Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tình hình phát triển năng lượng quốc gia và năng lượng tái tạo Việt Nam (Phần 1)

Tình hình phát triển năng lượng quốc gia và năng lượng tái tạo Việt Nam (Phần 1)

03:09 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tình hình phát triển năng lượng quốc gia và năng lượng tái tạo Việt Nam*

Executive Summary

This report is generated by the Department of Electricity and Renewable Energies, Minitry of Industry and Technology on the developments of Vietnamese national energy and renewable energies. The report was released on May 7th 2019. The report consists of two parts.

Part 1: An overview of energy industry in Vietnam, with the data on energy importation as of the end of 2018, and the visionary trends for the development of the industry from 2019. The final section of this part entails the specific goals for the development of energy market in Vietnam; and proposes some strategies to achieve the goals.

Part 2: An overview of the cooperation between India and Vietnam in enrgy industry, the most updated developments in the thermal poewer project of TATA in Soc Trang, the solar energy projects of TATA in Soc Trang, Binh Phoc, Binh Thuan, and the solar energy project of Anadi in Ninh Thuan.

*******

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Cục ĐL) - Bộ Công Thương nhận được Văn bản số 151-KH/HVCTQG và Giấy mời số 83-GM/HVCTQG ngày 03 tháng 4 năm 2019 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đề nghị phối hợp tổ chức, tham gia viết bài và tham dự Hội thảo khoa học quốc tế “Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ về an ninh năng lượng trong bối cảnh mới”. Về vấn đề này, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cung cấp nội dung bài viết về tình hình phát triển năng lượng quốc gia và năng lượng tái tạo Việt Nam như sau:

I. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG QUỐC GIA

1. Tổng quan về năng lượng Việt Nam

Nền kinh tế Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng trong vài thập kỷ qua với việc chuyển từ một nền kinh tế nông nghiệp sử dụng năng lượng chủ yếu dựa trên các loại nhiên liệu sinh khối truyền thống sang một nền kinh tế sử dụng các dạng năng lượng tổng hợp và hiện đại. Tổng giá trị sản phẩm quốc nội (GDP) đầu người đã tăng từ 114 USD vào năm 1990 đến 2.587 USD vào năm 2018 như là một dấu mốc quan trọng đưa Việt Nam trở thành một quốc gia thu nhập trung bình. Chính phủ luôn coi tăng trưởng kinh tế là một ưu tiên hàng đầu, tuy nhiên các chiến lược của Chính phủ đều nhấn mạnh rằng tăng trưởng nhanh phải song song với phát triển bền vững, gắn liền với công bằng và hòa nhập xã hội.

Việt Nam có nhiều loại nguồn năng lượng sơ cấp nội địa như dầu thô, than đá, khí, thủy điện và năng lượng phi thương mại (năng lượng sử dụng trong sinh hoạt như củi gỗ, các chất phế thải từ sản xuất nông nghiệp, rác) là những nguồn năng lượng được khai thác trong nước. Trong những năm gần đây, tổng năng lượng khai thác có xu hướng ổn định, chủ yếu là do sản lượng khai thác các sản phẩm thương mại không có sự đột biến lớn về lượng. Với mức độ tăng cao về nhu cầu năng lượng sơ cấp phục vụ cho phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu tịnh năng lượng từ năm 2015.

Tổng cung cấp năng lượng sơ cấp của Việt Nam năm 2017 là 71.903 KTOE, tăng 1,98% so với năm 2016. Trong cơ cấu cung năng lượng sơ cấp, năng lượng thương mại chiếm 89,0% và năng lượng phi thương mại chiếm 11,0%. Chi tiết về dạng nhiên liệu thương mại, than chiếm vị trí dẫn đầu với 37,8%, tiếp đến Dầu thô và các sản phẩm dầu chiếm 28,3%, Khí tự nhiên ở vị trí thứ 3 với 12,3%, Thủy điện kết hợp lượng tịnh xuất nhập khẩu điện và các dạng phát điện từ nguồn năng lượng sạch ở vị trí cuối cùng với 10,5%. Cũng theo số liệu thống kê, lượng năng lượng phải thông qua quá trình chuyển đổi là gần 40 ngàn KTOE, tương đương 55,5% tổng cung năng lượng sơ cấp. Sự chuyển dịch sang năng lượng hóa thạch đã và đang tham gia vào việc tăng phát thải khí nhà kính.

Tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng (TFC) ước tính của năm 2017 là 55.659 KTOE, tăng 3,49% so với năm 2016. Có thể thấy mức tăng này chỉ bằng một nửa so với tăng trưởng GDP cùng kỳ.

Trong cơ cấu tiêu thụ, các sản phẩm xăng dầu ở vị trí dẫn đầu với 37,1%, kế tiếp là Điện với 27%, Than 20,1%, Biomass và năng lượng mặt trời 14,2%, Khí tự nhiên chủ yếu dùng cho sản xuất phân đạm và một số ứng dụng nhiệt trong sản xuất thép, sứ và làm CNG trong giao thông chỉ chiếm 1,6% trong tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng.

Năm 2017, tổng điện sản xuất và mua đạt 192,45 tỷ kWh, tăng 8,6% so với năm 2016, điện thương phẩm đạt 174,05 tỷ kWh, tăng 8,92% so với năm 2016. Trong giai đoạn 2011-2015 tổng công suất đặt nguồn điện toàn quốc tăng bình quân 12,8%/năm, cao hơn mức tăng trưởng phụ tải cực đại cùng giai đoạn là 9,6%/năm, trong đó công suất đặt nguồn điện năm 2015 đạt 39.350 MW (tăng 1,8 lần so với năm 2010) đứng thứ 2 trong các nước ASEAN.

2. Tình hình nhập khẩu năng lượng Việt Nam

Với hiện trạng xuất nhập khẩu năng lượng của năm 2017, số liệu cho thấy Việt Nam tiếp tục là quốc gia nhập khẩu năng lượng kể từ 2015. Lượng tịnh nhập khẩu là 13.189 KTOE, tương đương 18,3% tổng cung năng lượng sơ cấp. Về mặt giá trị, tổng kim ngạnh nhập khẩu là 10,65 tỷ USD tăng đột biến 44,5% so với năm 2016. Như vậy, chi phí nhập khẩu năng lượng chiếm tương đương với 6,1% của GDP, trong khi đó ở năm 2016 giá trị này chỉ là 4,5%.

Nếu xét về lượng, tổng năng lượng nhập khẩu của năm 2017 là 24.019 KTOE chỉ tăng 12% so với năm 2016. Tuy nhiên, giá trung bình nhập khẩu của tất cả các sản phẩm đều tăng đáng kể, ở mức xấp xỉ 100 USD trên mỗi tấn sản phẩm xăng dầu, riêng than tăng từ 73 USD lên 104 USD/tấn. Nếu xem xét lại xu thế nhập khẩu từ năm 2015 sẽ thấy giá năng lượng nhập khẩu sau 1 năm giảm đáng kể, đã tăng trở lại vào năm 2017. Trong cơ cấu nhập khẩu, các sản phẩm xăng dầu chiếm 63,5%, than chiếm 34,2%, kế đến là Dầu thô và Điện tương ứng 1,4% và 0,8% của tổng năng lượng nhập khẩu. Mặc dù là quốc gia xuất khẩu dầu thô, nhưng trong năm 2017 Việt Nam đã nhập hơn 330 ngàn tấn dầu thô nhằm cung cấp nguyên liệu cho nhà máy lọc dầu. Theo cập nhật mới nhất từ Tổng cục Hải Quan, trong 6 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã nhập khẩu 1,25 triệu tấn dầu thô trị giá hơn 600 triệu USD, tăng tới gần 346% so với cùng kỳ năm 2017.

3. Dự báo nhu cầu năng lượng Việt Nam

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Năng lượng - Bộ Công Thương, dự báo về nhu cầu năng lượng cho thấy, đến năng 2035, tổng nhu cầu năng lượng cuối cùng tăng gần gấp 2,5 lần so với năm 2015. Năng lượng cuối cùng có thể tăng từ 54 triệu TOE ở năm 2015 lên đến khoảng 90 triệu TOE ở năm 2025. Năng lượng cuối cùng có thể đạt mức 134,5 triệu TOE vào năm 2035. Trong giai đoạn 2016-2025, năng lượng cuối cùng tăng khoảng 5,1%/năm và có xu hướng giảm xuống mức 4,2%/năm ở giai đoạn 2026-2035 phù hợp với mức tăng dần của tăng trưởng GDP và sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế.

Trong cả giai đoạn 2016-2035, hệ số đàn hồi nhu cầu năng lượng cuối cùng so với GDP là 0,67 lần. Hệ số này có xu hướng giảm dần trong các giai đoạn 10 năm, ở giai đoạn 2016-2025 là 0,68 sau đó giảm xuống mức 0,64 cho giai đoạn 2026-2035.

Vào năm 2035, mức tiêu thụ năng lượng trong giao thông vận tải (chiếm tỷ trọng 27,5%) được dự báo sẽ gia tăng nhanh nhất (5,7%/năm), lĩnh vực công nghiệp (chiếm tỷ trọng 45,3%) có tốc độ tăng 5,0%/năm trong giai đoạn 2016-2035.

Dự báo cho thấy nhu cầu năng lượng tăng mạnh và một xu thế hợp lý về việc thay đổi trong cơ cấu nền kinh tế, sau một giai đoạn dài phát triển về chiều rộng, nền kinh tế trong những năm tới sẽ được phát triển theo chiều sâu, góp phần làm giảm cường độ năng lượng và hệ số đàn hồi nhu cầu năng lượng cuối cùng.

4. Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia

Trong bối cảnh tăng cường hội nhập và chủ trương phát triển ngành năng lượng theo hướng thị trường, đảm bảo cung cấp năng lượng đầy đủ, ổn định và an toàn cho các yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội, việc định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 là hết sức cần thiết về mặt pháp lý, tầm nhìn tổng thể và đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội - môi trường. Theo nội dung Tờ trình số 12005/TTr-BCT ngày 21 tháng 12 năm 2017 của Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2035 đã đưa ra các quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển năng lượng Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 như sau:

4.1. Quan điểm phát triển

Một là, phát triển tối ưu hệ thống năng lượng tổng thể nhằm cung cấp đầy đủ và đảm bảo an ninh năng lượng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Hai là, sử dụng có hiệu quả nguồn năng lượng sơ cấp nhằm bảo tồn nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với nhập khẩu năng lượng hợp lý nhằm đa dạng hóa nguồn cung năng lượng.

Ba là, đẩy mạnh các hoạt động sử dụng hiệu quả năng lượng và khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, bảo tồn tài nguyên năng lượng và giảm thiểu các tác động tiêu cực tới môi trường trong hoạt động năng lượng.

Bốn là, phát triển các thị trường năng lượng cạnh tranh theo đúng lộ trình nhằm đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh năng lượng đồng thời tăng hiệu quả hoạt động của các hệ thống cung cấp và sử dụng năng lượng.

Năm là, từng bước nâng cao chất lượng các dịch vụ cung cấp năng lượng. Thực hiện giá bán các sản phẩm năng lượng theo cơ chế thị trường nhằm khuyến khích đầu tư phát triển năng lượng sạch và thúc đẩy hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và có hiệu quả.

Sáu là, từng bước hoàn thiện cơ chế chính sách năng lượng để đảm bảo phát triển năng lượng bền vững và đạt được các mục tiêu phát triển. (Xem tiếp Phần 2)


* Báo cáo của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương (Phó Cục trưởng Lê Văn Lực đã ký). Bài tham luận tại Hội thảo khoa học quốc tế “Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ về an ninh năng lượng” ngày 27/5/2019 tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục