởng Vụ Tổ chức – Cán bộ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh


[1] In trong sách Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1, NXB.CTQG.H.2011. tr.55.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1, NXB.CTQG.H.2011. tr.60.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, NXBCTQG.H.2011.tr.366.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, NXBCTQG.H.2011.tr352.

[5] Jawaharlal Nehru (1889-1964): Thủ tướng Ấn Độ trong 18 năm (từ 1947-1964).

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 3.NXBCTQG.H.2011. tr.402. Bản dịch của Hoàng Trung Thông

 

Nguồn:

Cùng chuyên mục