Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nghị trình của Tillerson ở Ấn Độ: Trung Quốc, Afghanistan và Pakistan

Nghị trình của Tillerson ở Ấn Độ: Trung Quốc, Afghanistan và Pakistan

Chiến lược của Chính quyền Tổng thống Trump ở Nam Á đang được nhấn mạnh trong tuần này, khi Ngoại trưởng Rex Tillerson tới New Delhi sau các điểm dừng chân ở Kabul và Islamabad.

05:03 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ngoại trưởng Tillerson đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Indira Gandhi vào tối thứ Ba (24/10) theo giờ địa phương, và sẽ họp với các quan chức Ấn Độ, trong đó có Thủ tướng Narendra Modi.

Các nhà phân tích cho biết, một Trung Quốc ngày càng quyết đoán, cũng như các kế hoạch tương lai của Mỹ đối với một Afghanistan bị chiến tranh tàn phá, có khả năng là những vấn đề hàng đầu được đặt ra trong chương trình nghị sự lần này của ông Tillerson.

Dưới đây là những vấn đề chính cần chú ý.

Trung Quốc

Mặc dù không đến thăm Bắc Kinh trong chuyến đi này, Trung Quốc vẫn là một điểm nhấn quan trọng trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ tới Ấn Độ. Ông Tillerson đã chỉ ra như vậy vào tuần trước, khi ông so sánh Ấn Độ với Trung Quốc trong một bài phát biểu tại thủ đô Washington.

Ngày 18/10/2017, ông Tillerson nói rằng: “Động lực cho mối quan hệ gần gũi của chúng ta nằm ở mối quan hệ giữa người dân chúng ta: công dân, lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà khoa học của chúng ta… Chúng ta sẽ không bao giờ có mối quan hệ tương tự với Trung Quốc, …, như mối quan hệ chúng ta có thể có với một nền dân chủ lớn”.

Những lời ấm áp dành cho New Delhi trong bối cảnh Trung Quốc đang triển khai dự án “Một vành đai, một con đường” – gồm một loạt dự án cơ sở hạ tầng và kinh tế trải dài trên 68 quốc gia khắp châu Âu, châu Á và châu Phi.

Constantino Xavier, thành viên tập đoàn tư vấn Carnegie India, cho biết: “Sự gia tăng của một Trung Quốc có năng lực và quyết đoán hơn vẫn là động lực quan trọng nhất trong mối quan hệ hợp tác ngày càng tăng giữa Washington và Delhi”.

Thái độ thân thiện đối với New Delhi đã tồn tại trước khi ông Trump lên nắm quyền, khi Mỹ cố gắng vun đắp quan hệ với Ấn Độ như một bệ đỡ chống lại Trung Quốc.

Theo ông Ajai Shukla, nhà phân tích quốc phòng và cựu quan chức quân đội Ấn Độ tại New Delhi, thì tất cả các đời Tổng thống Mỹ từ Bill Clinton trở đi đều ủng hộ mạnh mẽ quan hệ Mỹ - Ấn. Ông Shukla nói rằng: “Điều này cũng đúng với các đời Thủ tướng Ấn Độ, không phân biệt tư tưởng và bất kể định hướng chiến lược ra sao”.

Afghanistan

Một vấn đề lớn khác trong chuyến đi của ông Tillerson là Afghanistan, nước vẫn còn trong kìm hãm trong cuộc xung đột đẫm máu 16 năm.

Tháng 8/2017, phát biểu tại Fort Myer, Arlington, Virginia, Tổng thống Donald Trump đã tái cam kết hành động quân sự của Mỹ tại Afghanistan, đồng thời kêu gọi Ấn Độ và các nước khác trong khu vực ủng hộ việc mang lại sự ổn định cho đất nước này.

Ông Trump nói rằng: “Chúng tôi đánh giá cao những đóng góp quan trọng của Ấn Độ đối với sự ổn định ở Afghanistan. Ấn Độ đã kiếm được hàng tỷ USD thương mại từ Hoa Kỳ và chúng tôi muốn họ giúp đỡ chúng tôi nhiều hơn với Afghanistan, đặc biệt trong lĩnh vực hỗ trợ và phát triển kinh tế”.

Ấn Độ có quan hệ đối tác lâu dài với Afghanistan, cung cấp khoảng 2 tỷ USD viện trợ trong các dự án phát triển và cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, New Delhi không can thiệp quân sự, ông Shukla cho biết: “Mỗi tuyên bố của cả hai bên đều được định hướng để người ta hiểu rằng, Ấn Độ sẽ đẩy mạnh các dự án viện trợ nhân đạo và phát triển”.

Pakistan

Pakistan - Đối thủ lâu năm của Ấn Độ – nơi ông Tillerson đã có chuyến dừng chân vào hôm 24/10 – cũng có thể sẽ xuất hiện trong các cuộc trò chuyện ở New Delhi.

Mặc dù ông Trump đã gọi Pakistan là “nơi ẩn náu an toàn cho các phần tử gây hỗn loạn, bạo lực và khủng bố” trong bài phát biểu của ông hồi tháng 8/2017, nhưng gần đây ông đã thay đổi cách tiếp cận, đăng Twitter ca ngợi mối quan hệ với Islamabad sau khi các lực lượng Pakistan giúp cứu một phụ nữ Mỹ, người chồng Canada của bà và 3 đứa con của họ, bị giam giữ bởi một nhóm có liên kết vớiTaliban.

Khi ông Tillerson hướng về Nam Á, cũng có tin Pakistan đã gia hạn giam giữ Hafiz Saeed, kẻ chủ mưu đứng đằng sau các vụ tấn công khủng bố năm 2008 ở Mumbai, nhằm loại bỏ nguy cơ “trượt vỏ chuối chính trị” tiềm ẩn có thể bùng phát trong chuyến thăm của Tillerson.

Ông Shukla nói: “Việc bắt giữ ông Saeed diễn ra để chứng minh rằng, Hafiz Saeed đang gây nguy hiểm cho Pakistan, và nhấn mạnh rằng, họ không ủng hộ các nhóm khủng bố. Các yếu tố thúc đẩy điều này là áp lực từ ông Trump, áp lực từ Ấn Độ, tất cả những vấn đề này đang khiến Pakistan thay đổi định hướng chiến lược”.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn: http://edition.cnn.com/2017/10/24/asia/tillerson-india-trip/index.html

Nguồn:

Cùng chuyên mục