Lịch sử của hệ thống giáo dục bậc cao ở Ấn Độ và thực trạng hiện nay (Phần 1)
Lịch sử của hệ thống giáo dục bậc cao ở Ấn Độ và thực trạng hiện nay
Rabinder Henry *
Trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, Ấn Độ và Trung Quốc là hai nước đang xác định lại phương trình thế giới về dân số, quyền lực chính trị, kinh tế và lượng tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên. Sự phát triển và tiến bộ của công dân hai nước được xác định bởi xã hội tri thức và nguồn nhân lực có kỹ năng. Giáo dục là nhân tố chủ chốt trong việc định hình các siêu cường mới nổi này. Giáo dục bậc cao ở hai nước này có lịch sử hàng trăm năm tuổi và hiện đang cố gắng tự đổi mới cùng với những thay đổi nhanh chóng về công nghệ.
Ấn Độ - đất nước có lịch sử 5000 năm và dân số 1,2 tỷ người ngày càng tăng, đang dần thay đổi với tốc độ ấn tượng. Tỷ lệ tăng trưởng nhất quán của Ấn Độ trong hai thập kỷ qua là do hệ thống giáo dục bậc cao có khả năng tạo ra nguồn nhân lực có tay nghề cho nền công nghiệp hóa và nền kinh tế tri thức đang phát triển nhanh chóng. Ấn Độ hiện đã trở thành trung tâm của ngày công nghệ thông tin (IT), công nghiệp dịch vụ công nghệ thông tin và công nghiệp sản xuất.
Mặc dù hệ thống giáo dục có thể hỗ trợ nghiên cứu và phát triển công nghiệp dịch vụ tại các trường đại học và các ngành công nghiệp nhưng chưa theo kịp được với các nước phát triển và tạo ra sự chia rẽ lớn trong xã hội. Sự tiến bộ đã đạt được trong hai thập kỷ qua vẫn chưa tiếp cận được đến tất cả các bộ phận xã hội. Cuộc khủng hoảng hiện nay về môi trường, năng lượng, đói nghèo, mối quan ngại về an ninh ở Ấn Độ chủ yếu là do thiếu công nghệ hiệu quả với chi phí bản địa để giải quyết những vấn đề này. Điều này trực tiếp liên quan đến chất lượng giáo dục bậc cao của Ấn Độ, đặc biệt là số lượng và chất lượng nghiên cứu và phát triển trong các hệ thống giáo dục đại học. Các trường đại học và cao đẳng trở thành các trung tâm đào tạo cho ngành công nghiệp dịch vụ của đất nước với sự phát triển kinh tế ngắn hạn của xã hội hơn là tập trung vào sự phát triển lâu dài của một xã hội đáng tin cậy, ổn định và thịnh vượng. Nhiều yếu tố đã góp phần vào sự xuống cấp của hệ thống giáo dục đại học kể từ khi Ấn Độ độc lập năm 1947, có thể được chia thành các yếu tố sau:
- Tài chính cho giáo dục đại học
- Chất lượng nguồn nhân lực trong giáo dục đại học
- Chất lượng của cơ sở hạ tầng nghiên cứu
- Hệ thống quản lý kém và thiếu trách nhiệm giải trình
- Xã hội và đạo đức
- Thiếu sự hợp tác của các viện nghiên cứu trong ngành nghiên cứu
- Thiếu chú trọng đối với khoa học tự nhiên và xã hội
1. Hệ thống giáo dục bậc cao ở Ấn Độ
Giáo dục ở Ấn Độ bắt đầu từ thời kỳ văn minh đầu tiên của đất nước này, nơi quá trình giảng dạy và học tập xoay quanh “hệ thống Gurukal”. Hệ thống này là một khái niệm dân cư, trong đó học sinh được giáo dục nhiều lĩnh vực khác nhau như tôn giáo, triết học và khoa học dưới sự giám sát của một giáo viên. Khái niệm hiện đại về các trung tâm giáo dục kiểu đại học được thành lập vào khoảng thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên tại Nalanda và Takshila. Khái niệm trung tâm học tập tập trung với nhiều lớp này tiếp tục cho đến khi người châu Âu đổ bộ vào lục địa Ấn Độ. Các trung tâm học tập cao cấp này là trung tâm thần kinh của các triều đại khác nhau cai trị khắp Ấn Độ trong hàng ngàn năm và tạo ra nguồn nhân lực cần thiết cho các công trình xây dựng, thủy lợi và chiến tranh.
Thời kỳ trung đại cho tới năm 1200 sau Công nguyên, các trung tâm học tập cao dựa trên cơ sở tôn giáo được thành lập trên khắp bán đảo Ấn Độ. Các trung tâm học tập này đã thu hút sinh viên từ Trung Á, Trung Quốc, Trung Đông, Đông Nam Á và Rome và tập trung vào các lĩnh vực Văn học, Triết học, Kiến trúc Thiên văn, và có thể nhận thấy ảnh hưởng của họ ở khắp nơi trên thế giới trong các đền thờ, các công trình xây dựng và hệ thống thủy lợi.
Trong giai đoạn đầu của thời kỳ hiện đại, tức là sau năm 1200 sau Công nguyên, ảnh hưởng của Hồi giáo đã làm phong phú thêm các trung tâm học tập Đại học truyền thống và đưa các môn học về Địa lý, Luật, Quản trị và Toán học, tiếng Ả Rập sang Tiểu Lục địa Ấn Độ.
1.1 Hệ thống giáo dục bậc cao của Ấn Độ dưới sự cai trị của Anh
Bắt đầu từ năm 1600, các nhà cai trị châu Âu đã đưa đến sự thay đổi lớn trong phong cách giáo dục đại học truyền thống tại Ấn Độ. Đến năm 1850, các trung tâm học tập không chính thức theo kiểu Âu châu đã tồn tại khắp Ấn Độ. Trọng tâm của họ là phát triển các nhà quản trị và nhân viên nói tiếng châu Âu để góp phần hình thành sự cai trị của châu Âu tại Ấn Độ. Năm 1800, người Anh đã thành công trong việc kiểm soát phần lớn lục địa Ấn Độ dưới sự cai trị của Công ty Đông Ấn. Hệ thống giáo dục đại học chính thức của Anh đã được thiết lập và còn tồn tại cho đến ngày nay. Ông Macaulay là người đã làm cho tiếng Anh trở thành ngôn ngữ giảng dạy trong hệ thống giáo dục ở Ấn Độ. Các trường đại học kiểu Anh được thành lập ở Calcutta, Mumbai và Chennai vào năm 1857 dựa theo mô hình của Đại học London và đã trở thành nền tảng của hệ thống giáo dục đại học hiện đại ở Ấn Độ. Các trường đại học tập trung vào các lĩnh vực ngôn ngữ, văn học, lịch sử và triết học.
Các trung tâm học tập này tập trung vào việc đào tạo ra người làm việc nói tiếng Anh cho các lĩnh vực dịch vụ hành chính, quân đội và thương mại của Anh. Khoa học hiện đại và giáo dục kỹ thuật phát triển mạnh ở châu Âu và Mỹ vào cuối năm 1800 không phải là trọng tâm đào tạo chính tại Ấn Độ dưới sự cai trị của Anh. Năm 1903, Viện Khoa học Ấn Độ được Tata thành lập với mục tiêu nghiên cứu về khoa học và kỹ thuật, là hệ thống học tập kỹ thuật cao đầu tiên ở Ấn Độ hiện đại. Mô hình Hệ thống đại học của Anh tiếp tục mở rộng trên khắp Ấn Độ dẫn đến việc gia tăng số lượng các trung tâm học tập cao vào năm 1947.
1.2 Giáo dục bậc cao và hệ thống đại học ở Ấn Độ
Ấn Độ với dân số lớn thứ hai thế giới, là nơi có hệ thống giáo dục bậc cao lớn thứ ba trên thế giới tính theo số lượng sinh viên nhập học. Chính phủ Ấn Độ thông qua Cục Giáo dục đại học thuộc Bộ Phát triển nguồn nhân lực (MHRD) để định hình các chính sách liên quan đến giáo dục bậc cao. Ủy ban Tài trợ đại học (UGC) là một đơn vị được thành lập vào năm 1956 và được Quốc hội thông qua dựa theo mô hình UGC của Vương quốc Anh, chịu trách nhiệm phối hợp, đánh giá và duy trì các tiêu chuẩn giáo dục bậc cao ở Ấn Độ. UGC được tài trợ bởi MHRD, có trách nhiệm thành lập các trường đại học trung tâm trên khắp Ấn Độ và công nhận các trường Đại học được vận hành bởi các quỹ tín thác tư nhân và các trường đại học do 28 chính phủ liên bang trên khắp Ấn Độ thành lập. UGC đã thành lập các Hội đồng luật định để quảng bá, cung cấp tài trợ, thiết lập các tiêu chuẩn và thiết lập nền giáo dục chuyên nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau. Hình 1 dưới đây sẽ giải thích cấu trúc tổng thể của hệ thống giáo dục bậc cao ở Ấn Độ.
Các hội đồng thuộc UGC
Hội đồng Giáo dục kỹ thuật Ấn Độ (AICTE)
Hội đồng Y khoa Ấn Độ (MCI)
Hội đồng Nghiên cứu nông nghiệp Ấn Độ (ICAR)
Hội đồng Giáo dục sư phạm quốc gia (NCTE)
Hội đồng Nha khoa Ấn Độ (DCI)
Hội đồng Dược phẩm Ấn Độ (PCI)
Hội đồng Điều dưỡng Ấn Độ (INC)
Hội đồng Luật sư của Ấn Độ (BCI)
Hội đồng Trung ương về liệu pháp vi lượng đồng căn Homeopathy (CCH)
Hội đồng Trung ương y học Ấn Độ (CCIM)
Hội đồng Kiến trúc (COA)
Hội đồng Giáo dục từ xa (DEC)
Hội đồng Tái định cư
Hội đồng Nhà nước về giáo dục đại học
UGC chấp nhận việc cấp bằng thông qua quá trình liên kết của các trường đại học. Quá trình liên kết cho phép các trường cao đẳng tiến hành các khóa học của các trường đại học trong các lĩnh vực nghệ thuật, khoa học, thương mại, thủ công nghiệp, luật, dược và các lĩnh vực cụ thể khác. Các trường cao đẳng được liên kết với các trường đại học tương ứng trên 28 tiểu bang. Các trường cao đẳng này do chính quyền bang hoặc các tổ chức tín thác tư nhân điều hành. Những trường cao đẳng giảng dạy các khóa học thuộc các lĩnh vực khác nhau này được yêu cầu phải có sự chấp thuận của các hội đồng tương ứng thuộc UGC. Điều này đã được nhấn mạnh hơn trong năm 1986 thông qua Chính sách quốc gia về giáo dục (NPE) và Kế hoạch hành động năm 1992. Khung chính sách này cho phép Ấn Độ đưa giáo dục bậc cao tới cho tất cả các thành phần của xã hội và khắp các nơi trên đất nước. Thông qua khuôn khổ tài trợ liên kết này, giáo dục bậc cao ở cấp độ Thạc sỹ và Cử nhân đã được nhà đầu tư tư nhân, chính phủ các bang và chính quyền trung ương cùng chung tay đóng góp. Năm 1986, NPE đã chính thức thông qua việc học đại học đại chúng của Hội đồng Giáo dục Từ xa, dẫn đến sự gia tăng số lượng sinh viên tham gia chương trình giáo dục bậc cao theo phương thức từ xa thông qua việc chuẩn hóa, phê duyệt và thành lập Đại học Mở Quốc gia Indira Gandhi, New Delhi cùng hệ thống giáo dục liên kết mở.
Sau năm 1992, khi các hệ thống liên kết đại học được mở ra cho các nhà đầu tư tư nhân, Ấn Độ đã chứng kiến sự gia tăng lớn về số lượng các trường đại học và cao đẳng trên khắp Ấn Độ. Hầu hết các trường đại học cung cấp cho một số lượng lớn các trường cao đẳng liên kết ở một khu vực địa lý cụ thể. Trong ba thập kỷ qua, hệ thống giáo dục đại học đã bị trì trệ trong việc nâng cấp, nghiên cứu và quản lý. Số lượng học sinh lớn cùng với các quy định nghiêm ngặt của chính phủ và sự thiếu đầu tư vào nghiên cứu của trường đại học và cao đẳng đã khiến các trường này trở thành các trung tâm đào tạo hàng loạt để cho ra những nhân lực có tay nghề cho ngành công nghiệp dịch vụ mà hoàn toàn không quan tâm đến khoa học và nghiên cứu. (Xem tiếp phần 2)
* Tạp chí Chất lượng giáo dục, 2/6/2017
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục