Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tổng quan về hai ngày Hội thảo “Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ: Hồi tưởng và Triển vọng”, do Hội đồng quan hệ văn hóa Ấn Độ (ICCR) tổ chức tại thủ đô New Delhi từ 20- 21 tháng 2 năm 2016

Tổng quan về hai ngày Hội thảo “Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ: Hồi tưởng và Triển vọng”, do Hội đồng quan hệ văn hóa Ấn Độ (ICCR) tổ chức tại thủ đô New Delhi từ 20- 21 tháng 2 năm 2016

Ngày 20 và 21 tháng 2 năm 2016, Hội đồng Quan hệ văn hóa Ấn Độ (ICCR) đã tổ chức cuộc hội thảo hai ngày về chủ đề "Quan hệ Ấn Độ-Việt Nam: Hồi tưởng và triển vọng" tại Thủ đô New Delhi. Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ xin trân trọng gửi tới quý độc giả Tổng quan của cuộc Hội thảo do Giáo sư Geetesh Sharma, Điều phối viên học thuật của Hội thảo thực hiện.

02:42 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tổng quan về hai ngày Hội thảo “Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ: Hồi tưởng và Triển vọng”,
do Hội đồng quan hệ văn hóa Ấn Độ (ICCR) tổ chức tại thủ đô New Delhi từ 20- 21 tháng 2 năm 2016

Ngài Geetesh Sharma*

 

Quan hệ văn hóa Việt Nam - Ấn Độ có lẽ đã bắt đầu từ thế kỷ đầu hoặc thậm chí sớm hơn. Văn hóa Phật giáo và Bà la môn đã có ảnh hướng lớn và tác động sâu sắc đến đất nước và con người Việt Nam. Có rất nhiều bằng chứng lịch sử chứng minh cho quan điểm này, và điều này được nhìn thấy rõ nét hơn ở miền Trung và một số khu vực miền Nam Việt Nam. Quan hệ hai nước chúng ta luôn duy trì sự hợp tác, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau. Tuy nhiên, liệu chúng ta đã đủ hài lòng về mối quan hệ này?

Nhiều khu vực ở Châu Á, đặc biệt là Nam Á và Đông Nam Á đang phải đối mặt với giai đoạn khó khăn trong vấn đề hợp tác khu vực vì nhiều mâu thuẫn. Các quốc gia nhỏ hơn đang phải chi một khoản tiền khổng lồ cho vũ khí nhằm mục đích tự vệ vì thái độ bá quyền của một số quốc gia nhất định. Theo thiển ý của chúng tôi, nếu chúng ta có thể đoàn kết người dân trong khu vực thông qua văn hóa vì hòa bình, ổn định, hữu nghị và phát triển, thì chúng ta sẽ có thể giải quyết vấn đề này ở một mức độ nhất định thông qua các biện pháp hòa bình. Và ở đây, Việt Nam và Ấn Độ sẽ đóng một vai trò quan trọng và có hiệu quả.

Mặc dù hai nước chúng ta đang có mối quan hệ cực kỳ thân thiết, nhưng chúng ta vẫn còn thiếu sót trong lĩnh vực hợp tác văn hóa. Nếu mối quan hệ giữa nhân dân hai nước ngày càng được phát triển hơn thông qua du lịch, giao lưu văn hóa trong các lĩnh vực nghệ thuật, văn học, âm nhạc và vũ đạo, nó sẽ không chỉ ảnh hưởng lớn đến Việt Nam và Ấn Độ mà còn ảnh hưởng tới toàn bộ khu vực châu Á. Dựa trên những quan sát thực tiễn đó, Hội đồng Quan hệ văn hóa Ấn Độ (ICCR) đã tổ chức cuộc hội thảo hai ngày về chủ đề "Quan hệ Ấn Độ-Việt Nam: Hồi tưởng và triển vọng" tại Thủ đô New Delhi vào ngày 20 và 21 tháng 2 năm 2016.

 

Vào đêm trước của Hội thảo, ngày 19 tháng 2 năm 2016, một màn trình diễn văn hóa thú vị và đầy màu sắc của âm nhạc cổ điển Ấn Độ và Rabindra Sangit đã được biểu diễn bởi những nghệ sĩ xuất sắc trên thảm cỏ độc đáo của ICCR. Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Hội đồng Văn hóa Ấn Độ, Giáo sư Lokesh Chandra; Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Vũ Xuân Hồng; và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ, Tôn Sinh Thành đã nhấn mạnh tầm nhìn tương lai của  quan hệ song phương giữa hai nước và lý giải tại sao mối quan hệ này không chỉ quan trọng về mặt chiến lược mà còn cả trên phương diện văn hóa nhằm hướng đến sự hiểu biết lẫn nhau tốt hơn giữa hai nước.

Ngài C.Rajasekhar, Tổng giám đốc Hội đồng Quan hệ văn hóa Ấn Độ đã tiếp tục chương trình với bài phát biểu ngắn ngọn nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ.

Đúng 11 giờ sáng ngày 20 tháng 2 năm 2016, Giám đốc ICCR GS. Lokesh Chandra đã chính thức khai mạc Hội thảo, trong bài diễn văn của mình, ông đã khẳng định văn hóa nên được coi là ưu tiên hàng đầu bên cạnh những lĩnh vực hợp tác khác. Ngài Lokesh Chandra cho rằng, Ấn Độ và Việt Nam đã có một truyền thống vẻ vang về quan hệ hữu nghị trong quá khứ và chúng ta cần phát huy truyền thống tốt đẹp này. Tổng giám đốc ICCR C.Rajasekhar đã nhấn mạnh tình hữu nghị quý giá và tự hào của hai nước chúng ta không chỉ là câu chuyện của ngày hôm nay, của ngày hôm qua hay của thế kỷ trước mà nó là một câu chuyện lâu dài về sự ngưỡng mộ, tôn trọng và yêu thương lẫn nhau giữa hai dân tộc, tình cảm ấy đã xuyên suốt hơn hai thiên nhiên kỷ và luôn bền chặt.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách phương Đông - Ngài Anil Wadhwa - đã dẫn lại lời của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng rằng, mối quan hệ hữu nghị hai nước “trong sáng như bầu trời không một gợn mây”, ông cũng trình bày rất sâu sắc về những khía cạnh khác nhau và triển vọng tươi sáng của mối quan hệ ấy. Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghi Việt Nam – ông Vũ Xuân Hồng - đã phát biểu về một số đề xuất quan trọng và nhấn mạnh việc triển khai các biên bản ghi nhớ được ký kết nhằm củng cố và đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ.

Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành đã đánh giá cao sự phong phú của nền văn hóa Ấn Độ và nói về ngoại giao văn hóa. Ông cho rằng, nếu Chính phủ Ấn Độ chấp nhận đề xuất xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thủ đô Ấn Độ thì đó sẽ là một biểu tượng tuyệt vời của tình hữu nghị. Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam – PGS, TS Phạm Văn Đức cũng tin tưởng rằng, các học giả Việt Nam, Ấn Độ và quốc tế sẽ cùng nhau chia sẻ những thông tin lịch sử và mang lại cái nhìn mới cho mối quan hệ văn hóa đã cũ và đưa mối quan hệ song phương lên một tầm cao mới. Bà Namarata kumar - Phó Tổng giám đốc ICCR - đã gửi lời cảm ơn và chia sẻ về mối liên kết lịch sử cũng như một số sáng kiến quan trọng được thực hiện bởi ICCR về sự chuyển dịch, hình thành và đảm bảo quan hệ đối tác cùng chia sẻ và những cầu nối giữa hai nước thông qua trao đổi văn hóa, học thuật và trí thức.

Trong bài phát biểu của mình, Ngài Geetesh Sharma – Điều phối viên học thuật của Hội thảo - cho rằng, văn hóa không chỉ là quyền lực mềm mà còn khiến nhân loại đoàn kết lại và tạo ra sự hòa hợp, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, điều đó đảm bảo cho sự hòa bình và phát triển. Ông cho rằng, quan hệ Ấn Độ -Việt Nam đã được thời gian thử nghiệm và hai nước nên tiếp tục nỗ lực và đảm bảo rằng, chiếc cây của tình hữu nghị này vẫn mãi xanh tươi và nở hoa hoa kết trái.

Sau phiên khai mạc là năm phiên họp khác với các chủ đề thảo luận như sau: Văn hóa kết nối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam; Hồ Chí Minh ở Ấn Độ và Tagore ở Việt Nam; Ảnh hưởng của Phật giáo và Ấn Độ giáo đến văn hóa Việt Nam; Tầm nhìn về quan hệ tương lai: Trao đổi ý kiến chung.

Các diễn giả và học giả nổi tiếng phát biểu tại Hội thảo gồm có: Ngài Anil Wadhwa – Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ phụ trách phương Đông; Ngài Vũ Xuân Hồng - Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghi Việt Nam; Ngài Tôn Sinh Thành - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ, Nguyên Đại sứ Afrab Seth; Ông Phạm Văn Đức - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Ông Lê Quốc Hưng - Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Thành phố Hồ Chí Minh; Giáo sư Amareshwar Galla và Giáo sư Tridib Chakraborti của trường Đại học Jadavpur, Kolkata; Giáo sư Tanveer Nasreen của trường Đại học Bardhaman; Bà Kusum Jain – Nhà thơ và nhà hoạt động văn hóa; Giáo sư Rajaram Panda từ Bhubaneshwar; Ông Võ Văn Thắng – Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật và Điêu khắc Chăm thành phố Đà Nẵng; Ông Prem Kapoor – nhà báo, nhà phê bình nghệ thuật, nhà hoạt động văn hóa; Ông Harivansh Chaturvedi – Giám đốc Viện Quản lý & Công nghệ Birla; Bà Ruchita Kazaria – nhà thơ và nhà hoạt động hòa bình; Bà Hà Thanh Ngọc, học giả nghiên cứu tại Đại học Allahabad; Giáo sư Nirmala Sharma – nhà sử học và nhà hoạt động văn hóa; PGS, TS Trần Kỳ Phương – nhà sử học và nghiên cứu văn hóa Chăm ở Việt Nam và Đông Nam Á; Bà Bạch Thanh Bình – Chánh văn phòng Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ; TS Đoàn Thị Tuyến và Đặng Thị Thái Hà đến từ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội; PGS, TS Lê Văn Toan – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, v.v..

Để tỏ lòng trân trọng các đại biểu và diễn giả đã tham gia Hội thảo, Đại sứ Tôn Sinh Thành đã tổ chức một bữa tiệc long trọng để chiêu đãi các khách mời tại Đại sứ quán nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Ấn Độ ở Chanakyapuri.

Trong hai ngày hội thảo, bên cạnh 7 quan sát viên, có khoảng 25 học giả, nhà nghiên cứu, các nhà hoạt động văn hóa tham dự và trình bày tham luận của họ nhằm làm nổi bật những khía cạnh khác nhau của mối quan hệ song phương Việt Nam và Ấn Độ. Điều đáng chú ý là các diễn giả đều nêu lên những quan sát riêng của mình mà không trùng lặp với các diễn giả khác.

Trong suốt quá trình diễn ra hội thảo từ phiên khai mạc đến phiên kết thúc, hội trường hầu như chật kín người và khán giả rất chăm chú khi lắng nghe các cuộc tranh luận. Một điểm đặc biệt khác của hội thảo này là thành phần tham gia hội thảo đại diện cho ba thế hệ thuộc nhóm độ tuổi từ 30 đến 84.

Sau những cuộc tranh luận và trao đổi dài với khán giả, phiên bế mạc đã diễn ra vào 15h ngày 21/2/2016 và kéo dài hơn 2 giờ. Tại đây, các diễn giả đều cảm thấy ngạc nhiên thích thú khi thấy rằng, các diễn giả ưu tú đều nhất trí với quan điểm:  mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ hiện nay đang rất tốt đẹp, nhưng họ cũng cho rằng, chúng ta không nên cảm thấy tự hài lòng mà nên nỗ lực không ngừng để đưa quan hệ hữu nghị hai nước lên một tầm cao mới, vì viễn cảnh toàn cầu hiện nay không  đưa ra bức tranh lạc quan bởi những mâu thuẫn khu vực, thái độ bá quyền của một số quốc gia, xung đột sắc tộc và các hình thức mới của chủ nghĩa khủng bố.

 Tình hữu nghị giữa hai nước không nên tiếp tục bị giới hạn ở khía cạnh quốc gia đơn thuần mà nên được nâng lên tầm anh em quốc tế nhằm tạo ra một môi trường hòa bình, thân thiện cũng như một môi trường để chống lại những thế lực xấu.

Điểm thu hút nữa của hội thảo này là cuộc triển lãm hấp dẫn một số hình ảnh hiếm về hai chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Ấn Độ vào năm 1946 và 1958. Bên cạnh đó, một số mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống và hiện đại của Việt Nam cùng với các trang phục truyền thống Việt Nam cũng đã được trưng bày. Một khu trưng bày khác là 17 bài thơ của nhà thơ Rabindranath Tagore được dịch và xuất bản sang tiếng Việt; cùng với 27 bài thơ được dịch sang tiếng Anh, tiếng Hinđu, tiếng Bengali đã được xuất bản ở Ấn Độ đã nêu bật tình đoàn kết và sự ủng hộ của nhân dân Ấn Độ đối với nhân dân Việt Nam trong suốt thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc. Những sản phẩm trưng bày từ bộ sưu tập cá nhân của Geetesh Sharma và Kusum Jain của Ủy ban Đoàn kết Việt Nam - Ấn Độ bang Tây Begal đã được người xem đánh giá rất cao.

Quyết định của Hội Nghị:

Tất cả những bài tham luận được trình bày bởi các học giả và những khách mời đặc biệt sẽ được xuất bản theo hình thức Coffee – Table Book.

Năm 2017, Ông Vũ Xuân Hồng – Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam sẽ chủ trì giai đoạn hai của Hội thảo tại Hà Nội để đánh dấu 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ.

Đề nghị của Chính phủ Việt Nam về việc xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh sẽ được thực hiện.

Các vấn đề liên quan đến việc trao đổi nhiều hơn các đoàn đại biểu của hai nước trong hợp tác kinh tế, việc mở cửa Trung tâm Văn hóa và Thương mại ở Kolkata, phát triển du lịch và các đề xuất học bổng cho sinh viên nên sẽ được ICCR và MEA của phía Ấn Độ, cùng với Đại sứ quán Việt Nam và Chính phủ Việt Nam xem xét.

Hội thảo này là một sự kiện đầy hứa hẹn và chúng tôi hy vọng rằng, thông qua đó, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý và các nhà hoạt động văn hóa làm việc trong lĩnh vực này có thể tạo ra một bầu không khí hòa bình, hữu nghị và phát triển giữa hai nước, điều này sẽ khuyến khích và thúc đẩy hai bên cùng triển khai các biện pháp thích hợp trong tương lai.

Người dịch: Nguyễn Thị Thu Hiền
Hiệu đính: ThS Phùng Thị Thanh Hà


* Điều phối viên học thuật

Nguồn:

Cùng chuyên mục