Kinh tế Ấn Độ: Cải cách - Tự do hóa (Phần 4)
Từ tháng 7 năm 1991, Chính phủ Ấn Độ đã chính thức quyết định thực hiện chính sách cải cách theo hướng tự do hóa. Quyết định này có thể nói là bước chuyển cơ bản, một bước ngoặt trong chiến lược công nghiệp hóa nói riêng, đường lối phát triển kinh tế - xã hội nói chung của Ấn Độ, đã và đang là một trong những yếu tố tạo đà cho kinh tế Ấn Độ cất cánh nhanh hơn, mạnh hơn và bền vững hơn. Chính nhờ thực hiện một cuộc cải cách mang tính cách mạng và toàn diện theo hướng tự do hóa, GDP của Ấn Độ đã liên tục tăng từ năm khởi đầu cải cách 1991 đến nay, làm thay đổi cơ cấu, diện mạo và sức mạnh nền kinh tế.
Kinh tế Ấn Độ: Cải cách - Tự do hóa
PGS, TS Đỗ Đức Định*
Về xã hội, Ấn Độ đã có những cải thiện trong việc khắc phục sự chênh lệch giàu nghèo, tệ nạn xã hội, cải thiện môi trường sống, môi trường sinh thái, phòng chống dịch bệnh, giảm bớt tỷ lệ tội phạm.
Khác với mô hình Đông Á tiêu biểu, đạt tăng trưởng cao chủ yếu dựa vào xuất khẩu và do nhà nước chủ đạo dựa trên cơ sở các mặt hàng chế tạo dùng nhiều lao động giá rẻ, thành công mà Ấn Độ đạt được chủ yếu dựa vào thị trường và tiết kiệm trong nước chứ không phải thị trường xuất khẩu và đầu tư nước ngoài, dựa vào các dịch vụ công nghệ cao chứ không phải ngành công nghiệp trình độ thấp, dựa vào tăng sản lượng tăng chứ không phải lao động, đất đai, nguồn vốn đổ vào tăng. Đóng vai trò quan trọng và cốt yếu nhất trong sự thành công của Ấn Độ chính là các doanh nghiệp tư nhân, chứ không phải các doanh nghiệp nhà nước.
Bên cạnh những thành công, Ấn Độ vẫn còn phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức. Khu vực quốc doanh đã được tái cơ cấu, nhưng vẫn còn lớn và hoạt động kém hiệu quả, trong khi đó chính sách tư nhân hoá gặp rất nhiều trở ngại, bị phản đối gay gắt vì lý do cần bảo vệ quyền lợi của người lao động trong các xí nghiệp bị tư nhân hoá. Một hạn chế khác là sự trì trệ trong cải cách hành chính đã làm nản lòng nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thêm vào đó là tình hình kinh tế thế giới suy giảm gây tác hại cho nhiều ngành kinh tế Ấn Độ, nhất là các ngành hàng không, du lịch và xuất khẩu. Rồi khu vực nông nghiệp, tuy chỉ đóng góp khoảng 1/5 tổng GDP, song lại là nguồn thu nhập trực tiếp hoặc gián tiếp của khoảng 2/3 tổng dân số trên 1,1 tỷ người. Một số ngành công nghiệp phát triển khá, như công nghệ thông tin, nhưng lại không phải là ngành tạo nhiều việc làm, nên tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao. Một vấn đề nữa là sự suy giảm vai trò của Nhà nước trong việc đảm bảo phát triển giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, cung cấp nước sạch và các dịch vụ vệ sinh khác. Trong kinh tế đối ngoại, tuy Ấn Độ đã có nhiều nỗ lực và đạt được một số kết quả khả quan, nhưng cho đến nay, Ấn Độ vẫn bị coi là một trong những thị trường bảo hộ mậu dịch lớn nhất châu Á, biểu thuế hàng nhập khẩu của Ấn Độ đã thấp hơn trước nhiều, nhưng vẫn cao so với các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước ASEAN.
Xét về triển vọng, theo dự báo của một số tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế và theo đánh giá của nhiều công trình nghiên cứu, trong những thập niên đầu thế kỷ XXI, nền kinh tế Ấn Độ sẽ có những biến đổi nhanh và mạnh hơn trước, Ấn Độ có khả năng trở thành một cường quốc kinh tế nằm trong số bảy nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ngân hàng Goldman Sachs cho rằng, đến giữa thế kỷ XXI, Ấn Độ có thể sẽ trở thành một trong bốn nền kinh tế lớn nhất thế giới với GDP đạt gần 30.000 tỷ USD, vượt Nhật Bản, chỉ còn đứng sau Trung Quốc và Mỹ. Đến khoảng năm 2030, GDP của hai nước Trung Quốc và Ấn Độ cộng lại sẽ vượt GDP của nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới hiện nay (Nhóm G7), trở thành hai nền kinh tế chủ đạo, kiểm soát nền kinh tế thế giới.
Bảng 2: GDP của Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ năm 2006 & 2050 (Tỷ USD)
2006 |
2050 |
|
Ấn Độ |
1.000 |
27.000 |
Trung Quốc |
2.000 |
48.600 |
Mỹ |
13.000 |
37.000 |
Nguồn: Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, 2006.
Chính những năng lực được tạo dựng trong hơn 50 năm công nghiệp hóa theo tư tưởng tự lực tự cường cùng công cuộc cải cách theo hướng tự do hóa từ 1991 đến nay đã trở thành nền tảng và bàn đạp vững chắc tạo đà cho Ấn Độ vươn lên trở thành một cường quốc kinh tế trong thế kỷ XXI.
Theo một dự báo lạc quan gần đây nhất do bà Christine Lagarde, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố trong chuyến thăm Ấn Độ hai ngày vào tháng 3 năm 2015, trong năm 2015, Ấn Độ có thể sẽ vượt Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới[1]. Lý do bà Lagarde đưa ra là trong lúc phần lớn các nước đang ra sức khắc phục tình trạng tăng trưởng chậm thì Ấn Độ lại đang phát triển nhanh, chính vì vậy bà gọi Ấn Độ là “một điểm sáng” của nền kinh tế toàn cầu đang bị u ám. Theo nhận định của bà Lagarde, “những chính sách cải cách thời gian gần đây của Ấn Độ và niềm tin của giới doanh nhân được cải thiện đã tạo ra một lực đẩy cho các hoạt động kinh tế của đất nước này”[2]. Dựa trên những số liệu mới về GDP của Ấn Độ, IMF dự báo tăng trưởng của Ấn Độ trong năm 2015 sẽ đạt mức 7,2%, tỷ lệ này có thể lên tới 7,5% vào năm 2016, giúp Ấn Độ vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Xét riêng trong số các nền kinh tế lớn, thì kinh tế Ấn Độ đã đang tăng trưởng nhanh nhất. Dự báo đến năm 2019, nền kinh tế Ấn Độ sẽ lớn hơn gấp đôi so với năm 2009. Nếu điều chỉnh sự khác biệt về giá mua giữa các nền kinh tế, GDP của Ấn Độ sẽ cao hơn GDP của Đức và Nhật Bản gộp lại.
Mặc dù vậy, bà Lagarde cũng cảnh báo giới hữu trách Ấn Độ rằng, các biện pháp cải cách phải được thực hiện với tốc độ tối đa, trong đó có việc thực thi thuế suất đồng nhất cho hàng hóa và dịch vụ, thông qua những luật lệ lao động có tính chất linh hoạt hơn và giảm những chướng ngại của guồng máy hành chính thường làm cho các dự án đầu tư bị chững lại. Đồng thời, bà đề xuất, Ấn Độ cũng như các thị trường mới nổi khác cần chuẩn bị để ứng phó với khả năng Mỹ tăng lãi suất, gây ra những biến động trên thị trường tài chính, kéo theo những rủi ro lớn như đã từng xảy ra năm 2013, làm Ấn Độ và một số nước khác bị tác động tiêu cực sau khi Ngân hàng Trung ương Mỹ cắt giảm chương trình nhiều tỷ USD để mua tài sản, hoặc có thể làm cho nguồn vốn nước ngoài rút khỏi các nước này.
Tuy còn phải đương đầu với không ít khó khăn, thách thức, nhưng chúng ta có đủ cơ sở để tin chắc rằng, trong những thập kỷ sắp tới, Ấn Độ sẽ tiếp tục đạt được những thành công lớn hơn, vươn lên trở thành một cường quốc kinh tế của thế kỷ XXI. Trong số những yếu tố cơ bản tạo nền tảng vững chắc để kinh tế Ấn Độ tiếp tục đạt được những thành công lớn hơn trong thời gian tới có những năng lực đã được tạo dựng trong suốt hơn 50 năm phát triển tự lực tự cường, có sự hình thành của những lợi thế về quy mô kinh tế, về nguồn nhân lực chất lượng cao, về tiềm năng phát triển giáo dục, khoa học và công nghệ, về năng lực phát triển xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, mở rộng hội nhập quốc tế, nâng cao vai trò, vị thế của Ấn Độ trên trường quốc tế và khu vực, đặc biệt là cuộc cải cách mang tính cách mạng và toàn diện theo hướng tự do hoá đã và đang tạo đà cho kinh tế Ấn Độ cất cánh nhanh hơn, mạnh hơn và bền vững hơn.
[1] “Ấn Độ sắp "vượt mặt" Trung Quốc?”, Dân trí, 24/3/2015.
[2] Tài liệu đã dẫn.
* Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- “Comparing China and India: Is the dividend of economic reforms polarized?”, The European Journal of Comparative Economics, Vol. 6 n.1, pp 57-99.
- “Ấn Độ sắp "vượt mặt" Trung Quốc?”, Dân trí, 24/3/2015.
- Đỗ Đức Định, 2010, Giáo trình Kinh tế Ấn Độ, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Đỗ Đức Định, 1999, 50 năm kinh tế Ấn Độ, Nxb. Thế giới, Hà Nội.
- International Conference om Adjustment of India’s Look East Policy in the New Context, Hanoi, 19th January, 2015, Conference Proceedings.
- Jalan P.K., 2004, Industrial Sector Reforms in Globalization Era, New Delhi, Sarup.
- Joseph C. H. Chai, Economic Reform in China and India: Development Experience in a Comparative Perspective.
- Lê Nguyễn Hương Trinh, 2004, Chính sách ngoại thương trong phát triển kinh tế ấn Độ thời kỳ cải cách, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
- Nirupam Bajai, Tianlun Jian, Reform Strategies of China and India: Suggestions for Future Action.
- Nirviker Singh, 10-2002, “Miracles and Reform in India: Policy Reflections”, Asian Survey, No.5.
- Ray, 1993, “External Sector Liberalisation in India”, Economic and Politic Weekly, October 2, p.216.
- Reddy K.C., Edited, 2004, Indian Economic Reform: An Assessment, New Delhi, Sterling Pub.
- Ross Garnaut, India, China, and Autralia: Lessons From Different Paths In Economic Reform, Research School of Pacific and Asia Studies The Autralian National University.
- Sukhadeo Thorat, Jaya Prakash Pradlhan and Vinoj Abraham, edited, 2004, Industrialization, Economic Reforms and Regional Development, Delhi, Shipra.
- Task Force Report Economic Reform In India, The Harris School, University of Chicago.
- Thái Văn Long, 1997, “Kinh tế ấn Độ sau 5 năm cải cách”, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 3/1997.
- WB country study, 1996, India- Five years of stabilizations and reform and the challenges ahead.
- WB Country Study, 1997: India - Sustaining Rapid Economic Growth.
- Y.V Reddy, Reserve Bank of India, Monetary and Financial Sector Reforms in India: A Practioners Perpective.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục