Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Những tính toán mới của Ấn Độ với các nước trong khu vực

Những tính toán mới của Ấn Độ với các nước trong khu vực

Ấn Độ đang tận dụng vị thế cường quốc để kiến tạo cơ hội hòa bình, sau khi chứng minh rằng, Ấn Độ hoàn toàn có khả năng bảo vệ toàn vẹn lợi ích quốc gia trước những thách thức.

03:49 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Vào tháng 2/2021, Ấn Độ đã có bước ngoặt lớn trong chính sách đối với các nước láng giềng. Đó là quyết định rút quân đội tại đường ranh giới kiểm soát thực tế (LAC) và tuyên bố ngừng bắn dọc tuyến ranh giới kiểm soát (LoC). Sau chín vòng đàm phán quân sự cấp cao, quá trình rút quân tại khu vực Pangong Tso đã chứng kiến quân đội có vũ trang của Trung Quốc và Ấn Độ quay trở lại các căn cứ thường trực của mỗi bên. Trong khi quân đội Ấn Độ vẫn tiếp tục nâng cao cảnh giác với quân Trung Quốc tại nhiều địa điểm dọc LAC, động thái này đang được nhiều người xem là bước khởi đầu của quá trình giảm leo thang kéo dài giữa hai quốc gia khổng lồ châu Á.

Tại LoC, Tổng Chỉ huy Hoạt động Quân sự (DGMO) của hai quốc gia đã trao đổi điện đàm và quyết định tuân thủ tất cả các thỏa thuận về ngừng bắn dọc theo LoC và các khu vực của Biên giới Quốc tế “vì lợi ích đạt được hòa bình bền vững và đôi bên cùng có lợi dọc theo biên giới”. Mặc dù hai nước cũng đạt được thỏa thuận vào năm 2018 để tuân thủ các thỏa thuận ngừng bắn ký năm 2003, nhưng số lượng các vụ vi phạm lệnh ngừng bắn ngày càng gia tăng trong những năm gần đây, cùng với sự biến động tăng lên trên khắp biên giới. Trong năm 2020, có hơn 5.000 trường hợp vi phạm lệnh ngừng bắn đã được báo cáo. Chỉ từ đầu năm 2021 tới đầu tháng 3/2021, Pakistan vi phạm lệnh ngừng bắn hơn 600 lần. Với thực trạng quan hệ Ấn Độ-Pakistan, việc tuyên bố ngừng bắn khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên.

Ấn Độ quay trở lại thế phòng thủ. Đã có ý kiến chỉ trích động thái này là rụt rè, và có những ý kiến khác cho rằng, Ấn Độ thực hiện những động thái đó do áp lực từ bên ngoài. Những ý kiến phê bình này nảy sinh từ việc đánh giá những thay đổi cơ bản trong bối cảnh mối quan hệ giữa Ấn Độ và các nước láng giềng, cũng như chính sách đối ngoại và vị thế của Ấn Độ trong vấn đề an ninh. Nhưng những đánh giá đó dường như còn thiếu. Tất cả các khuôn khổ chính sách đối ngoại đều xây dựng cho phù hợp với chính sách đối nội, với bối cảnh khu vực và rộng hơn là bối cảnh toàn cầu. Không một quốc gia nào, ngay cả quốc gia hùng mạnh nhất, lại tồn tại trong tình trạng bị cô lập tuyệt đối và các yếu tố bối cảnh bên ngoài quốc gia không ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách của quốc gia đó. Những chính sách thông minh là nhận ra những ràng buộc đó và sử dụng chúng để làm lợi thế cho đất nước vào đúng thời điểm.

Sự phát triển địa chính trị quan trọng nhất trong vài tháng qua là Ấn Độ đứng lên đối đầu với Trung Quốc sau sự cố Thung lũng Galwan vào tháng 6/2020, Ấn Độ nói rõ với Bắc Kinh và thế giới rằng, Ấn Độ sẽ thành công trong việc chống lại sự xâm lược của Trung Quốc. Ngay cả khi các lực lượng quân sự của Ấn Độ thách thức các lực lượng Trung Quốc có nhiều nguồn lực hơn dọc theo LAC, chính sách ngoại giao của Ấn Độ đảm bảo rằng, New Delhi vẫn giữ vai trò trung tâm trong cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, Ấn Độ vẫn nổi lên như một quốc gia đảm bảo an ninh trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng. Trong khi, đối với hầu hết các quốc gia khác, việc đưa Trung Quốc vào các vấn đề toàn cầu và các dự án đầy thách thức trong nước là điều không thể. Ấn Độ vẫn làm được điều đó. Thông điệp của Ấn Độ với thế giới là: nếu đây là điều bình thường mới, thì chúng tôi đã chuẩn bị cho trạng thái đó.

Và Ấn Độ không chỉ khiến thế giới chú ý, mà còn khiến Bắc Kinh cũng phải chú ý. Trung Quốc liên tục nói về: “sự cần thiết phải tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết tranh chấp biên giới”, thì đó là do Ấn Độ đã luôn đưa ra một thông điệp nhất quán rằng, mối quan hệ Trung-Ấn không thể tách rời vấn đề biên giới. Cơ cấu chiến lược lớn của mối quan hệ song phương giữa Ấn Độ và Trung Quốc vẫn mong manh như bao giờ hết và Trung Quốc sẽ không hàn gắn chỉ vì nước này đã rút quân đội khỏi một phần của LAC. Nhưng không thể bỏ qua thực tế rằng, Ấn Độ đang có tiếng nói có trọng lượng lớn hơn trong việc tác động tới những điều khoản trong cam kết với Trung Quốc.

Sự tự tin này được thể hiện qua việc New Delhi đã cùng Pakistan tiến tới thỏa thuận ngừng bắn mới dọc LoC. Sau nhiều thập kỷ, chính sách của Ấn Độ đã có thể gây nhiều áp lực lên Pakistan. Về mặt kinh tế, sự cô lập trên toàn cầu đối với Pakistan đang gây nhiều khó khăn cho nước này, và việc giám sát chặt chẽ của Lực lượng Đặc nhiệm Hành động Tài chính đã có hiệu quả hơn so với những suy nghĩ ban đầu. Về mặt ngoại giao, Ấn Độ có chính sách kiềm chế Pakistan do Pakistan sử dụng chủ nghĩa khủng bố như một công cụ xây dựng chính sách. Về mặt quân sự, Ấn Độ đã chứng minh rằng, họ không chỉ có đủ bằng chứng để coi Pakistan là có hành vi sử dụng hạt nhân một cách bất cẩn, mà còn có thể đáp trả thỏa đáng trên mặt trận truyền thông, và có thể khiến Pakistan phải trả giá nếu Pakistan gây ra hành vi liều lĩnh chống lại Ấn Độ. Và về mặt chiến lược, khi đứng lên chống lại quân đội Trung Quốc, Ấn Độ đã cho người Pakistan thấy rằng, trục Trung Quốc - Pakistan không đảm bảo cho sự thành công trong việc gây áp lực cho Ấn Độ.

Do đó, đối với New Delhi ngày nay, việc đối phó với Trung Quốc và Pakistan không còn khó khăn như trước đây. Và đó là sự thay đổi thực sự trong chính sách khu vực và tính toán an ninh của Ấn Độ. Ấn Độ kiến tạo cơ hội cho hòa bình không phải vì một số quốc gia láng giềng liên minh với nhau, cũng không phải do áp lực từ các bên liên quan như Washington. New Delhi chưa bao giờ ngừng sử dụng biện pháp ngoại giao. Các nước láng giềng của Ấn Độ quyết định không đi theo con đường ngừng sử dụng biện pháp ngoại giao. Nếu bây giờ một lần nữa Ấn Độ sẵn sàng dùng biện pháp ngoại giao, thì chỉ có thể là nước này đã chứng minh một cách hiệu quả rằng, nếu lợi ích quốc gia bị thách thức, Ấn Độ đã chuẩn bị đầy đủ hơn để đảm bảo duy trì lợi ích. Và những quốc gia trong khu vực đang thách thức Ấn Độ đã nghe được thông điệp này, cho dù còn nhiều ý kiến khác nhau trong nội bộ Ấn Độ.

Tác giả: Giáo sư Harsh V Pant, Giám đốc Nghiên cứu và Trưởng Chương trình Nghiên cứu Chiến lược tại Quỹ Nghiên cứu Người quan sát (ORF), New Delhi, Ấn Độ.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn: https://www.orfonline.org/research/new-delhis-new-regional-calculus/

Bấm vào đây để đọc bản tiếng Anh của bài viết này/Click here to read the English version of this article

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục