Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Những điểm nhấn quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam- Ấn Độ trên lĩnh vực kinh tế (Phần cuối)

Những điểm nhấn quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam- Ấn Độ trên lĩnh vực kinh tế (Phần cuối)

Việt Nam và Ấn Độ thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 07-01-1972. Tuy nhiên trước đó, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng G. Nêru đặt nền móng từ những thập niên đầu thế kỷ XX và được các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước dày công vun đắp. Trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất đất nước trước đây, cũng như trong sự nghiệp đổi mới và phát triển hiện nay, Ấn Độ luôn dành cho Việt Nam sự ủng hộ tích cực. Quan hệ đối tác chiến lược được hai bên nhất trí xác lập từ năm 2007 là biểu hiện quan trọng trong giai đoạn mới trong quan hệ hai nước và hiện đang phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực.

02:31 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 2)

Những điểm nhấn quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam- Ấn Độ trên lĩnh vực kinh tế

PGS. TS. Phan Văn Rân*

3. Về viện trợ phát triển

Từ năm 1976, Ấn Độ dành cho Việt Nam nhiều khoản tín dụng ưu đãi. Năm 2007, Ấn Độ công bố dành cho Việt Nam một khoản tín dụng ưu đãi trị giá 45 triệu USD cho dự án Thủy điện Nậm Chiến, hiệp định vay tín dụng này đã được ký vào tháng 1/2008. Ấn Độ tiếp tục công bố một khoản tín dụng mới cho Việt Nam trị giá 19,5 triệu USD. Trong những năm sau đó, Ấn Độ liên tục dành cho Việt Nam những khoản vay ưu đãi và những hạng mục viện trợ không hoàn lại phục vụ sự phát triển. Gần đây nhất, trong chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (10/2014), Thủ tướng N. Modi tuyên bố, Ấn Độ sẵn sàng cho Việt Nam vay khoản tín dụng 300 triệu USD để nhập khẩu nguyên liệu cho một số ngành kinh tế, giúp Việt Nam đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu đầu vào, tránh bị lệ thuộc vào một thị trường; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để mở cửa thị trường đối với đầu tư, hàng hóa của Việt Nam. 

Nhìn lại quá trình hợp tác kinh tế giữa hai nước Việt Nam - Ấn Độ thời gian qua, có thể nêu ra một vài nhận xét sau:

Thứ nhất, kể từ khi hai nước xác lập quan hệ đối tác chiến lược, quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và  Ấn Độ phát triển nhanh chóng. Có ba yếu tố thúc đẩy quan hệ Việt - Ấn trên lĩnh vực này: Việt Nam và Ấn Độ là những nước có tốc độ tăng trưởng cao, với GDP năm 2014 của Việt Nam đạt 6%, Ấn Độ là 7%; Việt Nam đang cùng các thành viên ASEAN hướng tới thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015, là cầu nối giữa Ấn Độ với ASEAN; Việt Nam là nền kinh tế năng động, do đó, sẽ là cửa ngõ để Ấn Độ làm ăn với các công ty trên thế giới. Từ quá trình đầu tư, hợp tác những năm qua, hầu hết các doanh nghiệp Ấn Độ đều thống nhất nhận định, Việt Nam là thị trường ổn định về chính trị; tốc độ tăng trưởng cao; môi trường đầu tư lành mạnh; Chính phủ Việt Nam quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Đó là những ưu thế cạnh tranh lớn của Việt Nam, thu hút quan tâm hợp tác kinh tế - thương mại của các doanh nghiệp Ấn Độ.

Thứ hai, Tuy đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, nhưng nhìn chung, hợp tác kinh tế Việt Nam - Ấn Độ vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, nhu cầu và điều kiện của mỗi nước. Nguyên nhân chủ yếu của sự hạn chế này là do mức độ kích thích kinh tế của cả hai Chính phủ còn thấp, các rào cản về thuế quan, thủ tục hành chính… tương đối cao. Thêm vào đó, điều kiện địa lý tương đối xa nhau, doanh nghiệp hai nước chưa làm tốt việc thâm nhập thị trường của nhau, thiếu thông tin thị trường, cơ cấu ngành hàng xuất nhập khẩu tương đối giống nhau, và hai nước chưa có đường bay trực tiếp. Chính những khó khăn, trở ngại cũng góp phần hạn chế việc mở rộng các quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước.

Để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ, hai nước cần tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng: Ấn Độ đẩy mạnh hoạt động đầu tư vào Việt Nam các lĩnh vực mà Ấn Độ có thế mạnh, nhất là các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ phần mềm, công nghiệp điện, điện tử… Chính phủ Vietj Nam và Ấn Độ tạo điều kiện để doanh nghiệp hai nước tổ chức các đoàn doanh nghiệp đi khảo sát thị trường lẫn nhau, thường xuyên tổ chức các Diễn đàn trao đổi kinh nghiệm quản lý, xúc tiến và kêu gọi đầu tư. Thông qua các hoạt động này, doanh nghiệp Việt Nam có thể trao đổi kinh nghiệm với phía Ấn Độ trong việc xây dựng và thực hiện chính sách định hướng phát triển xuất khẩu phần mềm (đặc biệt là các nhà quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh và Khu Công nghệ cao Đà Nẵng).

Với tiềm năng sẵn có, quan hệ kinh tế Việt - Ấn nhất định sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Các biện pháp tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Ấn Độ được hai bên nhất trí triển khai trong thời gian tới gồm: phát huy tối đa các cơ chế song phương và đa phương sẵn có, nhất là triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại, tránh đánh thuế hai lần; khuyến khích và bảo hộ đầu tư, lãnh sự, du lịch, hàng hải thương mại, dịch vụ hàng không; tiếp tục phối hợp lợi ích chung trên các diễn đàn kinh tế khu vực và quốc tế, như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thiết lập Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN - Ấn Độ, đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực. Lĩnh vực hàng không cũng được hai nước chú trọng đẩy mạnh thông qua việc tăng cường hợp tác kết nối về hàng không và đường biển; tận dụng cơ hội có được khi các hãng hàng không hai nước mở đường bay thẳng giữa Việt Nam và Ấn Độ để đẩy mạnh hợp tác du lịch, thương mại, đầu tư. 

Từ thực tế quan hệ kinh tế Việt Nam - Ấn Độ hiện nay và để thúc đẩy hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh tế với Ấn Độ trong thời gian tới, về phần mình, Việt Nam cần xúc tiến các hoạt động sau:

Một là, nghiên cứu, đánh giá một cách có hệ thống tiềm năng sự phát triển của Ấn Độ, từ đó xác định chính xác những lĩnh vực cần thúc đẩy hợp tác giữa hai nước để khai thác một cách có hiệu quả các cơ hội, nhất là cơ hội từ “chính sách hướng Đông” và “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ đem lại. Có thể thành lập một Nhóm nghiên cứu đa ngành để giúp Chính phủ trong việc hoạch định chính sách cụ thể.

Hai là, phấn đấu nâng cao kim ngạch thương mại hai chiều. Thực hiện các biện pháp khuyến khích xuất khẩu sang Ấn Độ nhằm giảm bớt sự mất cân đối trong cán cân thương mại hiện nay. Cụ thể: Việt Nam cần mở rộng, tăng số lượng xuất khẩu sang Ấn Độ hàng tinh chế, đồng thời giảm xuất khẩu các mặt hàng ở dạng thô, nguyên liệu; giảm nhập khẩu các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh, cũng như các mặt hàng mà Việt Nam có thể tự sản xuất được.

Ba là, tích cực khai thác tiềm năng hợp tác to lớn trong lĩnh vực đầu tư giữa hai nước. Giữ vững ổn định về chính trị, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, tiến hành các biện pháp hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực mà Ấn Độ có thể mạnh và Việt Nam có như cầu như công nghệ thông tin, năng lượng, dầu khí, luyện kim, khai khoáng, giao thông vận tải, y tế… Mặt khác, phía Việt Nam cần đề nghị Ấn Độ tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp của Việt Nam đầu tư vào thị trường Ấn Độ trong các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh như sản xuất dầy dép, dệt may, hàng thủ công mỹ nghệ… Trong quá trình hợp tác, cần xem xét kỹ, đánh giá một cách đầy đủ các dự án của Ấn Độ liên quan đến quốc phòng – an ninh của Việt Nam, nhất là trong hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông, Việt Nam cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để Ấn Độ tham gia, hạn chế sự phản đối, ngăn cản từ phía Trung Quốc.

Bốn là, tăng cường hợp tác khoa học - công nghệ và đào tạo nhân lực giữa hai nước. Trước mắt, Việt Nam cần nhanh chóng triển khai thực hiện các dự án và chương trình hợp tác mới trong các lĩnh vực Ấn Độ có thế mạnh như công nghệ thông tin và điện tử, vật liệu mới, công nghệ sinh học, nông nghiệp, chủ động đề nghị phía Ấn Độ mở các trung tâm đào tạo phần mềm tin học tại Việt Nam do chuyên gia Ấn Độ giảng dạy hoặc gửi lưu học sinh sang Ấn Độ học tập.

Có thể khẳng định rằng, Việt Nam là một thị trường có tiềm năng lớn với dân số trên 90 triệu người cùng với nhiều yếu tố tích cực như: thể chế chính trị - xã hội ổn định, nhịp độ tăng trưởng và phát triển kinh tế cao, tài nguyên phong phú, nguồn lao động dồi dào, trình độ văn hóa cao, giá nhân công thấp… Chính đây là những điểm nổi bật có thể thu hút vốn đầu tư trực tiếp của Ấn Độ trong quá trình mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Ấn Độ trong những năm qua và cũng là cơ sở để phát triển hơn nữa mối quan hệ trên lĩnh vực này trong thời gian tới.

* Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Tài liệu tham khảo

1. Phạm Bình Minh (chủ biên) (2010), Cục diện thế giới đến 2020, Nxb Chính trị Quốc gia.

2. Lưu Ngọc Trịnh (chủ biên) (2012), Kinh tế và chính trị thế giới đến năm 2020, Nxb Khoa học Xã hội.

3. Arunachal Pradesh core stakehold in India’s look east foreign policy (2013), http://presidentofindia.gov.in/pr291113-2.html

4. Indian Foreign Policy: A Road Map for the Decade – Speech by External Affairs Minister Shri Pranab Mukherjee at the 46th National Defence College Course (2006), http://meaindia.nic.in/cgi-bin/db2www/meaxpsite/coverpage.d2w/ coverpg?sec=ss&filename=speech/2006/11/15ss02htm

5. Jyoti (2013), “India’s Look East Policy: In its Second Phase”, Global Journal of Pharmaceutical Sciences and Education, Volume 2, No 1, pp.1-4.

6. C. Raja Mohan (2013), Look East policy: phase two, website: http://www.hindu.com/2003/10/09/stories/2003100901571000.htm

Nguồn:

Cùng chuyên mục