Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ “Ấn - Nhật” trong cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc tại Đông Nam Á những năm đầu thế kỷ XXI và tác động tới Việt Nam (Phần 4)

Quan hệ “Ấn - Nhật” trong cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc tại Đông Nam Á những năm đầu thế kỷ XXI và tác động tới Việt Nam (Phần 4)

03:29 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 3)

Quan hệ “Ấn - Nhật” trong cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc tại Đông Nam Á những năm đầu thế kỷ XXI và tác động tới Việt Nam

ThS Ngô Phương Anh*

 

3. Tác động của cạnh tranh ảnh hưởng chiến lược “Ấn - Nhật” với Trung Quốc tại Đông Nam Á đến Việt Nam

Chiến tranh Lạnh kết thúc năm 1991, thế giới bước vào một thời đại lịch sử mới, hệ thống thế giới chuyển từ trật tự hai cực của sự đối lập ý thức hệ Đông - Tây sang sự đa dạng hóa và phức tạp của các trục quan hệ. Nhóm các nước phát triển G7 đã được thay thế bằng G8 với sự có mặt của nước Nga. Diễn đàn đối thoại cấp cao giữa các quốc gia ngoại vi như Châu Phi và một số nước khác đã hình thành. Bên cạnh đó, thời gian vừa qua xuất hiện Nhóm các quốc gia mới nổi - có nền kinh tế phát triển nhanh chóng BRICs (Brazil, Nga, Ấn độ, Trung Quốc), làm cho tỷ trọng tăng trưởng của nền kinh tế thế giới thay đổi một cách đáng kể. Cùng thời gian này, các quốc gia Châu Á đã trở thành những nước đầu tiên thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2007-2008, phục hồi một cách nhanh chóng và đang dần trở thành trung tâm tăng trưởng cao. Có thể thấy, hợp tác khu vực là xu thế nổi trội của thế kỷ XXI. Sự mở rộng của EU, sự hình thành và phát triển nhanh chóng của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và sự sáng lập Liên minh Châu Phi (AU) đã tiềm ẩn xu hướng tái cơ cấu hệ thống bàn thảo và giải quyết các vấn đề quốc tế. Nằm trong khu vực Đông Nam Á, là thành viên tích cực của tổ chức ASEAN, chiến lược cạnh tranh ảnh hưởng của các cường quốc trên thế giới tại Đông Nam Á đã và đang gây ra những tác động không nhỏ tới sự phát triển và thúc đẩy nhanh tiến trình hội nhập nền kinh tế toàn cầu của Việt Nam.

Những biến động ảnh hưởng và trật tự quyền lực giữa các nước lớn, với sự suy giảm tương đối của Mỹ và Nhật Bản, sự nổi lên của Ấn Độ, Nga và đặc biệt là Trung Quốc trong thập niên đầu thế kỷ XXI, đã tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp tục theo đuổi chiến lược đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ quốc tế, trên cơ sở đó củng cố nền độc lập, tự chủ và mở rộng hội nhập quốc tế. Vai trò và sự gia tăng sức mạnh của các cường quốc như Nhật Bản, Ấn Độ theo hướng cùng tồn tại và phát triển trong hòa bình cũng góp phần củng cố quan hệ láng giềng hữu nghị vốn có của các nước này tại Đông Á, Đông Nam Á và trong mối quan hệ với Việt Nam. Hợp tác khu vực đã gia tăng cơ hội buôn bán, đầu tư, giao lưu văn hóa giữa nhiều chủ thể trong quá trình liên kết. Nhận thức rõ vị trí địa - chiến lược đặc biệt của Việt Nam là nơi tiếp giáp, là cầu nối của phần đất liền và biển đảo giữa Đông Nam Á và Trung Quốc, có tuyến đường hàng hải và vị trí chiến lược trong phòng thủ quốc tế cùng trữ lượng tài nguyên thiên nhiên giàu có, Nhật Bản và Ấn Độ đều muốn cải thiện và tăng cường quan hệ với Việt Nam, nhằm can dự vào các vấn đề của Đông Nam Á và kiềm chế ảnh hưởng mạnh mẽ của Trung Quốc tại khu vực này. Như vậy, cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn ở Đông Á, Đông Nam Á càng gia tăng, vai trò và vị trí địa - chính trị của Việt Nam càng được nâng cao hơn trước.  

Xu hướng đa cực hóa và gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc cũng tạo ra nhiều thách thức đối với an ninh và phát triển của Việt Nam. Tham vọng bá quyền, kiểm soát không gian địa - chính trị của các nước này gây ra nhiều khó xử cho chúng ta trong việc lựa chọn đối tác, phân biệt, đề phòng và hạn chế các đối tượng trong quan hệ quốc tế. Nếu không có một đường lối ngoại giao khéo léo, xử lý hài hòa các mối quan hệ trong tương quan quyền lực ảnh hưởng khu vực, rất dễ dẫn đến những mâu thuẫn và hiểu lầm không đáng có giữa các bên.

Ngoài ra, “mưu đồ” cùng những “tính toán chiến lược” của các quốc gia này trong tranh chấp ảnh hưởng tại Đông Nam Á cũng gián tiếp tạo ra trở ngại đối với những nước đang phát triển như Việt Nam. Thông qua các hình thức hợp tác, viện trợ phát triển, mối quan hệ gắn kết về ý thức hệ chính trị, tư tưởng về bạn, thù từng tồn tại trong lịch sử cùng nhiều khác biệt về hệ thống chính trị, văn hóa, tôn giáo.v.v. các thế lực thù địch vẫn ngày đêm lợi dụng sơ hở để thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, lôi kéo phân hóa nội bộ Việt Nam. Với những hạn chế trong quá trình hội nhập cùng tiềm lực kinh tế thấp, Việt Nam có nguy cơ trở thành “thuộc địa” cung cấp nguồn nguyên liệu thô cho các nước phát triển và trở thành “bãi rác” công nghiệp của hàng hóa, máy móc lạc hậu nhập ngoại, đồng thời phải đối mặt với hiểm họa khi môi trường trở nên ô nhiễm trầm trọng. Ngoài ra, ảnh hưởng của văn hóa và sức mạnh tiền bạc cũng có thể làm xói mòn và biến dạng bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam v.v.

Như vậy, đối với Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, tác động từ cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc mang đến cả những thuận lợi cùng nhiều khó khăn. Trong thời kỳ toàn cầu hóa hiện nay, nền kinh tế thế giới đang tái cấu trúc, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang quyết tâm phấn đấu, chủ động tạo bước chuyển biến mới về phát triển kinh tế, phát huy cao độ nội lực, khai thác tối đa các nguồn lực bên ngoài để tạo thế lực mới cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Biết nắm bắt thời cơ, vượt qua những thách thức tiềm ẩn trong quá trình hội nhập quốc tế sẽ sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

* Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đại học KHXH&NV (2004), Đông Á - Đông Nam Á: Những vấn đề lịch sử và hiện tại, Nxb Thế giới, Hà Nội.

2. Đinh Kim Thuý, Ấn Độ với chính sách hướng Đông, Tạp chí Thương mại, Số 20 (2005)

3. Đỗ Ngọc Quang (2007), “Chính sách đối ngoại của Nhật Bản tại châu Á”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 8 (78).

4. Kỷ yếu hội thảo quốc tế (2003), “Đối thoại châu Á: Vai trò của Nhật Bản tại châu Á - Thể chế kinh tế ở châu Á”, The Nippon Foundation.

5. PGS.TS. Hà Mỹ Hương (2003), “Cục diện quan hệ quốc tế giữa các nước lớn những năm đầu thế kỷ XXI”, Tạp chí Cộng sản, (14).

6. Phạm Bình Minh (cb) (2010), “Cục diện thế giới đến 2020”, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

7. Trần Thị Lý (cb), Sự điều chỉnh chính sách của Cộng hoà Ấn Độ từ 1991 đến 2000, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2002

8. Võ Xuân Vinh, ASEAN trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ, http://www.tapchicongsan.org.vn, cập nhật 23/3/2007

9. “ASEAN-Japan Cooperation. A Foundation for East Asian Community”, Japan Center for International Exchange, Tokyo - New York.

10. “Speeches of Prime Minister Koizumi”, The Nation, 2001.

11. C.S. Kuppuswamy, India’s Look East Policy - A Review, South Asia Analysis Group, http://www.southasiaanalysis.org

12. India - ASEAN partnership in an era of globalization : Reflections by Eminent persons, New Delhi: Research and information system for the non - aligned and other developing countries, 2002

13. Pradeep Kumar Kapur, India’s Engagement with East Asia, Paper for Commemorative Seminar to mark the 35th Anniversary of the Establishment of Full Diplomatic Relations between India and Vietnam, Hanoi, 18-20 June, 2007

14. Zhao Gancheng, India: Look East Policy and Role in Asian Security Architecture, Indian Ocean Digest, Issue: 42, Vol: 21, No. 2 Jul-Dec, 2006.

Nguồn:

Cùng chuyên mục