Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Những tranh luận mới của các học giả trên thế giới về chủ nghĩa xã hội (Phần 1)

Những tranh luận mới của các học giả trên thế giới về chủ nghĩa xã hội (Phần 1)

Những tư tưởng về chủ nghĩa xã hội đã xuất hiện từ thế kỷ XVI trong tác phẩm Utopia (Xã hội không tưởng) của Thomas More - một nhà nghiên cứu người Anh. Trong tiến trình hình thành và phát triển tư tưởng về chủ nghĩa xã hội đã xuất hiện nhiều tên gọi khác nhau, nhiều quan niệm, tư tưởng khác nhau về chủ nghĩa xã hội. Từ khi chủ nghĩa xã hội trở thành hiện thực đến nay, cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản ngày càng chứng tỏ là cuộc đấu tranh trung tâm của nhân loại, luôn là vấn đề trung tâm của thời đại, chi phối mọi giai cấp và dân tộc trên toàn thế giới. Riêng những luận chiến trong chính vấn đề chủ nghĩa xã hội đã, luôn và mãi mãi vẫn là đề tài nóng đầy hấp dẫn.

02:18 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Những tranh luận mới của các học giả trên thế giới về chủ nghĩa xã hội

GS, TS Tạ Ngọc Tấn

1. Trong lịch sử các tư tưởng chính trị, các nhân tố nhất định hình thành nên một quan điểm thường xuất hiện rất lâu trước khi được khái quát thành hệ thống lý luận. Những tư tưởng về chủ nghĩa xã hội đã xuất hiện từ thế kỷ XVI trong tác phẩm Utopia (Xã hội không tưởng) của Thomas More - một nhà nghiên cứu người Anh. Chính Thomas More đã cho rằng, nguồn gốc của mọi tệ nạn xã hội chính là chế độ tư hữu. Trong cuộc nội chiến Anh vào giữa thế kỷ XVII, các phong trào được miêu tả là có dáng dấp xã hội chủ nghĩa gồm Phong trào san bằng(Levelss) và Phong trào đào sâu (Diggers). Trong suốt thời kỳ Khai Sáng ở thế kỷ XVIII, sự phê bình về bất bình đẳng đã xuất hiện trong tác phẩm của các nhà tư tưởng như J.Locke, J.J.Rousseau. Sau Cách mạng Pháp 1789, François-Noël Babeuf ủng hộ mục tiêu quyền sở hữu chung về đất đai và sự bình đẳng toàn diện về kinh tế và chính trị giữa các công dân. Trong tiến trình hình thành và phát triển tư tưởng về chủ nghĩa xã hội đã xuất hiện nhiều tên gọi khác nhau: chủ nghĩa xã hội phong kiến, chủ nghĩa xã hội tiểu tư sản, chủ nghĩa xã hội Anh, chủ nghĩa xã hội Đức, chủ nghĩa xã hội bảo thủ, chủ nghĩa xã hội chân chính, chủ nghĩa xã hội không tưởng,v.v.. Đến thế kỷ XIX, trên cơ sở nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn kinh tế, chính trị, xã hội, C.Mác và Ph.Ăngghen đã tổng kết, đề xuất tư tưởng chủ nghĩa xã hội khoa học, công bố rõ tư tưởng này trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Từ đó đến nay, xuất hiện ngày càng nhiều quan niệm, tư tưởng khác nhau về chủ nghĩa xã hội. Cùng với những quan niệm đó, tên gọi về chủ nghĩa xã hội cũng nở rộ: chủ nghĩa xã hội cải lương, chủ nghĩa xã hội dân chủ, chủ nghĩa xã hội biến thể, chủ nghĩa xã hội không bờ bến, chủ nghĩa xã hội có bờ bến, chủ nghĩa xã hội tôn giáo, chủ nghĩa xã hội dân tộc, chủ nghĩa xã hội nông nghiệp hoặc thôn xã, chủ nghĩa xã hội quân sự hoặc nhà nước, chủ nghĩa xã hội lý tưởng, chủ nghĩa xã hội phúc lợi xã hội, chủ nghĩa xã hội nhân đạo, chủ nghĩa xã hội duy tâm,v.v.. Cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI lại xuất hiện nhiều tên gọi khác nhau về chủ nghĩa xã hội: chủ nghĩa xã hội nhân dân, chủ nghĩa xã hội mới, chủ nghĩa xã hội vô sản, chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI, chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, chủ nghĩa xã hội nhất nguyên, chủ nghĩa xã hội đa nguyên, chủ nghĩa xã hội hiện đại, v.v..

Vậy là, một thuật ngữ rất quen thuộc nhưng lại được hiểu, được định danh và giải thích theo nhiều cách khác nhau từ những người là đối thủ của nhau đến cả những người cùng lý tưởng, cùng quan niệm, cùng niềm tin, cùng chí hướng. Ngay cả thuật ngữ “chủ nghĩa xã hội khoa học” trong học thuyết Mác - Ănghen cũng đã và đang có những cách hiểu khác nhau, nhiều khi ba ý nghĩa của nó cũng không được phân biệt rõ ràng: chủ nghĩa xã hội với tư cách là một khoa học, chủ nghĩa xã hội với tư cách là một phong trào, chủ nghĩa xã hội với tư cách là một chế độ xã hội. Việc định nghĩa, phân loại chủ nghĩa xã hội khá phức tạp, đôi khi không tránh khỏi sự lẫn lộn, một mặt, do nhận thức, do cách tiếp cận, do quan điểm, lý tưởng, niềm tin khác nhau; mặt khác, do các mâu thuẫn ngay trong lòng phong trào, trong các đảng phái, tổ chức khác nhau. Một đảng, một tổ chức tự nhận mình theo trào lưu này, nhưng trong con mắt của đảng khác, tổ chức khác thì lại không phải là như vậy. Ngay cả trong một phong trào, một đảng cụ thể cũng có cả những đặc điểm lý luận của nhiều phái, do đó, sự phân loại cũng chỉ mang tính tương đối. Thêm nữa, cách hiểu về tên gọi và bản chất của các đảng phái, các trào lưu cũng khác nhau còn do sự phức tạp về mặt ngôn ngữ, về dịch thuật.

Tất cả những điều trên đều là nguyên nhân góp phần tạo nên sự tranh luận về chủ nghĩa xã hội. Nhưng có lẽ, điều tạo nên sự tranh luận đa dạng, phong phú, phức tạp, nhiều sự khác biệt nhất là ở chỗ nhận thức, xác định và đánh giá chủ nghĩa xã hội với tư cách là một chế độ xã hội. Suy cho cùng, sự phong phú, phức tạp, đa dạng trong tranh luận về chủ nghĩa xã hội nằm ở chỗ thực tiễn không đứng im, nó luôn thay đổi, phát triển, còn những người nghiên cứu lý luận về chủ nghĩa xã hội, những người ủng hộ hay phản bác về chủ nghĩa xã hội, những người xúc tiến xây dựng chủ nghĩa xã hội vẫn còn tiếp tục tìm tòi, khám phá và phát triển nhận thức về chủ nghĩa xã hội. Ph. Ăngghen đã chỉ ra rằng: “Nhưng tất cả những người tham gia cuộc tranh luận đều coi “xã hội xã hội chủ nghĩa” không phải là cái gì đó thay đổi thường xuyên và tiến bộ, mà là một cái ổn định nhất thành bất biến, và do đó cũng phải có một phương thức phân phối được ấn định một cách dứt khoát. Nhưng nếu như nghiên cứu một cách đúng đắn thì vẫn có thể: 1) cố gắng tìm ra phương thức phân phối để dùng lúc đầu, và 2) cố gắng tìm ra xu hướng chung của sự phát triển tiếp theo. Nhưng trong toàn bộ cuộc tranh luận, tôi không hề thấy nói một lời nào về điều này”[1]. Ph. Ăngghen cũng từng đòi hỏi: “Từ khi trở thành khoa học, lý luận chủ nghĩa xã hội đòi hỏi phải được đối xử như một khoa học, tức là phải được nghiên cứu”[2].

2. Gần hai thế kỷ đã trôi qua kể từ khi C.Mác và Ph.Ăngghen công bố tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, tức là khi những người cộng sản tuyên ngôn về lý tưởng của mình, cuộc đấu tranh giữa các lực lượng đại diện cho thế giới mới - thế giới cộng sản chủ nghĩa, với các lực lượng đại diện cho thế giới cũ - thế giới tư bản chủ nghĩa, không những chưa bao giờ ngơi nghỉ mà còn ngày càng quyết liệt. Đặc biệt, hơn 20 năm gần đây, khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, các nhà chính trị phương Tây và các nhà tư tưởng của giai cấp tư sản càng chống phá chủ nghĩa xã hội mạnh mẽ, trắng trợn. Họ dùng mọi lực lượng, tìm mọi thủ đoạn, phương tiện tấn công vào chủ nghĩa xã hội từ mọi hướng: Từ tập trung xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin đến xuyên tạc và phủ nhận vai trò, thành tựu của chủ nghĩa xã hội hiện thực trong gần một thế kỷ qua, từ xuyên tạc và phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản trong xã hội đến xuyên tạc và phủ nhận những thành tựu của đổi mới, cải cách mở cửa ở các nước xã hội chủ nghĩa. Họ chống phá chủ nghĩa xã hội trên mọi bình diện: tư tưởng chính trị - kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, khoa học kỹ thuật, đến ngoại giao, quân sự, tôn giáo, nhân quyền… Họ hoan hỉ tiên đoán, xôn xao rằng: chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn sai lầm của lịch sử, các nước xã hội chủ nghĩa còn lại sẽ sụp đổ như hội chứng Domino, lịch sử của chủ nghĩa xã hội đã chấm hết, chủ nghĩa xã hội sẽ tiêu vong trên toàn thế giới, thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ chủ nghĩa tư bản thống nhất toàn thiên hạ... Sự thật là, lời tiên đoán trên đã phá sản hoàn toàn. Hơn 20 năm qua, nhất là bước sang thế kỷ XXI, chủ nghĩa xã hội vẫn phát triển, đặc biệt là nó còn có bước phát triển sâu rộng hơn, tiến bộ hơn. Trong khi đó, chủ nghĩa tư bản lại đang lâm vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Gợi mở điều này để thấy rằng, từ khi chủ nghĩa xã hội trở thành hiện thực đến nay, cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản ngày càng chứng tỏ là cuộc đấu tranh trung tâm của nhân loại, luôn là vấn đề trung tâm của thời đại, chi phối mọi giai cấp và dân tộc trên toàn thế giới. Riêng những luận chiến trong chính vấn đề chủ nghĩa xã hội đã, luôn và mãi mãi vẫn là đề tài nóng đầy hấp dẫn.

Thực tế, việc Liên Xô giải thể và các nước xã hội chủ nghĩa nghĩa Đông Âu tan rã đã tác động trực tiếp đến phong trào cộng sản trên khắp thế giới, làm cho những người cộng sản lâm vào tình trạng lúng túng, chao đảo, một bộ phận các đảng cộng sản trượt theo chủ nghĩa xét lại, cơ hội và bè phái. Tình trạng chia rẽ làm cho sức mạnh của những người cộng sản bị giảm sút. Trong nước Nga, bên cạnh Đảng Cộng sản Liên bang Nga (KPRE), còn tồn tại song hành một số đảng khác như Đảng Công nhân cộng sản Nga - Đảng Cách mạng của những người cộng sản (RKRP - RPK), Đảng Cộng sản bônsêvích toàn Nga (VRPB), Đảng Cộng sản Liên Xô. Bên cạnh đó, một số đảng nhỏ và hàng chục tổ chức xã hội theo khuynh hướng cộng sản cũng hình thành và phát triển. Tình trạng chia rẽ trong hàng ngũ cộng sản ở Liên Xô phản ánh sự bất đồng tư tưởng, chủ nghĩa xét lại và sự giáo điều về lý luận có từ thời Stalin, thời Khơrúpxốp, thời Brêgiơnép và điển hình là thời Gócbachốp làm Tổng Bí thư. Đầu những năm 90 của thế kỷ XX, những khuynh hướng tư tưởng được hình thành trước đó đã trở thành những cương lĩnh, những phong trào, những câu lạc bộ như: Phong trào Sáng kiến cộng sản sau đổi thành Đảng Công nhân cộng sản Nga (RKRP); nhóm Cương lĩnh Mácxit trong Đảng Cộng sản Liên Xô chia thành ba tổ chức:Liên đoàn Những người cộng sản sau đổi thành Đảng Cộng sản Nga - Đảng Cộng sản Liên Xô (RKP - KPSS), Đảng nước Nga của những người Cộng sản (RKP) sau hợp nhất với RKRP và phong trào Phương án đối lập;nhóm Cương lĩnh Bônsêvích trong Đảng Cộng sản Liên Xô chuyển thành Đảng Cộng sản toàn Nga của những người Bônsêvích (VKPB)[3],v.v.. Tình trạng này dẫn đến một khẳng định rằng, cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu đã dẫn đến sự rối loạn trong nhận thức về chủ nghĩa xã hội. Chỉ có thể thoát ra khỏi sự hỗn loạn trong nhận thức về chủ nghĩa xã hội khi và chỉ khi người ta quan tâm đến việc trở lại với chính mảnh đất hiện thực để phân tích và đánh giá. (Còn tiếp) (Xem tiếp phần 2)


[1] Ph.Ăngghen, “Thư gửi K. Shmidt”, 1890. Dẫn theo A.Prigarin, “Chủ nghĩa xã hội cuộc tranh luận về quá khứ và tương lai”. Nguồn: www.palit.ru, ngày 20-7-2005.

[2] Lời giới thiệu bổ sung cho tác phẩm “Chiến tranh nông dân ở Đức”, C.Mác-Ph.Ăngghen, Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia. Sự thật, H.1993, tr.455.

[3] Xem thêm: GS, TS Tạ Ngọc Tấn, Những tranh luận mới của các học giả Nga về Chủ nghĩa xã hội, Nxb. Chính trị quốc gia, H., 2013.

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục