Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Những điểm nhấn quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam- Ấn Độ trên lĩnh vực kinh tế (Phần 1)

Những điểm nhấn quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam- Ấn Độ trên lĩnh vực kinh tế (Phần 1)

Việt Nam và Ấn Độ thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 07-01-1972. Tuy nhiên, trước đó, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng G. Nêru đặt nền móng từ những thập niên đầu thế kỷ XX và được các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước dày công vun đắp. Trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất đất nước trước đây, cũng như trong sự nghiệp đổi mới và phát triển hiện nay, Ấn Độ luôn dành cho Việt Nam sự ủng hộ tích cực. Quan hệ đối tác chiến lược được hai bên nhất trí xác lập từ năm 2007 là biểu hiện quan trọng trong giai đoạn mới trong quan hệ hai nước và hiện đang phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực.

02:09 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Những điểm nhấn quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam- Ấn Độ trên lĩnh vực kinh tế

PGS. TS. Phan Văn Rân*

Việt Nam và Ấn Độ thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 07-01-1972. Tuy nhiên, trước đó, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng G. Nêru đặt nền móng từ những thập niên đầu thế kỷ XX và được các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước dày công vun đắp. Trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất đất nước trước đây, cũng như trong sự nghiệp đổi mới và phát triển hiện nay, Ấn Độ luôn dành cho Việt Nam sự ủng hộ tích cực. Quan hệ đối tác chiến lược được hai bên nhất trí xác lập từ năm 2007 là biểu hiện quan trọng trong giai đoạn mới trong quan hệ hai nước và hiện đang phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực. Ngày nay, với dân số thứ hai thế giới, với tiềm lực kinh tế, quốc phòng ngày càng lớn và nền khoa học công nghệ tiên tiến, Ấn Độ đã và đang trở thành một cường quốc có vị thế, vai trò quan trọng ở châu Á và trên thế giới.  Ấn Độ đang tích cực triển khai chính sách hướng Đông, trong đó xác định Việt Nam là một trong những trụ cột, ưu tiên hàng đầu. Vì vậy, tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ là đòi hỏi khách quan, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước, là nhân tố quan trọng cho sự phát triển của mỗi nước và góp phần tích cực vào hòa bình, hợp tác ở khu vực, trong đó, đột phá khẩu trong quan hệ hai nước chính là tìm kiếm, thúc đẩy mạnh mẽ các không gian hợp tác về kinh tế.

Việt Nam và Ấn Độ có quan hệ kinh tế và thương mại từ rất sớm. Hai nước ký Hiệp định Thương mại và Hợp tác kinh tế (1978 và ký lại vào tháng 3/1997) và Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần (9/2004). Kể từ khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, trên nền tảng quan hệ chính trị, ngoại giao tốt đẹp, quan hệ hợp tác kinh tế giữa 2 nước ngày càng phát triển mạnh mẽ. Đến nay, hai nước đã trở thành đối tác kinh tế quan trọng của nhau. 

  1. Về thương mại

Kể từ khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, quan hệ thương mại hai chiều Việt - Ấn phát triển mạnh mẽ. Ấn Độ hiện là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Trong thời gian qua, kim ngạch thương mại hai chiều Việt - Ấn đã tăng từ 10% đến 12%/năm, riêng giai đoạn 2009-2015 tăng trung bình 16%/năm. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, trong giai đoan 10 năm (2004-2014), kim ngạch thương mại hai chiều Việt - Ấn tăng 77 lần, từ 72,1 triệu USD năm 1995 lên 5,6 tỷ USD năm 2014. Hai nước đang phấn đấu đưa kim ngạch lên 7 tỷ USD vào năm 2015. Hai bên đang hướng tới mục tiêu là nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 20 tỷ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, kim ngạch thương mại Việt - Ấn vẫn còn thấp so với tiềm năng và nhu cầu của hai nước. Theo đánh giá, kim ngạch thương mại song phương có thể tăng lên nhiều lần, nếu các doanh nghiệp khai thác được các ưu đãi mà Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ mang lại, cũng như sử dụng hiệu quả các khoản tín dụng mà Chính phủ Ấn Độ dành cho Việt Nam.

Xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ ngày càng đa dạng, không chỉ với các mặt hàng nông sản chủ lực như cà phê, cao su, mà ngày càng nhiều mặt hàng công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến có giá trị cao như: thép, sản phẩm thép, than đá, phần ứng máy tính, điện tử, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, hóa chất, sản phẩm hóa chất… Khảo sát cho thấy, nhiều loại hàng hóa khác của Việt Nam như xi măng, gạch men, vật liệu xây dựng,… cũng có nhiều triển vọng xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ. Có được kết quả này là do ngay từ năm 2007, hai bên đã tổ chức rất nhiều chương trình nhằm thúc đẩy thương mại song phương phát triển trong tình hình khủng hoảng kinh tế thế giới tiếp tục lan rộng. Những sự kiện này là cơ hội tốt để các doanh nghiệp hai bên gặp gỡ trực tiếp để trao đổi cơ hội hợp tác làm ăn, đồng thời, qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế và thương mại, đầu tư song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu nông sản, thủy sản, thủ công mỹ nghệ, giày dép, dệt may, đồ gỗ, linh kiện điện tử, một số mặt hàng cơ khí. Còn các doanh nghiệp Ấn Độ có thế mạnh về dược phẩm, trang thiết bị y tế, công nghệ thông tin. Từ năm 2011, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Ấn chính thức thành lập và được tổ chức thường niên. Diễn đàn là kênh thông tin vô cùng quan trọng, nơi để các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ tìm kiếm đối tác, trao đổi kinh nghiệm trong các lĩnh vực kinh doanh, đầu tư, hợp tác liên doanh. Năm 2013, nhằm thực hiện chương trình xúc tiến thương mại, Vụ Thị trường châu Phi và Tây - Nam Á thuộc Bộ Công thương Việt Nam và Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã phối hợp với Liên đoàn Các tổ chức xuất khẩu Ấn Độ (FIEO) tổ chức hội thảo giao thương trực tuyến doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ tại hai đầu cầu Hà Nội và New Delhi, với sự tham gia của đại diện hơn 38 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực nông, lâm sản, chế biến thực phẩm, sản phẩm nhựa, hóa chất, sợi… của hai nước. Hội thảo đã góp phần giúp cộng đồng doanh nghiệp hai nước có cơ hội tiếp xúc, tìm hiểu nhu cầu của nhau, tiến tới thiết lập quan hệ đối tác, ký kết các hợp đồng thương mại.

Qua quá trình phát triển trao đổi thương mại hai bên, chúng ta nhận thức được rằng, nét tương đồng và thế mạnh riêng mà Việt Nam và Ấn Độ có thể bổ trợ cho nhau đã được phát huy. Hai bên luôn nhấn mạnh sự cần thiết phát triển trao đổi thương mại theo mục tiêu: Ấn Độ có thể trở thành nhà cung cấp nguyên phụ liệu đầu vào cho Việt Nam trong các ngành dệt may, da giày, chế tạo máy, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hàng hóa tiêu dùng, hàng điện tử, nông thủy sản, sản phẩm gỗ - những mặt hàng thuộc về thế mạnh của Việt Nam thâm nhập thị trường Ấn Độ. Doanh nghiệp hai nước hướng tới việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, trao đổi thương mại trong các lĩnh vực mà mỗi nước có thế mạnh, như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, chế tạo máy, hóa chất, dược phẩm, điện, dầu khí, chế biến nông - thủy sản… 

Để tăng cường hơn nữa mối quan hệ thương mại hai nước, Tiểu ban Hỗn hợp về thương mại cấp Thứ trưởng đã được thành lập và đã tổ chức họp lần thứ hai trong tháng 1/2015, xác định 7 lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác thương mại, trong đó có dệt may, da giày, dược phẩm, nông nghiệp, kỹ thuật và nông nghiệp, du lịch. Ấn Độ mong muốn tham gia phát triển lĩnh vực kết cấu hạ tầng, công nghệ thông tin, tài chính - ngân hàng tại Việt Nam. Cũng tại kỳ họp này, hai bên cũng  nhất trí thúc đẩy hợp tác trong các vấn đề về cung cấp thông tin, tiếp cận thị trường; xóa bỏ các rào cản thương mại; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại; tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư; hợp tác trong các lĩnh vực dầu khí, năng lượng, dệt may...

Ngoài ra, hai bên còn thống nhất sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ và tăng cường hợp tác trong khuôn khổ ASEAN - Ấn Độ, thúc đẩy việc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), thành lập Trung tâm Thương mại và đầu tư ASEAN - Ấn Độ. Đối với Việt Nam và Ấn Độ, việc triển khai thực hiện thực quyết định thành lập Hành lang kinh tế giữa tiểu vùng sông Mekong và Ấn Độ sẽ nối các vùng Đông Bắc Ấn Độ với Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi để quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn. Trước yêu cầu đó, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác phát triển nguồn nhân lực, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm phát triển trong nhiều lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực sản xuất, thậm chí xuất khẩu sang nước thứ ba. (Còn tiếp) (Xem tiếp phần 2)

* Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn:

Cùng chuyên mục