Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Những xu hướng kết nối Việt Nam, Ấn Độ và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Phần 2)

Những xu hướng kết nối Việt Nam, Ấn Độ và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Phần 2)

03:38 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

PGS, TS Nguyễn Thanh Tuấn*

2. Công nghiệp 4.0 kết nối và phát triển nguồn nhân lực

Công nghiệp lần thứ tư (industry 4.0) dựa vào khâu đột phá là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật, robot, công nghệ nano, công nghệ sinh học,… thúc đẩy  xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số hóa, vật lý, sinh học với trung tâm. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang trở thành một cuộc cách mạng không chỉ trong sản xuất vật chất; đang và sẽ  làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới. Từ đó tạo ra những cơ hội rất lớn, nhưng cũng đặt ra những thách thức sâu rộng đối với mỗi quốc gia, đặc biệt các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, Ấn Độ.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang và sẽ làm thay đổi sâu sắc tư duy, lối ứng xử của con người, trước hết trong cơ cấu lao động. Các hệ thống tự động hóa sẽ thay thế dần lao động thủ công trong toàn bộ nền kinh tế; máy móc và trí tuệ nhân tạo thay thế sức người; nhu cầu sử dụng nhân lực trình độ cao tăng lên trong khi nhu cầu sử dụng lao động kỹ năng thấp ngày càng giảm. Theo dự báo từ Đức - hiện là một nước đi đầu trong công nghiệp 4.0, trong một vài năm tới,  ngay tại nước này, trong khi công nghiệp 4.0 tạo được 430.000 chỗ làm việc mới thì đồng thời làm mất 490.000 chỗ làm việc hiện nay.[1] Xu hướng diễn biến chung là số lượng việc làm mới theo kiểu công nghiệp 4.0 thường thấp hơn mức độ bãi bỏ số lượng việc làm cũ vốn dựa vào lao động giá rẻ.

Là những quốc gia chuẩn bị hoặc đang bước vào  công nghiệp 4.0, Việt Nam, Ấn Độ và nhiều nước trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ không còn giữ được lợi thế cạnh tranh của lao động giá rẻ. Các ngành sản xuất sử dụng nhiều nhân công trước đây, như ngành công nghiệp vật liệu xây dựng, cơ khí, luyện kim, hóa chất, đóng tàu, giày da, may mặc,... đều phải cắt giảm lao động do phải đương đầu với những cạnh tranh gay gắt từ sản xuất theo kiểu công nghiệp 4.0 trong và ngoài khu vực. Đặc biệt, công nghiệp 4.0 không chỉ đe dọa việc làm của những lao động trình độ thấp mà ngay cả lao động có kỹ năng bậc trung cũng sẽ bị tác động đáng kể, nếu họ không được trang bị những kỹ năng mới của công nghiệp 4.0.

Thực tế cho thấy, mặc dù Việt Nam hiện đang ở trong thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”, tức thời kỳ mà dân số trong độ tuổi lao động cao nhất[2], nhưng nguồn nhân lực của Việt Nam, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao thiếu hụt về số lượng, hạn chế về chất lượng và bất cập về cơ cấu. Tỷ lệ lao động qua đào tạo mới chỉ đạt trên 50% tổng số lực lượng lao động trong cả nước. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến tháng 11/2016, số sinh viên/1 vạn dân ở Việt Nam là 200 sinh viên/1 vạn dân, thấp hơn nhiều so với các nước như Hàn Quốc, Singapore. Sự thiếu hụt kỹ năng lao động và tay nghề trong một số ngành đang là nét phổ biến của người lao động Việt Nam hiện nay. Thí dụ, trong đội ngũ nhân lực ngành công nghệ thông tin, 72% số sinh viên ngành ngành này không có kinh nghiệm thực hành; 42% số sinh viên thiếu kỹ năng làm việc nhóm.

Số liệu này giải thích tại sao, trong khi các nhà tuyển dụng rất khó thu hút được nhiều lao động chất lượng cao thì tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên lại cao nhất. Vào đầu năm 2017, số người thất nghiệp có trình độ đại học trở lên là 138,8 nghìn người; tỷ lệ thất nghiệp của nhóm này là 2,79%. Nhóm trình độ cao đẳng có 104,2 nghìn người thất nghiệp; tỷ lệ thất nghiệp nhóm này là 6%. Nhóm trình độ trung cấp có 83,2 nghìn người thất nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp là 3,08%.[3] Phần lớn những người có trình độ đào tạo cao đẳng, đại học sau khi được tuyển dụng vào làm việc đều phải đào tạo lại. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay chỉ ở mức 3,39/10 điểm; còn năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam xếp thứ 73/133 quốc gia được xếp hạng.

Trong tình hình ấy, Việt Nam đã đẩy mạnh hợp tác với cường quốc về công nghệ thông tin như Ấn Độ.  Thí dụ Trung tâm nguồn lực công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam - Ấn Độ tại Hà Nội (ARC-ICT), từ cuối năm 2011 đến nay đã bồi dưỡng, đào tạo hàng trăm học viện có trình độ cao về công nghệ thông tin cho Thủ đô Hà Nội và cả nước. Để tiếp tục hợp tác có hiệu quả trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đòi hỏi phải thường xuyên điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở mỗi nước trước tác động của quá trình phát triển công nghiệp 4.0.

Trong đó, trước tiên là đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện, đồng bộ ngành giáo dục - đào tạo để xây dựng, phát triển nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nói chung và yêu cầu đẩy mạnh phát triển công nghiệp 4.0 ở Việt Nam và Ấn Độ. Theo đó, cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống giáo dục theo hướng mở, hội nhập, thúc đẩy phân tầng, phân luồng, tổ chức, sắp xếp lại hệ thống giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học và dạy nghề. Khắc phục các bất hợp lý về quy mô đào tạo, cơ cấu trình độ ngành, nghề và cơ cấu vùng, miền; gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ. Chú trọng hơn nữa phát triển ngành tự động hóa, đầu tư cho các nhóm nghiên cứu sâu về các lĩnh vực kỹ thuật số, công nghệ thông tin, công nghệ phần mềm, thông tin vệ tinh, số hóa, năng lượng mới, vật liệu mới, công nghệ sinh học và sự tích hợp giữa chúng. 

Phương hướng chung là thực thực hiện tốt cơ chế, chính sách, pháp luật về phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ; coi trọng đào tạo đại học và trên đại học, cao đẳng và dạy nghề theo chuẩn khu vực và quốc tế; đẩy mạnh xã hội hóa, giao quyền tự chủ cho các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề công lập; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề, kể cả đội ngũ nhân lực chất lượng cao.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về giáo dục - đào tạo, tạo lập môi trường và điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà giáo, nhà khoa học có tài năng và kinh nghiệm của nước ngoài như Ấn Độ, hoặc người Việt Nam ở nước ngoài tham gia quá trình đào tạo và nghiên cứu khoa học, công nghệ tại các cơ sở giáo dục đại học; tiếp tục gửi sinh viên ra nước ngoài học tập, đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng của công nghiệp 4.0; thực hiện việc kết hợp giữa chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước với huy động các nguồn lực xã hội; kêu gọi đầu tư nước ngoài, thu hút các trường đại học, dạy nghề có đẳng cấp quốc tế vào hoạt động ở trong nước.

Đồng thời, Nhà nước cần tiếp tục đổi mới thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý từ Trung ương đến địa phương nhằm tạo môi trường thuận lợi cho phát triển nguồn nhân lực, khuyến khích phát triển thị trường nhân lực chất lượng cao; thị trường và sản phẩm khoa học, công nghệ theo hướng hội nhập khu vực và quốc tế; xây dựng môi trường pháp lý cho phát triển các ngành, nghề kinh doanh mới ở Việt Nam và Ấn Độ đang bắt đầu nảy nở từ phát triển công nghiệp 4.0.

Mặt khác, Nhà nước Việt Nam và Ấn Độ cũng cần có chính sách thỏa đáng để đẩy mạnh hợp tác khu vực và quốc tế trong nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ và  tạo lập, khai thác có hiệu quả những nguồn lực mới, trước tiên trong những ngành mũi nhọn về công nghệ của quốc gia; nâng cao chất lượng hoạt động của các vườn ươm công nghệ và doanh nghiệp công nghệ cao; có chính sách hỗ trợ hình thành và phát triển các vườn ươm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các trường đại học chuyên đào tạo về công nghệ; tăng cường hợp tác hiệu quả giữa Nhà nước, doanh nghiệp và các trường đại học công nghệ ở mỗi nước để thúc đẩy phát triển một số ngành chọn lọc của công nghiệp 4.0. Một phương hướng quan trọng là phải đẩy mạnh triển khai thực hiện phát triển các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, ví dụ ở các khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) và Thành phố Hồ Chí Minh tại Việt Nam; hoàn thiện chính sách nhập khẩu công nghệ, chủ động tham gia quá trình hoạt động của các khu công nghệ cao, các công viên phần mềm; ưu tiên tài trợ cho các tổ chức, cá nhân có công trình khoa học, công nghệ xuất sắc.

Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam và Ấn Độ cần có chính sách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ vốn là một nguyên tắc cơ bản của WTO, được hai nước đã cam kết bằng Luật sở hữu trí tuệ. Tuy vậy cần thấy rằng, thế giới phát triển đang chiếm giữ hơn 90% quyền sở hữu sáng chế, nên việc nhấn mạnh quá mức quyền bảo vệ này thì sẽ không công bằng cho các nước đang phát triển như Việt Nam và Ấn Độ. Thí dụ hiện nay hơn 80% bệnh nhân AIDS là thuộc về các nước đang phát triển, nhưng họ lại không có khả năng chữa trị do các nhà sản xuất thuốc tại các nước phát triển bán  thuốc quá đắt.  Yêu cầu đặt ra là phải hối thúc các tập đoàn xuyên quốc gia tại các quốc gia phát triển chuyển giao công nghệ miễn phí để sản xuất các loại thuốc cho bệnh nhân AIDS, với giá phải chăng nhằm cải thiện khả năng chữa bệnh cho người nghèo. Song cho đến nay, đòi hỏi này chưa được lưu tâm đúng mức. Hậu quả là người dân các nước đang phát triển đang phải trả giá cho sinh mạng và sức khỏe của mình vì những quy định ngặt nghèo của WTO về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.  

Vì thế, Việt Nam, Ấn Độ và các nước đang phát triển, trước hết trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cần coi trọng hợp tác để chống lại sự tác động tiêu cực của chủ trương bảo hộ sở hữu trí tuệ của WTO có lợi cho các nước phát triển, nhằm thiết lập sự cân bằng giữa việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ các quyền mà người dân nghèo tại các nước đang phát triển  đáng được hưởng; cần đòi hỏi WTO đấu tranh với các tập đoàn xuyên quốc gia thực hiện chính sách công bằng đối với khách hàng chủ yếu của họ tại các nước đang phát triển.

Nhìn chung, việc đẩy mạnh hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ trong xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, năng lượng, cơ khí chế tạo, khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao,... đang và sẽ kết nối không chỉ hàng không,  hàng hải giữa hai nước mà cả quan hệ giữa người dân hai quốc gia; từ đó góp phần thúc đẩy sự kết nối nội tại trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. (Xem tiếp phần 3)


[1]  Sebastian Schaal, So sieht der Arbeitsplatz der Zukunft aus (Hãy nhìn vào chỗ làm việc trong tương lai), 15. November 2015 https://www.wiwo.de/unternehmen/mittelstand/hannovermesse/industrie-4-0-so-sieht-der-arbeitsplatz-der-zukunft-aus/12583554.html

[2]  Năm 2016, lực lượng lao động của cả nước đạt khoảng 54,4 triệu người, chiếm khoảng 58,9% tổng dân số (Theo Ban Tuyên giáo Trung ương, Tài liệu nghiên cứu các Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nxb. CTQG, HN, 2017, tr. 112).

[3] Lê Hữu Lập, Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Báo Nhân Dân điện tử, ngày 9-4-2016


* PGS, TS Nguyễn Thanh Tuấn, Viện Nghiên cứu Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh 

** Bài tham luận Hội thảo khoa học quốc tế "Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh trong bối cảnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Tự do và rộng mở" tổ chức tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ngày 24/8/2018.​

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục