Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ngân sách và chính sách tiền tệ: Định hình kinh tế Ấn Độ trong 10 ngày tới

Trong 10 ngày tới, nền kinh tế Ấn Độ sẽ chịu tác động từ công bố Ngân sách Liên bang vào ngày 1/2 và cuộc họp của Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) thuộc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) vào ngày 7/2. Hai sự kiện này được kỳ vọng sẽ vạch ra lộ trình chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế suy giảm, theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Liên bang Ấn Độ (UBI).

02:00 30-01-2025 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Theo báo cáo, cả chính phủ và RBI dự kiến sẽ công bố các biện pháp quan trọng nhằm kích thích tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế chững lại. Nền kinh tế Ấn Độ, sau khi đạt mức tăng trưởng hơn 8% trong năm tài chính 2024, đã giảm tốc xuống còn 5,4% trong quý III (tháng 7 - tháng 9) của năm tài chính hiện tại.

Báo cáo cho biết, trong bối cảnh GDP tăng trưởng chậm lại, chính phủ được kỳ vọng sẽ tiếp tục ưu tiên chính sách củng cố tài khóa. Cụ thể, mục tiêu thâm hụt ngân sách dự kiến sẽ giảm từ 4,8% GDP trong năm tài chính 2025 xuống còn 4,5% GDP trong năm tài chính 2026.

"Động lực tài khóa dự kiến sẽ mang tính tiêu cực do chính phủ giảm tỷ lệ chi tiêu trên GDP thay vì tăng trưởng doanh thu, dù có thể tiếp tục nhận mức cổ tức kỷ lục từ RBI trong năm tài chính 2026, vượt 2.000 tỷ rupee," báo cáo nhận định. Đáng chú ý, chất lượng chi tiêu công đang chịu áp lực do sự chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công sau bầu cử, cùng với năng lực hấp thụ vốn bị hạn chế trong một số lĩnh vực, khiến ngân sách lần này có thể cần đa dạng hóa chi tiêu.

Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp kích thích trong ngân sách sắp tới nhằm giải quyết tình trạng nhu cầu yếu và thúc đẩy đầu tư tư nhân, vốn là trở ngại chính đối với quá trình phục hồi kinh tế. "Các biện pháp kích thích như cắt giảm thuế cho tầng lớp trung lưu, điều chỉnh thuế suất giữa tiền gửi ngân hàng và các tài sản rủi ro khác, tăng ngân sách đầu tư công và hỗ trợ ngành cụ thể như doanh nghiệp vừa và nhỏ (MSME), năng lượng tái tạo, du lịch... sẽ được đặc biệt quan tâm," báo cáo nêu rõ.

Về chính sách tiền tệ, RBI dự kiến sẽ triển khai các biện pháp nhằm giảm bớt tình trạng thiếu thanh khoản và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Theo báo cáo, MPC có thể thực hiện đợt cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản, đánh dấu khởi đầu của chu kỳ giảm lãi suất ở mức độ nhẹ nhằm kích thích nhu cầu. Trên thực tế, RBI đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ thanh khoản trong những tháng gần đây để ứng phó với tình trạng tăng trưởng chậm lại.

Dù có những động thái chính sách này, báo cáo vẫn bày tỏ lo ngại về chất lượng chi tiêu công trong năm tài chính 2025, khi đầu tư công bị trì hoãn và gánh nặng trợ cấp ngày càng tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực nhiên liệu và phân bón. Do đó, động lực tài khóa của chính phủ trong năm tài chính 2025 dự kiến vẫn mang tính tiêu cực, với sự củng cố tài khóa chủ yếu đến từ việc cắt giảm chi tiêu hơn là tăng trưởng doanh thu. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính có khả năng sẽ duy trì cách tiếp cận thận trọng, cân bằng giữa mục tiêu củng cố tài khóa và nhu cầu thực hiện các cải cách thúc đẩy tăng trưởng.

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục