Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ “Ấn - Nhật” trong cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc tại Đông Nam Á những năm đầu thế kỷ XXI và tác động tới Việt Nam (Phần 1)

Quan hệ “Ấn - Nhật” trong cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc tại Đông Nam Á những năm đầu thế kỷ XXI và tác động tới Việt Nam (Phần 1)

03:38 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ “Ấn - Nhật” trong cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc tại Đông Nam Á những năm đầu thế kỷ XXI và tác động tới Việt Nam

      ThS Ngô Phương Anh*

                                        

Hai thập niên đầu của thế kỷ XXI, thế giới chứng kiến những sự kiện quan trọng và những đổi thay to lớn, các trục quan hệ ngày càng đa dạng và phức tạp; cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu làm suy yếu nước Mỹ, nhưng lại là cơ hội cho nhiều quốc gia mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ phát triển; vị thế ngày càng cao của châu Á; sự hội nhập sâu rộng cũng như cạnh tranh khốc liệt giữa các quốc gia - khu vực, tuy xu thế hợp tác vẫn là nổi trội. Với những chuyển biến tích cực trong đời sống an ninh chính trị cùng sự phát triển kinh tế nhảy vọt của nhiều nước thành viên, Đông Nam Á đã nâng vai trò và vị trí quốc tế của mình lên một tầm cao mới. Không chỉ xét từ góc độ địa - chính trị và quân sự chiến lược mà trên cả ý nghĩa địa - kinh tế, địa - lịch sử, văn hóa đối với thế giới, Đông Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng đã trở thành nơi đan xen lợi ích và quan hệ phức tạp giữa các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, Liên minh Châu Âu (EU),v.v. và quan hệ của các nước này với các nước ASEAN. Giữa các chủ thể trên hình thành các cặp quan hệ song phương, đa phương, vừa có chung lợi ích hợp tác vừa mâu thuẫn cạnh tranh, kiềm chế lẫn nhau ở thế không cân bằng và biến động. Chính sách của mỗi quốc gia và mối quan hệ giữa các nước là nhân tố chủ yếu quyết định cơ cấu lực lượng, sự hình thành và diễn biến cục diện hòa bình, ổn định, hợp tác kinh tế và an ninh trong khu vực.

1. Mục tiêu chiến lược của “Ấn Độ - Nhật Bản” và Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á

Ấn Độ và Nhật Bản ở những mức độ khác nhau đang hướng sự chú ý vào Đông Nam Á, một phần là để kiềm chế ảnh hưởng của nhau, nhưng chủ yếu là để củng cố những đòi hỏi của họ về một vai trò to lớn hơn trong tương lai của khu vực. Nếu Nhật Bản với nhiều đời thủ tướng đang quyết tâm xây dựng chiến lược “Hướng về châu Á”, củng cố hợp tác Đông Á, trong đó đặc biệt chú trọng thúc đẩy quan hệ với các nước ASEAN, thì Ấn Độ lại công bố một “Chính sách Hướng Đông" và ngày nay cụ thể hóa thành “Hành động hướng Đông” nhằm mục tiêu thúc đẩy vị trí đang lên của nước này ở Đông Nam Á cũng như hạn chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

* Đối với Ấn Độ

Sau khi trật tự hai cực Xô - Mỹ sụp đổ, nắm lấy những thời cơ thuận lợi, Ấn Độ thực hiện thành công chính sách “Hướng Đông” - một trong những cơ sở quan trọng nhất tạo nên vị thế và vai trò của Ấn Độ ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Ấn Độ đã tạo dựng được mối quan hệ gần gũi với Mỹ, nỗ lực tiến tới bình thường hóa quan hệ với Pakistan, quan hệ thân thiện với Trung Quốc, quan hệ đối thoại với Nga, mở rộng ảnh hưởng tại Ấn Độ Dương và đạt được những vai trò nhất định đối với khu vực Đông Nam Á. Với mục tiêu giành một ghế đại diện cho khu vực Châu Á trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khi tổ chức lớn nhất hành tinh này cải tổ, Ấn Độ đang thực hiện chiến lược vận động mạnh mẽ, thông qua Chính sách Hướng Đông, Hành động Hướng Đông tập trung phát triển mối quan hệ hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á, nhằm nâng cao hơn vị thế và ảnh hưởng của nước này tại khu vực.

Về phương diện kinh tế: Vị trí địa lý và sự phát triển kinh tế năng động ở Đông Nam Á hiện nay là yếu tố quan trọng giải thích cho sự quan tâm đặc biệt của Ấn Độ đối với khu vực này. Xét về địa lý, tiến vào Thái Bình Dương qua eo biển Malacca là con đường đi sang phía Đông thuận lợi nhất của Ấn Độ. Đông Nam Á cũng giàu có về nguyên liệu thô và năng lượng, những tài nguyên mà Ấn Độ rất “khát” cho sự phát triển đất nước trong tương lai. Yếu tố gần gũi về văn hóa cũng là tiền đề thuận lợi cho sự phát triển quan hệ hợp tác mọi mặt giữa Ấn Độ và Đông Nam Á. Ấn Độ tiến hành cải cách kinh tế (đầu thập niên 90 của thế kỷ XX) trong bối cảnh Mỹ và Tây Âu vẫn duy trì chính sách bảo hộ thương mại mạnh, do đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng tại Đông Nam Á đã trở thành lực hút quan trọng đối với Ấn Độ. Bước sang thế kỷ XXI, các nước Đông Nam Á đang có bước phát triển vượt bậc về kinh tế, chủ yếu là những nước đang phát triển, với thị trường đầu tư khổng lồ, sức lao động rẻ lại đang có chính sách kích thích đầu tư nước ngoài, nhất là vào các ngành công nghệ cao, viễn thông, công nghệ thông tin, công nghiệp phần mềm.v.v. vốn là lĩnh vực thuộc ưu thế của Ấn Độ. Các nhà hoạch định kinh tế của Ấn Độ cho rằng, thông qua các cơ chế hợp tác với các nước Đông Nam Á, các định chế của ASEAN, Ấn Độ có thể đảm bảo không bị cô lập khi mà các thỏa thuận mậu dịch mang tính khu vực đang trở thành xu thế chung. Xu thế này bao gồm việc liên kết với các nền kinh tế năng động tại Đông Á và Đông Nam Á. Trên thực tế, Ấn Độ hy vọng mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với các nước trong khối ASEAN sẽ làm cầu nối giúp nước này hòa nhập vào một cộng đồng kinh tế lớn hơn bao gồm cả Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Về phương diện chính trị - an ninh, thương mại trên biển của Ấn Độ gắn trực tiếp với những eo biển nằm ở khu vực Đông Nam Á như Sunda, Lombok, đặc biệt là eo biển Malacca, nơi có lượng tàu thuyền qua lại mỗi năm gần gấp đôi lượng tàu thuyền qua kênh đào Suez và gần gấp ba lần kênh đào Panama. Chú trọng quan hệ hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á sẽ giúp Ấn Độ bảo vệ các hoạt động thương mại trên biển, chống lại nạn cướp biển, buôn lậu ma túy… tại khu vực Tam giác vàng. Trên thực tế, trong bối cảnh các quốc gia châu Á đang xích lại gần nhau, các cường quốc lớn trong và ngoài khu vực đang tìm mọi cách gia tăng ảnh hưởng về kinh tế và chính trị đối với Đông Nam Á, sẽ là bất lợi nếu Ấn Độ đứng ngoại tiến trình này. Tăng cường quan hệ với các nước và cộng đồng ASEAN không chỉ mang lại những lợi ích trực tiếp về kinh tế và an ninh mà còn giúp Ấn Độ tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia Đông Nam Á cho vị trí Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liệp hợp quốc mà nước này đang tích cực theo đuổi, kiềm chế ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc trong khu vực, phát huy vai trò to lớn hơn nữa tại châu Á - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới. Với những lý do thuyết phục như trên, sẽ không ngạc nhiên khi Đông Nam Á, cộng đồng ASEAN là khu vực được Ấn Độ lựa chọn nhằm thực hiện bước đột phá tiến vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương thông qua chính sách “Hướng Đông”, “Hành động hướng Đông” của nước này.

* Đối với Nhật Bản

Về lợi ích kinh tế: Với đặc trưng là nền kinh tế hướng ngoại, xuất nhập khẩu trở thành hai lá phổi quan trọng của nến kinh tế Nhật Bản. Sự mở rộng cơ hội thương mại và đầu tư tại các nước có nền kinh tế mới chuyển đổi ở Đông Nam Á, như Việt Nam, đã và đang tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Nhật Bản. Các nền kinh tế này sẽ giúp Nhật Bản đổi mới công nghệ, gia tăng xuất khẩu sản phẩm có hàm lượng chất xám cao bằng cách chuyển một bộ phận nhà máy có công nghệ vừa phải ra nước ngoài và đóng vai trò là nhà cung cấp linh kiện, dây truyền sản xuất hiện đại cho việc lắp ráp, sản xuất hàng xuất khẩu tại nước đó. Trong bối cảnh gia tăng cạnh tranh kết hợp với xu thế liên kết khu vực, nhất là sự trỗi dậy của Trung Quốc như “một công xưởng thế giới”, thì sự bổ sung giữa nền kinh tế Nhật Bản với các nền kinh tế còn lại của Đông Á có ý nghĩa chiến lược với Nhật Bản. Hơn nữa, sự khan hiếm về mặt nhiên liệu, năng lượng cũng là một bài toán khó cho Nhật Bản, buộc nước này phải tăng cường hợp tác năng lượng với các quốc gia có tiềm năng về nguồn dự trữ tài nguyên trong khu vực. Chính vì vậy, chính sách “ngoại giao kinh tế”, trong đó có “ngoại giao ODA” kết hợp với “ngoại giao văn hóa” là hướng đi đang được người Nhật chú trọng, nhằm không chỉ duy trì, mà còn gia tăng lợi ích chiến lược kinh tế, chính trị của Nhật Bản trên trường quốc tế.

Về lợi ích chính trị và an ninh: Nhật Bản là một trong những nước nằm trên “vành đai địa - chính trị nhạy cảm, thiếu ổn định về an ninh”. Điều này đã và đang tạo ra cả cơ hội lẫn thách thức đối với lợi ích quốc gia - dân tộc của Nhật Bản cả hiện tại lẫn tương lai. Với vị trí địa - chính trị đặc biệt, án ngữ tuyến đường biển nối liền các khu vực có tiềm lực kinh tế, chính trị và quân sự lớn như Đông Bắc Á, Trung Đông, Australia và một số quốc gia thuộc  khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khu vực Đông Nam Á đóng vai trò thiết yếu trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản. Đông Nam Á cũng là một thị trường lao động đầy tiềm năng, với hơn 600 triệu dân, đội ngũ công nhân kỹ thuật có trình độ chuyên môn khá cao trong khi đó giá nhân công rẻ hơn nhiều so với các vùng khác trên thế giới. Với lực hút hấp dẫn như vậy nên trong chiến lược hướng tới châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ và Trung Quốc đều chọn Đông Nam Á làm mục tiêu trọng điểm. Nga và Ấn Độ cũng ngày càng quan tâm hơn tới việc thiết lập vai trò và vị thế tại Đông Nam Á. Riêng đối với Nhật Bản, Đông Nam Á được coi là bàn đạp cho mục tiêu trở thành cường quốc khu vực của Nhật Bản, đồng thời, nước này coi quan hệ với ASEAN là khâu đột phá mở rộng ảnh hưởng của Nhật tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như trên toàn thế giới. An ninh quốc gia của Nhật Bản phụ thuộc rất lớn vào sự an toàn trên các tuyến đường biển quốc tế chảy qua lãnh hải của các nước Đông Nam Á. Không chỉ đảm nhận vai trò vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa, nhu yếu phẩm cần thiết cho đời sống và sản xuất của người dân Nhật (có khoảng hơn 80% hàng hóa nhập khẩu của Nhật đi qua khu vực Biển Đông), các tuyến đường biển ở Đông Nam Á còn là cầu nối căn cứ quân sự của Mỹ ở Okinawa với các tuyến phòng thủ do Mỹ lập ra để đảm bảo an ninh quân sự cho Nhật Bản ở Đông Á. Hơn thế, Nhật Bản hoàn toàn có thể tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia Đông Nam Á đối với hoạt động tranh cử vào vị trí Ủy viên Thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đông Nam Á thực sự là nơi Nhật Bản có thể tìm kiếm vai trò chính trị tương xứng với sức mạnh kinh tế sau Chiến tranh Lạnh và trở thành một “cường quốc đầy đủ” trên thế giới. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Nhật Bản xem việc phát triển quan hệ với các nước trong khu vực Đông Nam Á, cộng đồng ASEAN là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược ngoại giao “Quay về Châu Á” của mình. (Xem tiếp phần 2)


* Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn:

Cùng chuyên mục