Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Phân tích diễn biến chính sách Trung Á của Ấn Độ sau Chiến tranh Lạnh (Phần 2)

Phân tích diễn biến chính sách Trung Á của Ấn Độ sau Chiến tranh Lạnh (Phần 2)

Từ năm 1991 khi các nước Trung Á giành được độc lập đến nay, chính sách Trung Á của Ấn Độ đã trải qua ba giai đoạn phát triển. Từ năm 1991 đến năm 1998, nhiệm vụ chủ yếu của chính sách Trung Á giai đoạn này là tăng cường sự tiếp xúc với các quốc gia Trung Á mới độc lập, tạo nền móng cho sự phát triển mối quan hệ của Ấn Độ và Trung Á. Từ năm 1998 đến năm 2001, cùng với tình hình quốc tế và nhu cầu phát triển Ấn Độ, các nước Trung Á đã trở thành đối tác quan trọng để Ấn Độ thúc đẩy phát triển kinh tế và chống lại chủ nghĩa khủng bố cực đoan. Từ năm 2001 đến nay, Ấn Độ đã tăng cường sự quan tâm và đầu tư của mình ở khu vực Trung Á, nỗ lực tăng cường hợp tác với các nước Trung Á về các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, an ninh, văn hóa v.v…, ảnh hưởng của Ấn Độ ở Trung Á cũng theo đó tăng lên. Mặc dù sự phát triển quan hệ của Ấn Độ với các nước Trung Á vẫn còn chịu một số hạn chế, nhưn

03:43 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

Phân tích diễn biến chính sách Trung Á của n Đ sau Chiến tranh Lạnh

Chu Minh*

II. Giai đoạn tăng cường hợp tác an ninh thương mại (1998 – 2001)

Cuối những năm 90 thế kỷ 20, sự phát triển quan hệ quốc tế và tình hình khu vực Trung Á yêu cầu Ấn Độ phải điều chỉnh chính sách Trung Á. Đầu tiên, tháng 5 năm 1998, thử nghiệm hạt nhân của Ấn Độ đánh dấu một sự thay đổi trong chiến lược quốc gia của họ, từ “chủ nghĩa bất tuân dân sự phi bạo động” đến “răn đe hạt nhân”. Theo đuổi vũ khí hạt nhân trở thành trụ cột của “chính sách đối ngoại và an ninh chủ động hơn, tự tin hơn” của Ấn Độ1. Ấn Độ hy vọng trong trường hợp không khuất phục bá quyền, có thể đóng một vai trò tương xứng với vị thế của mình trong các vấn đề toàn cầu và khu vực, điều này nhắc nhở Ấn Độ phải giữ thế chủ động tích cực hơn trong ngoại giao quốc tế. Thứ hai, các cuộc thử nghiệm hạt nhân có một số tác động đối với mối quan hệ giữa Ấn Độ và các nước Trung Á. Các nhà lãnh đạo Trung Á lo ngại rằng Ấn Độ và Pakistan triển khai một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới, đe dọa tình hình an ninh vốn đã mong manh của khu vực Trung Á. Trong bối cảnh này, Ấn Độ lo lắng Pakistan mô tả Ấn Độ như một quốc gia hiếu chiến, kích động cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân ở Nam Á, làm dấy lên hiện tượng chống Ấn Độ ở các nước Trung Á, dẫn đến sức ảnh hưởng của Ấn Độ trong khu vực giảm sút2. Thứ ba, sự cạnh tranh về tầm ảnh hưởng của nước lớn đối với Trung Á ngày càng trở nên khốc liệt. Ấn Độ tin rằng cuộc cạnh tranh này đang thay đổi tình hình địa chính trị ở Trung Á, và đã đem lại nhiều vấn đề tiêu cực đối với an ninh của Ấn Độ, ảnh hưởng đến sự cân bằng chiến lược ở Nam Á. Cuối cùng, cuối những năm 90, tổ chức Hồi giáo cực đoan ngày càng phát triển mạnh, gây up hiếp đến an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ Ấn Độ. Ấn Độ phát hiện, các nhóm cực đoan ở khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát và các nhóm cực đoan ở Pakistan, Afghanistan, các quốc gia Trung Á có liên kết với nhau, hoạt động của nhóm này có tác động trực tiếp đến hoạt động của nhóm kia. Hoạt động của chủ nghĩa khủng bố ở khu vực Trung Nam Á có thể kích thích mâu thuẫn giữa các khu vực, thúc đẩy Ấn Độ nghiêm túc xem xét ý nghĩa việc hợp tác sâu rộng hơn với các nước Trung Á.

Trong bối cảnh quốc tế và khu vực như trên, Ấn Độ đã tăng cường sự quan tâm và đầu tư vào khu vực Trung Á. Từ năm 1998 trở đi, Trung Á bắt đầu thực sự được Ấn Độ coi trọng. Lợi ích của Ấn Độ ở Trung Á trong giai đoạn này bao gồm: duy trì quan hệ hữu nghị với các nước Trung Á, đẩy mạnh giao lưu về kinh tế, khoa học và văn hóa, duy trì sự ổn định ở Trung Á, thúc đẩy xã hội đa nguyên ở Trung Á, cùng nhau phản đối chủ nghĩa cực đoan và khủng bố với các nước Trung Á. Cũng có nghĩa là, trong giai đoạn này, mối quan tâm chính của Ấn Độ là phát triển hợp tác kinh tế và an ninh với các nước Trung Á.

Trong lĩnh vực chính trị, Ấn Độ nỗ lực tăng cường quan hệ song phương với các nước Trung Á, củng cố và làm sâu sắc hơn ảnh hưởng của mình ở khu vực này trong giai đoạn trước đó. Tháng 4 năm 1999, tổng thống Kyrgyzstan Askar Akayev viếng thăm Ấn Độ, hai nước đã ký hiệp định tránh đánh thuế hai lần, hiệp định về các vấn đề hỗ trợ hình sự tư pháp và biên bản ghi nhớ các vấn đề hàng không dân sự. Tháng 5 năm 1999, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Jaswant Singh tới thăm Turkmenistan, hai bên đã ký thỏa thuận phát triển hợp tác ngoại giao hai nước. Tháng 5 năm 2000, Tổng thống Uzbekistan Karimov đến thăm Ấn Độ, hai bên đã ra tuyên bố chung và ký kết tám hiệp định. Ấn Độ còn cung cấp cho Tajikistan một số viện trợ nhân đạo (năm 1998, 1999), đồng thời cung cấp một khoản vay 10 triệu USD cho Uzbekistan. Ngoài ra, Ấn Độ cũng tích cực hưởng ứng các nước Trung Á thúc đẩy ​​an ninh khu vực, hỗ trợ sáng kiến của Kazakhstan trong Hội nghị châu Á về các biện pháp tương tác và tin cậy. Những chuyến viếng thăm, hiệp định thỏa thuận, và sự viện trợ này tiếp tục phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa Ấn Độ và các nước Trung Á, tăng cường sự tin cậy lẫn nhau.

Trong lĩnh vực kinh tế, hợp tác kinh tế giữa Ấn Độ và các nước Trung Á có được những tiến triển tốt. Trên cơ sở của giai đoạn đầu, Ấn Độ và các nước Trung Á tiếp tục ký kết một số thỏa thuận hợp tác liên chính phủ. Ví dụ như thông qua những chuyến viếng thăm giữa các nhà lãnh đạo Chính phủ cấp cao, thiết lập các nhóm làm việc chung, Ấn Độ và các nước Trung Á đã ký kết nhiều hiệp định liên quan đến việc đảm bảo cơ chế, pháp lý và cơ hội hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp của hai bên. Từ năm 1998 đến 2001, Ấn Độ đã đảo ngược xu hướng giảm sút khối lượng thương mại với năm nước Trung Á, khối lượng thương mại song phương tăng dần qua các năm. Ngoài ra, dưới sự chỉ đạo của Bộ Khoa học Công nghệ và hợp tác kinh tế (ITEC), Ấn Độ đã đề nghị và khởi động một số dự án hợp tác thương mại và khoa học kỹ thuật. Trong giai đoạn này, Ấn Độ cũng tích cực tiến vào lĩnh vực dầu mỏ Trung Á.

Trong lĩnh vực an ninh, Ấn Độ cũng có những bước tiến trong hợp tác với các nước Trung Á. Tháng 4 năm 2000, bộ trưởng ngoại giao của Turkmenistan đến thăm Ấn Độ để thảo luận về hợp tác giảm bớt mối đe dọa do chủ nghĩa khủng bố và buôn bán ma túy đem lại. Tháng 5 năm 2000, Tổng thống Uzbekistan Islam Karimov đến thăm Ấn Độ, hai bên họp bàn về các vấn đề chung như chống lại chủ nghĩa cực đoan và khủng bố tôn giáo. Trong hợp tác an ninh với năm quốc gia Trung Á, hợp tác quân sự giữa Ấn Độ và Tajikistan là chặt chẽ nhất. Từ năm 1998 trở đi,  Ấn Độ đều đặn tiến hành đào tạo học viên quân đội Tajikistan ở Học viện Quốc phòng Khadakwasla thành phố Pune3.

Ngoài việc hợp tác về an ninh, chính trị và kinh tế, Ấn Độ còn tích cực triển khai giao lưu về văn hóa, giáo dục với năm quốc gia Trung Á. Ví dụ như, hai bên tổ chức lễ hội văn hóa, cử các đoàn đại biểu văn hóa, tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Ngoài ra, Ấn Độ còn thông qua Bộ Khoa học Công nghệ và hợp tác kinh tế (ITEC) cung cấp các chương trình đào tạo về tài chính, công nghệ thông tin, quản lý nguồn nhân lực, tiếng Anh, y học..và các khóa kỹ thuật ngắn hạn cho 5 nước Trung Á.

Từ năm 1998 đến 2001, trọng điểm phát triển quan hệ giữa Ấn Độ và các nước Trung Á là hợp tác về thương mại và an ninh. Tuy Ấn Độ càng ngày càng coi trọng Trung Á, có ý đồ tăng cường can thiệp vào các vấn đề của khu vực này, nhưng vẫn chưa có những thay đổi mang tính đột phá so với chính sách “phản ứng” của giai đoạn trước, chỉ là thái độ “quan sát” tích cực hơn một chút với trước kia. Lý do Ấn Độ thận trọng với các vấn đề Trung Á được quyết định bởi các yếu tố sau: Thứ nhất, thiếu sức mạnh. So với 3 nước Nga, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ vẫn không có ưu thế về sức mạnh. Do đó, ngoài việc thỉnh thoảng dựa vào sự giúp đỡ của Nga để phát triển quan hệ với các nước Trung Á, Ấn Độ không thể không dựa vào hợp tác với các nước lớn ở khu vực láng giềng Trung Á như Iran để tăng cường sức ảnh hưởng của mình đối với khu vực này. Thứ hai, thiếu các phương tiện hiệu quả để tác động vào các nước Trung Á, điều này quyết định bởi nguyên nhân thứ nhất. Bởi sự phát triển của vũ khí hạt nhân, mối quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ ngày càng xấu, Ấn Độ không có biện pháp hiệu quả nào để can thiệp vào khu vực Trung Á. Thứ ba, do tình hình bất ổn ở Trung Nam Á. Cuối những năm 90, cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân do Ấn Độ và Pakistan mở ra ở Nam Á, cùng với việc Afghanistan, Taliban phát ra chủ nghĩa khủng bố với toàn khu vực Trung Nam Á, đã làm thay đổi tình hình địa chính trị ở khu vực Trung Nam Á. Hai lực lượng này vốn đã tồn tại đan xen về vấn đề tôn giáo, dân tộc với khu vực, khiến cho tình hình chính trị ở khu vực Trung, Nam Á ngày càng phức tạp. Tình hình  phức tạp này khiến Ấn Độ không dám tích cực tham gia các vấn đề Trung Á, chỉ có thể giữ thái độ quan tâm trên bề mặt. (Xem tiếp phần 3)

 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ dịch


1 Daniel Lak. “Ấn Độ tốc hành: Tương lai của một siêu cường mới (New York: Viking, 2008), tr.245.

2 Devendra Kaushik. “Ấn Độ và Trung Á: Đổi mới mối quan hệ truyền thống”, tr.243.

3 Nivedita Das Kundu. “Mối quan hệ song phương Ấn Độ - Tajikistan”. 2/9/2011.


* Nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành Chính trị quốc tế, Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế, trường Đảng Trung ương Trung Quốc.

Nguồn: Nghiên cứu Nam Á (Tiếng Trung), Số 1/2012, Tr.15-29

Nguồn:

Cùng chuyên mục