Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tọa đàm “Trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam-Ấn Độ”

Tọa đàm “Trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam-Ấn Độ”

Ngày 18/10/2021, tại tư dinh của Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, Trung tâm Văn hóa Ấn Độ Swami Vevakananda cùng Hội hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ Thành phố Hà Nội đã tổ chức tọa đàm tìm hiểu văn hóa qua trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam và Ấn Độ.

03:02 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Buổi tọa đàm là cơ hội để hiểu thêm về khát vọng của hai dân tộc Việt Nam - Ấn Độ qua lĩnh vực thời trang, nhân kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam, 76 năm thành lập nước CHXHCN Việt Nam và 75 năm thành lập Cộng Hòa Ấn Độ. Sự kiện có sự tham gia của Đại sứ Ấn Độ; Bí thư thứ nhất về Chính trị, Quyền Giám đốc Trung tâm Văn hóa Ấn Độ; Các phu nhân của các đại sứ; Đại diện nữ đại biểu quốc hội; Đại diện Lãnh đạo Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á; Đại diện Lãnh đạo Hội hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ Thành phố Hà Nội; và cán bộ nữ của Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Tại buổi tọa đàm, nghệ sĩ thiết kế áo dài Đức Hùng, Phó Giám đốc Nhà hát múa rối Thăng Long đã trình bày về lịch sử hình thành và ý nghĩa tà áo dài Việt Nam. Hoa hậu Việt Nam năm 2010 Ngọc Hân cùng nhóm người đẹp áo dài đã trình diễn những thiết kế áo dài lấy cảm hứng từ những họa tiết trong kinh Phật Ấn Độ.

Bà Manu Verma, phu nhân Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam cùng nhóm người mẫu Ấn Độ đã trình diễn những bộ trang phục truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa đa dạng và sinh động của Ấn Độ.

Kinh đạo Phật và đạo Jain cho rằng, trang phục Saree mang đậm nữ tính, thể hiện sự thu hút của phụ nữ, là biểu tượng của lòng nhân ái, vị tha, bao bọc, che chở, làm chỗ dựa tinh thần cho những thành viên trong gia đình.

Cho dù toàn cầu hóa đang có ảnh hưởng lớn tới văn hóa nhiều quốc gia, Ấn Độ vẫn cố gắng bảo tồn trang phục truyền thống như một phần cơ bản của nền văn hóa. Có nhiều loại trang phục truyền thống, nhưng một số loại phổ biến nhất là saree, dhot và dastar.

Lịch sử của trang phục Ấn Độ bắt đầu từ thiên niên kỷ thứ 5 trước Công nguyên. Nền văn minh thung lũng Indus đã từng áp dụng kỹ thuật quay, dệt và nhuộm vải bông. Ngành công nghiệp vải bông khi đó đã phát triển vô cùng tiên tiến, và một số kỹ thuật được sử dụng trong quá khứ vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

Trong thời kỳ Maurya và thời kỳ Gupta, người Ấn Độ thường mặc quần áo có đường khâu và không khâu, và phổ biến nhất là anariya làm bằng vải bông trắng và dùng dây buộc quanh lưng. Cùng với thời gian, các tuyến thương mại mới đã mở rộng ngành công nghiệp dệt may của tiểu lục địa Ấn Độ. Người La Mã mua chàm của Ấn Độ để nhuộm, và giao thương với Trung Quốc đã mang kỹ thuật dệt tới Ấn Độ. Dệt may luôn là một phần quan trọng trong thương mại của Ấn Độ. Ấn Độ từng giao thương với Trung Quốc, Đông Nam Á, Đế chế La Mã, Ả Rập, và châu Âu, để trao đổi hàng hóa, chủ yếu là mặt hàng gia vị và trang phục.

Saree là trang phục truyền thống tiêu biểu nhất của tiểu lục địa Ấn Độ. Saree thường gồm có 3 mảnh là áo, váy và vải quấn. Tấm vải Saree dài từ 5 đến trên 6 mét, rộng khoảng 1 mét, thường được quấn quanh thắt lưng. Có tới hơn 80 cách quấn vải Saree.

Saree đỏ là trang phục truyền thống của cô dâu trong lễ cưới Ấn Độ. Mỗi lễ cưới kéo dài từ 3 đến 9 ngày, là dịp để các gia đình Ấn Độ mặc trang phục truyền thống và tham gia các nghi thức cổ truyền. Do vậy, mùa cưới cũng là mùa Saree và các loại trang sức vàng bán chạy nhất ở Ấn Độ.

Ngày nay, phụ nữ hiện đại vẫn mặc Saree trong mọi hoàn cảnh. Phụ nữ trong quân đội Ấn Độ có hai loại đồng phục là quân phục và Saree. Các nhà khoa học nữ, phụ nữ công sở, vẫn lựa chọn Saree làm trang phục tại nơi làm việc. Hầu hết các khách sạn sang trọng bậc nhất đều yêu cầu nhân viên nữ mặc đồng phục saree. Nam giới thường mặc bộ Tây với khăn xếp để thể hiện văn hóa bản địa. Biến tấu với Saree đã tạo ra sự kết hợp giữa văn hóa truyền thống với văn hóa phổ thông hiện đại, là sự hòa trộn giữa phong cách phương Tây và Ấn Độ.

Chú thích ảnh: Các đại biểu tham dự tọa đàm

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục