Phật giáo Ấn Độ du nhập và thăng hoa ở Việt Nam (Phần 4)
Phật giáo là một trong những tinh hoa văn hóa tinh thần của Ấn Độ, có nguồn gốc dài lâu, nội dung rộng lớn, giáo lý sâu sắc, với tinh thần từ bi hỉ xả, đáp ứng được việc giải tỏa những khổ đau của nhân sinh nơi trần thế, cho nên Phật giáo đã quy tụ được hàng triệu tín đồ và có ảnh hưởng sâu rộng không chỉ ở Ấn Độ mà còn lan tỏa ra khắp thế giới trong đó có Việt Nam.
Phật giáo Ấn Độ du nhập và thăng hoa ở Việt Nam
PGS. TS. Trần Lê Bảo*
Thành công này có nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân phải kể tới là vai trò của Phật giáo. Trước hết, Chúa là người hâm mộ đạo Phật và có đạo hiệu là Thiên Túng Đạo Nhân. Chúa cũng thấy được sức mạnh của triết lí Phật giáo trong việc định hướng quan niệm và lối sống cho sinh dân còn rất khốn khổ khi mở cõi Đàng Trong, Phật giáo cũng dậy con người biết giải thoát và thích ứng, biết bao dung từ bi hỉ xả hướng thiện… đối với con người. Vì vậy, Chúa cũng cho xây dựng nhiều chùa chiền (chùa Thiên Mụ Huế) đúc chuông, tạc tượng ở nhiều nơi. Trong thời gian trị vì, Chúa cho mời nhà sư Thạch Liêm Thích Đại Sán từ Trung Hoa sang để chấn chỉnh Đạo Phật ở Đàng Trong, khi về nước, nhà sư có viết sách Hải ngoại ký sự hết lời ca ngợi Chúa.
Trong thời Chúa Nguyễn Phúc Chu, triều đình vừa phải tổ chức chiến tranh cầm cự với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài lại chuẩn bị chiến tranh bình định Chiêm Thành ở phía trong. Vì vậy, nam thanh niên lúc bấy giờ không đi lính cũng đi tu. Sức sản xuất chỉ còn trông chờ vào phụ nữ. Vậy nên khi thấy số lượng phụ nữ Đại Việt nhiều hơn nam giới ở Thuận Hóa, Thạch Liêm Đại Sán cho rằng luân lí Trung Hoa khắc nghiệt trói buộc phụ nữ không ra khỏi nhà, còn phụ nữ Đại Việt mà ông gặp nhiều hơn nam giới là thứ phong tục “dâm mĩ” chưa có sự giáo hóa của thánh nhân. Điều nhận xét của Thạch Liêm cho thấy Phật giáo Đàng Trong phát triển sâu rộng tới mức nhiều nam thanh niên đã tự giác xuống tóc đi tu nếu không đi lính.
Mặc dù vậy cũng có thể khẳng định thế kỉ XVII Phật giáo Đại Việt có sự phục hưng mạnh mẽ với việc hoằng dương Phật pháp, xây dựng chùa chiền miếu mạo, thấm sâu vào đời sống tâm linh cộng đồng các dân tộc ở Đại Việt. Phật giáo vẫn được nhà vua lựa chọn như một yếu tố quan trọng phù trợ chính quyền để định hướng xã hội, định hướng nhân tâm, dung hòa bớt những mâu thuẫn trong cuộc sống cộng đồng Đàng Trong.
Chúa Nguyễn Phúc Chu đã thừa kế được phong trào Phật giáo này để xây dựng chính quyền chuyên chế phong kiến và ông đã đạt được nhiều thành tựu trong 34 năm cầm quyền. Chúa đã đóng góp nhiều công lao vào việc mở mang đất nước; cũng như thực hiện nhiều tiến bộ về xã hội ở Đàng Trong vào cuối thế kỉ XVII đầu thế kỷ XVIII. Chúa đã ứng xử hài hòa giữa quyền lực chính trị của nhà vua và vai trò của Phật giáo. Vì vậy Chúa được tôn là Bồ tát Minh Vương. Chí hướng và tâm nguyện hướng Phật của Chúa được thể hiện trong một bài “minh” do Chúa viết trên chiếc chuông đồng tại chùa Thiên Mụ (Thuận Hóa) đúc năm 1710: “Duy nguyện phong điều vũ thuận, quốc thái dân an, pháp giới chúng sinh đồng viên chủng trí” (Nguyện cầu gió hòa mưa thuận, nước thịnh dân an, phổ độ chúng sinh đều được vẹn toàn trí tuệ). Đó là tâm nguyện của bậc minh quân gắn với Phật giáo sâu sắc.
Tóm lại, mối quan hệ giữa vương quyền và Phật giáo là một mối quan hệ đặc sắc trong văn hóa Đại Việt. Mối quan hệ này chẳng những cho thấy sự gắn bó chặt chẽ máu thịt của Phật giáo Việt Nam với vận mệnh dân tộc với Tổ quốc thiêng liêng và với từng tâm hồn của người Việt Nam mà còn cho thấy những vị vua sáng nếu biết vận dụng triết lí sáng suốt đầy tính nhân văn của Phật giáo trong việc trị nước nhất định sẽ thu được những thành tựu lớn lao, sẽ sống mãi trong lòng dân tộc. Mô hình điển hình của ba vị vua gắn với Phật giáo trong các thời kì khác nhau của lịch sử dân tộc đã là một minh chứng tốt đẹp của mối quan hệ hài hòa giữa vương quyền và thần quyền rất Việt Nam, cũng là quá trình bản địa hóa và hoằng dương thăng hoa phật giáo Ấn Độ tại Việt Nam.
Tài liệu tham khảo chính
1. Trần Lê Bảo, (12/2010), Tư tưởng Thiền của Ngự Hoàng Trần Nhân Tông qua bài Thiên Trường vãn vọng Kỷ yếu Hội thảo QG tại Bắc Giang
2. Trần Lê Bảo, (4/2011), Thiền phái Trúc Lâm và văn hóa dân tộc Kỷ yếu Hội thảo QT Khuông Việt, Thiền Viện Sóc Sơn, Hà Nội
3. Trần Lê Bảo, (8/2011) Từ Thái tổ Lý Công Uẩn, đến Phật hoàng Trần Nhân Tông và đến Bồ tát Minh vương Nguyễn Phúc Chu Kỷ yếu Hội thảo QG Bồ tát Minh vương Nguyễn Phúc Chu Tại TP Hồ Chí Minh
4. Trần Lê Bảo,(2013) Bảo tồn và phát huy giá trị Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, Hội thảo quốc tế tại Bắc Giang. Trang tin điện tử ĐCSVN.
4. Thích Thanh Đạt. (2000). Thiền phái Trúc Lâm thời Trần. Hà nội, Viện sử học - TT nghiên cứu KHNV quốc gia, luận văn Tiến sỹ.
5. Trần Tuấn Khải. (1971). Tam tổ hành trạng. Tp.Hồ chí Minh, Nxb Nguyễn Văn Huân.
6. Thích Đức Nghiệp. (1995). Đạo Phật Việt nam. Tp. Hồ chí Minh, Thành hội Phật giáo Tp. Hồ chí Minh ấn hành.
7. Thích Thông Phương. (2003). Thiền Phái Trúc Lâm Yên tử. Hà Nội, Nxb Tôn Giáo.
8. Thích Phước Sơn. (1995). Tam Tổ Thực lục. Tp. Hồ chí Minh, Nxb Gia Định.
9. Thích Mật Thể. (2004). Việt nam Phật giáo sử lược. Hà nội, Nxb Tôn giáo.
10. Thích Minh Tuệ. (1993). Việt nam Phật giáo sử lược. Tp. Hồ Chí Minh, Nxb Sài Gòn.
11. Thích Thanh Từ. (1997). Tam Tổ Trúc Lâm Giảng Giải. Tp. Hồ Chí Minh, Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh ấn hành.
12. Liễu Triệu Hanh (Đài Loan) (2011) Phật giáo Minh Thanh ở Thuận Hóa: Nhận thức lại thế giới quan của Thạch Liêm Đại Sán trong Hải ngoại kỉ sự (Kỉ yếu Hội thảo khoa học Quốc tế Quốc sư Khuông Việt và Phật giáo Việt Nam đầu kỉ nguyên độc lập tr 426 -429).
* Đại học Sư phạm Hà Nội
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục