Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ: Nhìn lại và suy ngẫm (Phần 2)

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ: Nhìn lại và suy ngẫm (Phần 2)

03:51 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Phần 1)

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ: Nhìn lại và suy ngẫm

PGS, TS Lê Văn Toan*

- Về kinh tế - thương mại

Ấn Độ hiện là một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tư của Ấn Độ trong khối ASEAN. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng trung bình 16% năm và đạt hơn 5 tỷ USD vào năm 2015. Hai bên cam kết đa dạng hóa quan hệ thương mại và xác định các lĩnh vực mới để đạt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên 15 tỷ USD vào năm 2020.

Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Ấn Độ. Tính đến tháng 9/2016, Ấn Độ có 131 dự án trị giá hơn 700 triệu USD, đứng thứ 25 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Sau khi Tập đoàn TATA của Ấn Độ triển khai dự án nhà máy nhiệt điện Long Phú II tại Sóc Trăng trị giá gần 2 tỷ USD thì số vốn đầu tư của Ấn Độ tại Việt Nam sẽ tăng lên gấp nhiều lần.

- Về hợp tác năng lượng

Ấn Độ đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí. Ngoài 3 lô dầu ngoài khơi mà Tập đoàn dầu khí ONGC Videsk (OVL) của Ấn Độ đang thăm dò, mới đây Việt Nam đã mời Ấn Độ thăm dò thêm 5 lô dầu mới trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông. Các lĩnh vực như điện khí hóa, điện, năng lượng tái tạo cũng được hai bên gia tăng hợp tác.

- Về văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ và ngoại giao nhân dân

Việt Nam và Ấn Độ đã phối hợp triển khai nhiều chương trình hoạt động có ý nghĩa như trao đổi các đoàn nghệ thuật và lễ hội, liên hoan phim, triển lãm các xuất bản phẩm, triển lãm tranh nghệ thuật về đất nước, con người. Chính phủ Ấn Độ rất quan tâm đến hợp tác văn hóa và tiếp cận cộng đồng. Trung tâm Văn hóa Ấn Độ mới được khai trương ở Hà Nội sẽ tạo cơ sở quan trọng giới thiệu nhiều giá trị tiềm ẩn của một trong những nền văn hóa đa dạng và thú vị nhất trên thế giới đến với nhân dân Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ.

Mỗi năm Ấn Độ dành cho Việt Nam 150 suất học bổng đào tạo đại học và sau đại học trong các lĩnh vực khoa học xã hội, khoa học nhân văn và công nghệ. Ấn Độ giúp Việt Nam thành lập Trung tâm đào tạo công nghệ thông tin và tiếng Anh tại Học viện Quốc phòng Việt Nam, Trung tâm đào tạo nghề tại thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Tính toán hiệu năng cao tại Đại học Bách khoa Hà Nội.

Hợp tác khoa học công nghệ song phương cũng được thúc đẩy. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Cộng hòa Ấn Độ, Narendra Modi đến Việt Nam vào tháng 9/2016, hai bên đã ký kết 7 thỏa thuận liên quan đến khoa học công nghệ như: triển khai xây dựng trạm tiếp nhận, xử lý tín hiệu viễn thám đặt tại Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á; giúp Việt Nam đào tạo và cung cấp một số trang thiết bị trong lĩnh vực hạt nhân, viễn thám, sinh học, dược phẩm, năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Giao lưu nhân dân giữa hai nước cũng được tăng cường qua các hoạt động quảng bá du lịch, trao đổi đoàn cấp địa phương; thúc đẩy ký kết thiết lập quan hệ hữu nghị giữa các thành phố lớn của hai nước; tổ chức hội thảo, hội đàm về quan hệ song phương của mỗi nước.

Chính phủ Ấn Độ đặt bối cảnh và tầm nhìn mới của mối quan hệ song phương vào khuôn khổ chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ, có vai trò trọng yếu về mặt lịch sử, địa lý và không gian kinh tế, chiến lược mà hai nước cùng quan tâm. Việt Nam là nước điều phối của ASEAN với Ấn Độ giai đoạn 2015 - 2018 chắc chắn sẽ đóng vai trò quan trọng trong các diễn đàn quốc tế như ASEAN - Ấn Độ, cấp cao Đông Nam Á (EAS), hợp tác Sông Hằng - sông Mê Kông; Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM); hợp tác Liên hợp quốc và hợp tác Nam - Nam.

 

4. Về bối cảnh mới, tầm nhìn mới tác động đến quan hệ Việt Nam -Ấn Độ

Các học giả trong Hội thảo khoa học quốc tế đều thống nhất cho rằng, trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ phải chịu sự tác động (cả tích cực lẫn tiêu cực) từ bối cảnh mới của khu vực và thế giới, từ khung cảnh chung của quan hệ quốc tế, cả quan hệ song phương và quan hệ đa phương.

Bối cảnh thế giới đang diễn ra nhiều biến động to lớn, quá nhanh, phức tạp, khó lường, đan xen nhiều xu hướng khác nhau, vừa cạnh tranh, vừa ảnh hưởng, gia tăng độ khúc xạ, ảnh hưởng lẫn nhau giữa các quốc gia dân tộc. Nhiều vấn đề cùng lúc nảy sinh như: chủ nghĩa khủng bố quốc tế ngày càng mở rộng phạm vi và ảnh hưởng, thảm họa di cư ở châu Âu, chiến tranh nóng ở Trung Đông, căng thẳng Nga – Mỹ, Nga – Liên minh Châu Âu; khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên và vấn đề Biển Đông ngày càng gia tăng độ phức tạp. Hiện tượng Brexit ở Anh tác động đến cơ cấu vận hành của Liên minh Châu Âu, sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ với việc đắc cử Tổng thống của tỷ phú Donal Trump, cũng như những gì đang diễn ra trong các cuộc vận động bầu cử ở Pháp và Ý sắp tới đã và đang chứng tỏ một khuynh hướng bảo hộ trở lại, chủ nghĩa dân túy nổi lên, tính thực dụng trong các quan hệ quốc tế đang chế ngự, chi phối cả lời nói và hành động nhiều khi bất nhất của các nguyên thủ quốc gia.

Tri thức và sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng, càng trở thành nhân tố quyết định cho sự phát triển trong thời đại khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, đưa thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Khi khái quát về bối cảnh thế giới hiện nay, Giáo sư Jeffrey Sachs đã viết trong bài báo “Cảnh quan thế giới đang thay đổi” rằng: “Điểm mấu chốt là, sự thống trị của Bắc Đại Tây Dương đã từng là một giai đoạn trong lịch sử thế giới đang khép lại. Nó bắt đầu bằng Columbus, phát triển nhanh chóng cùng James Watt với động cơ hơi nước, được thể chế hóa ỏ Đế chế Anh cho đến năm 1945 và sau đó là cái gọi là kỷ nguyên Mỹ, nhưng giờ đây đã kết thúc. Nước Mỹ vẫn còn mạnh và giàu có, nhưng không còn thống trị. Chúng ta không bước vào kỷ nguyên Trung Quốc, hay kỷ nguyên Ấn Độ, hay bất cứ cái gì khác, mà là một kỷ nguyên thế giới. Tốc độ phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ và chủ quyền gần như phổ quát của các quốc gia dân tộc, có nghĩa là, không có một quốc gia hay một khu vực riêng lẻ nào sẽ thống trị thế giới về kinh tế, công nghệ hay dân số”[1].

Trước bối cảnh đó, điều gì sẽ đặt ra đối với các quốc gia dân tộc, trong có có Việt Nam và Ấn Độ, nó gợi mở những gì trong việc thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ Việt Nam - Ấn Độ?

Nhìn vào thực trạng hợp tác hiện nay giữa hai nước, phải thừa nhận rằng, kết quả hợp tác song phương trong một số lĩnh vực trụ cột đã phát triển rất tốt nhưng vẫn còn hạn chế so với tiềm năng và kỳ vọng của mỗi nước, đòi hỏi phải có tầm nhìn mới, cách tiếp cận mới. Ngoài những yếu tố khách quan như tác động của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu vẫn còn để lại dư chấn; bối cảnh mới trong khu vực và thế giới có nhiều biến đổi to lớn, sâu sắc, phức tạp, khó lường, yếu tố chủ quan như tính chủ động chưa cao, hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội còn kém, sức cạnh tranh sản phẩm còn yếu, sự thiếu hụt thông tin, nhất là thông tin chuyên sâu về khoa học công nghệ, thông tin về thị trường, sự cách trở về địa lý, những nét khác biệt về văn hóa - tâm lý, thói quen, v.v... đều là những rào cản cho hợp tác phát triển.

5. Đánh giá chung về quan hệ Việt Nam - Ấn Độ

Trong hơn nửa thế kỷ qua, thế giới có nhiều đổi thay, quan hệ song phương nhiều nước thay đổi, nhưng quan hệ giữa hai nước Việt Nam, Ấn Độ, tuy không phải là láng giềng của nhau, xa nhau về khoảng cách địa lý tự nhiên, khác nhau về chủng tộc, tôn giáo, về định hướng phát triển, về vai trò, vị thế trên thế giới, vẫn phát triển theo đường thẳng đi lên, không quanh co, trắc trở, luôn thủy chung, trong sáng.

Vậy, những nhân tố nào, nền tảng nào, động lực nào tạo tác nên mối quan hệ thủy chung, trong sáng đó? Có thể khẳng định những điều sau:

- Một là, nền tảng văn hóa

Việt Nam và Ấn Độ có sự gặp gỡ, giao thoa, tiếp biến văn hóa với nhau từ những năm đầu Công Nguyên. Sự gặp gỡ giữa hai nền văn hóa đó dựa trên những giá trị cốt lõi, mang đậm chất nhân văn, chia sẻ tính cộng đồng, bình dị, gần gũi nên rất thủy chung, son sắt. Dấu tích văn hóa đó đang được lưu giữ, bảo tồn và tôn tạo ở Việt Nam và cả ở Ấn Độ.

- Hai là, sự tương đồng trong tư tưởng ngoại giao của những người đặt nền tảng cho quan hệ hai nước là Chủ tịch Hồ Chí Minh, M. Gandhi, J. Nehru, mà điểm nổi bật là bốn nội dung sau: 1/ Về quyền dân tộc cơ bản: độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ; 2/ Tư tưởng ngoại giao vì hòa bình, vì sự nghiệp giải phóng con người, giải phóng xã hội; 3/ Tư tưởng ngoại giao độc lập, tự chủ; 4/ Tư tưởng đoàn kết và hợp tác quốc tế.

Sự tương đồng của hai nước được các thế hệ lãnh đạo Việt Nam và Ấn Độ dày công vun đắp, phát triển là: 1/ Có chung giá trị về văn hóa, tôn giáo; 2/ Hai nước xác định quan hệ hữu nghị vì lợi ích của hai nước và vì lợi ích của khu vực và thế giới; 3/ Hai nước có quan hệ truyền thống được xây dựng trên niềm tin chính trị; 4/ Hai nước đều có lợi ích địa chiến lược, địa chính trị, địa kinh tế ở Biển Đông.

- Ba là, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ được xây dựng đồng bộ từ cơ sở đến kiến trúc thượng tầng mà sợi chỉ đỏ xuyên suốt là niềm tin chính trị. Xét trên bình diện quốc tế, có những quan hệ song phương rất sâu, nhưng nơi này, nơi khác, nhiều lúc “lên bổng, xuống trầm”, quanh co, trắc trở, nhiều lúc phải trả bằng giá đắt, thương đau, còn quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ luôn vượt qua mọi thử thách, đặc biệt thủy chung, trong sáng.

Quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ được triển khai đều trên các kênh: kênh Đảng, kênh Quốc hội, kênh Chính phủ, các bộ, ngành, kênh ngoại giao nhân dân thông qua các tổ chức chính trị, các hiệp hội như Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ, Ủy ban Đoàn kết Việt - Ấn, Đoàn Thanh niên, v.v.. Chính các kênh này luôn sáng tạo các hoạt động kết nối giữa hai nước như: gặp gỡ, tham vấn, tọa đàm, hội thảo khoa học, liên hoan văn hóa nghệ thuật, triển lãm sách, thông tin truyền thông, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, kết nối du lịch giữa nhân dân hai nước.

- Bốn là, bối cảnh khu vực và thế giới trong từng giai đoạn đều tác động đến quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, thúc đẩy hai nước xích lại gần nhau vì lợi ích hai nước và vì hòa bình, thịnh vượng trong khu vực và thế giới.

- Năm là, nền tảng phát triển của hai nước từ khi Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới năm 1986 và Ấn Độ tiến hành cải cách năm 1991, thì hai nước đều đạt được những thành tựu đáng khích lệ, tạo đà cho hợp tác, phát triển. Việc hiện thực hóa, tăng cường Chính sách Hướng Đông thành Hành động hướng Đông của Ấn Độ để phù hợp với bối cảnh thế giới mới, trong đó, Ấn Độ coi Việt Nam là trụ cột trong chính sách này cũng là nhân tố quan trọng làm sâu sắc quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. (Xem tiếp phần 3)


[1] Dẫn theo: Sudarshan Ramabadran, Phó Giám đốc Quỹ Ấn Độ, tham luận: “Phát triển quan hệ Ấn Độ - Việt Nam trong kỷ nguyên Ấn Độ - Thái Bình Dương”, Hội thảo khoa học quốc tế: “Việt Nam - Ấn Độ: 45 năm Quan hệ ngoại giao và 10 năm Đối tác chiến lược”, tổ chức tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, ngày 21-3-2017.

*Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Nguồn:

Cùng chuyên mục