Lý Quang Diệu viết về Ấn Độ (Phần 2)
Ấn Độ chưa bao giờ là một thực thể đồng nhất. Nó là một ý tưởng được người Anh nghĩ ra. Và bất chấp những nỗ lực to lớn của người Anh và những người Ấn theo chủ nghĩa dân tộc, Ấn Độ, trong tư cách là một quốc gia, vẫn là một ước ao hơn là một thực tế.
Hỏi - Đáp
Hỏi: Ông đã nói về tính đa dạng của Ấn Độ. Nhưng người Ấn đã thống nhất với nhau đằng sau Gandhi và Nehru, bất chấp ngôn ngữ hay đẳng cấp.
Đáp: Không, khi anh nói họ thống nhất đằng sau – thì họ thống nhất đằng sau một mục tiêu nào đó thôi. Gandhi chống lại thuế muối, nên tất cả cảm thấy họ có lợi ích liên quan, và ông trở thành một hình tượng trong suốt quá trình. Nehru là nhà lãnh đạo thế tục đầu tiên, nên, tự nhiên thôi, có rất nhiều kỳ vọng đối với ông. Ông đã có những bài diễn văn xuất sắc bằng tiếng Anh. Bài diễn văn ông đọc trong đêm trước ngày độc lập của Ấn Độ, ngày 14 tháng Tám năm 1947, có một đoạn mở đầu tuyệt đẹp: “Ngay vào thời khắc nửa đêm, khi thế giới còn đang say ngủ, đất nước Ấn Độ sẽ tỉnh giấc để được sống và tự do”. Nhưng bài diễn văn chỉ đến được với một phần sáu nhân dân. Tiếng Hindi vùng Kashmir của ông không trôi chảy lắm và ông nói rằng, ông lấy làm tiếc về điều đó. Ông học ở Harrow và Cambridge.
Hỏi: Nhưng Nehru ngày nay hưởng vị thế gần như là được tôn thờ ở Ấn Độ, thậm chí cả với những người không nằm trong số một phần sáu hiểu được ông.
Đáp: Đúng thế, nhưng đó là sự tưởng nhớ về sau, và là một khao khát – rằng phải chi Nehru sống mãi và thay đổi Ấn Độ. Nhưng vì tôi đã già hơn, tôi càng thấy bi quan hơn. Tôi không thấy Nehru – ngay cả nếu ông còn sống và còn trẻ - có thể thay đổi thành phần của Ấn Độ. Khi tôi còn trẻ, tôi đã nghĩ ông có thể làm được nhiều hơn nữa. Giờ đây tôi tin rằng ông không thể nào làm được nhiều hơn vì ông không thể thay đổi những định kiến văn hóa sâu sắc, đặc biệt là hệ thống đẳng cấp.
Hỏi: Trong quá khứ ông đã từng mô tả Indira Gandhi là một người phụ nữ có ý chí mạnh mẽ.
Đáp: Đúng vậy, bà ấy chắc chắn là một người phụ nữ rất cứng rắn.
Hỏi: Bà có lúc là một người chuyên quyền lúc còn lãnh đạo Ấn Độ. Có cơ sở nào để tin rằng Ấn Độ cần một lãnh đạo kiểu đó ngay lúc này không?
Đáp: Tôi nghĩ Ấn Độ cần những lãnh đạo mạnh mẽ hơn. Có quá nhiều lực kéo theo những hướng quá khác nhau do bản chất của quốc gia này
Hỏi: Có điểm mạnh nào trong hệ thống Ấn Độ ông ngưỡng mộ mà Trung Quốc không có không?
Đáp: Một điểm mạnh to lớn mà họ có cũng là điểm yếu của họ. Họ quá đa dạng và khác biệt. Với mỗi cơn địa chấn mà họ có, các tảng đá bằng cách nào đó lại di chuyển cùng nhau và không tách rời ra. Chúng vẫn ở cùng một chỗ. Tôi không nói rằng, các tảng đá của Trung Quốc sẽ rơi lìa khỏi nhau. Nhưng trong trường hợp của Ấn Độ, có các chính quyền tiểu bang và các thủ hiến khác nhau, họ vẫn tiếp tục rung lắc nhưng vẫn cố kết với nhau.
Hỏi: Còn về lợi thế nhân khẩu học mà Ấn Độ có nói đến thì sao? Có một tỉ lệ dân số lớn ở lứa tuổi từ 15 đến 35. Đây có phải là lợi thế về kinh tế của họ không?
Đáp: Điều đó cho họ một động lực trẻ trung hơn. Họ có tỷ lệ sinh là 2,5, cao hơn nhiều so với Trung Quốc. Và Trung Quốc, có lẽ một ngày nào đó sẽ hối tiếc vì đã không quay lưng với chính sách một con sớm hơn. Nhưng vấn đề của Ấn Độ là nhà ở, giáo dục, trường học và tiêu chuẩn sống cho những người trẻ của họ. Ở một vài vùng của đất nước, họ không có trường học và họ dạy học dưới những tán cây. Nên sự gia tăng dân số có thể cuối cùng dẫn đến kết quả là nhiều người thất học hơn.
Hỏi: Ông dự liệu rằng, Trung Quốc sẽ trở nên mạnh mẽ và áp đảo ở châu Á trong tương quan với Hoa Kỳ. Ông thấy Ấn Độ đóng vai trò gì?
Đáp: Ấn Độ sẽ đóng một vai trò rất hùng mạnh ở Ấn Độ Dương. Người Ấn giữ vững những tiêu chuẩn của quân đội Ấn và hải quân Ấn – vốn được dựng nên bởi người Anh – ngay khi họ là những đơn vị khác biệt. Tôi từng tham gia một cuộc diễu binh ở Delhi trong Ngày Cộng Hòa. Tôi đã ở Delhi vào tháng Một năm 1996 trong một chuyến thăm và thấy cuộc diễu binh này đi qua. Rất ấn tượng. Tôi thấy những Rajput cao lớn với khăn quấn đầu cao và nhiều người lính khác thuộc các binh chủng khác nhau, nhưng họ là một lực lượng lục quân dưới quyền một tổng tư lệnh. Hải quân và không quân cũng thế. Họ đoàn kết với nhau. Và họ không phải kẻ yếu trên Ấn Độ Dương.
Hỏi: Làm sao họ có thể làm được như vậy, nếu xã hội Ấn Độ không đoàn kết với nhau?
Đáp: Quân đội là một đơn vị mặc đồng phục như nhau, và khi anh nhập ngũ, anh chấp nhận mệnh lệnh. Nhưng trong chính phủ, các bang có thể không đáp lại mệnh lệnh của Delhi. Hơn nữa, an ninh quốc gia vượt lên trên mọi thứ khác. Nên họ bỏ nhiều công sức cho quốc phòng, bao gồm bảo vệ quần đảo Andaman, cách Delhi hàng ngàn dặm, nhưng lại thuộc về họ.
Hỏi: Ấn Độ cũng có thể phô diễn quyền lực ở Thái Bình Dương chứ?
Đáp: Không, tôi không dự đoán hải quân Ấn sẽ vào Thái Bình Dương. Tôi dự đoán Trung Quốc sẽ cố lấy các cảng ở Myanmar và ở Pakistan. Sự thật là họ đã xây các cảng để bảo vệ các tàu chở nguyên liệu thô từ châu Phi về Trung Quốc. Nhưng họ không thể thống trị Ấn Độ Dương.
Hỏi: Còn về mối quan hệ Mỹ-Ấn thì thế nào? Ông tiên đoán mối quan hệ này sẽ phát triển thế nào?
Đáp: Mối quan hệ này sẽ luôn quan trọng, bởi Mỹ muốn một đối trọng với Trung Quốc và đối trọng duy nhất đáng kể với Trung Quốc là Ấn Độ. Tổng GDP của Ấn Độ vẫn nhỏ hơn nhiều so với của Trung Quốc, nhưng một phần lớn của số GDP này đã chảy vào các lực lượng vũ trang của họ. Nhưng anh phải đặt chúng vào bức tranh tổng thể. Trung Quốc đã đưa một người phụ nữ vào vũ trụ. Ấn Độ vẫn chưa làm được việc đó. Tôi không nghĩ là họ không thể làm được việc đó, nhưng phải mất nhiều thời gian hơn, và sẽ lấy đi nhiều tài nguyên dành cho việc phát triển. Nhưng Trung Quốc sẵn sàng làm điều này là để cho người Mỹ thấy những gì anh làm được tôi cũng có thể làm được.
Hỏi: Về một điều mang tính cá nhân hơn một chút, khi ông đến thăm Ấn Độ, những gì về quốc gia này làm ông thích thú?
Đáp: Cũng mấy năm nay rồi tôi không sang Ấn Độ. Đầu tiên, họ nói tiếng Anh, cho nên dễ giao tiếp. Thứ hai, thức ăn Ấn rất ngon.
Hỏi: Ông không có vấn đề gì với các hương vị và cà ri sao?
Đáp: Bạn có thể nói đầu bếp nấu sao cho ít cay thôi. Nhưng những gì tôi không thích là những người chiếm dụng đất ở quanh các khách sạn hàng đầu. Một cảnh tượng ảm đạm đón chào tôi khi tôi đang ở tòa nhà mới xây Sheraton tại một thành phố Ấn, và chỉ cần băng qua đường là đến khu nhà chiếm dụng. Đó là kết quả của nền dân chủ. Ở Trung Quốc sẽ không xảy ra chuyện này. Tôi không biết họ làm gì với những người vô gia cư ở Trung Quốc, nhưng họ không cho phép làm thành phố bừa bộn lên với những túp lều của những người chiếm dụng đất.
Nguồn: nghiencuuquocte.org
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục