Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực ngoại giao trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI (Phần 4)

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực ngoại giao trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI (Phần 4)

Hai nước Việt Nam, Ấn Độ có mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời được khởi nguồn từ những mối liên hệ và giao lưu văn hóa, tôn giáo và thương mại. Sự thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện năm 2003 và quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2007 là những bước ngoặt đặc biệt quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Động lực bên trong nào đã thúc đẩy sự phát triển quan hệ chính trị - ngoại giao giữa Việt Nam và Ấn Độ trong những năm đầu thế kỷ thứ XXI và quan hệ song phương trên lĩnh vực này hiện nay đang diễn ra như thế nào? Nghiên cứu này tập trung làm rõ 3 vấn đề chính: chính sách đối ngoại của Việt Nam và vị trí của Ấn Độ; chính sách đối ngoại của Ấn Độ và vị trí của Việt Nam; quan hệ Việt - Ấn trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao trong 2 thập niên đầu thế kỷ thứ XXI.

02:38 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực ngoại giao trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI

TS. Nguyễn Quốc Dũng*

(Tiếp theo phần 3)

3. Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao

Với tầm quan trọng của Ấn Độ và Việt Nam trong chính sách đối ngoại của nhau và mối quan hệ bạn bè truyền thống là tiền đề để hai nước thúc đẩy hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực đặc biệt trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao. Gần 2 thập niên đầu thế kỷ XXI này chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ quan hệ chính trị - ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ. Và trên lĩnh vực này hai bên đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng không chỉ góp phần thúc đẩy sự phát triển của cả hai nước mà còn góp phần thúc đẩy và củng cố hòa bình, thịnh vượng của khu vực.

Quan hệ chính trị - ngoại giao Việt - Ấn được tăng cường và củng cố thông qua nhiều cuộc gặp cấp cao giữa lãnh đạo hai nước. 

Về phía Việt Nam, sang thăm Ấn Độ có các chuyến thăm của các nhà lãnh đạo Việt Nam như: Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm Ấn Độ năm 2003 (trong chuyến thăm này, hai bên đã ký Tuyên bố chung về Khuôn khổ Hợp tác toàn diện Việt Nam - Ấn Độ bước sang thế kỷ XXI. Đây là một văn kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, đề ra những định hướng lớn cho sự phát triển sâu rộng của quan hệ hai nước trong thế kỷ XXI); chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2007; Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thăm Ấn Độ năm 2009; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thăm Ấn Độ năm 2010; chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang năm 2011; chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2013; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Ấn Độ năm 2012 để tham gia Hội nghị Thượng đỉnh kỷ niệm Ấn Độ - ASEAN; chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2014.

Về phía Ấn Độ, có các chuyến thăm cấp cao sang Việt Nam bao gồm: chuyến thăm của Thủ tướng Atal Behari Vajpayee năm 2001; chuyến thăm của người phát ngôn Hạ viên Nhân dân - ông Somnath Chatterjee - năm 2007, chuyến thăm của Chủ tịch Pratibha Patil năm 2008; Thủ tướng Manmohan Singh thăm Việt Nam năm 2010 để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Ấn Độ lần thứ 8 và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á lần thứ 5; chuyến thăm của người phát ngôn Hạ viện Nhân dân - bà Meira Kumar - năm 2011; chuyến thăm của Phó Chủ tịch Hamid Ansari năm 2012 nhân dịp kỷ niệm năm hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ.

Thành tựu nổi bật trong quan hệ chính trị - ngoại giao Việt - Ấn là hai nước đã thiết lập được quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2007 trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang Ấn Độ. Quan hệ đối tác chiến lược Việt - Ấn được triển khai với 5 trụ cột là: hợp tác chính trị, hợp tác kinh tế, hợp tác năng lượng, hợp tác an ninh quốc phòng, và hợp tác trong các lĩnh vực khác như văn hóa, du lịch. Đây là nền tảng hết sức quan trọng để hai nước tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong những năm tiếp theo của thế kỷ XXI.

Ngoài sự trao đổi các chuyến thăm của lãnh đạo hai nước, hai bên cũng đã thực hiện các chuyến thăm trao đổi đoàn cấp bộ trưởng. Về phía Ấn Độ, có các chuyến thăm cấp bộ trưởng sang Việt Nam như: chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ vào năm 2011 và 2012; chuyến thăm của Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp năm 2012; chuyến thăm của Bộ trưởng Nông nghiệp năm 2012; 2 chuyến thăm của hai Bộ trưởng Du lịch và Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp năm 2013; chuyến thăm của Bộ trưởng Vận tải biển năm 2013; chuyến thăm của Ngoại trưởng Ấn Độ năm 2014.

Về phía Việt Nam, có các chuyến thăm Ấn Độ cấp bộ trưởng như: chuyến thăm của Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương - Hoàng Bình Quân - năm 2011; chuyến thăm của Phó Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Ủy ban Biên giới quốc gia Hồ Xuân Sơn năm 2011; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Huỳnh Đảm năm 2012; Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu sang thăm Ấn Độ năm 2012;…

Để triển khai mối quan hệ song phương Việt - Ấn, hai nước đã thiết lập được nhiều cơ chế hợp tác như: Ủy ban Hỗn hợp liên chính phủ, Tham khảo chính trị, Đối thoại chiến lược, Đối thoại chính sách quốc phòng, và các tiểu ban hợp tác trên các lĩnh vực thương mại, khoa học công nghệ và giáo dục.

Bên cạnh việc thúc đẩy quan hệ song phương, trên các diễn đàn đa phương Việt Nam và Ấn Độ tích cực hợp tác và phối hợp hành động. Hiện nay, hai nước tiếp tục tăng cường hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như: Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC); Hợp tác Nam - Nam; Phong trào Không liên kết; hợp tác chặt chẽ trong tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); hai bên tích cực ủng hộ nhau tham gia cơ chế điều hành của Liên hợp quốc (Ấn Độ đã ủng hộ Việt Nam trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam ủng hộ Ấn Độ trở thành Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc một khi cơ quan này cải tổ theo hướng mở rộng số lượng thành viên thường trực); khi Việt Nam tham gia Tổ chức thương mại quốc tế (WTO) đã nhận được sự ủng hộ của Ấn Độ.

Việt Nam luôn ủng hộ việc Ấn Độ tăng cường hợp tác, quan hệ với ASEAN và ủng hộ Ấn Độ tham gia các cơ chế, khuôn khổ hợp tác do ASEAN dẫn dắt như Hội nghị Cấp cao Đông Á, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), ASEAN - Ấn Độ và Ấn Độ cũng tích cực hỗ trợ Việt Nam trong các khuôn khổ của ASEAN, chẳng hạn, Ấn Độ đã thành lập Trung tâm Anh ngữ Việt - Ấn tại Đà Nẵng năm 2007, Trung tâm Phát triển doanh nghiệp Việt - Ấn tại Hà Nội năm 2006. Đây là một phần trong nỗ lực của Ấn Độ nhằm giúp Việt Nam hội nhập ASEAN. Năm 2015, Việt Nam là điều phối viên Đối thoại Ấn Độ - ASEAN và đây là cơ hội tốt để Việt Nam có thể giúp Ấn Độ tiếp cận và mở rộng hợp tác với ASEAN.

Hai bên tích cực phối hợp hành động trong các cơ chế hợp tác tiểu vùng khác như Hội nghị Cấp cao Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV), Hợp tác sông Mê Kông - sông Hằng; Diễn đàn hợp tác Á - Âu  (ASEM)[1].

Đối với các vấn đề khu vực và quốc tế cả hai bên đều quan tâm: hai nước tích cực tham vấn lẫn nhau và cả hai bên đều có chung quan điểm về tầm quan trọng của việc đảm bảo hòa bình, ổn định và an ninh của khu vực và thế giới. Đối với các vấn đề tranh chấp, hai nước đều chia sẻ quan điểm giải quyết các bất đồng, tranh chấp thông qua các biện pháp đàm phán hòa bình. Đặc biệt, trong vấn đề tranh chấp Biển Đông, Ấn Độ ủng hộ mạnh mẽ lập trường của Việt Nam và ASEAN về việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa hay sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển Liên hợp quốc 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và ủng hộ việc sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Ấn Độ khẳng định, ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông, yêu cầu cần bảo đảm tự do hàng hải, hàng không không bị cản trở, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia ở Biển Đông. Ấn Độ nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác với Việt Nam thăm dò, khai thác dầu khí tại các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông, đồng thời khẳng định, sẵn sàng hợp tác với Việt Nam và ASEAN trong việc triển khai các sáng kiến nhằm xây dựng các cơ chế về duy trì và bảo đảm hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực này[2].

Kết luận

Như vậy, quan hệ chính trị ngoại giao Việt - Ấn trong đầu thế kỷ XXI đã và đang phát triển rất tốt đẹp. Kết quả đó có được là do sự nỗ lực của Chính phủ hai bên cũng như tầm quan trọng của hai nước trong chính sách đối ngoại của nhau. Đối với Việt Nam, Ấn Độ là một đối tác tin cậy và mối quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ luôn được Đảng và Chính phủ Việt Nam coi trọng. Lập trường của Việt Nam là ủng hộ việc Ấn Độ đóng vai trò ngày càng lớn hơn trong khu vực và trên thế giới. Về phía Ấn Độ, Việt Nam được coi là một trong những đối tác có vị trí hàng đầu trong chính sách “Hướng Đông” và nay là “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ; và Việt Nam cũng đóng vai trò là cầu nối hết sức quan trọng giữa Ấn Độ và ASEAN. Trong quan hệ chính trị - ngoại giao, ngoài việc hai nước tích cực tăng cường các chuyến thăm cấp cao và thiết lập nhiều cơ chế đối thoại, hai bên còn tích cực phối hợp hành động và tăng cường hợp tác trên các diễn đàn quốc tế và khu vực. Với những nỗ lực như vậy, trong những năm tiếp theo, quan hệ giữa hai nước sẽ ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu. Việc tăng cường hợp tác trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao sẽ tạo điều kiện để thúc đẩy các mối quan hệ song phương khác.

* Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Tài liệu tham khảo

Biển Đông.net. Việt Nam trong chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ. Truy cập ngày 20/5/2015 tại: http://biendong.net/binh-luan/1749-vit-nam-trong-chinh-sach-hng-ong-ca-n-.html

Đỗ Thanh Bình và Văn Ngọc Thành. Quan hệ quốc tế thời hiện đại: những vấn đề mới đặt ra. Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật. Hà Nội. 2012. Tr. 46-86.

Bộ Quốc phòng Việt Nam. Quốc phòng Việt Nam. Hà Nội. 2009.

David Bwester. India’s strategic partnership with Việt Nam: the search for a diamond on the South China Sea (Đối tác chiến lược Việt Nam của Ấn Độ: Sự tìm kiếm viên kim cương trên Biển Đông). Asian Security. Số 5(1). 2009. Tr. 24-44. 

Minh Châu. Bước ngoặt lớn trong quan hệ Việt - Ấn. Tạp chí Cộng sản. 2014. Truy cập ngày 21/5/2014 tại: http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/The-gioi-van-de-su-kien/2014/30647/Buoc-ngoat-lon-trong-quan-he-Viet-Nam-An-Do.aspx

S. M. Krishna. India’s foreign policy priorities (Những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ). India Quarterly. Số 65(4). Năm 2009. Tr. 345-349.

Phạm Bình Minh (chủ biên). Định hướng chiến lược đối ngoại Việt Nam đến 2020. Nxb. Chính trị quốc gia. Hà Nội. 2010.

Danielle Rajendram. India’s new Asia-Pacific strategy: Modi acts East (Chiến lược châu Á - Thái Bình Dương mới của Ấn Độ: Modi hành động hướng Đông). Analysis. Lowy Institute for international policy. 2014. Tr. 1-20.


[1] Các thông tin về hợp tác là do tác giả tổng hợp từ nhiều nguồn trên báo chí.

[2] Minh Châu. Bước ngoặt lớn trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Tạp chí Cộng sản đăng ngày 4/12/2014. Truy cập ngày 20/5/2015 tại: http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/The-gioi-van-de-su-kien/2014/30647/Buoc-ngoat-lon-trong-quan-he-Viet-Nam-An-Do.aspx

Nguồn:

Cùng chuyên mục