Hợp tác giữa Việt Nam, ASEAN - Ấn Độ trong lĩnh vực ngoại giao, an ninh, quốc phòng (Phần 1)
“Hợp tác quốc phòng của chúng ta với Việt Nam nằm trong số những hợp tác quan trọng nhất. Ấn Độ vẫn giữ cam kết hiện đại hoá lực lượng quốc phòng và an ninh của Việt Nam.”
Hợp tác giữa Việt Nam, ASEAN - Ấn Độ trong lĩnh vực ngoại giao, an ninh, quốc phòng
VINOD ANAND**
“Hợp tác quốc phòng của chúng ta với Việt Nam nằm trong số những hợp tác quan trọng nhất. Ấn Độ vẫn giữ cam kết hiện đại hoá lực lượng quốc phòng và an ninh của Việt Nam.”
--- Thủ tướng Narendra Modi, tháng 10/ 2014
Khái quát
Lực lượng vũ trang Ấn Độ đã rất ngưỡng mộ cách thức quân đội Việt Nam lần đầu tiên đánh bại quân Pháp ở Điện Biên Phủ năm 1954 và đã chiến thắng huyền thoại quân đội Mỹ năm 1975. Cũng như sự thất bại của quân đội Trung Quốc dưới tay quân đội nhân dân Việt Nam năm 1979 phản ánh sự can đảm và quyết tâm thực sự của dân tộc Việt Nam; thay vì dạy một bài học cho Việt Nam, Trung Quốc đã được dạy một bài học. Ấn Độ ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống thực dân cũng như trong nhưng nỗ lực chống lại sự can thiệp của nước ngoài và sự nghiệp thống nhất Việt Nam.
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1972 Ấn Độ và Việt Nam đã củng cố quan hệ hợp tác an ninh và quốc phòng trên nhiều phương diện. Sự năng động chiến lược và an ninh tiến triển ở khu vực châu Á đang chịu tác động bởi sự trỗi dậy của Trung Quốc, chính sách dùng vũ lực và lấn át của Trung Quốc đang tạo ra sự mất ổn định ở khu vực. Các nước châu Á chịu ảnh hưởng đang tìm những biện pháp sáng tạo để đối phó với sự đi lên của Trung Quốc. Cái gọi là ‘lợi ích cốt lõi’ của Trung Quốc đang mở rộng cùng với thành tựu kinh tế và quân sự của nó. Những tuyên bố trên biển vô căn cứ của Trung Quốc ở Biển Đông và những tuyên bố lãnh thổ của nó với Ấn Độ đã dẫn đến những bất đồng. Bởi vậy, sẽ là đương nhiên cho cả Việt Nam và Ấn Độ có chung một quan điểm chiến lược kéo theo những quan hệ ràng buộc về mặt chiến lược giữa hai nước.
Không chỉ Ấn Độ và Việt Nam đang có những hợp tác song phương mà hai nước còn có bề dầy hợp tác ở những diễn đàn đa phương như ASEAN, Diễn đàn Khu vực châu Á (ARF), Cuộc họp Thượng đỉnh Đông Á (EAS), Liên Hợp Quốc, WTO bên cạnh nhiều cơ chế khác như những sáng kiến tiểu vùng như Sáng kiến Hợp tác sông Hằng sông Mê Kong. Việt Nam là một trong những quốc gia quan trọng nhất đã ủng hộ Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ mà gần đây đã chuyển thành ‘Hành động phía Đông của chính quyền Thủ tướng Modi. Với tư cách là một thành viên quan trọng của ASEAN và EAS, Việt Nam và Ấn Độ đã phối hợp cách tiếp cận chiến lược của mình đối với an ninh và những vấn đề khác trong khu vực dưới nhiều khuôn khổ khác nhau.
Môi trường an ninh và chiến lược ở châu Á là không ổn định và bộc lộ nhiều thách thức cho sự tăng trưởng năng động và bền vững của các nền kinh tế khu vực, trong đó có cả Ấn Độ và Việt Nam. Mục tiêu chính của hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam là duy trì hoà bình, ổn định và thúc đẩy phát triển trong khu vực và thế giới nói chung. Việt Nam và Ấn Độ có thể nói là láng giềng trên biển và có nhiều thách thức an ninh chung.
Về mặt địa chính trị, Ấn Độ và Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào biển cho tính sống còn kinh tế của mình. Vị trí địa chiến lược đặt lên họ trách nhiệm phải bảo vệ tuyến đường hàng hải quốc tế Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, bao gồm cả Biển Đông. Tháng 2/ 2004, Yashwant Sinha khi đó là Bộ trưởng Ngoại giao đã gộp Biển Đông vào vùng láng giềng mở rộng của Ấn Độ. Chiến lược quân sự trên biển của Ấn Độ năm 2007 đã mô tả Biển Đông là vùng lợi ích chiên lược đối với Ấn Độ. New Delhi là một bên liên quan trong những phát triển an ninh đang tiến triển ở Đông Á /Biển Đông và bởi vậy thôi thúc Ấn Độ và Việt Nam phải tiến hành thiết lập quan hệ ở cấp an ninh và chính trị.
Hội tụ chiến lược
Kể từ khi chính phủ hiện nay lên nắm quyền, đã có những đẩy mạnh tiếp xúc giữa hai bên, thể hiện một mức độ quan tâm nào đấycủa hai bên đối với tình hình Biển Đông.
Năm ngoái Tổng thống Pranab Mukherjee đã thăm Việt Nam vào tháng 9 ngay trước khi Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm Ấn Độ. Bảy hiệp định đã được ký kết với đối tác Việt Nam Trương Tấn Sang tập trung chủ yếu vào việc làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược; các hiệp định bao gồm hợp tác chính trị, quốc phòng và an ninh, hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật, văn hoá và quan hệ trao đổi trực tiếp, hợp tác kỹ thuật và hợp tác đa phương khu vực. Cả hai lãnh đạo đã nhất trí rằng hợp tác an ninh và quốc phòng là một trụ cột quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Kiến trúc thể chế cho việc đẩy mạnh quan hệ đối tác bao gồm Cuộc họp Uỷ ban hỗn hợp ở cấp Bộ trưởng ngoại giao, Tham vấn Bộ ngoại giao và Đối thoại chiến lược ở cấp Thứ trưởng, Đối thoại an ninh và Đối thoại quốc phòng hàng năm ở cấp Thứ trưởng và các cơ chế đối thoại khác giữa hai nước.
Trước đó, Bà Sushma Swaraj, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ đã thăm Việt Nam tháng 8/2014; sau đó vào tháng 10/ 2014 Thủ tướng Việt Nam đã đến Ấn Độ để gắn chặt quan hệ hợp tác chiến lược hiện nay. Bà Swaraj đã phát biểu khi ở Việt Nam rằng đã đến lúc cần thay thế Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ, mà có mục đích kết nối miền đông bắc của Ấn Độ với Đông Nam Á, bằng một Chính sách hành động phía Đông. Hơn nữa, ngay trước chuyến thăm của Sushma Swaraj, Việt Nam đã gia hạn hợp đồng cho thuê hai lô dầu khí ở Biển Đông, một động thái rõ ràng không làm hài lòng Trung Quốc. Bà gặp mặt tất cả các Trưởng phái đoàn của Ấn Độ ở Đông Nam Á để điều phối cách tiếp cận chính sách ngoại giao và an ninh của Ấn Độ ở một khu vực có vị chí chiến lược quan trọng này.
Trong mọi trường hợp chủ đề quan trọng trong tất cả những trao đổi này là xây dựng cách tiếp cận chung của hai nước đối với Biển Đông bên cạnh những vấn đề an ninh khu vực khác. Ấn Độ đã ủng hộ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông ở nhiều diễn đàn đa phương khác nhau. Ấn Độ đã kêu gọi các bên kiềm chế, tránh đe doạ hay sử dụng vũ lực và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình phù hợp với những nguyên tắc đã được tất cả thừa nhận của luật pháp quốc tế, bao gồm cả Công ước Liên hợp quốc về luật biển UNCLOS-1982. Ấn Độ đã ủng hộ cam kết chung của các bên quan tâm tôn trọng và thực thi Tuyên bố về Ứng xử các bên ở Biển Đông năm 2002 và tiến tới thông qua Quy tắc ứng xử ở Biển Đông trên cơ sở đồng thuận. Ấn Độ và Việt Nam cũng ủng hộ sự hợp tác để bảo đảm an ninh các tuyến đường biển và tiến hành tìm kiếm cứu hộ.
Những hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông trong đó có xây dựng đảo nhân tạo đã vi phạm nhiều nguyên tắc và hiệp ước đã nói tới ở trên. Cũng cần lưu ý rằng khi tầu chiến Airavat của Ấn Độ bị khiêu khích bởi Hải quân Trung Quốc vào tháng 9/ 2012 khi đi qua Việt Nam, điều đó cho thấy Ấn Độ cần củng cố thêm sự tăng cường hợp tác và khả năng tương tác hải quân với Việt Nam. Việc Trung Quốc đặt giàn khoan HD-981 tháng 5-2014 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, mà thực chất là trên thềm lục địa của Việt Nam thể hiện rõ chính sách hung hăng và lấn át mà Trung Quốc đang theo đuổi ở Biển Đông.
Ấn Độ, Việt Nam, hầu hết các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế đang lo ngại về những tác động tiêu cực do Trung Quốc tạo ra ở Biển Đông. Hơn 50 phần trăm lượng dầu chuyên chở qua Biển Đông, gấp ba lần lượng chuyên chở qua Kênh Suez. Hơn 5,3 nghìn tỷ đôla giá trị thương mại một năm được chuyên chở qua Biển Đông. Bởi vậy tự do hàng hải qua Biển Đông là vô cùng quan trọng. Ấn Độ không ngừng ủng hộ sự đòi hỏi của Việt Nam và các nước ASEAN đôi với tự do hàng hải qua Biển Đông và những giải pháp giải quyết tranh chấp dựa trên những chuẩn mực quốc tế và tuyến thông thương trên biển. (Xem tiếp phần 2)
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ dịch
** Chuyên gia, Nghiên cứu viên cao cấp
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục