Tọa đàm khoa học quốc tế chủ đề “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ và sáng kiến Vành đai, con đường của Trung Quốc”
Ngày 21/12/2018, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ phối hợp cùng Vụ Hợp tác quốc tế, Viện Thông tin khoa học, Viện Thống nhất quốc gia Hàn Quốc và Học viện Ngoại giao quốc gia Hàn Quốc cùng tổ chức buổi tọa đàm khoa học quốc tế với chủ đề “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ và sáng kiến Vành đai, con đường của Trung Quốc”.
Tham dự buổi tọa đàm khoa học quốc tế, về phía Học viện có PGS, TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, PGS, TS Lê Văn Toan, Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, TS Nguyễn Thị Phương Thảo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, PGS, TS Nguyễn Hữu Thắng, Phó Viện trưởng Viện Thông tin khoa học, TS Nguyễn Mạnh Hải, Phó Viện trưởng Viện Thông tin khoa học; về phía Hàn Quốc có TS Bae Jung Ho, Nghiên cứu viên cao cấp của Viện Nghiên cứu Thống nhất quốc gia Hàn Quốc (KINU), GS, TS Choe Wongi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN-Ấn Độ, Học viện Ngoại giao quốc gia Hàn Quốc (KNDA), TS Kim Jin Ha và TS Lee Ki Tae, Nghiên cứu viên KINU. Ngoài ra, tham dự buổi tọa đàm khoa học quốc tế còn có đông đảo chuyên gia, cán bộ nghiên cứu đến từ các đơn vị thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm khoa học, PGS, TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện trưởng Viện Thông tin khoa học, chào mừng các học giả đến từ Hàn Quốc tham gia chia sẻ các nghiên cứu về vấn đề “chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ và sáng kiến Vành đai, con đường của Trung Quốc”. PGS, TS Nguyễn Duy Bắc nhấn mạnh, đây là những vấn đề đang thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học ở Việt Nam cũng như thế giới, đồng thời bày tỏ mong muốn các nhà khoa học Hàn Quốc và Việt Nam sẽ cùng chia sẻ, thảo luận những nghiên cứu mà hai bên đã triển khai và quan tâm. PGS, TS Nguyễn Duy Bắc cũng giới thiệu những nét khái quát nhất về Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với các vị khách đến từ Hàn Quốc, đồng thời hy vọng thông qua buổi tọa đàm khoa học quốc tế lần này, hai bên sẽ tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác học thuật trong tương lai thông qua các kênh như: trao đổi học giả, triển khai các dự án nghiên cứu chung…
PGS, TS Hoàng Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, đã trân trọng giới thiệu TS Bae Jung Ho, GS, TS Choe Wongi, PGS, TS Lê Văn Toan và PGS, TS Nguyễn Hữu Thắng đồng chủ trì buổi tọa đàm khoa học quốc tế.
Mở đầu buổi tọa đàm, TS Bae Jung Ho đã trình bày về bối cảnh của chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở”, những biến chuyển địa chính trị mới ở khu vực Đông Bắc Á gần đây và những tác động có thể đối với Hàn Quốc, sự tham gia của Nhật Bản vào chiến lược này nhằm mục đích cạnh tranh với sáng kiến BRI của Trung Quốc, giữ thế cân bằng chiến lược, cũng như duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Ngoài ra, TS Bae Jung Ho cũng chỉ rõ, việc Nhật Bản tham gia vào BRI chủ yếu diễn ra ở phương diện hợp tác kinh tế và cấp độ doanh nghiệp.
Với tư cách đồng chủ trì và diễn giả chính của buổi tọa đàm khoa học quốc tế, trong bài trình bày của mình, PGS, TS Lê Văn Toan, Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, cho rằng, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất trên mọi lĩnh vực, đồng thời, nhắc lại sự giúp đỡ của Hàn Quốc đối với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thông qua các chương trình của tổ chức KOICA, Tổ chức Kotin, Tập đoàn Samsung… PGS, TS Lê Văn Toan cho biết, trong năm 2018, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế và các tọa đàm khoa học quốc tế liên quan đến chủ đề Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với sự tham gia đông đảo của các học giả Việt Nam và quốc tế. Thông qua các cuộc trao đổi học thuật quốc tế đó, PGS, TS Lê Văn Toan đã khái quát những điểm cốt lõi từ cách tiếp cận nghiên cứu, sự ra đời của thuật ngữ, diễn biến từ thuật ngữ địa sinh học đến địa chính trị, quá trình phát triển từ thuật ngữ, khái niệm đến việc coi nó như một chiến lược, nhấn mạnh nội hàm và quan điểm của Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, Việt Nam về khái niệm “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Trong đó, PGS, TS Lê Văn Toan nhấn mạnh đến quan điểm cho rằng, chỉ có ba quốc gia là Mỹ, Nhật Bản, Australia xem “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” là một chiến lược, còn Ấn Độ chỉ xem khái niệm này là một tầm nhìn, và lý giải nguyên nhân vì sao lại có những quan điểm như vậy. PGS, TS Lê Văn Toan cũng nhấn mạnh vai trò, tác động của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đến Đông Bắc Á và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và Hàn Quốc.
Tiếp nối phần trình bày của PGS, TS Lê Văn Toan, GS Choe Wongi, đã có bài trình bày về quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc nhìn từ góc độ giao lưu nhân dân, đặc biệt là nhấn mạnh đến số lượng hơn 27 nghìn người Việt Nam đang học tập và làm việc tại Hàn Quốc chính là những đại sứ cho quan hệ hai nước. GS Choe Wongi cũng giới thiệu đến chính sách Hướng Nam mới của Hàn Quốc đối với khu vực ASEAN, trong đó Việt Nam giữ vai trò trung tâm của chính sách này. Về chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương”, GS Choe Wongi cho rằng, tiền thân của chiến lược này là chiến lược “Châu Á – Thái Bình Dương”, và việc nâng cấp, mở rộng lên thành chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương” xuất phát từ ba nguyên nhân: kinh tế, liên kết hợp tác và sự thay đổi về cấu trúc an ninh khu vực.
Ở phần cuối buổi tọa đàm khoa học quốc tế, PGS, TS Nguyễn Hữu Thắng đã có bài trình bày về sáng kiến “Vành đai, con đường” (BRI) của Trung Quốc. PGS, TS Nguyễn Hữu Thắng cho rằng, BRI biểu hiện cho sự trỗi dậy của Trung Quốc, là sự thay đổi chiến lược đối ngoại từ “giấu mình chờ thời” sang thể hiện sức mạnh. Sáng kiến BRI là một đại chiến lược to lớn, thể hiện tham vọng của Trung Quốc trong bối cảnh cạnh tranh địa chiến lược gay gắt trên thế giới. Ngoài ra, PGS, TS Nguyễn Hữu Thắng cũng khái quát thái độ của các nước đối với BRI, trong đó chủ yếu chia thành 3 nhóm: kỳ vọng, phản đối từ đầu và tham gia nhưng không tích cực.
Sau phần trình bày của các diễn giả chính của buổi tọa đàm khoa học quốc tế, các chuyên gia và cán bộ nghiên cứu đã có những trao đổi thêm về các vấn đề như CPTPP, chính sách Hướng Nam của Hàn Quốc, chính sách Hành động Phía Đông của Ấn Độ…
Sau thời gian trao đổi sôi nổi kéo dài hơn 3 tiếng, buổi tọa đàm khoa học quốc tế đã thu được nhiều thành quả tích cực, đồng thời mở ra cơ hội hợp tác, trao đổi thông tin khoa học giữa các chuyên gia, nhà nghiên cứu của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với Viện Nghiên cứu Thống nhất quốc gia Hàn Quốc, Học viện Ngoại giao quốc gia Hàn Quốc trong thời gian tới.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục