Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ Ấn Độ - Việt Nam: Từ cơ sở đến kiến trúc thượng tầng (Phần 3)

Quan hệ Ấn Độ - Việt Nam: Từ cơ sở đến kiến trúc thượng tầng (Phần 3)

03:17 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 2)

Quan hệ Ấn Độ - Việt Nam: Từ cơ sở đến kiến trúc thượng tầng

Ambassador Neeklakantan Ravi*

Lĩnh vực nông nghiệp

Cả hai nước đều có phần lớn dân số làm nghề nông. Ở Ấn Độ, gần 60% nhân công có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến nông nghiệp. Ở Việt Nam, con số này cũng tương đương, nghĩa là 60% người lao động làm trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và đánh cá. Do đó, nông nghiệp rất phù hợp cho hợp tác đôi bên cùng có lợi.

Ngay sau khi Việt Nam thống nhất trở lại, Ấn Độ đã hỗ trợ Việt Nam thành lập Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (CLRRI) với hạn mức tín dụng được cấp vào tháng 2/1976. Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long đã đóng góp đáng kể trong việc biến Việt Nam từ một nước nhập khẩu hoàn toàn gạo cuối những năm 1980 trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới. Nhiều nhà khoa học lỗi lạc (hơn 60 người) thuộc Viện này được đào tạo ở Ấn Độ theo chương trình hợp tác kỹ thuật và kinh tế (ITEC) và trao đổi văn hóa. Ấn Độ cũng đã hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhiều nhà nghiên cứu ở các viện nghiên cứu và đào tạo khác về nông nghiệp, gồm Viện Nghiên cứu công nghệ sau thu hoạch, Đại học Thủy lợi, Đại học Nông nghiệp Việt Nam, v.v.. Việc sử dụng công nghệ thông tin và các ứng dụng công nghệ dựa trên vệ tinh nhân tạo trong nông nghiệp, quản lý nguồn nước và biển là những lĩnh vực mà thế hệ nhà khoa học trẻ có thể được đào tạo trong thế kỷ mới. Dựa vào trình độ chuyên môn hiện tại của Ấn Độ, hai nước cũng đang nghĩ đến việc tận dụng năng lực của nhau trong ngành nông nghiệp nhằm đóng góp vào an ninh lương thực. Hơn nữa, bảo vệ và duy trì nguồn nước là thiết yếu ở Việt Nam. Do đó, hợp tác song phương có thể chú trọng vào việc đem lại lợi ích to lớn cho Ấn Độ.

Như đã đề cập trước đây, trong lĩnh vực nông nghiệp, hàng hóa nông nghiệp và sản phẩm của ngành chế biến thực phẩm tiếp tục là những mặt hàng quan trọng trong thương mại song phương. Ba mặt hàng chính xuất khẩu từ Ấn Độ gồm: (i) thức ăn gia súc; (ii) thực phẩm nguồn gốc thực vật; và (iii) thực phẩm từ động vật, tăng trưởng nhanh và đầy hứa hẹn trong bối cảnh nhiều biến động lớn. Điều này xuất phát từ những vi phạm quy định về y tế, nguồn cung kém chất lượng, cạnh tranh do giá cả và thuế quan trong quá trình thực thi những thỏa thuận tự do thương mại. Một số ví dụ:

Thức ăn gia súc

Không có phản đối nào giữa Việt Nam và Ấn Độ sau khi hai nước ký thỏa thuận kiểm dịch thực vật đối với thức ăn gia súc năm 2012. Tuy nhiên, xuất khẩu của Ấn Độ tiếp tục giảm trong những năm gần đây do giá giảm mạnh và cạnh tranh từ Mỹ, Mỹ Latinh, v.v.. Hải sản cũng là một mặt hàng khác có chất lượng kém.

Đầu tư của Ấn Độ vào lĩnh vực nông nghiệp

Hiện nay, nhiều công ty Ấn Độ đã đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam, nhưng sự hiện diện của họ lại không được công nhận vì họ chủ yếu đầu tư qua nước thứ ba. Tính tới nay, đã có 29 dự án đầu tư của Ấn Độ vào nông nghiệp với tổng số vốn đạt gần 300 triệu USD. Các công ty Ấn Độ đang đầu tư nhiều vào ngành chế biến thực phẩm và nông sản như đường, chè, cà phê, cao su, gia vị, v.v.. Các dự án này tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, góp phần đáng kể giúp Việt Nam mở rộng lĩnh vực chế biến nông sản.

Nhìn chung, Việt Nam tiếp tục là điểm đầu tư hấp dẫn đối với các công ty Ấn Độ. Cho tới hiện tại, theo số liệu của Việt Nam, Ấn Độ đã có 118 dự án với tổng số vốn đăng ký là 491,5 triệu USD, xếp thứ 28 trong số 110 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Trong năm 2015, 23 dự án mới đã được Ấn Độ đề xuất với vốn đăng ký, đạt 138,99 triệu USD. Nếu tính cả lượng đầu tư từ nước thứ ba, Ấn Độ có 132 dự án lớn với tổng số vốn là 1,07 tỷ USD.

Chính phủ hai nước nên cố gắng thành lập một cơ quan chuyên trách để xem xét tất cả những vấn đề nêu trên nhằm đạt được mục tiêu thương mại song phương 15 tỷ USD đến năm 2020. Chính phủ và khu vực tư nhân cần nỗ lực phối hợp giải quyết các vấn đề cũng như đạt được mục tiêu để củng cố tiềm năng giao thương ở mọi lĩnh vực cho cả hai nước.

Hạn mức tín dụng

Ấn Độ cấp cho Việt Nam nhiều hạn mức tín dụng với điều kiện ưu đãi trong nhiều năm. Cho đến nay, Ấn Độ đã cấp 17 hạn mức tín dụng trị giá hơn 165 triệu USD cho Việt Nam. Gói tín dụng 19,5 triệu USD của Ấn Độ năm 2013 đã giúp triển khai dự án thủy điện Nậm Trai 4 và trạm bơm Bình Bộ. Ấn Độ cũng cấp thêm hai hạn mức tín dụng mỗi cái trị giá 100 USD cho cơ sở hạ tầng và mua sắm quốc phòng. Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2014, Tổng thống Ấn Độ đã ký duyệt thêm một hạn mức tín dụng trị giá 100 triệu USD dành cho mua sắm quốc phòng.

Trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Ấn Độ năm 2014, gói tín dục trị giá 300 triệu USD đã được đề nghị để giúp Việt Nam nội địa hóa và cho phép Ấn Độ tham gia vào chuỗi giá trị của Việt Nam trong lĩnh vực may mặc và dệt may, bằng việc thiết lập các trung tâm sản xuất ở Việt Nam. Điều này trở nên hợp lý hơn khi Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) có khả năng thay đổi cục diện thương mại quốc tế. Sự kết hợp giữa Việt Nam, là một nước sản xuất hàng may mặc vải bông và phụ kiện lớn, với Ấn Độ, là nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất vải dệt ở Việt Nam, sẽ đem lại lợi ích cho cả hai bên. Mặc dù lợi thế của TPP hiện nay đã giảm bớt, khu vực này vẫn giúp cả hai nước đều có lợi. Với chuyên môn của Ấn Độ trong mọi lĩnh vực từ trồng sợi bông đến sản xuất vải dệt, và khả năng cạnh tranh cao của Việt Nam trong ngành may mặc, khu vực này hứa hẹn hợp tác tăng cường và đôi bên cùng có lợi. Ấn Độ cũng cần rà soát lại hạn mức tín dụng này và trao thêm điều kiện thuận lợi hơn cho Việt Nam nếu cần thiết.  Điều này sẽ giúp tăng cường quan hệ song phương trong lĩnh vực may mặc – điểm mạnh của cả hai nước.

Chăm sóc sức khỏe và dược phẩm

Xuất khẩu thuốc và các thành phần của thuốc ngày càng chiếm phần quan trọng trong thương mại song phương Việt Nam và Ấn Độ. Năm 2015, xuất khẩu thuốc và các thành phần của thuốc từ Ấn Độ sang Việt Nam đạt hơn 300 triệu USD (chiếm khoảng 12% tổng nhập khẩu của Việt Nam là 2,66 tỷ USD). Theo Cục Quản lý Dược Việt Nam, số lượng công ty và đăng ký sản phẩm của Ấn Độ là khoảng 30%, cao nhất trong số các nước có mặt tại Việt Nam. Điều này mang đến cơ hội cho các dự án song phương trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu y học, và chăm sóc sức khỏe nâng cao với mức phí hợp lý cho người dân. Cả hai nước đều có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực này và, do đó, sở hữu một cơ sở dữ liệu phong phú. Từ kho dữ liệu khổng lồ này, các sáng kiến mới về nghiên cứu, phương pháp trị liệu bao gồm cả các loại thuốc truyền thống ở một số khu vực, tài trợ cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe và nhiều ý tưởng khác có thể được hình thành. Lĩnh vực mà các công ty dược phẩm Ấn Độ nên đầu tư chính là quản lý chất lượng, bởi nhiều doanh nghiệp thường xuyên nằm trong danh sách vi phạm. Việt Nam là một thị trường tiềm năng không chỉ có lợi về tài chính trong trung và dài hạn, mà còn tạo ra nhiều lợi ích khi nghiên cứu chung ở một số lĩnh vực. Đặc biệt là trong điều kiện khí hậu tương đồng ở cả hai nước và kho di sản lớn về các phương pháp điều trị truyền thống lâu đời. (Xem tiếp phần 4)

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ dịch


* Cựu Đại sứ Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam và cựu Thứ trưởng (phụ trách Phương Đông), Bộ Ngoại giao Ấn Độ; chuyên gia nghiên cứu cao cấp Hội đồng Các vấn đề quốc tế của Ấn Độ.

Nguồn:

Cùng chuyên mục