Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Hội thảo khoa học quốc tế "Sức mạnh mềm Ấn Độ - Sức mạnh mềm Việt Nam trong bối cảnh khu vực hóa, toàn cầu hóa"

Hội thảo khoa học quốc tế "Sức mạnh mềm Ấn Độ - Sức mạnh mềm Việt Nam trong bối cảnh khu vực hóa, toàn cầu hóa"

Nhìn lại năm kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm Đối tác chiến lược và một năm Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ, để mở ra một trang mới, sáng 19/12/2017, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Đại sứ quán Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Sức mạnh mềm Ấn Độ - Sức mạnh mềm Việt Nam trong bối cảnh khu vực hóa, toàn cầu hóa”.

03:14 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư đảng ủy, Giám đốc Học viện, dự chỉ đạo và chủ trì Hội thảo. Cùng tham gia chủ trì có ngài Parvathaneni Harish, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, và PGS,TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện.

Tham dự Hội thảo có đại diện các ban, bộ, ngành trung ương: Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và truyền thông, Đại diện lãnh đạo Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ, đại diện lãnh đạo Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội; các đồng chí trong Ban Giám đốc, Thường vụ Đảng ủy, Đại diện Công đoàn, Đoàn Thanh niên Học viện; đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương; đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng, viện chuyên ngành trực thuộc Học viện; các nhà khoa học Việt Nam và Ấn Độ.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, khi toàn cầu hóa đã không còn là xu thế mà trở thành hiện thực lan rộng trên toàn thế giới thì nhiều nước đã từng bước điều chỉnh chủ trương, chính sách quốc gia nhằm thích nghi với xu thế của thời đại. GS, TS Nguyễn Xuân Thắng chỉ ra rằng, khi cấu trúc chính trị, kinh tế và an ninh đang thay đổi thì châu Á đang đứng trước thời cơ và nhiều thách thức mới, đòi hỏi phải gánh chịu và thực hiện những trách nhiệm mới tương xứng với vị thế và sức mạnh mà châu Á đã đạt được.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam và Ấn Độ là đối tác tự nhiên, mối quan hệ giữa hai nước không chỉ giới hạn ở mối lương duyên giao thoa văn hóa trải dài hơn 2000 năm lịch sử, trong đấu tranh độc lập, trong xây dựng đất nước mà hiện nay đã mở rộng ra nhiều lĩnh vực, tác động tới việc định hình chính sách quốc gia của mỗi nước, góp phần duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và thế giới. Trong suốt tiến trình ấy, sợi chỉ xuyên suốt kết nối Việt Nam - Ấn Độ luôn là sức mạnh mềm.

GS, TS Nguyễn Xuân Thắng mong muốn thông qua hội thảo này, các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học của Việt Nam và Ấn Độ cùng nhau trao đổi, khám phá về tiềm năng sức mạnh mềm của Ấn Độ, sức mạnh mềm của Việt Nam cũng như đề xuất những giải pháp nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác để kết hợp và nhân lên nguồn lực sức mạnh mềm hai nước trong bối cảnh khu vực hóa, toàn cầu hóa, góp phần làm phong phú hơn quan hệ song phương giữa hai nước.

Phát biểu chào mừng hội thảo, ngài Parvathaneni Harish, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam, đã nhấn mạnh đến nguồn gốc và những nét tương đồng trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ, đồng thời mong muốn các đại biểu tham dự Hội thảo tập trung trao đổi, đề xuất phương thức khai thác và tăng cường sức mạnh mềm của hai nước, góp phần làm sâu sắc quan hệ hợp tác Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS, TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện, đã đề nghị các đại biểu, học giả trong và ngoài nước tập trung thảo luận một số nội dung cơ bản như: luận giải sức mạnh mềm của Việt Nam và Ấn Độ trên các bình diện; phân tích thực trạng sáng tạo sức mạnh mềm, những rào cản và thành tựu đạt được; đánh giá thành tựu hợp tác phát triển và dự báo triển vọng quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên bình diện sức mạnh mềm.

Trong báo cáo tổng thuật hội thảo, PGS, TS Lê Văn Toan, Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, đã khái quát gần 100 tham luận của các nhà lãnh đạo, quản lý, các học giả Việt Nam và Ấn Độ, tập trung bàn về bốn nội dung lớn gồm: Một là, đi sâu phân tích lý thuyết sức mạnh mềm cũng như các yếu tố tạo nên sức mạnh mềm, như văn hóa quốc gia, giá trị quốc gia và chính sách của quốc gia. Hai là, luận giải sức mạnh mềm Ấn Độ, sức mạnh mềm Việt Nam trên các bình diện luận thuyết, nội hàm, cấu trúc, nguồn lực; cũng như vai trò, tác động của sức mạnh mềm trong việc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Ba là, đánh giá thành tựu hợp tác phát triển quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong 45 năm qua trên bình diện sức mạnh mềm, như vai trò, tác động của sức mạnh mềm đối với quan hệ Việt Nam - Ấn Độ; việc giữ gìn, phát triển sức mạnh mềm của hai nước trong trong một thế giới đầy biến động; đổi mới, cải cách là sức mạnh mềm lớn nhất chi phối phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội Việt Nam và Ấn Độ; thực trạng quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên góc độ sức mạnh mềm. Bốn là, dự báo triển vọng hợp tác phát triển quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên bình diện sức mạnh mềm trong thời gian tới và đề xuất chủ trương, chính sách, giải pháp, cách thức, bước đi phù hợp để triển khai thực thi, hiện thực hóa chủ trương, chính sách đó của hai nước, góp phần làm phong phú quan hệ hợp tác song phương.

Trong một ngày làm việc nghiêm túc, sôi nổi, Hội thảo đã nghe gần 30 học giả Việt Nam và Ấn Độ trình bày tham luận và trao đổi xoay quanh chủ đề chính của Hội thảo khoa học quốc tế về luận thuyết sức mạnh mềm, về sức mạnh mềm Việt Nam và sức mạnh mềm Ấn Độ, hợp tác Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực sức mạnh mềm. Nhiều học giả cho rằng, luận thuyết sức mạnh mềm Josephs Nye đề xuất cần phải được bổ sung về nội hàm cho phù hợp với thực tiễn, cũng như Việt Nam và Ấn Độ nên vận dụng sức mạnh mềm một cách thông minh, sáng tạo để làm phong phú hơn sức mạnh tổng hợp quốc gia.

Kết luận Hội thảo khoa học quốc tế, PGS, TS Lê Văn Toan đánh giá cao sự đóng góp trí tuệ, công sức và tình cảm của hơn 200 chính khách, học giả đến tham dự Hội thảo, và khẳng định rằng, đây là hội thảo khoa học quốc tế đầu tiên về sức mạnh mềm ở Việt Nam, ý kiến của nhiều học giả đã làm phong phú hơn lý thuyết về sức mạnh mềm. Điều này là cần thiết vì mỗi một lý thuyết từ khi ra đời cho đến khi nó được chứng nhận là tư tưởng lý luận để soi chiếu và vận hành trong đời sống hiện thực, không phải bao giờ cũng “nhất thành bất biến”. Nếu như nó “nhất thành bất biến” thì sẽ không trường tồn trong lịch sử, tức là không soi sáng trong thực tiễn sinh động. Luận thuyết sức mạnh mềm cũng vậy, từ khi hình thành đến nay, ngoại diên của nó vẫn như vậy, nhưng nội hàm của nó đã phong phú hơn nhiều, đủ sức thích nghi, đủ sức phong phú, sinh động và được nhiều nước trên thế giới vận dụng, sáng tạo. Chính vị vậy, sức mạnh mềm ngày càng lung linh hơn.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn:

Cùng chuyên mục