Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Những xu hướng kết nối Việt Nam, Ấn Độ và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Phần 1)

Những xu hướng kết nối Việt Nam, Ấn Độ và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Phần 1)

03:48 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

PGS, TS Nguyễn Thanh Tuấn*

TÓM TẮT

Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chủ yếu gồm các quốc gia hướng ra biển và hết sức rộng lớn, đa dạng. Khu vực địa - an ninh chính trị này vừa mới được hình thành và dường như chưa có nhiều  giá trị chung đề kết nối nội tại. Do đó cần làm rõ những xu hướng sau đây nhằm thúc đẩy kết nối Việt Nam, Ấn Độ và cả khu vực: hội nhập quốc tế kết nối con người; công nghiệp 4.0 kết nối và phát triển nguồn nhân lực; an ninh chính trị kết nối, thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng trong quan hệ người người; và quyền con người kết nối, thúc đẩy phát triển con người./.

Từ một thuật ngữ địa lý sinh vật biển,  khu vực địa - an ninh chính trị Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới bắt đầu được hình thành và dường như chưa có nhiều giá trị chung để kết nối nội tại. Hiện nay, mặc  dù còn có sự khác biệt trong quan điểm về khu vực, nhưng một điểm chung nổi bật, đặc biệt của các quốc gia Mỹ, Nhật Bản, Australia... là đều ủng hộ và nhấn mạnh vai trò trung tâm của Ấn Độ đối với khu vực này. Còn Việt Nam, như đánh giá của Tổng thống Mỹ Donald J. Trump,  khi mở đầu bài phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng vào tháng 11/2017, là “trái tim của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Do đó, để thúc đẩy sự kết nối nội tại của một khu vực mà các quốc gia đều mở ra biển và hết sức rộng lớn, đa dạng này của trái đất, việc làm rõ và thực hiện những yếu tố kết nối Việt Nam, Ấn Độ trong khu vực nhằm phát triển con người trên cơ sở bảo đảm quyền con người, có ý nghĩa gợi mở rất quan trọng.

1. Hội nhập khu vực, quốc tế kết nối con người

Cùng với quá trình mở rộng hội nhập quốc tế, trước tiên và trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế, sự phát triển của Việt Nam và Ấn Độ được gắn kết ngày càng chặt chẽ với sự phát triển của kinh tế thế giới, trước hết trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ở một chừng mực nhất định, hội nhập quốc tế, chẳng hạn việc gia nhập WTO, giúp Việt Nam và Ấn Độ cải thiện các điều kiện thương mại, kinh tế  nhằm thúc đẩy phát triển con người trên cơ sở bảo đảm quyền con người.

Hội nhập quốc tế thúc đẩy hợp tác và giao lưu giữa người dân hai quốc gia vốn  có truyền thống văn hóa khác nhau, thông qua giao lưu, hợp tác, kể cả ký kết các thỏa thuận hợp tác, ví dụ các hợp đồng xuất nhập khẩu hàng hóa hay đầu tư phát triển tuân thủ các nguyên tắc bảo vệ quyền con người. Thông qua đó, Việt Nam và Ấn Độ chủ động, tích cực tham gia vào các hoạt động trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mà trước mắt là thông qua  đối thoại, hợp tác giữa ASEAN và Ấn Độ, để tích cực nội luật hóa các điều ước khu vực và quốc tế mà hai nước đã ký kết, phù hợp với luật pháp, tập quán khu vực và quốc tế.     

Các quá trình toàn cầu hóa, đặc biệt trong điều kiện suy thoái  hoặc xung đột các quan hệ kinh tế và chính trị thế giới, có thể lập tức gây ra những tác động, cả tích cực và tiêu cực, đến hai quốc gia, mà rốt cuộc là đến đời sống người dân Việt Nam và Ấn Độ với những quyền lợi và nghĩa vụ của họ.  Chẳng hạn, nhiều công ty xuyên quốc gia không tôn trọng quyền an ninh cá nhân trong điều kiện phát triển thông tin mạng xã hội, quyền có điều kiện làm việc thoả đáng, quyền được trả lương công bằng, quyền có bảo hiểm xã hội và y tế,... cho người lao động, đặc biệt tại các nước đang phát triển như Việt Nam và Ấn Độ.  Các nhóm thiểu số (hay dễ bị tổn thương) như người dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em,... là những nạn nhân đầu tiên của các lạm dụng quyền con người của họ.[1]

 Những tác động ấy buộc Việt Nam, Ấn Độ cũng như các quốc gia khác trong khu vực  Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương phải cùng nhau hợp tác trên các lĩnh vực khác nhau để giảm tác động tiêu cực và khơi thông những tác động tích cực trong bảo vệ lợi ích quốc gia và người dân của mình trước các quá trình toàn cầu hóa.

Thí dụ, Việt Nam và Ấn Độ có thể hợp tác nghiên cứu, giáo dục về vai trò, tiêu chuẩn và môi trường xã hội - văn hóa trong hoạt động đầu tư của các tập đoàn xuyên quốc gia, liên quan đến việc bảo đảm quyền con người. Mục đích là xây dựng thể chế tham gia tích cực của các tập đoàn xuyên quốc gia vào việc giải quyết các vấn đề liên quan đến phát triển con người trên cơ sở bảo đảm quyền con người như quyền lao động, quyền của người tiêu dùng, an sinh xã hội, v.v....

 Việt Nam và Ấn Độ có thể hợp tác nghiên cứu, giáo dục về vấn đề bảo vệ quyền có việc làm và nghề nghiệp với tư cách là thành viên WTO. Bởi lẽ, việc làm luôn là một vấn đề nổi cộm tại những nước đông dân và đang phát triển như Việt Nam và Ấn Độ. Dưới sự tác động của việc gia nhập WTO và hội nhập quốc tế  nói chung, sự biến động trong cơ cấu việc làm của một số ngành công nghiệp truyền thống đã xuất hiện (khai khoáng, cơ khí, giày da, may mặc,....).

Vấn đề nêu trên trở nên đặc biệt nghiêm trọng ngay cả đối với ngành nông nghiệp vốn duy trì cuộc sống và mang lại việc làm cho phần lớn dân cư nông thôn ở Việt Nam và cả Ấn Độ. Một mặt, quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đang làm giảm số lượng và cơ cấu việc làm của cư dân nông nghiệp, ví dụ do diện tích đất trồng lúa đang ngày càng bị thu hẹp. Mặt khác, sản phẩm nông nghiệp, như gạo, đang và sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh ngày càng quyết liệt trên thị trường thế giới. Áp lực cạnh tranh này đang gây sức ép đến việc phải nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, mà động cơ thúc đẩy phải là đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm  nông nghiệp. Đây là bài toán khó, mặc dù đã đặt ra mục tiêu và cố gắng thực hiện việc đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Tình hình này sẽ tác động tiêu cực đến cơ cấu, số lượng việc làm của nông dân, ví dụ hiện chiếm hơn 40% lực lượng lao động ở Việt Nam. Trong hoàn cảnh như vậy, bảo vệ quyền có việc làm và ngăn chặn tình trạng thất nghiệp hàng loạt là rất quan trọng đối với không chỉ các nhóm dân cư chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc gia nhập WTO, mà còn đến cả sự ổn định xã hội và mục tiêu phát triển con người trên cơ sở bảo đảm quyền con người ở Việt Nam và ở cả Ấn Độ.

Gần đây, một số quốc gia phát triển đã đưa ra cái gọi là “tiêu chuẩn lao động tối thiểu” trong kỳ họp của WTO tại Seatle (Mỹ) và Doha (Qata). Theo đó thì các quốc gia đang phát triển đang đứng bên lề cạnh tranh thế giới thương mại do phải sử dụng lao động rẻ mạt tùy tiện, thậm chí sử dụng lao động trẻ em và lao động phạm nhân, từ các nước kém và đang phát triển.

Để bác bỏ lại sự cáo buộc này, các nước đang phát triển đã nhấn mạnh rằng, việc cải thiện điều kiện làm việc và quyền của người lao động ở một quốc gia nhất định phải phụ thuộc vào sự tăng trưởng kinh tế của quốc gia đó. Việc đưa các tiêu chuẩn lao động vào các cuộc đàm phán thương mại đa phương chỉ là một thủ đoạn của  các quốc gia phát triển nhằm thúc đẩy thực hiện một hình thức mới của chủ nghĩa bảo hộ thương mại được ngụy trang dưới hình thức bảo vệ quyền con người. Trước lập luận này, các quốc gia phát triển lại viện đến lợi thế “mức lương thấp” của các nước đang phát triển trong thương mại thế giới. Đây là một vấn đề vẫn đang tranh cãi, mà thực chất cũng vẫn là âm mưu nhằm dựng nên hàng rào bảo hộ thương mại của các quốc gia phát triển trước hàng hóa xuất khẩu của các nước đang phát triển.

Sự hợp tác giữa Việt Nam, Ấn Độ và với những nước thành viên WTO trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, về các chủ đề nêu trên, sẽ góp phần thúc đẩy thể chế hóa hoạt động của tổ chức quốc tế này theo hướng tích cực. Thông qua hợp tác như vậy, đã và sẽ làm tăng mối quan tâm chung, lợi ích chung giữa người dân Việt Nam, Ấn Độ; và góp phần thúc đẩy tính  kết nối nội tại trong khu vực này của thế giới. Tính kết nối, ví dụ về phát triển và giải quyết việc làm, sẽ thúc đẩy hình thành những mối quan tâm chung, lợi ích chung, kể cả chuẩn mực chung, giá trị chung, trong một không gian rộng lớn, mở và đa dạng như khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. (Xem tiếp phần 2)


[1] Xem Cristina Baez và các tác giả khác, Các doanh nghiệp đa quốc gia và quyền con người, Tạp chí Luật quốc tế và so sánh Miami, số 183, tr.244-246 (1999-2000), Trích theo David Kindley và Junko Tadaki, The Emergence of Human rights responsibilitíe for Corporation at International law, (Sự xuất hiện trách nhiệm về quyền con người của các tập đoàn trong luật quốc tế), tạp chí Verginia Journal of International Law, 2003-2004.


* PGS, TS Nguyễn Thanh Tuấn, Viện Nghiên cứu Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh 

** Bài tham luận Hội thảo khoa học quốc tế "Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh trong bối cảnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Tự do và rộng mở" tổ chức tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ngày 24/8/2018.​

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục