Thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh mới (Phần 2)
Thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh mới
PGS, TS Nguyễn Văn Lịch*,
ThS Nguyễn Duy Việt**
3. Về hợp tác đầu tư
Trong ASEAN, Việt Nam là nước thu hút FDI lớn nhất từ Ấn Độ. Hai bên đã thống nhất tạo điều kiện để tăng cường hiệu quả các dự án đầu tư hiện có và khuyến khích đẩy mạnh dòng đầu tư hai chiều. Việt Nam luôn tạo điều kiện và mở rộng cửa đón các nhà đầu tư Ấn Độ, tạo điều kiện cho họ thành công ở Việt Nam. Ấn Độ thiếu vốn, nhưng là một trong những nước đầu tư rất sớm vào Việt Nam. Ngay từ cuối những năm 1980 Ấn Độ đã có dự án đầu tư vào thăm dò, khai thác dầu khí và từng bước mở rộng sang giống cây trồng, chế biến nông và lâm sản, chế tạo thiết bị tải điện, sản xuất tân dược.... Các tập đoàn, công ty Ấn Độ đã vào Việt Nam tìm cơ hội đầu tư ngày càng tăng (sản xuất thép, IT, lọc hóa dầu, sản xuất đá xẻ, chế tạo phụ tùng ô tô, xe máy...). Năm 2006, Ấn Độ đã có bước nhảy ấn tượng từ vị trí thứ 35 lên thứ 28 trong số những đối tác đầu tư vào Việt Nam, với số vốn đăng ký từ 45 triệu USD lên 123 triệu USD. Năm 2007 đánh dấu bước chuyển lớn về đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam, với các dự án đầu tư của các tập đoàn Essar và Tata[2] trong sản xuất thép đã đưa Ấn Độ vào nhóm 10 nước đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Hiện nay, Ấn Độ có 78 dự án FDI tại Việt Nam với 254,5 triệu USD, xếp thứ 30 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam[3]. Các công ty có đầu tư lớn vào Việt Nam là Essar, TATA[4].... Hai bên đang khuyến khích hợp tác về năng lượng, dầu khí, khai thác và chế biến khoáng sản; phối hợp tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA từ Ấn Ðộ. Một số lĩnh vực của Việt Nam có triển vọng cho các nhà đầu tư của Ấn Độ là: Bất động sản; Dịch vụ y tế; Năng lượng; Dược phẩm, công nghệ thông tin....Về phía Việt Nam cũng có thể đầu tư vào chế biến thực phẩm, tại những nơi sản xuất nhiều nông sản của Ấn Độ.
Về tín dụng ưu đãi: Từ năm 1978, Ấn Độ đã cho Việt Nam vay tín dụng để nhập trang thiết bị xây dựng các dự án về nông nghiệp, chế biến nông-lâm sản, chè, luyện kim...Việc vay vốn Ấn Độ đã và đang góp phần giúp Việt Nam thực hiện CNH, HĐH đất nước, đồng thời cũng giúp Ấn Độ giải quyết khó khăn, tiêu thụ được sản phẩm ra nước ngoài. Ấn Độ đã chi hàng trục triệu USD vào ngành đường sắt, đã cho Việt Nam vay nhiều khoản tín dụng ưu đãi. Hiện nay, Ấn Độ quyết định chuyển tín dụng ưu đãi sang lĩnh vực năng lượng. Mức tín dụng ưu đãi bình quân mà Ấn Độ dành cho Việt Nam khoảng từ 12 đến 15 triệu USD, với thời hạn sử dụng 15-20 năm, lãi suất 1,5%/năm. Tổng mức tín dụng ưu đãi của Ấn Độ có thể dành cho Việt Nam lên tới 1 tỷ USD.
Ngoài ra, khách du lịch Ấn Độ vào Việt Nam đã tăng đột biến trong những năm gần đây. Năm 2014 có hơn 50.000 lượt du khách Ấn Độ đến thăm Việt Nam so với 17.000 lượt người năm 2011[5].
4. Quan hệ quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ
Tiềm lực quốc phòng của Ấn Độ
Quân đội Ấn Độ có khoảng 1,145 triệu người; lực lượng an ninh biên giới 185 nghìn. Ấn Độ có khoảng 600 máy bay chiến đấu và hơn 500 máy bay vận tải và trực thăng. Phần lớn trang thiết bị vũ khí của Ấn Độ có nguồn gốc từ Nga. Ấn Độ tự hào vì đã tự phát triển và chế tạo các loại tên lửa. Hiện Ấn Độ có khoảng vài trăm đầu đạn hạt nhân; tên lửa Agni 3 (tầm bắn 3000 - 3500 km, mang đầu đạn hạt nhân 1,5 tấn); tên lửa siêu thanh Brahmos (tầm bắn 300 km, dùng cả trên bộ, biển và không).... Với chiều hướng phát triển hiện nay, Ấn Độ sẽ có lực lượng quân đội hiện đại được trang bị vũ khí công nghệ cao. Ấn Độ cũng đang thúc đẩy việc mua vũ khí từ Pháp, Mỹ, Israel để đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí, tránh phụ thuộc vào Nga.
Với tiềm lực như trên, việc tăng cường quan hệ quốc phòng với Ấn Độ là một yêu cầu hết sức thực tế. Hai nước đã có những bước phát triển tốt đẹp, đánh dấu bằng việc hai nước thiết lập “Phòng Tuỳ viên Quân sự” (năm 1980) ở mỗi nước, ký “Nghị định thư Hợp tác về Quốc phòng” (1994) và bắt đầu tiến trình đối thoại về an ninh. Trong những năm qua, hợp tác quốc phòng đã gia tăng đáng kể, thông qua việc trao đổi các đoàn quân sự, qua việc tàu chiến Ấn Độ thăm Việt Nam; Ấn Độ giúp đào tạo sĩ quan cho Việt Nam. Đến nay hai bên đã ký 4 thỏa thuận về hợp tác quốc phòng, tiến hành 9 vòng đối thoại về an ninh, lĩnh vực hợp tác không ngừng mở rộng, không chỉ về huấn luyện quân sự, cung cấp trang thiết bị vũ khí mà còn hợp tác chia sẻ thông tin cơ mật, phát triển tên lửa, vệ tinh, Việt Nam tham gia các cuộc tập trận của Ấn Độ với tư cách quan sát viên[6]. Trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự trên biển, Ấn Độ sẽ là quốc gia có khả năng tạo thế cân bằng mới. Vì thế, hợp tác với Ấn Độ cũng là một điều bình thường. Vấn đề là khả năng và hiệu quả của sự hợp tác.
Năm 2014, ẤĐ cấp 100 triệu USD tín dụng cho Việt Nam mua vũ khí[7].
Sự giúp đỡ của Ấn Độ đối với Việt Nam
Trong thập niên 1970, bất chấp sự phản đối của phương Tây và các nước vùng Đông Nam Á, Ấn Độ đã ủng hộ Việt Nam giải quyết vấn đề Campuchia. Ấn Độ đã cung cấp một số thiết bị và phụ tùng cần thiết cho máy bay của Việt Nam, giúp đỡ kinh nghiệm.... Trong thời kỳ Việt Nam bị Mỹ bao vây cấm vận, Ấn Độ đã giúp tu sửa và cung cấp một số linh kiện, phụ tùng cho máy bay của Việt Nam do Mỹ chế tạo. Từ giữa những năm 80, hàng năm Ấn Độ đã giúp đào tạo cho Việt Nam từ 1-2 cán bộ tại Học viện Quân sự cao cấp. Ngoài ra, mỗi năm Bộ Quốc phòng cũng đã cử 7-8 cán bộ sang Ấn Độ học nâng cao tiếng Anh tại các Học viện của bạn. Ấn Độ còn giúp Việt Nam trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, an ninh mạng.
Xuất phát từ việc hai nước đều có lợi ích lớn về hàng hải, Việt Nam và Ấn Độ đã nhất trí hợp tác chặt chẽ trong nhằm bảo đảm an ninh đường biển, bao gồm chống cướp biển, ngăn ngừa ô nhiễm, tìm kiếm và cứu hộ. Ấn Độ nhiều lần thăm dò khả năng hai nước phối hợp đóng tầu tuần dương và tỏ ý sẵn sàng bán tàu cho Việt Nam với giá thấp nhất. Những năm gần đây, hàng năm Ấn Độ đều có tàu hải quân thăm Việt Nam hoặc ghé quá cảnh kỹ thuật.... Gần đây, Việt Nam đã đề nghị thiết lập quan hệ chính thức giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Ấn Độ. Hai bên đã ký Hiệp định hỗ trợ tư pháp, tạo điều kiện cho việc điều tra, ngăn chặn tội phạm. (Xem tiếp phần 3)
*, ** Học viện Ngoại giao
[2] Tập đoàn Tata gồm 96 công ty thành viên, hoạt động trong 7 lĩnh vực là: thông tin - viễn thông, cơ khí, vật liệu, dịch vụ, năng lượng, hàng tiêu dùng và hóa chất. Giá trị tài sản đạt 53,6 tỉ USD, doanh thu năm 2006: 21,9 tỉ USD. Số nhân viên: hơn 246 nghìn người.
[3] http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/ChinhTri/2014/10/21AFE01A814DA506/
[4] http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/ChinhTri/2014/10/432A0040902C18D6/
[5] Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 8/2/2015.
[6] Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Thế giới Tri thức, số 6, ngày 16/3/2016.
[7] VOA, 28/10/2014.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục