Mỹ tập trung phát triển chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Với mục đích tiếp tục xây dựng chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ngày 30-7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo công bố một loạt sáng kiến đầu tư tập trung vào kinh tế số, năng lượng và cơ sở hạ tầng ở châu Á.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, Mỹ sẽ đầu tư 113 triệu USD vào các sáng kiến trong lĩnh vực kinh tế số, công nghệ, năng lượng và cơ sở hạ tầng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, một phần trong chiến lược của Tổng thống Donald Trump thúc đẩy quan hệ với các nước trong khu vực.
Phát biểu tại Phòng Thương mại Mỹ trước khi bắt đầu chuyến thăm 3 nước Singapore, Malaysia và Indonesia, Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh: “Số tiền này chỉ là khoản thanh toán trước cho một kỷ nguyên mới về sự đóng góp trong lĩnh vực kinh tế của Mỹ đối với hòa bình và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Trong khoản tiền nêu trên có 25 triệu USD nhằm mở rộng xuất khẩu công nghệ của Mỹ sang khu vực này, khoản bổ sung gần 50 triệu USD trong năm nay để hỗ trợ các nước sản xuất và lưu trữ các nguồn năng lượng, cũng như thiết lập một mạng lưới hỗ trợ mới nhằm thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ còn tuyên bố Washington sẽ không bao giờ can dự vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và phản đối bất kỳ nước nào có ý định này.
Sáng kiến đầu tư vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được Mỹ công bố trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng liên quan tới vấn đề thuế nhập khẩu. Một cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với Trung Quốc là trọng tâm trong chính sách của Chính quyền Tổng thống Donald Trump tại châu Á.
Cạnh tranh chiến lược
Trong những năm trở lại đây, với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), Trung Quốc đã đầu tư ồ ạt vào xây dựng cơ sở hạ tầng đường bộ, đường sắt, đường biển ở các nước Trung Á, Nam Á và châu Phi để mở rộng ảnh hưởng của mình. Nhiều dự án làm dấy lên hoài nghi và sự lo ngại ở nhiều nước, đặc biệt là các nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc như Nhật Bản và Ấn Độ. BRI bị phương Tây chỉ trích là thiếu minh bạch, chất lượng thấp, xâm phạm lãnh thổ và làm nhiều nước nghèo ngập trong nợ nần.
Tuy nhiên, ông Brian Hook, cố vấn chính sách cấp cao của Ngoại trưởng Pompeo, nêu rõ cách tiếp cận của Mỹ đối với sự phát triển trong khu vực không nhằm mục đích cạnh tranh với BRI của Trung Quốc, vốn bao gồm hầu hết các dự án cơ sở hạ tầng do nhà nước chi phối, nối châu Á với nhiều khu vực ở châu Phi và châu Âu. Đó là một sáng kiến ra đời tại Trung Quốc, phục vụ cho Trung Quốc... Cách làm của Mỹ là duy trì vai trò của chính phủ ở mức rất khiêm tốn và tập trung vào việc giúp đỡ các doanh nghiệp làm những gì mà họ phát huy tốt nhất.
Vị cố vấn chính sách này cho biết, Washington “hoan nghênh” các đóng góp của Trung Quốc đối với sự phát triển khu vực, song mong muốn Trung Quốc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về sự minh bạch, pháp quyền và tài trợ bền vững.
Đáng chú ý, sự tham gia ở mức độ khác nhau của đông đảo các nước trong khu vực vào sáng kiến này cho thấy sức ảnh hưởng ngày một gia tăng của Trung Quốc. Để cạnh tranh với Trung Quốc, không chỉ có Mỹ. Nếu như Nhật Bản và Ấn Độ là 2 nước đầu tiên nói đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thì Australia lại là nước cũng đang âm thầm xúc tiến chiến lược ở khu vực này.
Tháng 3/2018, trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Australia, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Julie Bishop tuyên bố “ASEAN là trái tim của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Sự đề cập nhiều lần khái niệm “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” cùng với những động thái chủ động tiếp cận các nước ASEAN cho thấy, Canberra đang nỗ lực đẩy mạnh gia tăng cam kết của mình lên phía Bắc và nhằm biến tầm nhìn chiến lược này thành hiện thực.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục