Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ Ấn Độ - ASEAN và một số tác động đến quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI (Phần 1)

Quan hệ Ấn Độ - ASEAN và một số tác động đến quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI (Phần 1)

Trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI, Ấn Độ như “một con sư tử đang chuyển mình”, đang phấn đấu trở thành một cường quốc khu vực, một cực có vai trò chi phối thế giới nên việc tăng cường quan hệ toàn diện với các nước ASEAN mà với Việt Nam là một ưu tiên hàng đầu; bên cạnh đó, quan hệ toàn diện với Ấn Độ cũng là một trọng điểm của các nước ASEAN.

02:35 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ n Độ - ASEAN và một số tác động đến
quan hệ
Việt Nam - n Độ trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI

PGS, TS Nguyễn Tất Giáp*

1. Khái quát chung về tình hình Ấn Độ và ASEAN 

Ấn Độ là một cường quốc khu vực Nam Á với dân số gần 1,2 tỷ người,  diện tích khoảng 3,3 triệu km2. Sau Chiến tranh Lạnh, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô bị tan rã, điều này đã tác động và ảnh hưởng không nhỏ đến sự ổn định và phát triển đối với các nước thuộc thế giới thứ ba. Liên Xô và khối Đông Âu cũ vốn là những bạn hàng lớn, truyền thống của Ấn Độ; cùng với cuộc khủng hoảng sau cuộc chiến tranh vùng Vịnh khiến Ấn Độ mất đi sự giúp đỡ nguồn vốn, thị trường truyền thống, nền kinh tế yếu kém và trì trệ của Ấn Độ đã hoàn toàn rơi vào khủng hoảng. Kết quả là Đảng Quốc đại, đảng lâu đời nhất, là chính đảng đã có nhiều đóng góp và công lao nhất cho đất nước trong hơn 100 năm đã bị mất quyền lãnh đạo trong cuộc bầu cử 1989. Những năm 90 của thế kỷ XX, Ấn Độ đã cố gắng thực hiện một số biện pháp điều chỉnh quan trọng để vực dậy nền kinh tế đang trong tình trạng suy giảm nghiêm trọng.

  Ấn Độ còn được biết đến là một trong những nền văn minh lâu đời nhất thế giới, là quốc gia đa dạng về sắc tộc, chủng tộc, tôn giáo, là một cường quốc mới nổi và giàu tiềm năng, trở thành một trong những trụ cột của thế giới tương lai. Từ khi giành được độc lập ngày 15/8/1947, Ấn Độ đã thi hành chính sách đối ngoại với những nguyên tắc cơ bản là trung lập và không liên kết, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc về độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, về hòa bình và công lý; ủng hộ phong trào Giải phóng dân tộc, đấu tranh cho hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân tái xâm lược các nước trên thế  giới. Chính sách đối ngoại của Ấn Độ hiện nay luôn theo đuổi việc thiết lập một trật tự thế giới đa cực; thể hiện rõ nét và nhất quán đối với sự nghiệp xây dựng mối quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với các nước Đông Nam Á nói chung; trong đó Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa chính sách “Hành động phía Đông” của nước này.

  Đông Nam Á là khu vực nằm ở phía đông nam của châu Á. Với diện tích 4,5 triệu km2 và khoảng 600 triệu dân, trong đó 85% dân số tập trung ở bốn nước là Inđôxia, Việt Nam, Thái Lan và Philippin. Khu vực Đông Nam Á đã có ảnh hưởng lớn của văn hóa Ấn Độ với những dấu ấn còn được lưu giữ lại trên nhiều phương diện như: lịch sử, văn học, kiến trúc, tôn giáo, nghệ thuật, ngôn ngữ…

Đông Nam Á là khu vực có vị trí địa chiến lược trên bản đồ chính trị, quân sự và kinh tế của thế giới; do nằm ở ngã tư đường nối các khu vực Đông Bắc Á, Nam Á, châu Úc, nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc vào đầu những năm 90, nhiều quốc gia đã trở thành các nước có nền kinh tế công nghiệp hóa mới (NIC), tạo ra động lực cho sự phát triển năng động của toàn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và ngày càng có vị trí, vai trò quan trọng trên bản đồ kinh tế, chính trị, an ninh thế giới.

  Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã trải qua quá trình phát triển (1967 - 2016) ASEAN với 5 thành viên, ngày nay cộng đồng ASEAN gồm 10 thành viên được hình thành dựa trên 3 trụ cột: Cộng đồng chính trị - an ninh, Cộng đồng kinh tế, Cộng đồng văn hóa - xã hội. Đây là tổ chức khu vực không chỉ mở rộng về số lượng thành viên, mà còn là quá trình hiện thực hóa nhu cầu và nguyện vọng xích lại gần nhau, hướng tới sự hài hòa lợi ích, hòa bình và thịnh vượng của các quốc gia có chế độ chính trị - xã hội khác nhau. Những năm 70 - 80 của thế kỷ XX, ASEAN đã chủ trương mở rộng quan hệ hợp tác với các nước bên ngoài hiệp hội. Ngoài quan hệ song phương, ASEAN tiến tới thực hiện các cơ chế hợp tác như: ASEAN +1 (với từng đối tác), ASEAN +10 (với 10 đối tác), ASEAN + 3 (với 3 nước Đông - Bắc Á: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc). Bên cạnh đó là các diễn đàn đa  phương mà ASEAN là hạt nhân: Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC); Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF); Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM)...Trong số các bên đối thoại của ASEAN, cho tới nay một số cường quốc đã có vị trí, vai trò nổi trội trong tiến trình hợp tác theo cơ chế ASEAN như Nga, Mỹ, Trung  Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ...

2. Quan hệ Ấn Độ - ASEAN

Về Chính trị - ngoại giao

ASEAN - Ấn Độ được thiết lập quan hệ Đối thoại từng phần vào năm 1992, thành viên Đối thoại đầy đủ năm 1995 và Đối tác cấp Thượng đỉnh vào năm 2002. Tháng 12/2012, tại Hội nghị cấp cao kỷ niệm 20 năm quan hệ đối thoại ASEAN - Ấn Độ, hai bên đã tuyên bố nâng cấp quan hệ lên thành đối tác chiến lược. Sau khi Thủ tướng N. Modi lên nắm quyền vào tháng 5/2014, “Chính sách hướng Đông” được chuyển thành “Hành động phía Đông”, tạo đà phát triển mới cho quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ - ASEAN. Ngày 17/2/2016, tại thủ đô New Delhi đã diễn ra Đối thoại Delhi lần thứ 8 với chủ đề “Mối quan hệ ASEAN - Ấn Độ: Một mô hình mới” nhằm tăng cường, củng cố và thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ giữa Ấn Độ và ASEAN, điều này khẳng định hai bên có tiềm năng lớn trong việc tạo ra các chuỗi giá trị khu vực như một lực đẩy cho hội nhập kinh tế khu vực.

Với những hoạt động và hợp tác thiết thực: Hội nghị cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 11 tại Brunei tháng 10/2013, các lãnh đạo đã hoan nghênh tiến triển đạt được trong thời gian qua và ký Hiệp định Thương mại Dịch vụ và Đầu tư (tháng 8/2013), nhất trí đẩy mạnh triển khai Tuyên bố Tầm nhìn được thông qua tại Cấp cao Kỷ niệm ASEAN - Ấn Độ (New Delhi, 12/2012), tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên như thương mại, đầu tư, kết nối cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, biến đổi khí hậu và quản lý thiên tai, giao lưu nhân dân... Ấn Độ khẳng định cam kết tiếp tục hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng, triển khai kết nối và tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực. Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh việc duy trì an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông và ủng hộ các nguyên tắc của ASEAN về vấn đề này.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 12: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ASEAN và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đánh giá cao việc nâng quan hệ hai bên lên Đối tác chiến lược. Ấn Độ khẳng định quan hệ đối thoại ASEAN - Ấn Độ là một trụ cột chính trong chiến lược “Hành động phía Đông”. ASEAN - Ấn Độ nhất trí đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực ưu tiên chung như chống khủng bố, tăng cường hợp tác hàng hải, công nghệ thông tin và viễn thông, kết nối, giáo dục, du lịch, văn hóa, thu hẹp khoảng cách phát triển, năng lượng, lương thực, quản lý thiên tai; đồng thời quyết tâm đưa kim ngạch thương mại giữa ASEAN và Ấn Độ đạt 100 tỷ USD vào năm 2015 và sớm kết thúc đàm phán Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực. Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác chặt chẽ về hàng hải, đặc biệt tập trung vào vấn đề an ninh biển và ứng phó với các thách thức trên biển. Với vai trò Điều phối viên quan hệ ASEAN - Ấn Độ (giai đoạn 2015-2018), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Việt Nam cam kết thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa ASEAN và Ấn Độ. Thủ tướng cũng đề nghị ASEAN và Ấn Độ tăng cường kết nối cả về đường bộ, đường không, đường biển và kỹ thuật số. Ấn Độ tiếp tục hỗ trợ ASEAN triển khai Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN, tăng cường hợp tác Sông Mê Công - Sông Hằng cũng như dự án xây dựng Hành lang Kinh tế Mê Công - Ấn Độ, mở rộng Tuyến đường cao tốc Tam giác Ấn Độ - Myanmar - Thái Lan sang Lào và Campuchia… Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị cũng hoan nghênh những kết quả triển khai Kế hoạch Hành động ASEAN - Ấn Độ giai đoạn 2011 - 2015 và nhất trí sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ thông qua việc thực hiện hiệu quả Kế hoạch Hành động mới giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có hợp tác về kinh tế, thương mại, kết nối, khoa học công nghệ, năng lượng tái tạo, an ninh lương thực, du lịch, biến đổi khí hậu. Hai bên thúc đẩy hợp tác kết nối trên cả 3 khía cạnh cơ sở hạ tầng, thể chế và con người, trong đó có thúc đẩy thảo luận về Hiệp định Giao thông Hàng hải ASEAN - Ấn Độ nhằm tăng cường kết nối hàng hải. Hai bên cũng nhất trí tiếp tục tăng cường thương mại, đầu tư, tương xứng với tiềm năng của cả hai bên; theo đó, tái khẳng định cam kết và thúc đẩy các sáng kiến nhằm tăng thương mại hai chiều lên mức 200 tỷ USD vào năm 2022.

Ngày 29/6/2016, tại Jakarta, Ủy ban Hợp tác chung ASEAN - Ấn Độ (JCC) đã họp phiên thứ 16, dưới sự đồng chủ trì của Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại ASEAN Nguyễn Hoành Năm và Đại sứ Ấn Độ tại ASEAN, ông Suresh. K. Reddy. Ấn Độ đánh giá cao những thành tựu phát triển gần đây của ASEAN, thông qua các văn kiện Tầm nhìn ASEAN 2025, khẳng định coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN, ủng hộ nỗ lực củng cố cấu trúc khu vực và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt. Là một đối tác tích cực của ASEAN, Ấn Độ mong muốn tiếp tục hỗ trợ ASEAN củng cố Cộng đồng, đẩy mạnh hợp tác về kinh tế, cam kết giúp các nước Lào, Campuchia, Myanmar và Việt Nam thu hẹp khoảng cách phát triển, mở rộng các dự án kết nối rộng hơn giữa hai khu vực, cam kết phấn đấu hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) theo thời hạn đã đề ra, sớm thông qua và đưa vào hiệu lực Hiệp định khung về hàng không giữa ASEAN và Ấn Độ... Các nước ASEAN hoan nghênh sự phát triển vượt bậc của Ấn Độ thời gian qua, nhất là về phát triển kinh tế; đánh giá cao các chiến dịch lớn đang diễn ra ở Ấn Độ như Make in India, Digital India, Start-up India…, mong Ấn Độ chia sẻ và trao đổi các kinh nghiệm phát triển, hướng tới phục vụ lợi ích người dân. Tại cuộc họp, hai bên ghi nhận các kết quả tích cực trong triển khai Kế hoạch hành động ASEAN - Ấn Độ giai đoạn 2016 - 2020, với 30/130 dòng hành động đã được thực hiện (chiếm tỷ lệ gần 23%); chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2016, trong đó có 13 hoạt động trong lĩnh vực chính trị an ninh, 10 hoạt động về hợp tác kinh tế, 04 hoạt động về văn hóa - xã hội và 03 hoạt động hợp tác xuyên ngành. Hai bên cũng đã trao đổi các ý tưởng, đề xuất để xây dựng các lĩnh vực ưu tiên 3 năm (2016-2018) nhằm triển khai Kế hoạch hoạt động ASEAN - Ấn Độ (2016-2020) và xây dựng danh mục các hoạt động chuẩn bị kỷ niệm 25 năm quan hệ ASEAN - Ấn Độ vào năm 2017. Bên cạnh đó, hai bên cũng đã cơ bản hoàn tất đàm phán Bản ghi nhớ (MOU) thành lập Trung tâm ASEAN - Ấn Độ và chuẩn bị cho việc ký kết thời gian tới1. (Xem tiếp phần 2)


* Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

1 http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/30011002-quan-he-doi-tac-chien-luoc-asean-an-do-di-vao-chieu-sau.html

Nguồn:

Cùng chuyên mục