Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Phật tính trong nền ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ (Phần 1)

Phật tính trong nền ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ (Phần 1)

03:39 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Phật tính trong nền ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ

TS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh*

1. Mở đầu

Dù ngày nay số lượng người theo Phật giáo chỉ còn 1% dân số ở Ấn Độ theo định luật biến thiên, di chuyển của thời đại (có thịnh tất phải có suy), song ánh sáng từ bi, bình đẳng, bác ái - những giá trị ưu mỹ vốn có của Phật giáo vẫn không hề mất đi mà tiếp tục soi rọi trên chính đất mẹ Ấn Độ và lan tỏa ra nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam chúng ta, góp phần định diện bản sắc văn hóa dân tộc nói chung và văn hóa ngoại giao nói riêng của hai nước Việt - Ấn. Trong bối cảnh hiện nay khi mà chiến tranh, xung đột đang không ngừng diễn ra khắp mọi nơi, đe dọa nền hòa bình, thịnh vượng chung của toàn thế giới thì hơn lúc nào hết, tư tưởng bình đẳng, hòa ái của Phật giáo và đường lối ngoại giao mang đậm Phật tính ở Ấn Độ, Việt Nam... càng trở nên hấp dẫn, thôi thúc chúng ta đi sâu khám phá để tìm ra được lời giải cho bài toán hòa bình đang đặt ra đối với toàn nhân loại.

2. Nội dung nghiên cứu

a. Đôi nét về đặc trưng của Phật giáo Ấn Độ - Việt Nam và mối quan hệ giữa Phật giáo với chính trị trong lịch sử

Chúng ta biết rằng, trước khi có Phật Giáo, Ấn Độ chưa từng biết đến những đạo lý về sự bình đẳng bởi lúc này bao trùm và chi phối toàn bộ xã hội Ấn là sự phân chia đẳng cấp hết sức gay gắt, trong đó đứng đầu là người Bà La Môn và dưới đáy xã hội là người thuộc giai cấp Thủ Đà La. Ngay cả những hình phạt về sự phạm tội cũng được đặt trên nền tảng khác biệt về mặt giai cấp. Đến khoảng cuối thế kỷ thứ 6 tr.CN ở bắc Ấn Độ, một trào lưu triết học - tôn giáo mới xuất hiện. Đó chính là Phật giáo do Tất Đạt Đa (Siddhatha), thái tử của vua Tịnh Phạn (Suddhodana) thuộc bộ tộc Sakiya sáng lập.

Điều đáng nói, không một hệ tư tưởng nào mà lẽ công bằng, bình đẳng lại được đẩy đến tột cùng như ở Phật giáo. Không giống với nhiều tư tưởng tôn giáo khác, Phật giáo xây dựng hệ thống giáo lý của mình trên cái nền bình đẳng giữa người và người: mọi người đều bình đẳng về nỗi khổ và khả năng giải thoát trên trên con đường tu tập. Và cũng khác với nhiều hệ tư tưởng triết học chỉ đề cao sự bình đẳng giữa người và người, Phật giáo còn mở rộng sự bình đẳng giữa Phật, người và chúng sinh nói chung. Có lẽ chỉ có Phật giáo là tôn giáo cổ xúy cho chúng sinh tu để bằng Phật, tức là ngang hàng với Phật - ngang hàng với Phật ở đây không chỉ riêng với Đức Phật Thích Ca mà còn đối với tất cả các vị Phật, Đại Bồ Tát của 10 phương chư Phật. Chính vì lẽ này mà sự bình đẳng của Phật giáo đã được đẩy đến lẽ tột cùng.

Bên cạnh tinh thần “Bình đẳng” nói trên, điểm đặc biệt là học thuyết xã hội của Phật giáo, nhất là Phật giáo Đại Thừa còn được hình thành trên nền tảng tư tưởng từ bi, hỷ, xả. Từ nghĩa là ban phát tình thương cho chúng sinh. Bi là xót thương nỗi bất hạnh khổ đau của loài hữu tình, Hỷ là hân hoan chia sẻ niềm vui với kẻ khác. Xả là giữ tâm bình đẳng đối với mọi loài. Phật giáo khuyên tất cả mọi người đều nên nuôi dưỡng và phát huy bốn tâm thái này. Đây được xem là những phẩm tính ưu trội nhất của Phật giáo. Nhờ những phẩm tính này mà trong con mắt của nhà Phật, tất cả chúng sinh đều có Phật tính và đều có khả năng thành Phật. Hết thảy mọi tội ác mà con người gây ra đều là do nơi vô tri (Phật giáo gọi là vô minh) dẫn dắt. Do vậy, hết lòng khuyên bảo, đêm ngày khai đạo, đem lòng từ để cảm hóa thì có thể thay đổi tâm tính và khôi phục được thiện lương trong mỗi con người. Tâm từ bi, hỷ xả ấy đã đưa Phật giáo trở thành tôn giáo giàu tinh thần khoan dung, vị tha, hòa hiếu hơn hết thảy. Và tinh thần từ bi, bình đẳng ấy cũng chính là nền tảng của chủ nghĩa hòa bình trong đường lối ngoại giao Ấn Độ xưa nay.

Những giáo lý mang nặng tính triết lý, đạo đức này trên thực tế đã có ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều quốc gia, dân tộc, trong đó có Việt Nam chúng ta. Thường được ví là cái lưng của bán đảo Ấn - Trung, Việt Nam có vị trí địa lý nằm giữa Ấn Độ và Trung Hoa. Chính địa thế này mà hơn ở đâu hết, Việt Nam có điều kiện tiếp xúc với văn hóa từ hai quốc gia Trung - Ấn. Sự truyền bá Phật giáo vào Việt Nam theo đường biển và cùng với đó là sự hiện diện của Trung tâm Phật giáo nổi tiếng ở Luy Lâu (Bắc Ninh) từ những năm đầu của kỷ nguyên Tây lịch là một minh chứng tiêu biểu. Suốt hơn 20 thế kỷ tiếp đó, trải qua bao biến thiên của thời gian và bao thẩm định nghiệt ngã của lịch sử, Phật giáo đã thực sự dự nhập vào dòng chảy văn hóa Việt và trở thành Phật giáo Việt Nam. Với những tư tưởng về “vô thường, vô ngã”, “từ, bi, hỷ, xả”, “nghiệp chướng”, “luân hồi”, “nhân quả”..., Phật giáo đã thực sự phần nào giải đáp được những trăn trở mang tính triết lý nhân sinh đặt ra cho mỗi người dân đất Việt. Hơn thế, đối tượng giáo dục mà Phật giáo hướng tới trong lĩnh vực đạo đức xã hội chính là con người với tư cách là chủ thể và mục đích của Phật giáo cũng không gì khác chính là hướng dẫn, chỉ dạy cho con người con đường khai mở tâm thức, phát triển trí tuệ trực giác, hướng đến giác ngộ giải thoát. Đó là con đường chuyển hóa nội tâm theo luật nhân quả, hướng đến tính thiện vốn có trong mỗi người với lẽ công bằng, bác ái, từ, bi, hỷ, xả, không oán ghét, thù hận... Rõ ràng, một khi đặt con người ở vị trí trung tâm như vậy thì lẽ tất yếu Phật giáo cũng đồng thời khẳng định những giá trị mang tính nhân văn chứa đựng trong giáo lý của mình mà mỗi chúng ta đều có thể tự soi chiếu vào đó để thức ngộ nhận ra chính bản thân và thế giới xung quanh. Chính nhờ những giá trị nhân bản sâu sắc ấy mà Phật giáo đã bám rể bền chặt trong tâm thức người Việt từ xưa đến nay.         

Tuy đề cao tinh thần hòa bình, bất bạo động và vô hại như vậy nhưng Phật giáo không hề phủ nhận việc phải trang bị quân đội như một lẽ tất yếu, nhất là khi Ấn Độ, Việt Nam đều là những nước nằm ở vị trí xung yếu thì trong những trường hợp bất khả kháng, việc dùng đến bạo động được xem là cần thiết và thích hợp, không hề mâu thuẫn với bản chất hòa bình vốn có của nó. Ngay Kinh Phương tiện thiện xảo cũng có ghi lại rằng, trong một kiếp quá khứ, khi đức Phật còn hành Bồ Tát Hạnh, ngài đã từng giết một tên cướp để cứu 500 thương gia. Lúc ấy Bồ Tát nghĩ rằng, nếu báo cho các thương gia hay ý đồ của tên cướp, các thương gia sẽ nổi giận và giết tên cướp kia. Như thế họ sẽ không giữ trọn Bồ Tát nguyện và gây tạo ác nghiệp. Còn nếu Bồ Tát im lặng thì tên cướp cũng sẽ gây tội ác và đọa địa ngục. Nếu tên cướp không giết người mà qua đời thì hắn sẽ được lên cõi trời. Vì thế, Bồ Tát quyết định giết tên cướp. Câu chuyện này cho thấy tính linh động của giới luật và cả sự sáng suốt trong trí tuệ Phật giáo theo truyền thống Đại Thừa. Dù phạm phải giới sát, nhưng ở đây, vị Bồ Tát vẫn chưa tạo trọng nghiệp vì hành vi của Ngài phát xuất từ động cơ tích cực và tấm lòng lân mẫn[1]. Hơn thế, ngay từ thời niên thiếu, Đức Phật cũng là người rất tinh thông võ nghệ, sử dụng thành thục nhiều loại vũ khí khác nhau... Hay ở Việt Nam, dù Trần Nhân Tông và Thiền Phái Trúc Lâm do Người sáng lập ở thế kỷ XIII khuyến khích mọi người tu thiền “săn hỷ xả, nhuyễn từ bi”, “tích nhân nghì, tu đạo đức”, “cầm giới hạnh, đoạn ghen tham” nhưng lại không hề chấp nhận “trì giới và nhẫn nhục”, nhất là không chấp nhận giữ giới (nhất là giới sát) và nhẫn nhục cúi đầu làm nô lệ cho kẻ thù ngoại bang tàn bạo. Đây rõ ràng cũng là nét đặc sắc mang đậm cảm thực nhập thế của dòng Phật Đại Việt lúc bấy giờ, thể hiện sự tương dung của Phật giáo Ấn Độ trong bối cảnh cụ thể của lịch sử Việt Nam.

Rõ ràng, Phật giáo ở hai nước Ấn - Việt không hề phủ nhận va chạm, cũng không hề phản đối việc trang bị vũ khí và học cách sử dụng vũ khí, mà điều đáng nói ở đây là cách thức ứng xử của Phật giáo với những va chạm, xung đột ấy như thế nào. Bất luận trong mọi hoàn cảnh, nguyên tắc bất biến mà Đức Phật và những những bậc Chuyển luân Thánh vương trong lịch sử hai nước luôn tuân thủ là nguyên tắc hòa bình và nguyên tắc ấy được thực thi trên tinh thần từ bi, khoan dung, bình đẳng. Từ đây, chúng ta sẽ thấy nguyên tắc hòa bình ấy của Phật giáo trên mọi phương diện của đời sống mà rõ nét hơn cả là lĩnh vực ngoại giao - một lĩnh vực hoạt động cần có sự huy động đến tối đa sức mạnh của sự hòa giải - yêu thương - hướng thiện. (Xem tiếp phần 2)


* Khoa Việt Nam học - Đại học Sư phạm Hà Nội.

[1] Nguyên lý hòa bình trong Phật giáo Đại Thừa, http://phathocdoisong.com/news/nguyen-ly-hoa-binh-trong-phat-giao-dai-thua.d-2181.aspx

Nguồn:

Cùng chuyên mục